Bán rẻ đạo đức để làm YouTuber

Giá trị bị đảo lộn, bất chấp tất cả để kiếm tiền, “sân chơi” YouTube có thể giúp một người trở nên giàu có nhưng cũng khiến họ trở thành đối tượng bị chỉ trích.

Khi Google mua lại YouTube vào năm 2006 với cái giá không tưởng 1,65 tỷ USD, có lẽ không mấy người nghĩ rằng trang web chia sẻ video này một ngày nào đó sẽ trở thành nền tảng được nhiều người sử dụng nhất trên toàn cầu.

Ban đầu, YouTube được hướng tới như một trang web để người dùng hoặc doanh nghiệp lưu trữ, xem hoặc chia sẻ video. Nhưng giờ đây, Youtube đã thay đổi bộ mặt sau hơn một thập kỷ, trở thành một sân chơi sáng tạo không giới hạn, tạo ra một thế hệ Content Creator (người sáng tạo nội dung) với những sản phẩm độc đáo, có ảnh hưởng lớn trên internet.

YouTube chuyển mình trở thành một mạng xã hội video như một xu thế tất yếu, bởi người dùng ngày càng có nhu cầu tương tác và thể hiện cái tôi nhiều hơn. Hơn nữa, với những điều khoản chia sẻ lợi nhuận thu hút, Google đã kích thích người dùng từ thụ động xem video sang chủ động sản xuất video, tạo ra làn sóng “người người, nhà nhà” làm YouTuber (người dùng sản xuất nội dung trên YouTube).

Không cần chuyên môn, không yêu cầu độ tuổi hay bất kỳ tiêu chuẩn nào khác, ai cũng có thể trở thành ngôi sao trên Youtube chỉ cần có chút duyên, tài năng và một chút may mắn. Ryan Kaji chỉ là cậu bé 8 tuổi nhưng đã sở hữu kênh Youtube với 23 triệu lượt đăng ký, kiếm về 26 triệu USD vào năm ngoái, trở thành YouTuber có thu nhập cao nhất thế giới.

Tương tự như ở Việt Nam, một cá nhân sản xuất video trên các nền tảng như Facebook, Youtube, TikTok hàng đầu có thể kiếm số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng, không chỉ từ Google mà còn là những nguồn thu nhập khác thông qua quảng cáo, bán hàng, làm người đại diện. Là một YouTuber có ảnh hưởng, sức hút của họ không hề thua kém diễn viên, ca sĩ.

Vừa có thể giải trí, vừa phát huy và thể hiện cá tính bản thân, lại có nguồn thu nhập khá, đó cũng là lý do ai cũng muốn thử sức mình trên lãnh địa YoutTube. Nhưng sân chơi có hạn mà người tham gia quá nhiều, khán giả có quá nhiều lựa chọn và sẽ trở nên khó tính hơn khi thưởng thức. Cho đến khi nội dung bão hòa, các nhà sáng tạo bắt đầu khiến công việc của họ trở nên biến tướng, xấu xí và bất chấp.

Mới đây, dư luận Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ với việc một cặp vợ chồng hai năm qua cố tình nhồi nhét, ép buộc cô con gái mới 3 tuổi ăn uống rồi quay video đăng lên mạng xã hội để kiếm tiền. Ghi hình video ăn uống là một trong những nội dung thu hút khán giả trên các trang mạng xã hội video. Thế nhưng, để tăng lượng tương tác và theo dõi, cặp phụ huynh kia đã lạm dụng chính con mình một cách vô đạo đức.

Trong các video, người xem phát hiện ra cân nặng của đứa trẻ tăng vọt, thậm chí đi lại cũng khó khăn. Mọi người khuyên cha mẹ bé nên chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng nhưng bị phớt lờ. Theo Global Times, bứa trẻ bị ép buộc ăn các loại đồ ăn như thịt nướng, xúc xích, bánh mì kẹp thịt, gà rán, khiến dư luận Trung Quốc lo ngại đứa trẻ sẽ béo phì và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tháng trước, cộng đồng mạng Việt Nam cũng lên tiếng chỉ trích kênh YouTube “Hưng Vlog” khi mang tính mạng con người ra để đùa cợt trong video mới. Người này đã dàn dựng cho em gái giả vờ bị tai nạn, băng bó toàn thân, phải ngồi xe lăn, sau đó đưa về nhà để ghi lại cảnh phản ứng của mẹ như thế nào. Khi chứng kiến cảnh người anh đẩy em gái vào nhà trong tình trạng cả người băng bó, người mẹ đã trải qua một phen hốt hoảng, thậm chí lo đến rơi nước mắt.

Vốn là một kênh Youtube có hàng triệu người theo dõi, nhưng “Hưng Vlog” luôn bị chê bai là sản xuất những nội dung nhảm nhí, khùng điên, lãng phí, “như lấy nước ngọt để nấu cơm trêu mẹ”, “chôn hai anh em xuống hố cát rồi dùng nhang và vàng mã để cúng”… Đa số ý kiến chỉ trích đều cho rằng đó là những nội dung độc hại, vô nghĩa, không có nhiều giá trị thưởng thức.

Nhưng bất chấp những ý kiến phản đối, các video nhảm nhí tương tự của “Hưng Vlog” hay nhiều YouTuber khác vẫn luôn ra mắt đều đều hàng ngày. Và có một nghịch lý rằng, càng nhảm nhí bao nhiêu thì lượt xem càng nhiều bấy nhiêu. Ngược lại, những kênh YouTube về kiến thức, sáng tạo, lan tỏa nội dung tích cực lại luôn mất hút và bị ngó lơ.

Vẫn biết rằng thị hiếu của khán giả chính là một phần khiến những nội dung như vậy sống khỏe. Thế nhưng đổi lại, thị hiếu khán giả chỉ có thể được điều chỉnh theo chiều hướng tốt lên khi những dạng nội dung độc hại không còn. Để làm được điều đó, những nhà sáng tạo nội dung nhảm nhí cần bị tẩy chay.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Hướng dẫn loại bỏ lời nhắc “Video đã tạm dừng. Tiếp tục xem?” trên YouTube

Thứ 5, 30/07/2020 | 11:25
Nếu không muốn quá trình xem video trên YouTube bị gián đoạn bởi hộp thoại “Video đã tạm dừng. Tiếp tục xem?” bạn hoàn toàn có thể loại bỏ nó.