Năng lượng hạt nhân bị một số chuyên gia và nhà vận động môi trường chê là “quá đắt, quá chậm và quá nguy hiểm”.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đã kéo dài hơn 2 tháng, với nhiều diễn biến mới nảy sinh, đặc biệt là động thái Moscow “khóa van” cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, khiến áp lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga ngày càng đè nặng lên Liên minh châu Âu (EU).

Trong hành trình "cai nghiện" năng lượng Nga của châu Âu, một lần nữa chủ đề điện hạt nhân lại nóng lên.

Cùng với năng lượng tái tạo, những người ủng hộ điện hạt nhân cho rằng, đây là một lựa chọn vừa giúp EU độc lập về năng lượng, vừa đảm bảo đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero).

Đầu năm nay, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã đề xuất phân loại một số khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân là "xanh", khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, động thái này vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Đồng thời, việc mở rộng sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc đối với nhiều quốc gia thành viên EU.

Năng lượng hạt nhân được cho là tạo ra lượng khí thải thấp hơn nhiều so với các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ hoặc khí đốt.

Nhưng chi phí để xây các nhà máy điện hạt nhân lại rất tốn kém. Quan trọng hơn, các nhà máy này sinh ra chất thải phóng xạ với khả năng gây chết người trong hàng chục nghìn năm.

Mặc dù niềm tin vào hạt nhân ở Pháp có bị lung lay sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, nhưng công nghệ điện hạt nhân ở quốc gia châu Âu này vẫn không gây tranh cãi nhiều như ở các nước khác trên thế giới, theo The Sydney Morning Herald.

Ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ứng phó với thảm họa hạt nhân Fukushima bằng cách đẩy nhanh kế hoạch quốc gia về loại bỏ năng lượng hạt nhân.

Chỉ vài ngày sau vụ nổ đầu tiên tại nhà máy hạt nhân Fukushima năm 2011, Đức đã quyết định đóng cửa ngay lập tức các lò phản ứng lâu đời nhất của đất nước. Động thái này, từng được các nhà phê bình mô tả là một phản ứng thái quá, cuối cùng dẫn đến việc tất cả các lò phản ứng còn lại ở Đức đều sẽ bị đóng cửa vào năm 2022, Reuters cho biết.

Trang The Sydney Morning Herald dẫn lời nhà vận động chuyển đổi năng lượng của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) tại Pháp, Nicolas Nace, cho rằng năng lượng hạt nhân là “quá đắt, quá chậm và quá nguy hiểm” khi ông đề cập đến dự án nhà máy điện hạt nhân Flamanville 3 ở vùng Normandy, Tây Bắc nước Pháp.

Dự án này, được bắt đầu từ năm 2007, đã bị trì hoãn hàng thập kỷ và có mức thấu chi ngân sách khổng lồ.

Ngày nạp nhiên liệu cho lò phản ứng đã bị lùi từ cuối năm 2022 sang quý II/2023, với chi phí ước tính khi hoàn thành tăng thêm 300 triệu Euro (342 triệu USD) lên thành 12,7 tỷ Euro, Electricite de France SA (EDF) - đơn vị vận hành Flamanville 3 - cho biết trong một bản cập nhật tiến độ hồi giữa tháng 1/2022.

Chia sẻ với đài DW của Đức, ông Ben Wealer đến từ Đại học Kỹ thuật Berlin cho rằng những người ủng hộ năng lượng hạt nhân đã "không tính đến nhiều yếu tố".

“Sự đóng góp của năng lượng hạt nhân được nhìn nhận một cách quá lạc quan”, ông Wealer nhận xét. “Trên thực tế, thời gian xây dựng một nhà máy điện hạt nhân là quá lâu và chi phí là quá cao. Phải mất quá nhiều thời gian để năng lượng hạt nhân trở nên khả dụng”.

Ông Mycle Schneider, tác giả của “Báo cáo Tình trạng Công nghiệp Hạt nhân Thế giới”, đồng ý với quan điểm này.

“Chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cao gấp 4 lần so với một nhà máy điện gió hoặc điện mặt trời, và thời gian xây dựng cũng lâu hơn gấp 5 lần”, ông Schneide cho biết, đồng thời chỉ ra rằng sau khi tính toán hết mọi yếu tố thì phải mất 15-20 năm để có một nhà máy điện hạt nhân mới.

Trong khi đó, theo Schneider, thế giới cần phải kiểm soát phát thải khí nhà kính trong vòng một thập kỷ. Điều đó nghĩa là trong vòng 10 năm tới, năng lượng hạt nhân sẽ không thể đóng góp đáng kể, ông kết luận.

