Biển Đông
Biển Đông

Trao đổi với Người Đưa Tin, tiến sĩ Hà Anh Tuấn (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam) nhận định so với giai đoạn trước, trong năm 2018, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra toàn diện hơn về phạm vi và quyết liệt hơn về mức độ. Nếu trước đây, Biển Đông là một vũ đài chính, thể hiện cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực thì hiện nay cạnh tranh giữa hai nước này đã trở nên nổi trội. Biển Đông đóng vai trò là một phần trong cuộc cạnh tranh đó. Cạnh tranh giữa hai cường quốc này hiện diễn ra trên khắp các lĩnh vực từ kinh tế, cho đến công nghệ. Đây là cuộc cạnh tranh mang tính chiến lược giữa hai siêu cường.

“Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và ở phạm vi toàn cầu thông qua sáng kiến Vành Đai và Con đường, trong đó Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 đi qua Biển Đông và Ấn Độ Dương tới châu Âu.

Đối lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ý tưởng về nhóm “Bộ Tứ” là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Cạnh tranh Mỹ-Trung đã bắt đầu gay gắt dù mới ở giai đoạn định hình. Trong những năm tới cuộc cạnh tranh sẽ còn đi vào những vấn đề cụ thể hơn và sẽ có những đối kháng với nhau ở nhiều lĩnh vực hơn nữa”, Tiến sĩ Tuấn nhận định.

Biển Đông

Mỹ hiện có chiến lược toàn diện để cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông. Về mặt chiến lược, họ có sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, về mặt thực địa, năm 2018 là năm Mỹ tiến hành nhiều hoạt động tự do hàng hải nhất trong khu vực. Trong năm 2018 Mỹ 5 lần công khai tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trên mặt trận tuyên truyền, trong năm 2018 có một loạt các bài viết của phương Tây phê phán và công kích sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc.

Ở mặt trận chính trị ngoại giao, Mỹ cũng vẫn thể hiện thái độ cam kết và tuyên bố Mỹ là người bạn tốt của Philippines, sẵn sàng trợ giúp Philippines khi cần thiết…

Biển Đông

Tất cả những điều này là động thái từng bước của Mỹ để tăng cường sự hiện diện cụ thể cũng như về ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương nói chung và xung quanh Biển Đông nói riêng nhằm kiềm chế hoạt động của Trung Quốc.

Biển Đông

Mỹ đã công khai cảnh báo Bắc Kinh về việc nước này phải tuân thủ các quy định về tự do hàng hải, đồng thời nhấn mạnh một giải pháp được đưa ra trong các tranh chấp ở Biển Đông phải được tất cả các bên đồng ý.

Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã bắt tay soạn thảo một thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử trên biển nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình. Trong thời gian chờ đợi bản thỏa thuận được đưa ra, vai trò của Mỹ trong việc sát cánh ủng hộ các nước Đông Nam Á đang ngày càng gia tăng - chuyên gia Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định.

Theo ông Kurlantzick, vẫn có những câu hỏi hoài nghi về việc thỏa thuận ASEAN-Trung Quốc có thể sẽ không giải quyết được dứt điểm các động lực xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông. Trong đó, thỏa thuận sẽ chỉ khởi đầu bằng một cam kết giữa các quốc gia trong việc tạm gác lại những bất đồng, nhưng chưa chắc đảm bảo rằng Trung Quốc có thể từ bỏ một phần yêu sách ngang ngược của mình như các nước Đông Nam Á mong muốn.

Nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc đã luôn thể hiện quan điểm Biển Đông là một khu vực "lợi ích cốt lõi" và không thể thương lượng. Mặc dù tông giọng của Trung Quốc gần đây đã được hạ xuống nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mưu đồ này bị lãng quên.

Sự tham gia của Ấn Độ gần đây cũng khiến cho Bắc Kinh “ghen tị” không kém sự hiện diện của Mỹ trên biển. Ấn Độ đã khởi động các dự án thăm dò năng lượng chung với các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, khiến cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cũng tức tốc đẩy mạnh quá trình thăm dò của mình ở vùng biển này.

Trong vài năm qua, đã có nhiều lời kêu gọi về việc Washington cần phải đóng một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Chuyên gia Kurlantzick tin rằng, ở thời điểm hiện tại, các quốc gia Đông Nam Á sẽ không muốn phải lựa chọn cực đoan giữa Mỹ và Trung Quốc. Bất chấp những căng thẳng với Bắc Kinh, ASEAN chưa bao giờ cho thấy ý định muốn bị lôi kéo trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường ở Biển Đông.

Biển Đông

Theo Tiến sĩ Hà Anh Tuấn, mặc dù tình hình 2018 không có các căng thẳng lớn, song Trung Quốc vẫn duy trì tuyên bố chủ quyền trên biển của mình trên Biển Đông. Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hoá và lắp đặt các thiết bị quân sự, dân sự và lưỡng dụng trên quần đảo Trường Sa để tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa. Tuy nhiên, nước này tránh va chạm trực diện với Mỹ và chuyển sang đẩy đàm phán COC với các nước ASEAN cũng như thúc đẩy các nước đi vào đàm phán hợp tác cùng phát triển. Đây là sách lược được Trung Quốc áp dụng nhằm giảm thiểu xung đột trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang tăng cao.

Biển Đông

Nhìn chung, vấn đề Biển Đông đã mở rộng cả về chất và lượng, trở nên phức tạp và đa tầng nấc hơn trong 10 năm qua. Đối với các quốc gia khác nhau ở những thời điểm khác nhau, vấn đề này cũng hàm chứa những nội dung khác nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự thay đổi quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông từ chỗ là tranh chấp lãnh thổ chỉ liên quan đến số ít các bên yêu sách đã trở thành vấn đề an ninh quan trọng đối với sự tồn tại của chính ASEAN. Đây là động lực cho sự thay đổi thái độ và chính sách về Biển Đông của ASEAN trong 10 năm qua. Từ hạn chế đề cập đến vấn đề Biển Đông chuyển sang phản ứng có phần thụ động và sau cùng là lập trường chủ động hơn.