Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Ths.BS Dương Thị Hiền Lương - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội về những câu chuyện nghề y và cả những kỷ niệm khó quên đối với 21 năm làm nghề của nữ bác sĩ.

Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên, nữ bác sĩ luôn tràn đầy năng lượng tích cực, có lúc lại sâu lắng khi kể về nghề. Bác sĩ Hiền Lương bảo rằng, khi đã lựa chọn với nghề y thì luôn tâm niệm phải “học, học nữa, học mãi” và phải làm theo lương tâm của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”, tất cả vì người bệnh.

NĐT: Xin chào bác sĩ Dương Thị Hiền Lương, một ngày làm việc của bác sĩ diễn ra như thế nào?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 6h30 sáng, khám, tư vấn cho bệnh nhân, buổi chiều làm thủ thuật cho bệnh nhân đến 17h, những hôm trực thì sẽ ở lại bệnh viện. Công việc cứ thế cuốn mình đi và đến nay tôi đã 21 năm gắn bó với nghề.

NĐT: Nghề y là một nghề đặc biệt và đòi hỏi cường độ làm việc, áp lực cao so với những ngành nghề khác. Vậy, xin bà cho biết cơ duyên nào đã “đưa lối” bà đến với ngành y đầy tự hào nhưng cũng lắm thử thách?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ làm trong ngành y, ngày còn bé nhà gần bệnh viện nên tôi thường theo chân mẹ vào bệnh viện chơi, được tận mắt chứng kiến mẹ đỡ đẻ cho các sản phụ. Cứ thế, thời gian thấm thoắt trôi và tôi cũng không biết tự khi nào mà ước mơ trở thành bác sĩ ngày càng lớn dần lên. Và ước mơ của tôi từ đó cũng là được thi và theo học ngành y, sẽ trở thành bác sĩ thực thụ.

NĐT: Ước mơ trở thành một bác sĩ chuyên chữa bệnh cứu người có nhận được sự ủng hộ từ mọi người trong gia đình, đặc biệt là người mẹ cũng đang làm ngành y?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Nhiều người sẽ nghĩ mẹ là người ủng hộ tôi đầu tiên khi tôi lựa chọn theo nghiệp của bà, nhưng không, tôi không hề được mẹ ủng hộ. Điều này khiến tôi khá ngạc nhiên. Mẹ không mong muốn cho con gái mẹ làm ngành y, bởi bà bảo nghề y quá vất vả. Bà ra sức ngăn cản tôi, nói “làm nghề y con nhìn mẹ xem không có thời gian dành cho gia đình, dành cho các con, phải đưa các con đến bệnh viện trực đêm cùng..., ngày Tết ngày lễ vẫn phải đi làm, đi trực”. Mẹ phân tích và ra sức “đẩy thuyền” cho tôi đi học ngành khác.

NĐT: Không nhận được sự ủng hộ của mẹ ngay từ đầu, vậy bước ngoặt nào khiến bà vẫn quyết tâm chọn nghề y?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Năm lớp 12, có một bạn cùng lớp, bạn ấy ngồi trước tôi nhưng không may qua đời vì ung thư máu. Điều đó càng làm cho tôi thêm quyết tâm, là bước ngoặt thôi thúc tôi càng phải học ngành y để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn, đem kiến thức và sức nhỏ của mình để giúp những ai ốm đau vượt qua được bệnh tật.

Năm 1997 tôi thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Cảm xúc của tôi khi ấy rất vui vì sau bao nỗ lực thì tôi đã chạm được vào giấc mơ theo đuổi nghề y.

NĐT: Từ những lời phân tích của mẹ là ngành y rất vất vả, cũng như ngày nhỏ được chứng kiến mẹ làm nghề nhưng bà vẫn “cố lao vào”. Cho đến nay, bà có thấm thía những lời mẹ nói về nghề và có từng hối hận khi lựa chọn theo nghề?

BS. Dương Thị Hiền Lương: 21 năm theo nghề, được trải nghiệm mới biết những lời mẹ nói là đúng, nghề y vất vả lắm, cực lắm chứ không phải dễ dàng. Mặc dù, được thỏa mãn đam mê nhưng cũng có những thứ phải đánh đổi như gia đình, chồng con phải vất vả theo. Tôi không có thời gian dành cho gia đình quá nhiều, không được chăm sóc các con thường xuyên, không được ở bên cạnh các con. Hầu hết thời gian của tôi là ở bệnh viện, chưa kể là những đêm trực. Tôi cũng cảm thấy vô cùng may mắn khi có chồng và người thân luôn là hậu phương vững chắc giúp tôi an tâm chữa bệnh cứu người.

