Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Kể từ mùa thu độc lập đầu tiên năm 1945, nước Việt Nam ta đã đi qua chặng đường 78 năm vẻ vang với thêm biết bao mùa thu đáng nhớ. Từ những mùa thu của ròng rã 9 năm trường kỳ kháng chiến đến những mùa thu của khát vọng thống nhất non sông. Từ những mùa thu của ngày đầu Đổi mới đến những mùa thu mới ngày nay bừng bừng nhịp sống mới. Khát vọng của một đất nước đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh, đã giành được tự do và độc lập, đang vững bước đi lên chinh phục những đỉnh cao mới.

Nhớ về những mùa thu lịch sử, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng – người lính đã từng đi qua trận mạc, từng đối diện ranh giới của cái chết, lại bồi hồi xúc động. Ông nhớ về ký ức tuổi thơ được gần gũi với vị cha già kính yêu của dân tộc nơi núi rừng Việt Bắc, nhớ về những tháng ngày khói lửa trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nhớ để luôn tâm niệm phải sống xứng đáng, sống có trách nhiệm, để là người truyền lửa cho những thế hệ mai sau.

Gặp chúng tôi cũng trong một sáng mùa thu, vị tướng già nhỏ nhắn, dẫu đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” song trong ông vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, nét vui đời. Với chất giọng miền Trung, ông tự hào kể về một thời hoa lửa, rồi lại xúc động rưng rưng khi nhớ về những người đồng đội.

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu sinh ra tại Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), một làng quê nổi tiếng là cái nôi văn hoá lâu đời, có truyền thống hiếu học, đây cũng chính là quê hương của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương:

“Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa

Ông Nghè, ông Cử như hoa vườn quỳnh”.

Chỉ một câu ca như thế thôi là đủ để nói về cái sức học của ngôi làng được biết đến như một trong những làng Khoa Bảng nức tiếng nhất nước. Trong lịch sử khoa bảng, Quỳnh Đôi có hơn 1.000 người đỗ từ tú tài đến tiến sĩ, bình quân mỗi khoa thi có 8,3 người đỗ. Trong đó có 1 Thám hoa, 1 Bảng nhãn, 6 tiến sĩ, 4 Phó bảng, 13 Giải nguyên (danh hiệu đỗ đầu kỳ thi Hương).

Không chỉ nổi tiếng về sự hiếu học mà làng Quỳnh cũng là nơi nức tiếng về truyền thống cách mạng.

Chẳng thế mà vào năm 1951, tại kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, cả nước bầu ra 29 Uỷ viên Trung ương thì riêng làng Quỳnh Đôi đã có 3 người. Đặc biệt hơn nữa khi cụ thân sinh của Thiếu tướng, ông Hồ Viết Thắng cũng vinh dự nằm trong Uỷ ban Trung ương.

Thiếu tướng chia sẻ “Hồi đấy nhà tôi rất nghèo, cha đi kháng chiến, mẹ ở nhà nuôi 3 đứa con, không có cơm ăn, khổ quá nên bố về bảo dắt theo một đứa, mình rất may mắn là đứa được đi theo. Cụ nhà tôi là Uỷ viên Trung ương nên công tác tại văn phòng Trung ương Đảng trên chiến khu Việt Bắc, bố con tôi ngày đó được Bác Hồ quan tâm đến nhiều, có lẽ vì cùng là họ Hồ hoặc vì thương cái cảnh không khác gì gà trống nuôi con của bố tôi”.

“Ở chiến khu mọi người sống với nhau như gia đình. Mỗi lần ăn cơm, Bác buồn thì sẽ gọi trẻ con lên ăn cùng mình, tôi cũng có vài lần có vinh dự được ăn cơm với Bác. Chiều thứ 7, bọn trẻ con thường kéo nhau lên nhà Bác chơi, và thường được chỉ cho xem phong cảnh núi rừng Việt Bắc”, ông Hậu hồi tưởng về khoảng thời gian được sống ở chiến khu.

Đối với ông, phong cảnh tại chiến khu năm ấy y như những câu thơ của Tố Hữu:

“Vui sao một sáng tháng Năm

Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ

Suối dài xanh mướt nương ngô

Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...”

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Ngay từ trong ký ức của Thiếu tướng thời còn là một cậu bé, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một vị lãnh tụ thật đặc biệt.

“Từ nhà đến cơ quan làm việc của Bác ở chiến khu phải đi qua một trường mẫu giáo, Bác thường hay ghé thăm trường trên đường đến nơi làm việc.

