Ngành dệt may chờ hồi phục
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 40 tỷ USD, thấp hơn gần 10% so với năm 2022.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), nguyên nhân ngành dệt may có sự sụt giảm do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU bị lạm phát, kéo theo sức mua yếu dẫn đến đối tác cắt giảm đơn hàng từ nửa cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh lớn với các đối thủ khác trên trường quốc tế, trong đó có Bangladesh. Chi phí sản xuất tại Bangladesh thấp hơn đáng kể đã tác động không nhỏ đến sự sụt giảm của ngành dệt may Việt Nam trong năm qua.
DSC nhận định rằng, hàng may mặc là sản phẩm không thiết yếu, chỉ khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu về các sản phẩm dệt may mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại.
Đồng quan điểm, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa thật sự khởi sắc.
Theo báo Lao Động, trong quý I/2024, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI nhận thấy giá bán trung bình tiếp tục giảm khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ và lượng đơn đặt hàng đều ở mức thấp.
"Tăng trưởng vải nhập khẩu vẫn yếu trong quý IV/2023 dù đã có mức nền so sánh thấp trong quý IV/2022. Điều này cho thấy nhu cầu xuất khẩu hàng may mặc trong quý I/2024 vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Trước đó trong tháng 12/2023, theo S&P Global, PMI Việt Nam đạt 48,9 điểm và vẫn ở mức thấp kể từ dịch Covid-19 đến nay. Các nhà sản xuất kỳ vọng sự phục hồi có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2024", chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, sự kiện Biển Đỏ có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu. Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng trước đó. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên. Từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình Biển Đỏ hạ nhiệt.
"Quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến do chi tiêu không thiết yếu thường có thời gian phục hồi kéo dài. Do lợi nhuận của hầu hết các công ty đã giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ trong năm 2023, mức tăng trưởng lợi nhuận được kỳ vọng từ 20 - 30% so với cùng kỳ cho năm 2024 (cao hơn so với thị trường chung). Lợi nhuận sẽ dần phục hồi trong suốt cả năm, nhưng khó có thể quay trở lại như mức năm 2022 trong năm 2024", SSI nhận định.
Hướng tới phát triển bền vững
Liên quan đến công tác phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, theo báo Công Thương, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Theo ông Giang, các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.
Bàn luận về vấn đề này, theo Vietnam+, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất: "Để tìm cơ hội trong thách thức, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỉ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới; đầu tư cái tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Cùng đó đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất…".
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, ngành dệt may thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề để bứt phá; bao gồm việc cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỉ giá...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...); đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...)
Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.
Ông Vũ Đức Giang cho hay, định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số. Đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế,...
Các chuyên gia kỳ vọng rằng, với sự nỗ lực của toàn ngành, trong năm 2024, ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) như đã đề ra.
Khách quốc tế đã thông báo về chuẩn bị lượng hàng lớn
Điểm tích cực theo ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu Thị trường Quỹ đầu tư VinaCapital là khách hàng quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay. Tuy nhiên các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng trước từ 6 - 12 tháng như trước đây.
Còn theo đội ngũ phân tích từ WiGroup, xu hướng gia tăng đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường nước ngoài cùng tín hiệu phục hồi kinh tế của các thị trường đối tác như Mỹ mang đến cơ hội tốt hơn cho ngành này. Thêm vào đó, ngành dệt may có thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ với 60% cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc hàng năm được xuất vào thị trường này. WiGroup dự báo đơn hàng dệt may sẽ tăng trở lại do kết thúc chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho của Mỹ và người dân Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu năm 2024.
Minh Hoa (t/h)