Người Đưa Tin (NĐT): Chuyển đổi số là một xu hướng được nhiều doanh nghiệp áp dụng như là việc triển khai phương thức kinh doanh mới trong bối cảnh ngày nay. Với Rạng Đông, quá trình này được khởi động từ bao giờ và đến nay đã thu được những kết quả nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đoàn Kết: Rạng Đông bắt đầu triển khai chiến lược chuyển đổi số từ năm 2020. Sau gần 3 năm, hiện nay chúng tôi đã kết thúc vòng lặp thứ nhất và đang bước vào thực hiện vòng lặp thứ hai.

Trước khi bắt tay vào quá trình chuyển đổi số, chúng tôi đã có một thời gian dài chuẩn bị những tiền đề quan trọng, làm nền tảng cho chuyển đổi như việc cải tiến các tầng công nghệ, chuẩn bị nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, thiết lập mô hình tổ chức mới, nhất là chú trọng vào các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Nhờ vậy, dù thực hiện chiến lược ngay trong bối cảnh dịch bệnh rất khó khăn, chúng tôi vẫn ghi nhận những kết quả rất tích cực. Nếu như trước năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của Rạng Đông chỉ đạt 8 -10%, thì sau khi chuyển đổi số, tốc độ tăng trưởng bình quân đã đạt tới 18 - 20%. Về sản lượng, nếu như trước năm 2020, một xưởng sản xuất đèn LED chỉ đạt sản lượng 5 triệu sản phẩm/tháng thì đến nay đã đạt 7,5 triệu sản phẩm/tháng.

Đó là những thành quả hữu hình, bên cạnh đó chuyển đổi số còn góp phần phát huy năng lực, giá trị của hệ thống quản trị, làm tăng năng suất của các yếu tố tổng hợp. Có thể nói, chuyển đổi số đã làm khơi thông con đường đi tới tương lai của Rạng Đông, trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp trong bối cảnh mới ngày nay.

NĐT: Đối với những doanh nghiệp có nền sản xuất lớn và lâu năm như Rạng Đông thông thường quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra chậm và có nhiều khó khăn hơn. Thực tế, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp đã gặp phải những khó khăn như thế nào?

Ông Nguyễn Đoàn Kết: Rạng Đông là doanh nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển hơn 6 thập kỷ. Đó là một nền tảng tốt nhưng đồng thời cũng trở thành sức nặng cho quá trình chuyển đổi nếu doanh nghiệp không chịu tiến về phía trước.

Với Rạng Đông, vấn đề lớn nhất chính là hệ thống máy móc thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều quốc gia với sự khác biệt rất lớn về thế hệ công nghệ. Muốn chuyển đổi số cho một nhà máy như vậy thì phải xây dựng được một hệ thống sản xuất thông minh mà ở đó các loại máy móc, thiết bị phải “nói chuyện” được với nhau. Đây là một vấn đề khó.

Chúng tôi không có đủ tiền để mua giải pháp số hóa toàn bộ hoặc thay thế hàng loạt hệ thống máy móc. Điều cần làm là tìm ra giải pháp thông minh phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp để có thể xây dựng được hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu (SCADA), hệ thống điều hành sản xuất (MES), hệ thống kế hoạch hóa trong sản xuất (MRP). Chúng tôi phải tìm kiếm các giải pháp của nước ngoài và giải pháp OPC-UA được lựa chọn, đã mở ra lối thoát cho Rạng Đông trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến những khó khăn về nguồn lực tài chính và nhân lực số. Tuy nhiên với ý chí, sự quyết tâm của người Rạng Đông, chúng tôi đã biến khó khăn, thử thách thành động lực tiến lên, coi chuyển đổi số là kỷ luật, là đòi hỏi bức bách của cuộc sống cần thực hiện.

NĐT: Chuyển đổi số rõ ràng là một quá trình với sự tham gia của nhiều thành tố khác nhau. Ở Rạng Đông, đâu là yếu tố quan trọng nhất của quá trình này?

Ông Nguyễn Đoàn Kết: Nhắc đến chuyển đổi số người ta thường nói đến 5 yếu tố: Công nghệ, con người, quy trình, quản trị thực thi và lộ trình. Rất khó để phân định rạch ròi đâu là yếu tố quan trọng nhất bởi các yếu tố này kết hợp, có tính chất tương hỗ và bổ sung lẫn nhau, trở thành vòng lặp cho quá trình chuyển đổi số.

Tất nhiên tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp, chúng ta có thể tập trung nguồn lực vào một hay một số yếu tố nào đó, tuy nhiên hơn hết vẫn là có mức độ quan tâm đồng đều.

NĐT: Chúng ta vẫn thường nói chuyển đổi số là xu thế tất yếu tuy nhiên thực tế thì việc có tất yếu hay không còn tùy thuộc vào tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp? Ở Rạng Đông điều này được thể hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Đoàn Kết: Ở Rạng Đông, phải khẳng định rằng ý chí, tư duy và quyết tâm của những người đứng đầu rất lớn, chúng tôi coi đây nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình điều hành và quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nói đến không chỉ là vai trò của người lãnh đạo mà chính là tinh thần chuyển đổi của người Rạng Đông.

Rạng đông là một doanh nghiệp cổ phần. Ngay từ năm 2004, khi bắt đầu thực hiện cổ phần hóa, đã có tới 96% người lao động được mua cổ phiếu. Cho đến thời điểm hiện tại, người lao động vẫn đang sở hữu đến 42% cổ phần trong công ty. Nói cách khác, Rạng Đông là doanh nghiệp của người lao động, doanh nghiệp của tập thể.

