Tiến sĩ thất nghiệp đi ăn trộm, vô công rồi nghề vẫn “kén cá chọn canh”

Mỗi người sẽ đóng những vai trò cụ thể trong xã hội thông qua công việc mà họ đang làm. Thế nhưng ai cũng cho rằng bản thân tài giỏi, phải nắm những vị trí lớn thay vì làm những công việc vặt vãnh, kén chọn quá để rồi… vẫn cứ thất nghiệp.

Một người đàn ông họ Tống ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã bị bắt giữ vì tội danh ăn trộm xe máy điện. Chuyện ăn trộm vặt này sẽ không có gì đáng nói nếu như cảnh sát không chú ý đến động cơ thúc đẩy và lai lịch của người đàn ông 48 tuổi.

Đi ăn trộm là vậy nhưng Tống thực chất là một người có học vấn cao, từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Sơn Đông năm 1994 và học lên hẳn học vị tiến sĩ. Cần phải nói, thi cử ở Trung Quốc vốn nổi tiếng gắt gao với tỷ lệ chọi lớn. Người thi đỗ bên cạnh sự nỗ lực cũng phải có trí tuệ và năng lực thực sự tốt.

Không thể phủ nhận, Tống là một người tài giỏi, nhưng đáng buồn thay, ông không chịu đi làm chỉ vì luôn cho rằng với bằng cấp của mình, ông phải đảm đương những công việc vĩ đại thay vì tầm thường. "Anh sẽ kiếm được nhiều tiền mà không phải vất vả vì anh có bằng tiến sĩ", Tống từng tuyên bố với vợ. Tuy nhiên, cứ làm một thời gian con người cao ngạo này lại nghỉ vì chê công việc nhàm chán và lương thấp.

Theo trang tin Sina, Tống có con trai 15 tuổi và đã ly thân vợ. Khi bị bắt, Tống đang ở tại một căn nhà thuê nằm trong con hẻm giữa trung tâm thành phố. Hai năm nay người đàn ông này chỉ ở nhà, sống dựa vào khoản trợ cấp 1.000 tệ mỗi tháng (3,4 triệu đồng).

Để có tiền sinh hoạt, ông đi ăn trộm và đã 5 lần bị bắt về hành vi tương tự. Trong buổi thẩm vấn, Tống tỏ ra thành khẩn và hứa không tái phạm để làm gương cho con trai. Trước hoàn cảnh của Tống, cảnh sát Tế Nam cũng hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho ông. Nghe đến đây, Tống chỉ biết cúi mặt, nước mắt rơi lã chã. Có lẽ đến giờ phút này, Tống sẽ không còn dám chê bất kỳ công việc nào nữa.

Hoàn cảnh của Tống cũng là thực trạng xã hội đáng lo ngại ở Trung Quốc. Dù bước qua cuộc cạnh tranh gay gắt để có một ghế trên giảng đường đại học, những sinh viên sẽ vẫn còn một thử thách trước mắt đó là tìm việc làm phù hợp với chuyên ngành. Có không ít sinh viên ra trường, tốt nghiệp những đại học danh tiếng vẫn không thể có việc làm ưng ý, thậm chí phải làm trái nghề; hay bất mãn vì thành quả học tập bị coi rẻ, không chịu đi làm, trở thành một ví dụ tương tự như Tống.

Ở Việt Nam, nhiều năm trước, với tấm bằng đại học danh giá, mà nếu tốt hơn nữa là bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì cơ hội có việc làm gần như nắm chắc trong lòng bàn tay. Thế nhưng giờ đây, dù là thạc sĩ hay tiến sĩ cũng thất nghiệp như thường. Theo thống kê từ bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có trên 200.000 có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp. Đó là một con số không mấy hay ho nhưng lại có xu hướng tăng dần qua từng năm. Lý do thì có quá nhiều lý do. Mà phần lớn trong đó là các lò đào tạo “sản xuất” cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhiều quá, nhiều đến mức xã hội cũng không cung cấp đủ việc làm cho họ. Hồi năm 2016, dư luận cả nước từng xôn xao trước thông tin Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đào tạo tiến sĩ nhiều đến mức mà người ta ví von cứ mỗi 1,5 ngày lại cho ra lò một tiến sĩ.

Câu chuyện thất nghiệp không phải chỉ là những hệ lụy đến từ hệ thống giáo dục còn chưa thỏa đáng, đào tạo tràn lan, chương trình xa rời thực tế, mà còn một phần đến từ chính bản thân họ - những con người có bằng cấp và luôn ảo tưởng công việc từ trên trời rơi xuống.

Có không ít người ỷ lại vào bằng cấp, tự cho mình là lực lượng lao động trí thức, tỏ ra chảnh chọe, kén chọn, không muốn làm những công việc nhỏ nhặt, vất vả, để rồi loay hoay không tìm được một việc làm phù hợp. Học đại học xong không xin được việc thì lại tiếp tục đi học tiếp, học xong vẫn không có gì thay đổi.

Những con người trí thức đó lẽ ra cần phải hiểu rằng, dù là bất kỳ công việc gì, chúng ta cũng cần phải xây từ nền móng trước, bằng cách tích lũy kinh nghiệm từ những công việc đơn giản, không nề hà, không kén chọn. Hơn nữa, cạnh tranh trong thị trường lao động càng cao, càng cần phải trang bị thêm những kỹ năng, tri thức để tạo cho bản thân sự khác biệt.

Tìm được công việc đúng ngành thì tốt mà không tìm được cũng chẳng sao. Miễn là đừng biến bản thân thành con người vô dụng của xã hội rồi lại nghĩ quẩn, nảy sinh những thói hư tật xấu hay trở thành tội phạm.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo ngại xã hội lại mất lòng tin vào bộ GD&ĐT

Thứ 3, 14/11/2017 | 11:02
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ đề án mới đây của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì vẫn còn đó những lo lắng trước đề xuất chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ.