Loại quả được ví như "nhân sâm trong vườn" giúp đẹp da, bổ máu
Quả mướp được trồng phổ biến ở nước ta và vô cùng quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Là loại quả được mệnh danh "nhân sâm của người nghèo" có mặt trong nhiều món ăn ngon, rẻ, bổ dưỡng mà còn là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Mướp là một loại quả rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam, mướp không chỉ là món ăn ngon mà còn là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Tất cả các bộ phận của mướp đều được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh, rẻ, hiệu quả mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng điều kinh, chỉ đới, bình can tức phong, thanh nhiệt, nhuận da, thông kinh lạc, thông đại tiểu tiện, hành huyết mạch. Mướp già đốt tồn tính, dùng làm thuốc có thể khử phong, hóa đờm, lương huyết, giải độc, sát khuẩn, thông kinh lạc, thông sữa. Theo “Lục xuyên bản thảo” mướp sinh cân chỉ khát, giải nhiệt trừ phiền, làm nhuận da, trị chứng khát bệnh nhiệt, trị thân nhiệt phiền táo….
Theo y học cổ truyền, mướp được nhân dân ta sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Không chỉ quả mà nhiều bộ phận khác của cây như lá mướp (ty qua diệp), dây mướp (ty qua đằng), xơ mướp (ty qua lạc) đều được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh rẻ và hiệu quả.
Y dược học hiện đại phát hiện trong quả mướp có protid, lipid, glucid, xenlulo, canxi, photpho, sắt, beta-caroten, B1, B6, B2, C… Vì vậy, đây là loại quả tuyệt vời để giải nhiệt mùa hè, giúp điều hòa huyết áp, tốt cho hệ tiêu hóa.
Mướp còn giàu kali, giúp lợi tiểu, tiêu phù, và điều chỉnh huyết áp cao. Vitamin B có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và duy trì thể lực. Vitamin C trong mướp giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
Ngoài công dụng chữa bệnh, mướp còn là loại rau rất phổ biến. Có thể dùng mướp để xào, luộc hoặc nấu canh, mỗi món ăn từ mướp mang một hương vị hấp dẫn riêng.
Quả mướp từ lâu đã được mệnh danh là “nhân sâm trong vườn” hay “nhân sâm của người nghèo”. Dù chúng được trồng phổ biến nhưng công dụng mà loại quả này đem lại cho sức khỏe lại vô cùng đa dạng. Giá rất rẻ nhưng mang lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Mẹo chọn mướp thơm và ngon
Để mua được những quả mướp ngon, hãy quan sát kỹ và lựa chọn theo những tiêu chí dưới đây: Hình dáng quả mướp: Mướp là loại rau mọc tự nhiên, thuộc họ dây leo, sự tác động của nhiều yếu tố tự nhiên như ánh sáng, nhiệt độ, phân bón... khiến quả mướp thường hơi cong một chút.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại mướp thẳng đuột, nhìn đẹp mắt nhưng có thể chúng đã được can thiệp bằng cách phun thuốc tăng trưởng. Vì vậy, khi mua mướp, bạn không nên chọn quả quá thẳng. Những quả mướp hơi cong một chút sẽ có hương vị thơm ngon hơn.
Ngoài ra, nên chọn những quả mướp có hình dạng thuôn đều, hai đầu có kích cỡ tương đương nhau, màu sắc đồng đều. Ngoài ra, khi mua, bạn có thể ấn nhẹ vào thân quả mướp. Nếu nó có thể phục hồi hình dạng nhanh chóng thì chứng tỏ mướp đó mới hái, còn nhiều nước.
Nếu thấy quả mướp cứng đơ thì đó là dấu hiệu nó bị ong châm, ăn không ngon. Nếu ấn nhẹ vào quả mướp thấy để lại vết lõm, không thể phục hồi hình dáng ngay lập tức thì đó là dấu hiệu của mướp để lâu, bị héo, mất nước, kém ngon.
Những ai không nên ăn quả mướp?
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng thì mướp có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông kinh lạc… tuy nhiên người hay đau bụng, tỳ vị kém, người bị yếu sinh lý, liệt dương, đại tiện phân nát, lỏng thì nên hạn chế ăn trái mướp. Những người có cơ địa dị ứng, người đang bị ốm cũng không nên ăn loại quả này để tránh làm cơ thể khó chịu hơn.
Không ăn mướp khi có dấu hiệu này
Mướp khá lành tính, khi chế biến có vị ngọt. Nhưng nếu thấy mướp có vị đắng thì các gia đình tuyệt đối không nên ăn. Những quả mướp vị đắng rất có thể là do bị ong châm, cũng có thể do môi trường trồng cây bị ô nhiễm, bảo quản không đúng cách. Mướp chứa vị đắng có thể chứa chất alkaloid, gây ngộ độc cho người ăn với dấu hiệu chóng mặt, suy nhược, co thắt dạ dày…
Mướp đại kỵ kết hợp với loại thực phẩm nào?
Có 2 loại thực phẩm mà mướp kỵ, đó là củ cải trắng và cải bó xôi. Cả mướp và củ cải trắng, cải bó xôi đều có tính lạnh, có thể khiến cơ thể bị lạnh hơn, gây ra khó chịu, tiêu chảy nặng.
Tùng Lâm (t/h)