NĐT: Vậy còn các con thì sao, có những nói nào của con khiến bà cảm thấy chạnh lòng khi mẹ cứ mải miết với công việc như vậy?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Tôi có hai cô con gái, có nhiều lúc con tôi nói rằng “con muốn được ngủ với mẹ thêm một lát nữa, tại sao mẹ lại dậy sớm như vậy?; hay “con muốn được mẹ đưa đến trường, được mẹ đón con về như các bạn khác”. Những lời nói đó khiến tôi rất chạnh lòng vì tôi không làm được do đặc thù công việc.

NĐT: Tôi cũng khá tò mò lần đầu tiên bà thực hiện thăm khám bệnh cho bệnh nhân hẳn bà có rất nhiều kỷ niệm, bác sĩ nhớ những điều gì?

BS. Dương Thị Hiền Lương: 21 năm theo nghề là quãng thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn nên tôi có rất nhiều những câu chuyện, kỷ niệm khó quên.

Còn nhớ lần đầu tiên tôi đi khám cho bệnh nhân, khi ấy tôi mới là sinh viên thực hành năm thứ 3 tại Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai, nơi đây ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, chủ yếu là bệnh nhân nặng hồi sức cấp cứu.

Ca bệnh đầu tiên mà tôi vào để hỗ trợ cho các bác sĩ chính là làm thủ thuật cho một bệnh nhân hôn mê, chọc tĩnh mạch cảnh để truyền tĩnh mạch trung tâm, đặt trám mở khí quản. Sau khi làm xong tôi ra cửa và cũng không biết tôi lăn đùng ngất xỉu lúc nào, cuối cùng tôi đã thành bệnh nhân để bác sĩ phải cấp cứu. Lý do tôi ngất là bởi khi ấy là lần đầu tôi chứng kiến cảnh máu chảy nhiều đến vậy, tôi đã rất sốc vì đối diện với thực tế không còn giống như sách vở.

Sau đó, tôi đi phụ mổ nhiều từ năm thứ ba cho đến năm thứ sáu nên cũng dần quen, đặc biệt lại làm việc trong ngành sản cũng phải thường xuyên tiếp xúc với máu nên có thể nói nghề và thời gian đã tôi luyện bản thân mình rắn rỏi, không còn ngất nữa (cười).

NĐT: Trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân, bà còn những ký ức, ấn tượng khó quên nào về nghề và về các bệnh nhân do mình thăm khám?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tôi có nhiều kỷ niệm vui trong quá trình thăm khám và điều trị cho bệnh nhân.

Có một cặp vợ chồng ở Tuyên Quang kết hôn 18 năm nhưng không có con, họ cũng đi chạy chữa nhiều nơi mà không có kết quả. Sau đó, họ đến bệnh viện tôi là người trực tiếp thăm khám, khám xong cho người vợ đi chụp tử cung vòi trứng thì người vợ có vòi trứng chỉ thông hạn chế, còn người chồng tinh trùng rất yếu.

Sau khi kê thuốc cho về uống để chờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì hai vợ chồng báo có tin vui mang thai tự nhiên. Đây là điều rất vui vì bệnh nhân không cần phải tốn kém chi phí làm IVF.

Hoặc có một gia đình kết hôn 8 năm, người mẹ tên P.T.V (SN 1993) bị 3 lần sảy thai to, cứ 22 tuần là bị sảy, cũng đi khám chữa nhiều nơi và đã rất tuyệt vọng. Khi đến với Bệnh viện, chúng tôi đã khâu vòng cổ tử cung và theo dõi giữ thai, sau đó cả mẹ và con đã mẹ tròn con vuông, sinh con vào đúng mùng 1 Tết năm ngoái và đặt tên con ở nhà là cu Tết. Đó là những kỷ niệm vui, khó quên trong cuộc đời làm nghề.

NĐT: Mỗi khi thăm khám, tư vấn và giúp đỡ được những cặp vợ chồng gặp bệnh lý tìm lại được tiếng cười trẻ thơ, giữ gìn tổ ấm, được nhiều người gọi là thầy thuốc “mát tay” bác sĩ đã nhận được sự cảm ơn của bệnh nhân hoặc gia đình người bệnh theo cách như thế nào?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Chục trứng gà, ít rau nhà trồng được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân gói ghém cẩn thận cảm ơn bác sĩ là món quà quê ấm áp. Hoặc thi thoảng là những tin nhắn Zalo, Facebook của người bệnh mà tôi đã từng thăm khám báo tin em bé chào đời khỏe mạnh, xinh xắn, đáng yêu. Đó là những món quà vô giá dành cho những người làm nghề như chúng tôi.

NĐT: Vậy, ngoài những niềm vui khi giúp đỡ được các cặp vợ chồng hiếm muộn, có những trường hợp nào khiến bác sĩ cảm thấy nuối tiếc?

BS.Dương Thị Hiền Lương: Có chứ, có những gia đình mãi mới thụ thai, làm IVF tốn kém nhưng đến khoảng 12-13 tuần lại không giữ được, đây là điều tôi rất tiếc. Bên cạnh đấy, những trường hợp sinh non trước 26 tuần không nuôi được cũng là những điều tôi nuối tiếc và trăn trở với nghề.

NĐT: Là bác sĩ sản khoa, là sợi dây “kết nối” tình cảm giữa các cặp vợ chồng trong hành trình tìm tiếng nói cười trẻ thơ, cảm xúc của bác sĩ như thế nào khi cùng các cặp đôi đón những thiên thần chào đời?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Làm ngành y, nhất là trong ngành sản được cùng các bậc cha mẹ đón các con yêu an toàn, khỏe mạnh sau một quá trình hiếm muộn dài đằng đẵng thì đó là điều tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Bởi, được làm cha làm mẹ là điều thiêng liêng nhất mà ai cũng khát khao chạm tới và chỉ khi bạn ở trong hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu rõ nhất niềm khát khao cháy bỏng của các gia đình hiếm muộn. Chúng tôi cũng thấy rất may mắn được họ lựa chọn, gửi gắm và là cầu nối giúp những tổ ấm nhỏ có thêm niềm vui, niềm hạnh phúc khi trong nhà có tiếng nói cười ê a của trẻ thơ.

Ngành y là một ngành đặc thù, “lương y như từ mẫu” nhưng trong xã hội hiện nay, đâu đó vẫn còn những câu chuyện đau lòng người bệnh hành hung bác sĩ… bà có trăn trở suy nghĩ gì về nghề?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Hàng ngày, thi thoảng được xem, đọc báo thấy tin tức bác sĩ bệnh viện A bị bạo hành, nhân viên y tế bệnh viện B bị hành hung… tôi rất thương cảm với đồng nghiệp, cảm thấy công sức của đồng nghiệp bỏ ra cấp cứu, cứu người nhưng đổi lại là điều mà không một nhân viên y tế nào mong muốn, hay đôi khi chỉ một lời đánh giá, bình luận trên mạng xã hội tỏ ý không hài lòng với bác sĩ thì đây cũng đã là hình phạt rất nặng với những ai làm nghề y rồi. Mặc dù đây chỉ là một hạn sạn trong nghề.

NĐT: Quay lại với cuộc sống cá nhân, không biết ngoài niềm đam mê với công việc, bác sĩ có những sở thích gì để cân bằng lại cảm xúc

BS. Dương Thị Hiền Lương: Tôi thích chạy bộ, zumba, bơi lội, chơi đàn piano. Khi chơi đàn tôi thấy rất thư giãn, tâm hồn bay bổng cùng các giai điệu của âm nhạc, chạy bộ, zumba thì giúp rèn luyện sức khỏe và giúp thư giãn, cân bằng cảm xúc để thêm yêu nghề y hơn.

Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, bởi trong ngành y chỉ cần dừng học, dừng trau dồi cập nhật kiến thức y khoa, tiến bộ trong y học hiện đại thì có nghĩa là đã thụt lùi, không thể ngừng học, phải luôn học học nữa, học mãi.

NĐT: Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, ngày tôn vinh những người làm nghề y, bác sĩ muốn nhắn gửi những lời chúc gì đến các đồng nghiệp?

BS. Dương Thị Hiền Lương: Là người làm trong ngành, tôi thấu hiểu và thấm thía nghề thầy thuốc là một nghề vất vả nhưng cũng là một nghề cao quý. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam tôi xin được gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các đồng nghiệp thân yêu, mong các đồng nghiệp luôn phấn đấu học tập, rèn luyện, tập trung nâng cao tay nghề để cứu giúp được nhiều bệnh nhân hơn nữa, xứng đáng như lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 27/02/2024 | 08:30