“Đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2023”

Nguyễn Thị Tuyết
Thứ 2, 16/10/2023 | 09:00
0
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, việc tăng tốc chi tiêu của Chính phủ có thể coi là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm 2023.

Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 ở mức 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được năm 2022 (8,02%).

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 4,24%. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam đang đứng trước thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát Triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã chia sẻ một số nhận định về vấn đề này trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT).

Chính sách ứng phó kịp thời

NĐT: Trong bối cảnh phức tạp về địa chính trị và bất ổn kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông có thể bình luận về tình hình hiện nay của kinh tế Việt Nam?

Ông Shantanu Chakraborty: Trong nửa đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn dự kiến ở mức 3,7%, thấp hơn đáng kể so với mức 6,5% trong cùng kỳ năm 2022 do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, những biện pháp thắt chặt tiền tệ ở một số nền kinh tế tiên tiến, cũng như tác động dai dẳng của những căng thẳng địa chính trị.

Sự căng thẳng này đã gây ra gián đoạn trong chuỗi thương mại, đầu tư và cung ứng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, năng lượng và sản xuất chế biến chiến lược.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 5,8% cho năm 2023 (từ mức 6,5% trong dự báo đưa ra hồi tháng 4/2023) và 6% cho năm 2024 (từ mức 6,8%) trong báo cáo đưa ra mới đây. Dự báo lạm phát cũng được ADB điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống 3,8% năm 2023 và 4,2% xuống 4% vào năm 2024.

Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro đáng kể đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong nước, các vấn đề mang tính hệ thống liên quan tới việc giải ngân đầu tư công và những điểm yếu về cơ cấu trong nền kinh tế thực của Việt Nam vẫn là những rủi ro chính đối với nền kinh tế.

Từ bên ngoài, những rủi ro chủ yếu đối với kinh tế Việt Nam trước hết phải kể đến là nhu cầu toàn cầu đang suy yếu, bao gồm cả sự phục hồi chậm ở Trung Quốc, cản trở hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, kéo giảm triển vọng thương mại và đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới cũng tiếp tục gây áp lực lên thị trường hàng hóa toàn cầu, đồng thời gây nguy hiểm cho chuỗi cung ứng cũng như an ninh lương thực toàn thế giới. Ngoài ra, lãi suất duy trì ở mức cao ở Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu từ bên ngoài và có thể dẫn tới tỉ giá tiền đồng Việt Nam yếu đi.

Kinh tế vĩ mô - “Đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2023”

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát Triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

NĐT: Bất chấp những thách thức, Việt Nam vẫn được cho là một thị trường năng động và đầy tiềm năng. Ông đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Shantanu Chakraborty: Trong bối cảnh đầy thách thức, chúng tôi tin rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn vững vàng nhờ có những chính sách chủ động ứng phó cùng với các yếu tố trong nước được cải thiện.

Đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chính phủ đã cam kết giải ngân khoảng 30 tỷ USD trong năm nay. Các chính sách ứng phó kịp thời trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp vực dậy ngành công nghiệp xây dựng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo đúng kế hoạch.

Thực tế đã cho thấy, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp công tác giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý. Như vậy, việc tăng tốc chi tiêu của Chính phủ có thể coi là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm.

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam có thể mang lại nhiều dư địa hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, mặc dù cần được phối hợp tốt với chính sách tài khóa để thúc đẩy nhu cầu thực của nền kinh tế. Nếu chỉ áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ thì có thể làm tăng rủi ro lạm phát.

Các lĩnh vực khác được dự báo sẽ phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự phục hồi của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm. Nông nghiệp được kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 là hoàn toàn khả thi.

NĐT: Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong những năm qua, nhưng trong năm nay, hàng nghìn doanh nghiệp đã đóng cửa, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao. Ông có nhận xét về nguyên nhân của tình trạng này?

Ông Shantanu Chakraborty: Trước hết, chúng ta cần lưu ý rằng khu vực tư nhân ở Việt Nam rất năng động, với tỉ lệ đăng ký doanh nghiệp mới cao bên cạnh các doanh nghiệp tạm dừng hoặc đóng cửa. Cho đến nay, mức tăng ròng về số lượng các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hàng tháng vẫn ở mức tích cực, đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự năng động của nền kinh tế.

Tuy nhiên, so với xu hướng lịch sử, tỉ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoặc đóng cửa hàng tháng đã tăng lên trong khoảng một năm trở lại đây, cho thấy những thách thức kinh tế.

Nhu cầu bên ngoài yếu, bao gồm cả sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc, đã cản trở hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp sụt giảm trong 8 tháng đầu năm 2023, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa ngày càng nhiều. Tác động trực tiếp của vấn đề này là hàng trăm nghìn người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập.  