Một hôm, trong lớp tôi có một bạn tên là Tộ đánh nhau nên bị cô giáo phạt úp vào tường. Đúng lúc nhìn thấy Bác đi qua, Tộ liền úp mặt tỏ ra rất khổ sở vì biết Bác nhìn thấy sẽ thương và “giải cứu” cho mình.

Bác vào lớp và hỏi cô giáo tại sao cậu bé này lại úp mặt vào tường như vậy, sau khi được nghe cô giáo kể đầu đuôi sự việc, Bác bảo: "Bây giờ Bác xin cô, cho cháu ấy xin lỗi, cô tha cho cháu đó không". Cô giáo đồng ý.

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Từ câu chuyện bình dị như vậy mới thấy được sự vĩ đại của Bác, một vị Chủ tịch nước mà đối với một cô bảo mẫu vẫn còn xin phép chứ không ra lệnh hay quát nạt”, vị Thiếu tướng bồi hồi kể lại.

Câu chuyện về cậu bé “đi lạc” trong bức ảnh chụp Bác Hồ và các chiến sĩ Điện Biên Phủ tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1954 của nhà nhiếp ảnh người Nga Isurin - người đi cùng đoàn làm phim với đạo diễn Karmen là câu chuyện mà Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đã kể đi kể lại nhiều lần nhưng dù như vậy, khuôn mặt của ông vẫn ánh lên vẻ hạnh phúc và tự hào khi được kể lại câu chuyện này thêm một lần nữa.

“Cậu bé” Hồ Sỹ Hậu trong một lần được chụp ảnh cùng Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.

Đó là vào tháng 5/1954, đạo diễn Liên Xô Roman Karmen sang quay phim về Việt Nam kháng chiến. Sáng 19/5, cậu bé Hậu và các bạn được diện quần áo mới, quàng khăn đỏ đến chúc mừng sinh nhật Bác.

Bọn trẻ được Bác cho kẹo, rồi quây quần xung quanh xem báo và múa hát. Chia tay Bác, các bạn nhỏ khác đều tản đi chơi nhưng riêng cậu bé Hậu vẫn quanh quẩn ở sân trước. Đúng lúc này, có 6 chú bộ đội đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gặp để báo công chúc mừng sinh Bác.

Bác ngồi giữa ân cần hỏi chuyện chiến đấu, chuyện gia đình các chiến sĩ. Bỗng từ đâu chú bé Hậu chui tọt vào giữa, ngồi vào lòng Bác.

"Bác nghiêm nghị hỏi: Bác đang làm việc sao lại vào đây, các cô, các chú đâu? Thực sự chưa bao giờ tôi thấy Bác nghiêm như thế, tôi có chút sợ sệt liền chạy ra, đứng lấp ló sau gốc cây", ông Hậu nhớ lại.

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Đó là lần đầu tiên cậu bé thấy Bác nghiêm khắc như thế nhưng sau khi trao huy hiệu cho 6 chiến sĩ Điện Biên, Bác đột nhiên hỏi: “Cháu Hậu đâu?”, rồi vẫy cậu bé vào cùng quay phim chụp ảnh.

Được góp mặt trong bức ảnh chụp chung với Bác Hồ chắc chắn là kỷ niệm đáng tự hào nhất ngay cả với những người chiến sĩ, là niềm ao ước của biết bao con người Việt Nam. Vậy mà một cậu bé 8 tuổi không chỉ được chụp chung với Bác mà còn được góp mặt trong một bức ảnh cùng với những con người có công rất lớn với nền hoà bình của Việt Nam ngày hôm nay.

Trong bức ảnh, hàng thứ nhất là Đồng chí Lê Liêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ, Tổng bí thư Trường Chinh và cậu bé Hậu. Hàng thứ hai có Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái và các chiến sĩ Điện Biên.

Đối với riêng ông Hậu, việc được góp mặt trong bức ảnh đó còn cho thấy được sự công tư phân minh của Bác, người mà chỉ vừa một lúc trước còn nghiêm nghị trách mắng mình, giờ lại bao dung ấm áp đến như thế.

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

“Năm tôi 16 tuổi, vào dịp tết thiếu nhi, trẻ con được gọi lên cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng để gặp Bác và được Bác cho kẹo. Tôi nói với cha: Con muốn gặp Bác với tư cách anh hùng, chiến sỹ thi đua chứ không phải chỉ là trẻ con trong cơ quan. Cha tôi mắng: Được gặp Bác là một vinh dự mà con dám nghĩ vậy à? Nghe lời trách mắng đó, tôi rất ân hận. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp Bác”, ông Hậu nhớ lại.

Mùa thu năm 1969, cậu bé Hậu ngày nào bây giờ đã là một kỹ sư đang cùng đơn vị tiền trạm để chuẩn bị làm đường ống xăng dầu vượt đỉnh Trường Sơn, vì không có báo đài để biết thông tin, nên đến ngày 5/9 ông Hậu mới biết tin Bác đã ra đi.

“Khoảnh khắc lúc đấy trong tôi chỉ có sự bàng hoàng, thứ nhất là bàng hoàng vì mình không còn được gặp Bác, thứ hai là sau Mậu Thân chúng ta thiệt hại rất nhiều, cuộc chiến vẫn còn đang gian khổ mà không có Bác thì không biết công cuộc cách mạng sẽ đi đến đâu”.

Cũng cùng khoảng thời gian đấy, từng đợt bom B52 vẫn thả xuống cày nát vùng tuyến ống dẫn dầu của bộ đội.

“Một buổi sáng trên đường di chuyển ra ngoài vùng B52 đánh phá, chúng tôi đi cùng đường với một cáng thương binh. Trên võng là Chính trị viên tiểu đoàn công binh, anh bị trúng một mảnh bom vào cột sông nên đau đớn quằn quại. Khi gần đến trạm cứu thương, biết mình không qua khỏi, anh dồn toàn bộ sức lực còn lại nói lớn “Tôi không qua khỏi được đâu các đồng chí ạ. Tôi nhắc các đồng chí, Bác mất rồi nhưng còn Đảng, còn quân đội, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng”.

Lời nói của người Chính trị viên Tiểu đoàn ấy đã tác động sâu sắc đến tất cả mọi người. Đối với riêng bản thân ông Hậu, lời nhắn ấy của đồng đội giúp ông tự nhắc mình sẽ sống và chiến đấu để xứng đáng là người được may mắn gặp Bác Hồ.

“Bản lĩnh con người chỉ bộc lộ trong giấy phút hiểm nghèo”, Tướng Hậu nhấn mạnh khi kể về những câu răn dạy của người cha dành cho mình.

Lắp đặt đường ống trên đường Trường Sơn chắc chắn không phải là công việc đơn giản. Đặc biệt là đối với đơn vị của Thiếu tướng Hậu ngày ấy, khi mà tuyến ống đang ở khu vực vĩ tuyến 17 sát mặt trận nên không quân Mỹ quyết tâm đánh chặn bằng mọi cách, mọi loại bom đạn. Hết trận B52 này đến trận B52 khác. Rồi máy bay phản lực bổ nhào, ném bom tọa độ...

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Ông Hậu kể, “Nó đánh chỗ này thì mình phải tìm cách làm đường ống tránh đi chỗ khác, nhưng có điểm lạ là mình nghĩ đến chỗ nào thì địch đã đánh chỗ đấy, sau suốt 3 tháng trời, thương vong rất nhiều, có cả một đại đội đang vác ống bị B52 đánh vào giữa đội hình”.

Theo vị Thiếu tướng phân tích thì có ba lý do cho việc không quân Mỹ đánh như vậy: thứ nhất là về mặt kỹ thuật thì địch tính được là mình sẽ lắp đường ống ở đâu, thứ hai là có thám báo địch, thứ ba là sóng của điện đài liên lạc bị lộ.

Để khắc phục các nguyên nhân đó, bộ đội ta đã lùng sục đuổi thám báo ra xa tuyến, cẩn thận khi sử dụng điện đài. Còn về kỹ thuật, ta tính toán kỹ các biện pháp bảo vệ ống, và chấp nhận mạo hiểm, đưa tuyến lên đỉnh cao nhất của khu vực: đỉnh 911. Kết quả là ta đã lừa được địch. Mặc cho địch vẫn đánh phá điên cuồng, nhưng dòng xăng đã vượt được qua đỉnh Trường Sơn, vượt qua “cửa tử”, vươn sâu vào mặt trận.

Vậy là dù lâm vào khó khăn gian khổ như thế nào thì vẫn còn đó là kỷ niệm về Bác Hồ, lời nhắc nhở của đồng đội, lời răn dạy của cha như những ánh dương soi đường dẫn lối, xua tan đi sự dao động của chàng chiến sĩ Hồ Sỹ Hậu trong suốt những năm tháng chiến đấu vì sự nghiệp chung của toàn dân tộc – sự nghiệp thống nhất đất nước.

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Sau những năm tháng chiến đấu trường kỳ, cuối cùng đất nước ta đã giành được độc lập, hai miền tổ quốc lại trở về một mối, cậu bé Hồ Sỹ Hậu ngày nào giờ đây cũng đã trở thành một vị thiếu tướng, là tác giả của “Dòng sông mang lửa”, cuốn tiểu thuyết thấm đượm trong nó là những hy sinh thầm lặng và tình cảm da diết khó tả của những người đồng đội.

