Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam

Nguyễn Thị Minh Đức
Chủ nhật, 15/10/2023 | 15:00
0
Chìa khóa để Pháp đạt được những “dấu son” trên hành trình tái công nghiệp hóa và thu hút đầu tư là cải cách. Đây cũng là bài học giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi.

Bất chấp bối cảnh quốc tế không thuận lợi, Pháp vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư, không chỉ trong khu vực đồng euro (Eurozone), mà còn trên toàn châu Âu.

Để hiểu rõ hơn về cách nước Pháp đã làm để duy trì sức hấp dẫn của mình, Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với nhóm chuyên gia tại Cơ quan thương mại Business France/Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (Business France/Ambassade), với đại diện là ông Yann FROLLO DE KERLIVIO – Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam – Giám đốc Cơ quan thương mại Business France tại Việt Nam, và ông Pierre MARTIN, Phó Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Thế giới - Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam

Khải Hoàn Môn (L'arc de triomphe de l'Étoile) ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Expert Investor

Người Đưa Tin (NĐT): Pháp là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Kể từ năm 2017, chính phủ Pháp đã thúc đẩy một chương trình cải cách rộng lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm khuyến khích đầu tư và việc làm, đặc biệt là thông qua giảm thuế doanh nghiệp; tăng cường các chính sách công hỗ trợ tăng trưởng và đổi mới doanh nghiệp; thiết lập lại mô hình xã hội bằng cách thúc đẩy dịch chuyển nghề nghiệp; đơn giản hóa hành chính công... Vậy theo ông, điều gì là quan trọng nhất trong chương trình cải cách này?

Ông Yann FROLLO DE KERLIVIO: Tất cả những cải cách này đều phụ thuộc lẫn nhau và giải quyết các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Chúng đều cần thiết để giải quyết nhu cầu của các bên tham gia trong ngành và đáp ứng những thách thức của nền kinh tế trong tương lai.

Những cải cách này – dù liên quan đến thuế (giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 25%, thuế suất cố định trên lãi vốn ở mức 30%, hay cắt giảm thuế sản xuất), hay cải cách Bộ luật Lao động, Kế hoạch hành động tăng trưởng và chuyển đổi kinh doanh, và đơn giản hóa thủ tục hành chính – đều bổ trợ cho nhau nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Pháp.

Hiện nay, những cải cách này được bổ sung bằng quy hoạch sinh thái, nhằm mục đích giúp Pháp trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp xanh ở châu Âu. Dự luật Công nghiệp Xanh, Đạo luật Tăng tốc Hạt nhân và Đạo luật Tăng tốc Năng lượng Tái tạo, sẽ sớm được kết hợp với Chiến lược Quốc gia về Carbon thấp của Pháp, sẽ đặt ra các mục tiêu cho ngành công nghiệp khử carbon và nền kinh tế tuần hoàn.

Business France/Ambassade đã bắt đầu thảo luận về hợp tác về tài chính và ngân sách xanh với Bộ Tài chính Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề trên.

Thế giới - Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam (Hình 2).

Ông Yann FROLLO DE KERLIVIO – Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam – Giám đốc Cơ quan thương mại Business France tại Việt Nam

Những luật này cũng được hiện thực hóa bởi kế hoạch đầy tham vọng “Nước Pháp 2030” (France 2030), nhằm hỗ trợ đầu tư vào những đổi mới và công nghệ mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khử carbon và phát triển khả năng cạnh tranh công nghiệp. Với ngân sách 54 tỷ euro, France 2030 sẽ dành một nửa số tiền tài trợ cho các thị trường mới nổi, và nửa còn lại cho các sáng kiến khử carbon.

NĐT: Xin ông cho biết những cải cách này đã có tác động ra sao đối với môi trường kinh doanh ở Pháp sau 6 năm thực hiện?

Ông Yann FROLLO DE KERLIVIO: Pháp đã trải qua một sự chuyển đổi lớn trong thập kỷ qua, và thực tế đã chứng minh điều đó, với việc Pháp được xếp hạng là điểm đến hàng đầu cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở châu Âu trong năm thứ 4 liên tiếp, theo Khảo sát EY 2023 về sức hấp dẫn của Pháp.

Những thành tựu của cải cách thân thiện với doanh nghiệp được thực hiện kể từ năm 2017 là rất lớn. Tỉ lệ thất nghiệp đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2008, với 7,1% trong quý I/2023. Từ năm 2021 đến năm 2022, 200 nhà máy mới đã được xây dựng. Nền kinh tế Pháp vẫn kiên cường trong năm 2022, và được dự báo tăng trưởng vững chắc vào năm 2024.

