Cháu là Nguyễn Ngô Hiền Minh, 10 tuổi, đang học lớp 5.
Ấy là, khi đám cháy bùng phát, trong nhà cháu có mỗi mình cháu. Bố mẹ và em đang ở cửa hàng của gia đình cách đấy 200 mét. Một số báo tường thuật, "Khi cháu đang ngồi trong nhà thì nghe có tiếng hô cháy, cháu nhớ lại kỹ năng được dạy. Ngay lập tức, cháu dập cầu dao, tắt máy tính. Sau đó, chạy thẳng xuống dưới và chạy ra ngoài. Lúc đấy, lửa đã cháy khá to và cầu thang bắt đầu có khói.
Lúc chạy ra, cháu có thấy một chị đang đi học về nên đã nhờ chị ấy gọi cứu hoả và tiếp tục chạy qua cửa hàng của bố mẹ để thông báo. Đến lúc cùng bố mẹ quay trở về thì lửa đã bao trùm cả tòa nhà rồi". Cháu bảo, đấy là nhờ những gì cô giáo đã dạy ở trường và cháu nhớ. Nói thì dễ thế, tôi từng chứng kiến có người, chỉ báo động giả thôi, đã run cầm cập, không nghĩ được điều gì. 56 người tử nạn trong vụ chung cư ấy đã không may mắn như cháu, dù hôm nay cả nhà cháu, 4 người, đã không còn gì, và đang phải ở nhờ một gia đình tốt bụng.
Tôi đọc chi tiết cháu “sập cầu dao, tắt máy tính” mà nể cháu vô cùng. Người lớn chúng ta, mấy người xử trí được thế trong hoàn cảnh tương tự?
Lại nhớ một cháu khác đã cứu em mình cũng chính bằng kỹ năng sống tuyệt vời. Là cháu trai 10 tuổi ở Phú Xuyên Hà Nội rơi xuống ao, đã tím tái và ngưng thở, mềm nhũn. Chị gái phát hiện, kéo em lên và làm hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt tới khi em nói được yếu ớt thì có người lớn tới giúp sức. Khi được đưa vào bệnh viện thì “sau khoảng 3-4 tiếng, cháu bị khó thở, sốt cao liên tục, oxy máu giảm còn khoảng 80 - 85%, trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản, SPO2 vẫn duy trì được 94%, trào bọt hồng qua nội khí quản, phổi thông khí kém”.
Bác sĩ phải đặt ống nội khí quản cho trẻ và chuyển đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai vào giờ thứ 6 từ lúc bị đuối nước. Tức là khá nặng, nhưng sau đó cháu đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ cho biết, chính chị gái cháu đã là người đầu tiên cứu em mình nhờ kiến thức của cháu, ấy là hà hơi thổi ngạt, ép tim để em trai tỉnh lại. Đa phần trong trường hợp này là chỉ... biết khóc, thậm chí là ngất xỉu, cánh viết báo lười tìm chữ bây giờ hay gọi chung là “khóc ngất”. Chị cháu đã rất dũng cảm, nhanh trí, thông minh và tỉnh táo để cứu em mình.
Trên mạng đang lưu truyền mấy clip rất thú vị do người dân quay lại khi các chiến sĩ cảnh sát PCCC đi từng khu dân cư hướng dẫn cách phòng cháy chữa cháy, cách thoát thân, cách sử dụng các phương tiện thoát hiểm.
Bằng cách nói dí dỏm, thông minh, hài hước, tới mức có người bảo chả thua gì... Trấn Thành, Trường Giang vân vân nhưng nó thực chất hơn nhiều, thiết thực hơn nhiều.
Và xem clip mới biết té ra, đúng là chúng ta lơ mơ thật. Tôi xem cùng mấy người bạn, họ đều hết sức thú vị với cách chỉ bằng sợi dây có thể tụt xuống thế nào và cũng lên cao thế nào. Tóm lại là, lâu nay chúng ta lớt phớt, giờ đụng việc, gặp các anh cảnh sát PCCC tài hoa như thế đi tuyên truyền, hướng dẫn, nó cứ vào thun thút.
Nhớ hồi nào có vụ cháy quán karaoke, có cô gái chạy từ đám cháy ra, mũi bịt bằng chiếc... áo ngực. Dân mạng bình phẩm xôn xao. Thì chính anh cảnh sát PCCC này khuyên rất chân thành, đấy là cách bảo vệ mình rất hữu hiệu, và còn nhắc: cần thì xé chia cho anh chàng bên cạnh một nửa, không ảnh chết mà mình sống thì cũng ân hận cả đời. Và té ra cái cô gái ở quán karaoke ấy đã xử lý rất đúng cách, rất đúng phương pháp để tự cứu mình.
Đời sống của chúng ta ngày càng hiện đại lên, càng sung túc phát triển hơn, nhưng cũng đồng nghĩa nó đi cùng nhiều bất trắc. Nhưng có vẻ như chúng ta mới hân hoan hưởng thụ mà chưa nghĩ, chưa lo tới mặt kia của nó. Ví dụ không tiền mặt thì không lo bị mất ví, chính xác là lỡ mất ví thì không lo mất tiền. Nhưng té ra không phải thế, một cú lừa Ebank nó đi cả cụm, không chỉ tiền mình mà cả tiền huy động nộp vào để chuyển đủ cho bọn đang lừa mình, nên có người về hưu phải “huy động” cả mấy tỉ nạp vào tài khoản cho bọn lừa đảo là thế.
Mấy hôm nay, vào mạng là đập vào mắt các quảng cáo mặt nạ phòng độc, thang dây, bình cứu hỏa... Phải công nhận là khoa học quảng cáo tài thật.
Trưa qua tôi đi đám cưới cùng một anh bạn, ở tầng tư một khách sạn. Việc đầu tiên là anh hỏi nhân viên phục vụ: Cửa thoát hiểm đâu? Rồi tới tận nơi kiểm tra, rồi mới... an tâm ngồi.
Có những thói quen phải chập chững làm quen lại từ đầu là thế?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.