“Tôi có một tâm nguyện, đó là cuộc đời mình có rất nhiều ân nghĩa phải trả, mình phải viết sách để trả nghĩa cho quê hương, trả nghĩa cho đồng đội”, Thiếu tướng Hậu xúc động chia sẻ.

Một trong những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một chiến sĩ đường ống. Do địch đánh quá ác liệt nên phải chuyển đường ống từ bờ bắc sang bờ nam sông Sê Bang Hiêng.

Ở bờ nam sông đâu đâu cũng có bom từ trường, để có thể lắp được đường ống thì phải phá bom. Sau khi công binh tiến hành phá hết bom, Nguyễn Lương Định (nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết) đã đề nghị: “Đoạn này bom chồng lên bom. Nếu dưới lớp đất bom kia còn sót bom từ trường mà cả đại đội vác ống qua thì rất nguy hiểm. Đề nghị Đại đội trưởng cho tôi vác ống đi kiểm tra lần cuối. Rủi còn sót quả bom nào thì chỉ một người bị”.

Đồng đội của anh đều cho là không cần thiết, nhưng anh nhất định phải làm, không phải vì không tin trưởng đồng đội, mà là để đề phòng bất trắc. Định đã một mình nhận trái bom còn sót lại. Bom tung anh lên cao. Đất đá vùi lên anh cùng chiếc ông đã bị bom vặn quăn queo. Anh bị trọng thương, nhưng cả đại đội được cứu khỏi hiểm nghèo.

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

Tác giả cuốn sách chia sẻ, nhân vật Nguyễn Lương Định và câu chuyện trong tiểu thuyết hoàn toàn có thật. Ngày mà hai miền Nam - Bắc đã về chung một nhà thì người chiến sĩ năm ấy thay vì được hưởng những yên bình mà một người đã dành cả tuổi xuân bảo vệ đất nước xứng đáng có được, lại phải chịu nhiều vết đau về thể xác và cũng rất gian nan trong cuộc sống mưu sinh.

“Vậy mà kể cả trong hoàn cảnh như thế, người chiến sĩ ấy vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp nhất, xứng đáng là một tấm gương đại diện cho hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ”, nhà văn nghẹn ngào nói.

Như lời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nói, “Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại, thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.

Vị Tướng giải thích, “Tôi đặt tên cuốn sách là dòng sông mang lửa vì dòng sông đó lúc nào cũng chứa đầy xăng trong lòng, chỉ một mảnh bom là bùng cháy, máy bay địch bâu lại đánh, gây cho ta những tổn thất hy sinh nặng nề”.

Nhưng mang lửa không chỉ là ngọn lửa của chiến tranh mà còn là ngọn lửa nhiệt tình chiến đấu của những người thanh niên nguyện hiến dâng cả thanh xuân cho tổ quốc.

Chuyện của một huyền thoại đường Trường Sơn

“Lần viết cuốn sách đấy là lần đầu tôi viết một cuốn tiểu thuyết nên câu chữ có thể còn vụng về, nhưng nó mang theo sự chân thành nên khi đến tay đồng đội, ai đọc cũng được nhìn thấy chính mình trong đó”, ông Hậu chia sẻ.

“Dòng sông mang lửa” là một cuốn sách nói về một thời kỳ mưa bom bão đạn, về những huyền thoại thầm lặng đã ngã xuống trên một mảnh đất huyền thoại. Bây giờ đây đất nước ta đã sống trong hoà bình, nhưng không thể vì thế mà xem nhẹ giá trị mà cuốn sách mang lại. Vị Tướng chia sẻ rằng mình viết sách không chỉ để trả ân nghĩa cho đồng đội mà còn để nhắc nhở thế hệ sau về cái giá của hoà bình.

Giờ đây, cậu bé trong bức ảnh chụp cùng Bác Hồ ngày nào đã trở thành cha của một quân nhân, người ông của đứa cháu nhỏ, niềm vui lớn nhất của Tướng Hậu là thấy con cháu trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Ông luôn giáo dục cho con cháu về truyền thống cách mạng, tấm lòng thành kính dành cho Bác Hồ qua những lời dạy của Người.

Chia sẻ rằng thế hệ của mình là thế hệ đã qua, thế hệ ngày nay không phải chìm trong khói lửa chiến tranh nên Thiếu tướng có niềm tin rất lớn: “Tôi tin tưởng là thế hệ sau vẫn sẽ tiến lên, tiến lên nhưng phải khắc ghi lịch sử, khắc ghi những năm tháng hào hùng của cha ông, để hiểu cái giá của hoà bình, để xây dựng nên một đất nước phát triển”.

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 03/09/2023 | 07:00