“Điện hạt nhân ở thời điểm hiện tại không được coi là một trong những giải pháp toàn cầu quan trọng đối với biến đổi khí hậu”, ông Antony Froggatt, Phó Giám đốc chương trình môi trường và xã hội tại cơ quan tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House ở London, cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Froggatt, điện hạt nhân sẽ không được ưa chuộng do sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm chi phí quá cao, hậu quả môi trường và thiếu sự ủng hộ của công chúng.

Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ năng lượng hạt nhân lập luận rằng, đây là một cách thân thiện với khí hậu để tạo ra điện. Ít nhất, đó là thứ con người có thể sử dụng cho đến khi có thể phát triển các giải pháp thay thế toàn diện.

Trên khắp thế giới, những cá nhân và tổ chức ủng hộ năng lượng hạt nhân, cũng như một số chính trị gia, đã kêu gọi phát triển điện nguyên tử. Ví dụ ở Đức, đảng dân túy cánh hữu AfD đã bày tỏ ủng hộ các nhà máy điện hạt nhân, mô tả chúng là giải pháp “hiện đại và sạch”. AfD đã kêu gọi khôi phục nguồn năng lượng mà Đức đã cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2022.

Các quốc gia khác cũng ủng hộ kế hoạch xây dựng các nhà máy hạt nhân mới, cho rằng ngành năng lượng do các loại nhiên liệu hóa thạch chi phối sẽ còn gây hại nhiều hơn cho khí hậu nếu không có điện hạt nhân.

Năm 2020, tổng cộng, có 109 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở 13 quốc gia EU, gồm Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hungary, Hà Lan, Romania, Slovenia, Slovakia, Phần Lan và Thụy Điển, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).

Sản xuất điện hạt nhân chiếm gần 25% tổng sản lượng điện của EU. Nhưng lượng điện do các nhà máy hạt nhân trên khắp EU tạo ra đã giảm 25,2% kể từ năm 2006.

Pháp được cho là quốc gia phụ thuộc vào điện hạt nhân nhất ở châu Âu, với 56 lò phản ứng đang hoạt động. Năng lượng hạt nhân chiếm 67% tổng sản lượng điện được sản xuất tại nước này vào năm 2020. Con số này ở Hungary là 46% và ở Bulgaria là 41%.

Tại Đức, nơi cựu Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết loại bỏ dần điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima của Nhật Bản năm 2011, 3 lò phản ứng cuối cùng của đất nước dự kiến sẽ ngừng sản xuất trong năm nay.

Ở Phần Lan, một nhà máy mới, do một tập đoàn của Pháp xây dựng, đã được đưa vào hoạt động hồi giữa tháng 3. Tuy nhiên, dự án này trước đó đã bị trì hoãn 12 năm và ngốn hàng tỷ Euro chi phí bổ sung.

Việc loại bỏ dần điện hạt nhân đã được ghi trong luật của Bỉ từ năm 2003, tức là gần 2 thập kỷ trước. Nhưng phải mãi tới cuối năm 2021, thời hạn năm 2025 mới được thống nhất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và các tác động của sự kiện này đến an ninh năng lượng châu Âu, Bỉ mới đây đã quyết định trì hoãn kế hoạch loại bỏ năng lượng hạt nhân của mình vào năm 2025 thêm một thập kỷ nữa.

“Chính phủ Liên bang quyết định thực hiện các biện pháp cần thiết để kéo dài hoạt động của 2 lò phản ứng hạt nhân thêm 10 năm nữa”, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết trong một tuyên bố hồi cuối tháng 3.

Ông De Croo giải thích, động thái này giúp đất nước ông giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh địa chính trị nhiều biến động. Bỉ cũng sẽ tìm cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

“Như mọi người đều biết xung đột quân sự đang diễn ra tại châu Âu. Chúng tôi đang lựa chọn sự chắc chắn trong những thời điểm không chắc chắn”, Thủ tướng Bỉ tuyên bố.

Quyết định kéo dài hoạt động của các lò hạt nhân tại Bỉ cho đến năm 2035 diễn ra khi nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đối mặt với sức ép gia tăng về việc xem xét lại kế hoạch loại bỏ năng lượng hạt nhân của nước này.

Ngày nay, bên cạnh các lò phản ứng hạt nhân thông thường, còn có sự xuất hiện của các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), một loại lò phản ứng phân hạch hạt nhân nhỏ hơn, hiện đang là lựa chọn phổ biến ở Mỹ, Canada và Nhật Bản bởi chúng mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn và các tiêu chuẩn an toàn cũng cao hơn, bao gồm cả việc xử lý chất thải hạt nhân và khi ngừng hoạt động.

Mặc dù SMR có thể cung cấp một cầu nối nhanh chóng, nhưng công nghệ này vẫn đang được phát triển và cần được EC xem xét vì lý do an ninh.

Đầu năm nay, EC đã đề xuất phân loại một số khoản đầu tư vào điện hạt nhân là "xanh". Tuy nhiên, động thái này vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

EC đã bị các nhà phê bình cáo buộc “tẩy rửa xanh” (greenwashing) cho năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên. Kế hoạch này cũng đã gây chia rẽ các quốc gia thành viên, trong đó Áo và Luxembourg là những nước thẳng thắn nhất phản đối kế hoạch này.

Tuy nhiên, những quốc gia ủng hộ vẫn tỏ ra nhiệt tình. “Năng lượng hạt nhân nên được coi là một trong những giải pháp, bởi vì nó có lượng phát thải carbon thấp nhất (và) đã được EC coi là một giải pháp xanh”, đại biểu Nghị viện châu Âu (MEP) đến từ Bulgaria, Tsvetelina Penkova, phát biểu trước Ủy ban Năng lượng của Nghị viện châu Âu (EP) hồi đầu tháng 3.

Bình luận của bà Penkova nhận được sự hưởng ứng từ người đồng nghiệp Phần Lan, Henna Virkkunen.

"Rõ ràng là các quốc gia thành viên không còn có thể phụ thuộc vào khí đốt và dầu của Nga cho nhu cầu năng lượng của họ. Nỗ lực đầu tư hơn nữa vào năng lượng carbon thấp, bao gồm cả năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, hiện là điều cấp thiết để đạt được cả tính trung lập về carbon và độc lập về năng lượng", bà Virkkunen nhận định.

Trong kế hoạch 10 điểm hồi tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng gợi ý rằng EU nên giảm hơn 1/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm - một phần bằng cách tối đa hóa sản xuất năng lượng từ điện hạt nhân.

Ngoài ra, IEA còn đề xuất EU tạm thời trì hoãn việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân theo kế hoạch trong năm tới, một động thái có thể giúp cắt giảm nhu cầu khí đốt của EU gần 1 tỷ m3 mỗi tháng.

Nhưng một sự thay đổi lớn như vậy đòi hỏi sự đầu tư lớn không kém.

Ủy viên EU về Thị trường nội bộ Thierry Breton ước tính, EU nên đầu tư khoảng 500 tỷ Euro vào năng lượng hạt nhân vào năm 2050 để đạt được mục tiêu trung lập carbon.

Có một số ý kiến cảnh báo rằng, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ không phải là một giải pháp nhanh chóng cho EU vì giải pháp này sẽ tốn rất nhiều thời gian, trong khi EU đang phải vật lộn để loại bỏ nguồn năng lượng từ Nga trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang thúc đẩy giá năng lượng vốn đã cao nay lại càng cao thêm.

“Các cơ sở hạt nhân (đã) bị ngừng hoạt động có thể được đưa trở lại trực tuyến, nhưng điều đó sẽ chỉ có nghĩa là tiết kiệm (tối thiểu) khí đốt. Nếu quý vị muốn giảm vai trò của khí đốt trong ngành điện, quý vị phải giảm nhịp độ của quá trình loại bỏ than đá”, András György Deák, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Budapest (Hungary), nói với EUobserver.

“Tôi có thể tưởng tượng rằng một thời kỳ phục hưng cho năng lượng hạt nhân có thể được mở ra do cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine - ít nhất là về mặt thảo luận chính sách. Nhưng cho dù chúng ta bắt đầu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân từ ngày hôm nay, thì chúng cũng sẽ không thể hoàn thành và đi vào hoạt động trước năm 2035”, vị chuyên gia này nhận định.

Bà Elina Brutschin, học giả nghiên cứu về chương trình khí hậu của Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) có trụ sở tại Vienna (Áo), nói về sự thay đổi chính sách lớn ở Đức: đình chỉ dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga và tăng chi tiêu quốc phòng. Điều này cho thấy “bất cứ điều gì cũng đều có thể xảy ra vào lúc này”.

“Cuộc xung đột này có thể thúc đẩy các quốc gia kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hiện có và thúc đẩy các khoản đầu tư mới vào năng lượng hạt nhân nói chung”, bà Brutschin nhận định, nhưng lưu ý rằng các quyết định sẽ rất khác nhau, dựa trên bối cảnh quốc gia và chính trị của các nước EU.

“Đức sở hữu một số nhà máy điện hạt nhân tốt nhất trên thế giới, cũng như các nhà vận hành tốt nhất, và họ đang vứt bỏ những thứ này”, ông Vincent Zabielski, luật sư tại công ty luật quốc tế Pillsbury (Mỹ), người từng là một kỹ sư hạt nhân, cho biết.

Tuy nhiên, với những động thái đảo ngược các chính sách lâu đời ở Đức, ông Zabielski bày tỏ tin tưởng rằng sự phục hưng cho điện hạt nhân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu là đầy hứa hẹn.

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 08/05/2022 | 07:53