Theo Bộ Tài chính, tại Điều 170 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật."
Thực hiện quy định nêu trên, trên cơ sở ý kiến của các cục hải quan tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính đã rà soát toàn bộ nội dung Thông tư số 83 (được xây dựng dựa trên quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng tại thời điểm năm 2014 và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam năm 2012).
Kết quả rà soát cho thấy, sau khi Thông tư số 83 được ban hành, pháp luật thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần dẫn đến nhiều quy định của Thông tư số 83 không còn phù hợp, đồng thời, căn cứ pháp lý của việc ban hành Thông tư này cũng đã có sự thay đổi.
Hiện hành, pháp luật thuế VAT được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Đồng thời, chính sách thuế VAT đã có quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, thuế suất thuế VAT đối với các loại hàng hóa, dịch vụ và điều kiện về hồ sơ, thủ tục để áp dụng các chính sách thuế VAT.
Do vậy, thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư bãi bỏ Thông tư số 83 và Phụ lục rà soát, đề xuất bãi bỏ Thông tư số 83.