Ở Rạng Đông, người lao động không chỉ là người làm thuê ăn lương, thu nhập của họ ngoài đồng lương hằng tháng còn được chia sẻ phần lợi nhuận do chính giá trị lao động mà họ tạo ta, giá trị họ tạo ra. Đây chính là là động lực cơ bản để khuyến khích người lao động làm việc và sáng tạo hết mình.

Vì sự phát triển của doanh nghiệp và vì chính lợi ích của mình, người Rạng Đông ý thức được việc phải luôn vận động và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số như một nhu cầu tự thân, xuất phát từ động lực nội tại.

Chuyển đổi số bắt đầu từ quá trình tự động hóa. Tự động hóa để nâng cao năng suất các dây chuyền, nâng cao năng suất các quy trình nghiệp vụ. Và để tự động hóa thì không ai giỏi hơn những người công nhân trực tiếp lao động trên các dây chuyền. Họ chính là người phát hiện được những điểm, hoạt động, thao tác có thể số hóa, nâng cao được năng suất lao động. Chính vì vậy, ở Rạng Đông phong trào lao động sáng tạo luôn “trăm hoa đua nở”, trở thành động lực quan trọng cho quá trình chuyển đổi số.

NĐT: Ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Chính phủ có thể làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp trên bước đường chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Đoàn Kết: Vai trò của Nhà nước không phải là cung cấp "con cá" mà chính là cho "cần câu". Đối với các doanh nghiệp, điều quan trọng nhất mà Nhà nước có thể hỗ trợ đó là việc cung cấp thông tin, kiến thức về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là vấn đề mới và khó, không chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ mà bản chất là việc thay đổi mô hình kinh doanh. Do đó việc định hướng, cung cấp thông tin, hướng dẫn thực thi đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có khung chính sách và pháp luật căn bản để làm nền tảng cho các doanh nghiệp chuyển đổi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là quá trình hai chiều, bản thân doanh nghiệp phải vận động và chủ động thích ứng. Thay vì chỉ bị động chờ chính sách, doanh nghiệp cần đi tiên phong thực hiện và chủ động đề xuất các vấn đề mong muốn.

NĐT: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ và chúc Rạng Đông tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công!

NĐT: Sau 3 năm triển khai, Rạng Đông đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đâu sẽ là những bước tiếp theo mà doanh nghiệp hướng tới trên chặng đường chuyển đổi số tới đây?

Ông Nguyễn Đoàn Kết: Chuyển đổi số là một quá trình có điểm đầu và không có điểm cuối, nó phát triển theo từng vòng lặp một. Trong 3 năm vừa qua, chúng tôi đã có những bước đầu tiên “dò đá tìm đường”, ứng dụng những phần mềm đơn giản, đơn lẻ để thực hiện số hóa các quy trình sẵn có. Sắp tới chúng tôi sẽ bắt đầu vòng lặp thứ hai, với việc thực hiện đồng bộ hóa từng phần tiến tới đồng bộ toàn phần ở vòng lặp thứ ba để tạo thành bánh đà tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Rạng Đông phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực cung cấp Hệ sinh thái 4.0 hiện thực hóa khát vọng “Make in Viet Nam”; đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp quy mô tỷ USD, đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực. Theo đuổi con đường phát triển bằng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế, chúng tôi phấn đấu xây dựng môi trường làm việc luôn sáng tạo, văn hóa hơn, văn minh hơn, chuyên nghiệp hơn, hạnh phúc hơn.

NĐT: Chuyển đổi số dù đã được quan tâm nhưng vẫn là bài toán loay hoay của nhiều doanh nghiệp. Rạng Đông có lời khuyên nào cho những doanh nghiệp khác trên bước đường chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Đoàn Kết: Mỗi doanh nghiệp đều có hoàn cảnh riêng, đặc thù riêng, xuất phát điểm riêng và điều kiện nguồn lực riêng. Ai cũng biết chuyển đối số là tất yếu nhưng điều quan trọng là phải ra tìm được cho mình con đường, lộ trình và chiến lược phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Trong đó cần nêu rõ được sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu hướng đến và những trụ cột cơ bản của quá trình chuyển đổi số. Chỉ khi tìm ra con đường cho riêng mình, các doanh nghiệp mới đủ tự tin để bước vào chuyển đổi.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi số, cần liên tục đánh giá mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp. Không chỉ bằng những nhận định chung chung mà cần có những chỉ tiêu, con số cụ thể. Đánh giá liên tục để kịp thời khắc phục những vấn đề nảy sinh, để doanh nghiệp luôn đi đúng trên con đường đã chọn.

Đặc biệt, tôi cho rằng, các chuyển đổi số càng phải cần đẩy mạnh hợp tác. Chuyển đổi số không phải và không thể là quá trình đơn độc. Như Rạng Đông, để có được một chiến lược chuyển đổi số, chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước để tiếp thu tri thức của nhân loại và sáng tạo, vận dụng vào thực tế của doanh nghiệp. Rạng Đông cũng nhận được chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp khác nhau, đó là những tài nguyên vô cùng quý báu. Và chúng tôi cũng sẵn sàng để chia sẻ với những doanh nghiệp khác.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 13/10/2023 | 08:15