Khuôn khổ mới, linh hoạt hơn này mang lại lợi ích cho cả những người mới tham gia và các công ty Pháp, vốn đều là khách hàng, đối tác hoặc nhà cung cấp tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày nay, sức hấp dẫn của Pháp phụ thuộc vào khả năng ứng phó một cách cạnh tranh với những thách thức sinh thái mà chúng ta phải đối mặt và tạo ra một ngành công nghiệp bền vững và khử carbon.

NĐT: Bên cạnh việc 4 năm liền giữ vị trí dẫn đầu châu Âu về thu hút FDI, Pháp còn đạt được một “dấu son” trên hành trình tái công nghiệp hóa khi trong số hơn 1.200 dự án FDI năm 2022, 40% là liên quan đến lĩnh vực công nghiệp. Theo ông, điều gì tạo nên “dấu son” này? Nó là nhờ những chính sách của Chính phủ Pháp hay nhờ tự bản thân các doanh nghiệp?

Ông Pierre MARTIN: Thành công đến từ việc các chính sách của Chính phủ Pháp đã giải quyết được nhu cầu của các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp, mang lại kết quả đôi bên cùng có lợi.

Tái công nghiệp hóa – thông qua công nghiệp ít carbon – là một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế của Chính phủ Pháp. Kể từ năm 2017, Chính phủ Pháp đã có chính sách chủ động tái công nghiệp hóa đất nước và đầu tư vào các ngành công nghiệp của tương lai với kế hoạch France 2030. Những cải cách đã mang lại một môi trường thân thiện hơn với doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính.

Ưu tiên hàng đầu là tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các cơ sở công nghiệp tại Pháp. Nhờ những cải cách, Pháp có thể rút ngắn một nửa thời gian cần thiết để doanh nghiệp có được giấy phép vận hành một địa điểm – điều này phù hợp với xu hướng ở tất cả các nước châu Âu khác.

Pháp cũng có thể cung cấp các địa điểm đã được phát triển trước, chỉ cần phải thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết. Trong khuôn khổ kế hoạch France 2030, 50 địa điểm “chìa khóa trao tay” sẽ được chọn vào cuối năm 2023, sau đó sẽ dần dần được phát triển.

Thế giới - Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam (Hình 3).

Ông Pierre MARTIN, Phó Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam

Có các địa điểm sẽ được dành riêng cho các dự án siêu nhà máy (gigafactory), và một quy trình riêng biệt, thậm chí đơn giản hơn và nhanh hơn, sẽ được giới thiệu trong khuôn khổ Dự luật Công nghiệp Xanh.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có tay nghề cao là một trong những tiêu chí chính đối với tất cả các ngành hiện nay. Vì vậy, một khoản đầu tư lớn vào kỹ năng đã được thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch Đầu tư Kỹ năng trị giá 15 tỷ euro trong 5 năm. Kế hoạch này giúp nhân lực có trình độ chuyên môn thấp có cơ hội tăng cường kỹ năng và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Pháp trong ngắn hạn (các lĩnh vực thiếu hụt) và dài hạn (chuyển đổi số và môi trường).

Kế hoạch France 2030 dành 2,5 tỷ euro để đào tạo các ngành nghề trong tương lai, với mục tiêu đào tạo 400.000 người/năm, thông qua việc lựa chọn và tài trợ cho các chương trình đào tạo đổi mới, như đào tạo về lượng tử, và 56 trường “vừa học vừa làm” đào tạo 10.000 thanh niên mỗi năm. Dự luật Công nghiệp Xanh đưa ra các biện pháp để đảm bảo có 50.000 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm vào năm 2027.

Đồng thời, Pháp có lợi thế đặc biệt trong quá trình chuyển đổi công nghiệp với mô hình năng lượng cạnh tranh nhờ cơ cấu nguồn điện phát thải carbon thấp. Với 60g CO2/kWh, Pháp có tỉ lệ phát thải carbon thấp nhất trong cơ cấu năng lượng trên thế giới. Pháp cũng có thể đảm bảo các điều kiện về giá năng lượng hấp dẫn cho các nhà sản xuất.

Do đó, các chính sách của Chính phủ Pháp đã đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành bằng cách cố gắng cung cấp một môi trường kinh doanh tối ưu, cho phép bắt đầu quá trình tái công nghiệp hóa.

