Những ngày qua, bộ phim điện ảnh “Đào, Phở và Piano” do Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn làm đạo diễn, kiêm biên kịch đã tạo nên một hiệu ứng truyền thông tốt, thu hút đông đảo khán giả mua vé xem phim, đặc biệt là các bạn trẻ.
Thông qua sự kiện này, có thể thấy thông qua cách tiếp cận lịch sử khác nhau sẽ giúp thu hút người trẻ thêm yêu lịch sử nước nhà.
Khơi gợi sự yêu thích lịch sử trong thế hệ trẻ
Cũng thấy được ý nghĩa của bộ phim, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã quyết định mua vé và mời toàn bộ sinh viên cùng đi xem bộ phim này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Mãi – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế cho biết: “Tôi thấy bộ phim về đề tài lịch sử rất hay nên quyết định cùng các thầy cô trong ban giám hiệu trích tiền cá nhân để mua vé xem phim tặng các em. Thông qua hoạt động này, nhà trường mong muốn cho các em hiểu được lịch sử, sự hy sinh và những công lao của cha ông ta”.
Ông Mãi cũng cho rằng các buổi giảng dạy lịch sử truyền thống khiến các em học sinh ít quan tâm, vì vậy việc tổ chức cho các em sẽ giống như một buổi học tập ngoại khoá giáo dục lịch sử.
“Tôi có gửi thư mời đến các em, nói về ý nghĩa của bộ phim. Không nghĩ các em lại hào hứng đến vậy. Điều rất vui là các em xem tập trung và rất xúc động, cảm nhận được phần nào những ngày tháng hào hùng của dân tộc”, ông Nguyễn Văn Mãi bày tỏ.
Qua đây ông Mãi cũng cho rằng thấy học sinh không phải hờ hững với lịch sử. "Các em rất quan tâm nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta chưa khơi được sự hứng thú trong việc học để học sinh cảm nhận được những giái trị”, ông Mãi đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Mãi chia sẻ thêm: “Bằng các nào đó cần dạy môn Lịch sử cần được giảng dạy một cách sinh động hơn để học sinh thấy nó hay. Ngay ví dụ như bộ phim này giới trẻ lại hào hứng hơn người lớn. Không phải các em “quay lưng” lại với lịch sử mà đơn giản chúng ta chưa có cách dạy lôi cuốn các em”.
Dưới góc độ làm nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế cho rằng giữa việc làm phim lấy chất liệu lịch sử và làm phim thương mại hiện nay vẫn là một bài toán rất khó.
“Mặc dù thông qua các loại hình văn hoá nghệ thuật giúp truyền tải lịch sử đến các thế hệ công chúng hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta rất thiếu những tác phẩm về lịch sử có giá trị thật trong khi có rất nhiều câu chuyện, nhân vật anh hùng dân tộc mà chưa có bộ phim bào xứng tầm khai thác hết”, ông Nguyễn Văn Mãi bày tỏ.
Dạy kiến thức lịch sử phải đi vào thực chất
Là giáo viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử ông Hồ Như Hiển - Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hoá đánh giá: “Thật tuyệt vời khi thấy rằng các bộ phim về đề tài lịch sử như "Đào, Phở và Piano" đang ngày càng thu hút sự chú ý của các bạn trẻ. Sự thu hút của các bộ phim về đề tài lịch sử đang làm nổi bật sự quan tâm của các bạn trẻ đối với lịch sử và văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, việc học lịch sử ở nhà trường và tiếp cận lịch sử qua phim ảnh là hai khía cạnh rất khác biệt”.
Theo ông Hiển trong môi trường học tập, mục tiêu của việc giảng dạy lịch sử là trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới, cùng với việc phát triển kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho họ.
Giáo viên có thể sử dụng các tài liệu đa phương tiện như video, phim tài liệu hoặc phim về đề tài lịch sử để giới thiệu kiến thức, nhưng cần nhớ rằng phim điện ảnh chỉ là một phần của việc phản ánh hiện thực lịch sử và thường có nhiều yếu tố hư cấu.
“Học lịch sử không chỉ đơn thuần là việc đọc sách giáo khoa và ngồi trong lớp học. Học sinh cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động trực tiếp như thăm đi hiện trường lịch sử, xem các tư liệu và phim tài liệu để hiểu rõ hơn về các sự kiện và giai đoạn lịch sử.
Việc kết hợp giữa sách giáo khoa và các tư liệu đa phương tiện có thể giúp tạo ra trải nghiệm học tập phong phú và sinh động hơn cho học sinh”, ông Hồ Như Hiển bày tỏ.
Đưa ra quan điểm cần có phương pháp giảng dạy giúp môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, ông Hiển đánh giá: “Bản thân môn Lịch sử là một môn học thú vị. Tuy nhiên, việc giảng dạy và học tập môn Lịch sử hiện nay đang có vấn đề, gây ra hiện tượng mà xã hội gọi là học sinh chán sử, sợ sử.
Trước hết phải thấy rằng việc dạy và học lịch sử hiện nay đa phần vẫn là dạy chay, học chay, thiếu cọ xát thực tế. Học sinh cũng ít được xem phim tài liệu, tư liệu để hình dung về giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử. Thầy cô đang bị phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa.
Tuy nhiên, với Chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử đã có nhiều sự thay đổi, giảm nội dung kiến thức, lấy học sinh làm trung tâm, chú ý phát triển kiến thức, kỹ năng cho học sinh, gắn lịch sử với thực tế cuộc sống.
“Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ, việc chú trọng xây dựng các thước phim và tư liệu lịch sử hấp dẫn là rất quan trọng để hỗ trợ học sinh tiếp cận môn học một cách dễ dàng và sinh động hơn.
Các dạng tài liệu và thước phim về lịch sử có ý nghĩa lớn trong giáo dục và học tập. Chúng không chỉ là nguồn thông tin giúp học sinh tiếp cận lịch sử một cách sinh động hơn, mà còn là công cụ để kích thích sự tò mò và hứng thú của họ với môn học này”, ông Hồ Như Hiển bày tỏ.
Theo Chương trình GDPT 2018, ở lớp 10, môn Lịch sử, môn Địa lý giúp học sinh hiểu biết về đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lý, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lý, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lý trong đời sống.
Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,...