Xúc động người cựu chiến binh tình nguyện tham gia chống dịch

Lê Liên - Phạm Tùng

Những ngày cách ly ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), hình ảnh người đàn ông hơn 60 tuổi đứng ở đầu chốt phòng, chống dịch dù trời nắng hay mưa khiến ai cũng khó hiểu, vì trong thông có rất nhiều thanh niên khỏe mạnh có thể làm việc này. Đằng sau đó lại là cả một câu chuyện khiến người nghe không cầm được nước mắt.

Lầm lũi tuổi 62

Hoàn cảnh ông Trần Văn Tân (SN 1958, tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh) khiến ai nấy trong thôn đều thương xót. Vợ bị tai biến từ 3 năm trước, ông có 7 người con, 4 người con gái đã lấy chồng hoàn cảnh cũng không khấm khá. Người con trai thì lấy vợ được mấy năm thì ly dị, để lại 2 đứa con thơ cho chồng. Đứa con gái thứ 2 lấy chồng được 5 năm thì phát hiện ung thư vú rồi chồng cũng bỏ. Cô con gái út năm nay đã 24 tuổi chỉ biết cười ngây ngô như đứa trẻ mới lớn.

Sức khỏe ông Tân ngày càng yếu dần, chỉ trông chờ vào vài luống rau bán kiếm cơm qua ngày. Mọi chi phí đổ dồn vào người con trai ly dị vợ cùng 2 con về ở cùng cả nhà đi làm bốc vác.

Ngôi nhà cả gia đình 7 người trú ngụ là của cụ ngoại để lại, đến nay vẫn chưa có sổ đỏ. Căn nhà được xây dựng theo dạng ống với chiều ngang chỉ chưa đầy 2m, chiều dài khoảng 30m, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá, bởi tiền của chẳng ai làm ra được nhiều, nếu có cũng dồn cho người con thứ xạ trị vì căn bệnh ung thư quái ác.

Ngẫm về cuộc đời bi đát của mình ông Tân lặng đi, số ông vốn khổ từ bé, bố mẹ mất sớm, 4 anh em nương tựa vào nhau cùng lập nghiệp, xây dựng gia đình, đến khi lập gia đình riêng vẫn chưa hết khổ, tần tảo nuôi 8 người con mong sao sau về già còn có cái nương tựa, nhưng rồi vì nhà quá nghèo, lại đông con không ai được học tới nơi tới chốn, đều học hết lớp 2 rồi nghỉ học.

Đến tận bây giờ khi ở tuổi gần đất xa trời, ông vẫn phải lầm lũi nghĩ về vợ, về con cháu tương lai sẽ như thế nào?

Nhắc đến hoàn cảnh của anh chồng, bà Nguyễn Thị Nghị (em dâu út ông Tân) bật khóc, số anh mình cả đời lam lũ khổ cực, đến tuổi già vẫn không được nghỉ ngơi, hàng xóm ai cũng thương cảm.

“Bao năm trời, mặc dù gia đình thuộc diện khó khăn, nhưng mãi 2 năm trở lại đây, hàng xóm láng giềng kêu giúp với chính quyền mới được cho gia đình hộ nghèo, nhưng được 1 năm lại cắt đi thành hộ cận nghèo. Anh tôi hiền lãnh, đi chiến tranh về cũng chưa được hưởng chế độ, vợ con còn như thế, không biết tương lai sẽ như thế nào?” - Bà Nghị nghẹn lại kể cho chúng tôi.

Hết lòng vì vợ con

Ngày 7/4, Chủ tịch TP. Hà Nội quyết định phong tỏa thôn Hạ Lôi sau khi phát hiện ca bệnh dương tính đầu tiên. Trước đó, theo lời kêu gọi của tổ trưởng tổ dân phố, ông Tân đã xung phong ghi tên mình vào danh sách tình nguyện viên tham gia chống dịch tại tuyến đầu của xã.

“Ở nhà cũng ngồi không, tôi muốn góp chút công sức của mình cho xóm làng, chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi, bà con đỡ khổ” - Ông Tân bộc bạch.

Người em trai út thấy anh mình lớn tuổi mà phải vất vả, và nguy hiểm, nên đã dứt khoát không cho đi. Ở nhà 1 ngày, ông Tân buồn tủi cứ ngóng ra chốt xem tình hình, thương anh chồng bà Nghị lại nhắm mắt để anh tham gia.

Bà Nghị chia sẻ: “Chồng tôi thấy anh Tân vất vả nên nhất quyết không cho đi, nhưng tôi và mọi người có khuyên, để anh đi thứ nhất cho anh khuây khỏa, thứ 2 đi chống dịch sẽ được ăn cơm hỗ trợ, cũng đỡ. Nghe thế, chồng tôi mới nhắm mắt để anh Tân tham gia tiếp”.

“Trừ những lúc căng thẳng ra, anh em tại chốt rất nhiệt tình vui vẻ, công việc cũng không nặng nhọc. Bản thân tôi thấy vui vì được đóng góp sức mình cho thôn xóm” - Ông Tân hồ hởi kể lại.

Bà Nghị cho chúng tôi biết, việc ông Tân tham gia chống dịch còn là nghe sẽ được nhận tiền hỗ trợ. Với người khác có thể đó là một suy nghĩ thực sụng, tính toán, nhưng ông Tân chỉ mong muốn công sức lao động của mình có thể được gia đình đồng nào hay đồng đấy, cho con gái thứ 2 có tiền lo thuốc thang. Hơn nữa, nhiều xuất hỗ trợ của những người tại chốt không lấy người ta lại mang cho ông Tân.

“Nhiều khi ông ngại không lấy, người ta còn mang tận đến nhà, ở đây ai cũng biết và thương hoàn cảnh ông ấy, có tấm quần áo, hay miếng ăn nào cũng mang sang đem cho. Cũng may tình làng nghĩa xóm ở đây rất tốt” – Bà Nghị thật thà.

Một tương lai đượm buồn…

Trong 28 ngày cách ly, điều ông lo lắng nhất là cô con gái bị ung thư vú. bình thường 1 tháng chị Trần Thị Thúy (SN 1984) phải đi bệnh viện xạ trị và lấy thuốc một lần, nhưng do dịch chị phải ở nhà, thuốc hết, nên rất sợ bệnh tái tiến triển xấu.

“Một tháng nay nó hết thuốc, trong người nó bị mệt và khó chịu khiến tôi cũng lo lắng, gỡ cách ly phải bảo nó đi bệnh viện ngay”, ánh mắt người cha ảm đạm khi nhắc đến người con gái bất hạnh.

Kể thêm về chị Thúy, ông cho hay, lấy chồng được 5 năm, đến năm 2017 chị Thúy phát hiện ung thư vú, đang đau đớn với bệnh tật, thì người chồng nằng nặc đòi ly hôn. Ngậm đắng chị Thúy phải thu dọn đồ đạc về ở với bố mẹ từ đó đến nay.

Mặc dù bị bệnh, nhưng do gia đình không có điều kiện, chị vẫn phải đi làm ở công ty điện tử tại khu công nghiệp Quang Minh. “Cũng may công ty cũng biết hoàn cảnh nên cho nó làm 3 tuần trong 1 tháng, 1 tuần còn lại nó đi xạ trị 3 ngày tại bệnh viện, còn lại thì về nhà nghỉ ngơi, vì xạ trị xong phản ứng của thuốc nên người nó rất mệt, lại còn nôn ọe, nên không thể đi làm. Lương tháng của nó chỉ đủ tiền thuốc men, may có bảo hiểm của công ty nên cũng đỡ tiền nằm viện” - Ông Tân nghẹn ngào khi nhắc đến tình trạng sức khỏe của người con bệnh tật.

Nhắc đến vợ mình, ông Tân xót xa kể, 3 năm trước vợ ông là bà Nguyễn Thị Thân (SN 1958) do làm lụng vất vả, cùng với sinh nhiều con, sức khỏe yếu đi, rồi đột nhiên bất ngờ bị tai biến, nói không nên lời, chân tay run rẩy, ngồi xuống đứng lên là ngã phải có người đỡ.

“Ngày thường khi không có dịch, tôi thường hái rau rồi dẫn bà ấy ra chợ gần nhà ngồi bán, bán xong lại ra đỡ vợ tôi về, hoặc bảo đứa út ra chở về. Chứ để bà đứng lên là ngã, nhiều hôm đang ở nhà có người chạy về kêu, tôi lại phải chạy ra đỡ” - ông Tân tâm sự về hoàn cảnh vợ mình.

Ông Tân sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch, theo quy định sẽ phải tự cách ly ở nhà 14 ngày để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Chia tay gia đình ông Tân khi cả gia đình đang ăn bữa trưa đầu tiên sau lệnh gỡ cách ly, chúng tôi suy ngẫm về hình ảnh người cha già lam lũ, dáng người cao gầy với đôi mắt đượm buồn vì cả đời đau đau nỗi trăn trở cho vợ con, rồi sau này tương lai các cháu sẽ đi về đâu khi gia đình vẫn nghèo khó như thế.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng xóm Chợ cho biết, trường hợp của ông Trần Văn Tân được xóm rất quan tâm vì quá khổ, chúng tôi luôn tạo điều kiện hết sức cho gia đình.

Việc vận động tham gia chống dịch được ông Tân rất nhiệt tình hưởng ứng, hơn nữa chúng tôi vận động vì giúp ông có một chút chế độ cũng như được những phần quà từ các tổ chức.

"Trong thời gian tham gia chống dịch, ông Tân rất nhiệt tình, có những hôm trưa nắng thấy ông đứng chốt, tôi có động viên nghỉ ngơi nhưng ông nhất quyết không vào vì chưa hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi rất ghi nhận điều này" - Ông Thanh cho hay.

L.L - T.T