Biển Đông
Biển Đông

gày 6/8/2017, tại Manila, Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc và các nước ASEAN đã thông qua “Dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”. Cho đến nay tiến trình đàm phán đã tiến triển được đến mức nào thưa ông?

Năm 2017 Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được Dự thảo khung về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đây là động lực để thúc đẩy quá trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và các nước ASEAN được tiếp tục trong năm 2018.

Tiến sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ về vấn đề Biển Đông

Trong năm 2018, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tổ chức 4 phiên họp cấp làm việc và 2 phiên họp quan chức cấp cao (SOM) về COC. Kết quả cụ thể mà hai bên đạt được đến giờ chính là việc các bên đã thông qua dự thảo văn bản đàm phán đơn nhất về COC tháng 8/2018. Đây là văn bản tổng hợp do Singapore, nước là chủ tịch của ASEAN (năm 2018 - PV) cộng gộp ý kiến của các nước ASEAN. Văn bản này là khởi đầu cho quá trình làm việc tiếp theo giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Các bên thống nhất sẽ có nhiều vòng “đọc” văn bản (một thuật ngữ chuyên môn đàm phán - PV). Hiện các bên đang trong vòng “đọc” đầu tiên về các nội dung cơ bản ban đầu.

Biển Đông

Kết quả của tiến trình đàm phán COC này có chậm hơn nhiều so với dự kiến ban đầu cũng như mong đợi của các nước ASEAN không, thưa ông?

Các nước ASEAN không đặt ra mục tiêu cụ thể về thời hạn cho đàm phán COC. Thực ra thời gian đàm phán không quan trọng bằng nội dung cần có đối với COC.

Quá trình đàm phán COC đã kéo dài và gặp quá nhiều khó khăn. Theo ông đâu là khó khăn lớn nhất cản trở COC trở thành bộ luật?

Nhìn chung, khó khăn lớn nhất của quá trình đàm phán COC là sự khác biệt về nhận thức và lập trường của các bên vẫn còn rất lớn. Nhìn cụ thể, các khó khăn đã xuất hiện là việc xác định phạm vi địa lý áp dụng cho COC, tính ràng buộc pháp lý của COC và thể thức đàm phán giữa Trung Quốc với ASEAN hay với các nước Đông Nam Á riêng rẽ. Phạm vi địa lý áp dụng là vấn đề rất khó, do vậy có lẽ các bên cần tạm thời gác lại để bàn các nội dung dễ đạt được thoả thuận hơn trước. Tuỳ thuộc các nội dung thoả thuận phạm vi áp dụng của COC có thể được xác định sau.

Về thể thực đàm phán, có hai luồng ý kiến khác nhau giữa việc đàm phán COC là giữa Trung Quốc và ASEAN hoặc giữa Trung Quốc với 10 nước Đông Nam Á riêng rẽ. Nhìn lại bản Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, thể thức là giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Đây có thể là một tiền lệ để các bên tham khảo. Có ý kiến cho rằng, dự thảo văn bản đàm phán đơn nhất ghi rõ ý kiến của từng nước Đông Nam Á, như vậy đây là văn bản đàm phán giữa 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Cá nhân tôi cho rằng việc suy diễn như vậy là tương đối xa.

Biển Đông
Biển Đông

Ngoại trưởng Trung Quốc - ông Vương Nghị

Sau khi “Dự thảo khung COC” được thông qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố các đàm phán đáng kể về nội dung của bộ quy tắc sẽ chỉ có thể bắt đầu nếu “không có sự phá hoại lớn từ các bên bên ngoài”, một lời ám chỉ úp mở về Mỹ. Tuy nhiên, căn cứ vào tiến trình xây dựng COC giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như những gì mà Trung Quốc đã nói và làm trên thực tế, dư luận đều nhận thấy rằng: Quá trình đàm phán COC đã kéo quá dài không phải do sự can thiệp của bên thứ 3 mà do chính phía Trung Quốc. Ông nhận định sao về vấn đề này?

