NĐT: Thưa ông, tỉnh Đắk Lắk có những thế mạnh, tiềm năng gì để phát triển nông nghiệp xanh?

Ông Nguyễn Thiên Văn: Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, nông nghiệp xanh, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk vẫn duy trì phát triển, đạt kết quả tốt, toàn diện và chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh (giá trị GRDP - theo giá SS 2010 trên 21.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 36-38% GRDP). Nông nghiệp đã khẳng định vai trò là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nói về các chiến lược phát triển nông nghiệp xanh của tỉnh.

Nông nghiệp vẫn được xác định là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là một trong 3 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên và chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh (khoảng 35% GRDP).

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có điều kiện giao thông kết nối thuận lợi. Tổng diện tích đất tự nhiên trên 1,3 triệu ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 650.000 ha (lớn thứ 2 nước), đất lâm nghiệp có rừng gần 500.000 ha... Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 6%/năm, đặc biệt nhóm cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều..., chiếm trên 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (khoảng 1.500/1.600 triệu USD/năm).

Hiện nay, phụ phẩm nông nghiệp cũng được tái sử dụng theo vòng khép kín. Qua đó, giảm đáng kể chi phí đầu vào, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 23 nghìn ha cà phê đã áp dụng sản xuất theo chứng nhận cà phê bền vững.

NĐT: Ngành nông nghiệp xanh của tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thiên Văn: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sinh thái tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn.

Toàn tỉnh có trên 23.000ha cà phê áp dụng sản xuất theo chứng nhận cà phê bền vững (4C, UTZ, RA, FLO…); 9 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP với sản lượng trên 1.600 tấn/năm; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến.

Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, giá cà phê, sầu riêng tăng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Thời gian tới, để nông nghiệp phát triển bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh, ngành NN&PTNT sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động trong sản xuất nông nghiệp xanh. Rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

NĐT: Tỉnh đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình lập quy hoạch, triển khai vùng sản xuất nông nghiệp xanh và kiến nghị Trung ương quan tâm, tháo gỡ?

Ông Nguyễn Thiên Văn: Khó khăn, thách thức cho tỉnh hiện nay chính là hậu quả để lại của phương thức canh tác truyền thống đã sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học rất nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm. Việc cải tạo, phục hồi độ phì của đất cần phải có thời gian, tài chính, công nghệ kỹ thuật. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung vùng chuyên canh lớn.

Một số mô hình sản xuất theo các chứng nhận có hiệu quả nhưng rất khó nhân rộng. Bởi người tiêu dùng chưa có niềm tin với các sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận, dẫn đến tâm lý còn e ngại...

Nhiều doanh nghiệp sử dụng hoa cà phê để sản xuất trà hoa cà phê (hữu cơ).

Trước tình hình đó, tỉnh Đắk Lắk đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm rà soát, tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn.

Đặc biệt, quy định cụ thể, rõ ràng về khái niệm, tiêu chí, chính sách hỗ trợ… đối với phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo chứng nhận, tiêu chuẩn.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học để phục vụ đầy đủ cho sản xuất.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 32 nghìn ha sầu riêng.

NĐT: Tỉnh Đắk Lắk có những chính sách gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Thiên Văn: Thời gian qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức nắm bắt đầy đủ thông tin và tiếp cận với các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp trên cơ sở các Nghị định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có những chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản. Ngoài các chính sách trên, các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn được hưởng chính sách tiếp cận hỗ trợ, hỗ trợ tín dụng đầu tư; các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn được đầu tư các hạng mục: hệ thống xử lý nước thải tập trung; đường giao thông đối ngoại; đường trục chính; san ủi mặt bằng.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nông nghiệp được xác định là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 10/05/2024 | 10:10