Kinh tế vĩ mô - “Đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2023” (Hình 2).

Đầu tư công là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023.

Để ứng phó với tình trạng này, Chính phủ đã và đang đưa ra một số biện pháp tài chính, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, như giảm và giãn thuế, hỗ trợ thuê nhà ở cho người lao động trở lại.

Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được hỗ trợ tài chính để thành lập doanh nghiệp mới và duy trì hoạt động kinh doanh đang diễn ra, tạo thêm việc làm và tỉ lệ thất nghiệp có thể giảm trong thời gian tới.

Từ góc độ phục hồi kinh tế và an sinh xã hội, Chính phủ Việt Nam có thể tăng gấp đôi nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và khôi phục các hoạt động kinh tế nhằm giảm chi phí kinh doanh và thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới, mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho người lao động.

Thách thức cho mục tiêu tăng trưởng

NĐT: Theo ông, Chính phủ và doanh nghiệp cần làm gì để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay?

Ông Shantanu Chakraborty: Điều quan trọng cần lưu ý là mục tiêu tăng trưởng phải được coi là định hướng cho việc hoạch định chính sách trong quản lý kinh tế, vì nó còn phụ thuộc vào cách thị trường phản ứng với các biện pháp chính sách nhất định.

Cho đến thời điểm này, có thể nói rằng mặc dù mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là khá tham vọng trong bối cảnh hiện tại nhiều thách thức, nhưng tham vọng đó rõ ràng đã được chuyển thành các chính sách kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng.

Nhìn rộng ra, các chính sách tài khóa và tiền tệ đang chủ động và đi đúng hướng, do đó Việt Nam cần chú trọng vào việc đảm bảo thực hiện hiệu quả, đặc biệt là về chính sách tài khoá, đồng thời cân nhắc những chính sách, biện pháp cụ thể sau đây:

Một là, các biện pháp kích thích tài khóa cần được ưu tiên, vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài chính. Nợ công được kiểm soát tốt ở mức khoảng 38% GDP tính đến cuối năm 2022. Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân khoản đầu tư công 30 tỷ USD để trực tiếp hỗ trợ các ngành công nghiệp ký hợp đồng như xây dựng và khai thác mỏ, đồng thời mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.

Hai là, phải nhanh chóng thực hiện cắt giảm 2% VAT và việc giảm VAT phải được thực hiện đến cuối năm 2024, thay vì chỉ 6 tháng vào năm 2023. Chính phủ cũng có thể xem xét các biện pháp an sinh xã hội để hỗ trợ thị trường lao động, bao gồm trợ cấp thất nghiệp hoặc khuyến khích đào tạo lại kỹ năng cho người lao động.

Ba là, chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả, có tính đến sự ổn định tương đối về giá và nhu cầu yếu. Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ cần mang tính hỗ trợ và mở rộng chính sách tài khóa. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải phối hợp chặt chẽ với thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.

NĐT: ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong quá trình thực thi những biện pháp này, thưa ông?

Ông Shantanu Chakraborty: Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác giữa ADB và Việt Nam kể từ đầu những năm 1990. Chúng tôi rất vui mừng được chứng kiến quan hệ đối tác của ADB với Việt Nam trong 3 thập kỷ qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

ADB tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong trong khuôn khổ Chiến lược đối tác quốc gia giai đoạn 2023–2026 để hỗ trợ kế hoạch 5 năm 2022–2026 của Chính phủ. ADB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và khai thác khu vực tư nhân cũng như thúc đẩy công bằng xã hội.

ADB có đầy đủ các công cụ để hỗ trợ Việt Nam, bao gồm các hoạt động cho vay đối với Chính phủ (có bảo lãnh Chính phủ) và các hoạt động có đóng góp cao và phát triển kinh tế xã hội của khu vực tư nhân (không có bảo lãnh Chính phủ), hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp kiến thức, tư vấn cho quan hệ đối tác công - tư để hỗ trợ chương trình cải cách cơ cấu và chính sách của Việt Nam và kích thích tăng trưởng xanh, toàn diện và do khu vực tư nhân dẫn dắt.

Trong thời gian vừa qua, ADB đã giải ngân trên 99,9% số tiền đầu tư công theo kế hoạch năm 2023 (274 triệu USD) và có thể hỗ trợ đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động của dự án với sự phối hợp của các cơ quan thực hiện dự án.

ADB thường xuyên đối thoại với Chính phủ để hỗ trợ cho những nỗ lực của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội. Bằng nguồn lực tài chính và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm phát triển, chúng tôi luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Hai bên cần cùng nhau đẩy nhanh các thủ tục để có thể triển khai và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam.