Theo tôi việc đàm phán kéo dài chủ yếu do khác biệt về lập trường của các bên vẫn còn rất lớn, chưa được thu hẹp. Việc Trung Quốc cố thêm điều kiện “không có sự phá hoại lớn từ các bên bên ngoài” khi nói về đàm phán COC chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nước này muốn gạt các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông để dễ bề ứng phó với các nước nhỏ hơn trong khu vực. Nhìn chung, Trung Quốc luôn có nhu cầu chứng tỏ khả năng hợp tác với các nước ASEAN để tự giải quyết tranh chấp trong khu vực, từ đó không cần can dự của các nước bên ngoài. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS), đặc biệt sau Phán quyết của Toà trọng tài tháng 7/2016 trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông, nhu cầu của Trung Quốc khó có thể thực hiện do các nước ngoài khu vực cũng có quyền và các lợi ích hợp pháp ở Biển Đông.

Hiện đã có dấu hiệu nào cho thấy COC sớm trở thành bộ luật có tính ràng buộc về mặt pháp lý chưa, thưa ông?

Ban đầu, nhiều ý kiến từ Đông Nam Á nhìn chung mong muốn có một bản COC có tính ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, để đạt được một văn bản có tính ràng buộc đòi hỏi không chỉ ý chí chính trị rất lớn của các bên mà còn các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật rất phức tạp, tương đối khó khả thi trong thời gian trước mắt. Hơn nữa, việc COC có tính ràng buộc thực chất không quan trọng bằng một bộ COC có giá trị thực thi, hiệu lực và hiệu quả. Cụ thể, các khái niệm trong COC cần được định nghĩa rõ ràng và COC có các quy định chi tiết để bất kỳ hoạt động trên biển của các nước đều có thể được soi rọi trong COC.

Với Việt Nam – quốc gia có bờ biển dài chạy dọc Biển Đông đồng thời có chủ quyền đối với những hòn đảo nằm trên Biển Đông đang bị tranh chấp và chiếm giữ bất hợp pháp- tiến trình đàm phán COC có ý nghĩa ra sao?

Biển Đông có vai trò quan trọng với Việt Nam cả trong việc phát triển kinh tế lẫn bảo vệ an ninh, quốc phòng, do vậy hoà bình, ổn định ở Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta. Chúng ta biết rằng về nguyên tắc, Việt Nam ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác và bảo vệ hoà bình, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. Vì lẽ đó, dù nhiều ý kiến phê phán tiến trình COC, cho rằng sẽ không đi đến đâu và kết quả đạt được sẽ không thực chất như kỳ vọng ta mong muốn nhưng nhìn ở mục tiêu tổng quát, ý tưởng tổng quát, rõ ràng thấy tiến trình đàm phán COC trước hết là diễn đàn để chúng ta chia sẻ lập trường, quan điểm, can dự với các nước nhằm thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực. Nhìn theo khía cạnh đó, đàm phán COC là một nội dung đáng được ủng hộ.

Xin ông cho biết quan điểm và những đóng góp của Việt Nam vào tiến trình COC?

Cũng như nhiều nước ASEAN khác, Việt Nam có những đóng góp tích cực vào tiến trình đàm phán COC. Tuy nhiên, chúng ta không chịu sức ép về thời gian mà chú trọng vào thực chất các nội dung được đàm phán, hướng tới COC phải có giá trị và hiệu quả trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông, góp phần thúc đẩy hoà bình ổn định trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

COC là văn kiện thể hiện bước tiến quan trọng trong tiến trình hướng tới quản lý xung đột ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Ý tưởng về COC được đưa ra lần đầu tiên vào những năm 1990, nhưng phải đến năm 2002, tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại Phnom Penh (Campuchia), Trung Quốc và các nước ASEAN mới ra được Tuyên bố về Ứng xử (DOC) của các bên ở Biển Đông (một hình thức được giới chuyên gia đánh giá là thấp hơn COC).

Tuy nhiên, kể từ đó, tiến trình đàm phán để tiến tới COC diễn ra rất chậm chạp, trong khi căng thẳng tại vùng biển này không có dấu hiệu được giải quyết. Đến năm 2013 Bắc Kinh mới có động thái giảm căng thẳng với các nước láng giềng Đông Nam Á, khi đồng ý bắt đầu tham vấn chính thức về COC.

Các quan chức ASEAN và Trung Quốc cũng phải mất nhiều năm mới đạt được thỏa thuận về bộ khung COC, nhưng nội dung của bộ khung này vẫn chưa được công bố.

Bài 2: Trung Quốc với tham vọng vượt quá khuôn khổ pháp luật quốc tế