Xung quanh việc chỉ định con trai Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Thành ủy: Luật không cấm nhưng dư luận có quyền lấn cấn!

Hương Lan

Tân Bí thư Thành uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều động và chỉ định tham gia Ban Thường vụ Thành uỷ sau 5 năm làm Bí thư Tỉnh đoàn. Việc ông Nuyễn Nhân Chinh được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi trước đó đã có những ý kiến trái chiều về câu chuyện "cả họ làm quan" ở Bắc Ninh.

Tân Bí thư Thành ủy ở tuổi 36: “Hạt giống đỏ”?

Ngày 22/7, Thành ủy Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ. Theo đó, ông Nguyễn Nhân Chinh (36 tuổi), Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, được ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh quyết định điều động, chỉ định tham gia Ban chấp hành, ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tân Bí thư Thành ủy Bắc Ninh được điều động, chỉ định về làm Bí thư thay ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh - vừa được HĐND tỉnh Bắc Ninh bầu bổ sung làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Nhân Chinh nhận quyết định công tác từ Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đào Hồng Lan.

Ông Nguyễn Nhân Chinh có nhiều năm công tác tại Tỉnh đoàn Bắc Ninh. Năm 2016, khi đang trên cương vị Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn, ông được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh. Ngoài ra, ông Nguyễn Nhân Chinh còn là Tỉnh ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII nhiệm kỳ 2016-2021.

Đặc biệt, ông Nguyễn Nhân Chinh là con trai ruột của đương kim Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.

Liên quan đến việc chỉ định con trai Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Thành ủy, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận định, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ thì cơ quan tổ chức phải làm rất kỹ lưỡng.

Có 2 điểm cần lưu ý về người được bổ nhiệm đó là tiểu chuẩn và phiếu tín nhiệm. Người đó phải là người đủ tiêu chuẩn cho vị trí được giới thiệu (tuổi tác, bằng cấp, đạo đức phẩm chất, mối quan hệ với nhân dân…) và phải có phiếu tín nhiệm cao, là người trưởng thành từ dưới lên.

“Điều mà tôi quan tâm, tại sao không đưa về trước đại hội để bầu, mà sau đại hội của thành phố mới điều động về rồi chỉ định làm Bí thư?”, ông Thưởng đặt câu hỏi.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Cũng theo ông Thưởng, việc giới thiệu, các bước quy trình phải được tổ chức công khai, minh bạch và dân chủ. Công tác nhân sự phải hết sức dân chủ để các thành viên trong tổ chức có quyền phát biểu và nói ra hết được ý kiến của mình. Từ đó, họ có thể tiến cử những người xứng đáng vào cấp ủy. Yếu tố thứ hai là phải công khai, bao gồm công khai trong tổ chức Đảng, công khai trong cấp ủy, công khai trong các cơ quan mà những cán bộ được tiến cử công tác và sinh hoạt, chứ không được giấu giếm. Đối với những người được lựa chọn, phải tuân thủ đúng quy trình, từ việc quy hoạch, quá trình thử thách rồi mới tiến tới đưa vào giới thiệu nhân sự cho đại hội.

Không có quy định nào “quét sạch” thực tiễn

Theo đánh giá của ông Lê Quang Thưởng, sở dĩ việc bổ nhiệm này được dư luận đặc biệt quan tâm là trước đó đã có những ồn ào về chuyện không ít người có mối quan hệ họ hàng với tân Bí thư Thành ủy Bắc Ninh đều giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy các cấp, tương tự như câu chuyện “cả họ làm quan” ở Hà Giang, Quảng Nam…

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An chia sẻ: “Tôi chưa tiếp cận quy định nào về việc bố làm Bí thư Tỉnh ủy thì con cái không được làm Bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, công tác cán bộ làm sao phải để dân tin vào bộ máy lãnh đạo. Lựa chọn đúng cán bộ, đặt đúng vị trí, phát huy được năng lực, sở trường của họ là trọng trách của những người “cầm lái” trước mỗi kỳ Đại hội. Từ câu chuyện chỉ định con trai Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Thành ủy, dư luận còn lấn cấn thì có quyền đặt câu hỏi, ở Bắc Ninh, liệu có đồng chí nào xuất sắc hơn đồng chí Nhân Chinh không?”

Dư luận nghi ngại việc bổ nhiệm cán bộ còn tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ” (Tranh minh họa)

Bà Bùi Thị An cho hay, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Trong quy định này đã nêu rõ, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng ban tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cùng cấp uỷ; Chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng Ban cán sự đảng, Đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. .

“Tuy nhiên, không có quy định nào “quét sạch” thực tiễn được. Theo tôi, có những điều luật không cấm nhưng không nên làm, phải rất cẩn trọng cân nhắc khi bổ nhiệm người thân đảm nhiệm vị trí quan trọng trong bộ máy, trừ trường hợp thật xuất chúng (thể hiện qua thực tiễn công tác-PV)”, bà An nêu quan điểm.

H.L