NĐT: Cũng về câu chuyện thu hút FDI. Hiện các dự án đầu tư không chỉ tập trung ở Paris và các vùng phụ cận mà đã trải đều ra nhiều thành phố, nhiều vùng khác nhau trên khắp đất nước. Điều này khá khác biệt so với ở Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài thường tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Theo ông, điều gì làm nên sự khác biệt này?

Ông Yann FROLLO DE KERLIVIO: Quả thực, ở Pháp có đến 43% quyết định đầu tư liên quan đến các đô thị có ít hơn 20.000 dân, và các dự án sản xuất được thiết lập trên toàn quốc, với 3/4 các dự án ở các thành phố có ít hơn 20.000 dân. Có thể nói, các nhà đầu tư nước ngoài tạo việc làm và giá trị gia tăng trên khắp nước Pháp.

Một trong những lời giải thích cho điều này là khối lượng công việc khổng lồ được các vùng lãnh thổ thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh và tạo điều kiện tiếp cận các khu công nghiệp.

Các vùng ở Pháp đã định vị các khu công nghiệp “sẵn sàng sử dụng” trên đất của họ, nơi các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch đô thị, khảo cổ học phòng ngừa và môi trường đã được lên kế hoạch trước để đảm bảo cung cấp cho nhà đầu tư mặt bằng sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay lập tức hoặc trong rất ngắn hạn.

Những nỗ lực của các vùng nhằm làm nổi bật thế mạnh lãnh thổ của họ và sự hỗ trợ có hiệu quả cao của các cơ quan phát triển khu vực và địa phương nhằm cung cấp hỗ trợ thực tế cho các dự án công nghiệp trên khắp nước Pháp đã giúp họ thu hút được các dự án công nghiệp mới.

Thế giới - Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam (Hình 4).

Nhà máy sản xuất pin Billy-Berclau Gigafactory ACC mới được xây dựng, ở Billy-Berclau, miền Bắc nước Pháp. Ảnh: Automotive News Europe

NĐT: Cuối cùng, xin ông cho biết Việt Nam cần làm gì để có thể tạo nên những “dấu son” như Pháp đã làm?

Ông Yann FROLLO DE KERLIVIO: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng tỏ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở châu Á, chủ yếu nhờ vào ưu đãi thuế, lực lượng lao động có trình độ tốt và tương đối rẻ, vị trí chiến lược, và chính sách thương mại đặt đất nước ở trung tâm mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên, một số lợi thế trên sẽ bị xói mòn trong những năm tới khi dân số Việt Nam bắt đầu già đi, chi phí lao động và giá năng lượng tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu được áp dụng, v.v.

Để duy trì và tăng sức hấp dẫn, Việt Nam có thể tiến hành những cải cách nhằm làm cho môi trường kinh doanh nói chung ít tốn kém hơn và dễ dự đoán hơn đối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó có nghĩa là thực hiện nghiêm ngặt các hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), giảm chi phí hoạt động bằng cách đẩy nhanh cơ sở hạ tầng giao thông cần thiết và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các công ty – cả Việt Nam và nước ngoài.

Các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ đánh giá cao khả năng thực hiện và sự ổn định hơn về mặt chính sách và quy hoạch công nghiệp.

Bên cạnh việc hoàn thiện môi trường thể chế minh bạch, dựa trên luật lệ, đầu tư vào giáo dục và đổi mới cũng cần thiết để tiếp tục thu hút nhiều khoản đầu tư có giá trị gia tăng hơn và đảm bảo sự tăng trưởng lâu dài của đất nước.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông Yann FROLLO DE KERLIVIO và ông Pierre MARTIN đại diện Business France/Ambassade trả lời phỏng vấn.

Chủ tịch VCCI thông báo tin vui trong "ngày Tết" của giới doanh nhân

Thứ 4, 11/10/2023 | 09:11
Ngày 11/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị gặp gỡ toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam.

Tổng thống Macron nói về “đòn bẩy tuyệt vời” cho nước Pháp

Thứ 3, 26/09/2023 | 15:36
Tổng thống Pháp muốn thúc đẩy “một hệ sinh thái tạo ra giá trị kinh tế” ở châu Âu và chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Lý do các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Pháp

Thứ 6, 14/07/2023 | 16:22
Sự gia tăng dòng vốn FDI chảy vào là tin tốt, nhưng nó khó có thể là lý do đằng sau những thay đổi có vẻ tích cực đối với thành quả kinh tế của Pháp.
Cùng tác giả

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2023

Thứ 2, 25/12/2023 | 07:15
Xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, cạnh tranh Mỹ-Trung, bất ổn ở châu Phi... là những sự kiện “tốn nhiều giấy mực” nhất của truyền thông trong năm qua.