[E] Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp

Thứ 5, 12/10/2023 | 07:45
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ bất cập trong chính sách thuế để cùng có giải pháp phù hợp với thực tiễn trong việc hoàn thuế VAT.

Đội ngũ doanh nhân phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng

Thứ 4, 11/10/2023 | 21:32
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Chủ tịch FPT chia sẻ về 3 niềm vui của người làm doanh nhân

Thứ 4, 11/10/2023 | 18:18
Ông Trương Gia Bình mong Chính phủ đã thương yêu DN thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn tháo khó khăn hơn nữa…

[E] Founder Coin98: Tôi tự tìm đường, vừa đi vừa lắng nghe bản thân

Thứ 5, 12/10/2023 | 11:00
Để thế hệ sau phát triển hơn so với thế hệ trước, phải có những người chịu được rủi ro, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng người trẻ khởi nghiệp.

[E] Hạnh phúc chỉ có ở Việt Nam của “ông trùm gia vị”

Thứ 5, 12/10/2023 | 09:30
CEO Nguyễn Trung Dũng trở về Việt Nam trong tâm thế “không còn gì để mất”, nhưng điều thú vị nhất cuộc đời đã đến với ông.
Cùng tác giả

“Đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2023”

Thứ 2, 16/10/2023 | 09:00
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, việc tăng tốc chi tiêu của Chính phủ có thể coi là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm 2023.

ADB bổ nhiệm Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương

Thứ 6, 22/09/2023 | 15:03
Phó Chủ tịch mới của ADB từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng và làm việc với nhiều quan chức chính phủ cấp cao trên khắp châu Á và Thái Bình Dương.

Thách thức đối với người đi vay ở khu vực Đông Á mới nổi

Thứ 2, 11/09/2023 | 16:13
Chính phủ và ngân hàng trung ương ở khu vực Đông Á mới nổi cần cảnh giác để phòng ngừa những rủi ro tài chính tiềm tàng gắn với các mức lãi suất cao hơn, theo ADB.

ADB chi 14 triệu USD phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái Việt Nam

Thứ 2, 11/09/2023 | 11:24
Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB trong danh mục đầu tư điện mặt trời áp mái dành cho phân khúc kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam.

Cổ phiếu VinFast lấy lại sắc xanh sau 3 phiên sụt giảm

Thứ 3, 22/08/2023 | 07:38
Cổ phiếu VinFast đóng cửa giảm 23% xuống mức 15,40 USD/cổ phiếu hôm 18/8, đánh dấu phiên sụt giảm thứ ba liên tiếp sau khi ra mắt hoành tráng ở Phố Wall.
Cùng chuyên mục

Tổng nhu cầu vốn đầu tư của EVN đến năm 2025 là 479.000 tỷ đồng

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:16
Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn EVN là 479.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư thuần là 278.215 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay là 199.330 tỷ đồng.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế cửa khẩu của Điện Biên

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:00
Nếu được đầu tư đúng mức và hiệu quả, kinh tế cửa khẩu có thể phát triển thành động lực của hành lang biên giới, hạt nhân của hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Giá lúa gạo xu hướng tăng: Liên kết chuỗi giá trị, kỳ vọng bứt phá

Thứ 7, 27/04/2024 | 14:31
Triển khai nhiều giải pháp, các Bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo với mục tiêu lớn về kim ngạch xuất khẩu.

Đồng Nai: Triển khai 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm

Thứ 6, 26/04/2024 | 22:49
Tỉnh Đồng Nai phấn đấu thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong 30 ngày đêm, đối với 3 dự án trọng điểm của tỉnh.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm

Thứ 6, 26/04/2024 | 11:47
Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.
     
Nổi bật trong ngày

Ưu tiên đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế cửa khẩu của Điện Biên

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:00
Nếu được đầu tư đúng mức và hiệu quả, kinh tế cửa khẩu có thể phát triển thành động lực của hành lang biên giới, hạt nhân của hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm

Thứ 6, 26/04/2024 | 11:47
Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Giá vàng 26/4: Vàng SJC, vàng nhẫn cùng đi lên

Thứ 6, 26/04/2024 | 09:50
Giá vàng SJC tại các doanh nghiệp bật tăng phiên mở cửa sáng nay, cùng với đó, vàng nhẫn cũng đi lên.

Nghỉ lễ 30/4-1/5: Bùng nổ du lịch tự túc và nguy cơ quá tải ở một số nơi

Thứ 6, 26/04/2024 | 14:50
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài đến 5 ngày, nhiều du khách có nhu cầu du lịch tự túc khiến nhiều điểm du lịch trên cả nước trong tình trạng quá tải, "cháy" phòng.

Xuất khẩu sắn hướng đến mục tiêu kim ngạch 2 tỷ USD vào năm 2030

Thứ 7, 27/04/2024 | 07:00
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.