Lãi suất cao ở Mỹ gây bất ổn tài chính tại Đông Á mới nổi

Thứ 2, 27/11/2023 | 10:11
Lập trường thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến thị trường chứng khoán ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Hàn Quốc, đi xuống.

3 hướng đi mới để phát triển con người khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Thứ 3, 07/11/2023 | 21:08
Theo UNDP, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với 3 nhóm nguy cơ tồn tại đồng thời, bao gồm các mối đe dọa liên quan đến sự sinh tồn của con người.

Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam

Chủ nhật, 15/10/2023 | 15:00
Chìa khóa để Pháp đạt được những “dấu son” trên hành trình tái công nghiệp hóa và thu hút đầu tư là cải cách. Đây cũng là bài học giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi.

Cải cách giúp ADB biến “hàng tỷ” USD thành “hàng nghìn tỷ”

Thứ 6, 29/09/2023 | 09:31
Để đạt được điều này, huy động nguồn vốn tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt.
Cùng chuyên mục

EU dự tính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với LNG của Nga

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:55
Đáng chú ý, các đề xuất mới sẽ không cấm các quốc gia thành viên mua LNG của Nga, mà thay vào đó sẽ nhắm vào các chuyến hàng quá cảnh các cảng của EU.

Thống đốc Ngân hàng Nga hành động sau chỉ đạo “nóng” của ông Putin

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:10
Lãi suất ở Nga được duy trì ở mức cao để chống lại áp lực lạm phát gia tăng và chống đỡ đồng Rúp khỏi bị chao đảo trước các đòn trừng phạt của Mỹ và EU.

Yêu cầu của Nga đe dọa dòng chảy dầu thô sang Đức

Thứ 7, 27/04/2024 | 06:00
Đức dù không còn mua dầu của Moscow vẫn phải dựa vào cơ sở hạ tầng đường ống của Nga để nhận hàng từ nước thứ 3.

So sánh tiềm lực sáng chế UAV của Nga, Ukraine trong xung đột

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:15
Nga đã nộp 342 bằng sáng chế máy bay không người lái (UAV) từ năm 2022 đến năm 2024, trong khi Ukraine chỉ nộp 4 bằng sáng chế trong cùng khoảng thời gian.

Nguyên nhân xe tăng Abrams của Mỹ “biến mất” khỏi tiền tuyến Ukraine

Thứ 6, 26/04/2024 | 14:30
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, các lực lượng Nga đã tiêu diệt được 5 chiếc xe tăng Abrams do Ukraine triển khai trong vùng chiến sự.
     
Nổi bật trong ngày

Nguyên nhân xe tăng Abrams của Mỹ “biến mất” khỏi tiền tuyến Ukraine

Thứ 6, 26/04/2024 | 14:30
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, các lực lượng Nga đã tiêu diệt được 5 chiếc xe tăng Abrams do Ukraine triển khai trong vùng chiến sự.

Tăng cường tiếp viện, Ukraine vẫn gặp khó, Nga tiếp tục đà tiến ở Adveevka

Thứ 6, 26/04/2024 | 13:55
Bộ chỉ huy quân sự Ukraine đang nỗ lực chuyển quân tiếp viện đến mặt trận ở hướng Adveevka. Tuy nhiên, họ vẫn đang mất dần các khu định cư.

Tổng Thư ký NATO tin “chưa quá muộn để Ukraine giành chiến thắng”

Thứ 6, 26/04/2024 | 10:44
Ukraine đã phải chịu nhiều sự kéo lùi trên chiến trường trước các lực lượng Nga do tình trạng cạn kiệt đạn dược và vũ khí.

EU dự tính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với LNG của Nga

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:55
Đáng chú ý, các đề xuất mới sẽ không cấm các quốc gia thành viên mua LNG của Nga, mà thay vào đó sẽ nhắm vào các chuyến hàng quá cảnh các cảng của EU.

Tuyên Quang: Níu chân du khách bằng sắc màu thổ cẩm

Thứ 7, 27/04/2024 | 14:43
Vừa qua, chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề đã được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang.