Nói về xã hội hoá giáo dục sẽ là không đủ khi không nói đến dấu ấn của người mở đường cho hệ thống giáo dục ngoài công lập, cố PGS Văn Như Cương - nhà giáo, nhà sáng lập Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam.

Với tư tưởng mới và bằng trí tuệ của mình, “ông đồ già xứ Nghệ” đã viết những dấu ấn đầu tiên cho việc làm trường do tư nhân xây – thứ mà thời đó vừa lạ lẫm, vừa “dị” nhưng cũng thể hiện khát khao điều mới mẻ cho ngành giáo dục.

Cố PGS Văn Như Cương (1937 - 2017) - nhà giáo, nhà sáng lập Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sinh thời PGS Văn Như Cương từng chia sẻ, ở cái làng nhỏ nơi ông sinh ra có nhiều người đỗ đạt nên dường như một điều mặc định, cứ hễ là đàn ông thì đa phần sống bằng nghề "gõ đầu trẻ" còn phụ nữ quanh năm dệt vải.

Cái nghiệp "gõ đầu trẻ" đã gắn liền với gia đình ông qua nhiều thế hệ, không ai bảo ai nhưng tất cả dường như đều chọn chung một nghề. Ông cụ thân sinh là giáo viên trường làng, bốn trong sáu anh chị em của ông đều nối bước cha đứng trên bục giảng.

Và cứ thế nghiệp giáo gắn chặt với cuộc đời thầy giáo Văn Như Cương, thậm chí đến nay khi nhắc lại nhiều người vẫn trân trọng gọi ông là: “Ông đồ gàn xứ Nghệ”.

Năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, do tốt nghiệp loại xuất sắc nên ông được giữ lại làm giảng viên của trường. Sau đó khoảng 2 năm, thầy giáo trẻ Văn Như Cương được điều động về giảng dạy và xây dựng Trường Đại học Sư Phạm Vinh.

Đến năm 1967, thầy Cương được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về Toán. Nói về sự kiện này, nhà báo Hồ Bất Khuất đã viết trong cuốn Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi như thế này: “Có một hiệu ứng tâm lý là những người được cử ra nước ngoài học tập trong khi đất nước còn chiến tranh đều học tập với tinh thần tiến công của người chiến sĩ. Là người xứ Nghệ, thầy Văn Như Cương là một điển hình như vậy.

Sang Liên Xô, thầy Cương học tại Viện toán Steklok, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đây là một trong những cái nôi nổi tiếng về toán trên thế giới.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô (năm 1971), ông tiếp tục dạy toán ở Trường Đại học Sư Phạm Vinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tuy nhiên, về nước trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và còn nhiều biến động. Nói về giai đoạn này, nếu ai biết đến thầy Văn Như Cương thì không khỏi nhớ đến câu chuyện, để trang trải cuộc sống thầy Cương không nề hà tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách nuôi lợn kiếm tiền.

Có giai thoại kể, khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.

Sau này, trong một lần chia sẻ với báo chí về lý do mở trường ở tuổi 52, PGS Văn Như Cương dãi bày: “Vào thời điểm đó giáo dục Việt Nam "tuột dốc không phanh” , các trường nợ lương giáo viên, thầy bỏ dạy lái xe ôm, bán xôi… trò bỏ học lêu lổng. Trong khi Hà Nội có đội ngũ giáo viên tuyệt vời, phần lớn có thâm niên sư phạm cao từ các tình lẻ rồi mới được về Thủ đô dạy.

Tôi tự hỏi với lực lượng trí thức đó, tại sao giáo dục Việt Nam ra nông nỗi ấy? Rồi tự trả lời vì cơ chế? Vậy chỉ có thể tự mở một ngôi trường của mình mới thoát khỏi nó”.

Cuối những năm 80, không khí đổi mới sục sôi trên khắp cả nước, trước bối cảnh này vào giữa những năm 1988, PGS Văn Như Cương và ông Nguyễn Xuân Khang lên kế hoạch xin mở cơ sở giáo dục ngoài công lập – hai người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập giai đoạn này và là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục.

Nhớ về những năm tháng đó, trò chuyện với Người Đưa Tin, bà Văn Liên Na là con gái đầu của Nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ: “Thời đó, học sinh muốn thi đại học trường nào thì phải luyện đề trường đó. Tạo cơ hội cho các trung tâm luyện thi mở ra như nấm, các em cùng gia đình ở các tỉnh phải khăn gói lên Thủ đô luyện thi và không cần biết thầy giáo có chất lượng hay không”.

Nhìn thấy cảnh học sinh vừa phải tốn tiền, mất thời gian nhưng không có hiệu quả, thầy Cương rất “sốt ruột” và thôi thúc phải có một ngôi trường để hỗ trợ học sinh.

“Lúc đó, lãnh đạo của Bộ Giáo dục chưa quen với việc có một trường tư không nằm trong hệ thống Nhà nước. Nhưng vốn là một nhà khoa học, ông chia sẻ ý định dưới góc nhìn của mình, sau đó cũng được mọi người ủng hộ, hích ý tưởng đó nhưng cũng băn khoăn chưa có trường thì phải làm sao? Thầy cô thì thế nào? Mở trường nhưng nhỡ lại không tuyển được học sinh?,…”, người con gái cả của thầy Văn Như Cương kể lại xin mở trường tư thục của 2 ông đồ xứ Nghệ (PV: PGS Văn Như Cương và thầy Nguyễn Xuân Khang).

Sau khi mô hình được chấp thuận, vì là thầy giáo rất có uy tín thời bấy giờ nên có nhiều giáo viên tâm huyết sẵn sàng theo dạy tại trường mới mặc dù lương thấp. Giải được bài toán giáo viên các thầy nhanh chóng đi thuê nơi học, xây dựng quy chế hoạt động của trường dân lập và bắt đầu hành trình còn mãi của mình.

Bà Văn Liên Na nói thêm: “Mọi thứ sẵn sàng nhưng điều đáng lo nhất là phải có người học để lấy tiền làm vốn xoay vòng trả các chi phí. Ngày 1/6/1989 tuyên bố thành lập trường, bất ngờ hơn cả có rất nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con học, có cả học sinh cuối cuối cấp, đang học lớp 12”.

Chính bản thân thầy Văn Như Cương cũng thực sự bất ngờ khi được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, được sự hưởng ứng nhiệt liệt của phụ huynh, của học sinh và của các thầy cô giáo khắp nơi. Khi đợt tuyển sinh đầu tiên, nhà trường nhận được 1.600 đơn dự tuyển, trong đó có 800 đơn lớp 10, 400 đơn lớp 11 và 400 đơn lớp 12. Và có lẽ ngày đó thầy đồ già với bộ râu bạc trắng không nghĩ rằng đến nay, Trường Lương Thế Vinh có đến 3000 - 4000 học sinh tham gia mỗi dịp tuyển sinh.

Nhưng khó khăn mới là không thể tránh khỏi, “Thời gian đầu rất vất vả, bước đi đầu tiên vô cùng dò dẫm. Nói là có địa điểm nhưng ở Đại học Tổng hợp chỉ là căn phòng cấp 4 nên trường phải thuê nhiều địa điểm. Tôi nhớ, có năm bị người ta đòi nhà thì lại phải lên nhà văn hoá Đống Đa để dạy học. Nhưng may mắn, các con chăm chỉ học tập, bố mẹ thì vô cùng ủng hộ cứ vậy mãi đến tận năm 2010, Trường Lương Thế Vinh mới thực sự ổn định về cơ sở vật chất”, bà Liên Na chia sẻ với Người Đưa Tin.

Bản thân gặp rất nhiều trở ngại, nhưng bà Liên Na biết những ngày đầu thành lập trường người bố của mình luôn trăn trở làm thế nào để khi mở trường đó ra để cho học sinh nhà nghèo, bình dân muốn học có thể tham gia được, các con không phải đi học thêm, học ngoài. Thầy cô dạy ở trường phải dạy hết sức mình, các con đi học cũng được tiếp thu đầy đủ kiến thức

Đến nay sau gần 35 năm thành lập trường, người ta không chỉ nhắc tới PGS Văn Như Cương về tài sản tri thức ông đã để lại, mà ngay cả trong đời sống thường nhật ông cũng là một người thầy, người cha, người đồng nghiệp đáng kính.

Nhớ về những kỷ niệm, bà Văn Liên Na chia sẻ: “Mỗi khi ông đến trường mọi người rất vui vì được thoải mái trao đổi chuyên môn, trò chuyện. Có lẽ mọi người mến trọng ông là bởi cách ông ứng xử, dù là với ai đều rất chân thành, thân mật, gần gũi”.

Khi là thầy giáo, học sinh nhiều thế hệ của trường đều yêu mến ông, “tôi còn nhớ, có lần học sinh bị phạt, thầy Cương đi qua lớp thấy liền xin cho con được vào ngồi học, sau đó là nhẹ nhàng nhắc nhở đồng nghiệp. Ở Trường Lương Thế Vinh của thầy Cương lúc nào cũng là không khí của gia đình, vui vẻ, thoải mái”, bà Na bày tỏ.

Nói về những điều còn lại của bố, bà Nha cho rằng không chỉ dừng lại là một môi trường có bề dày kinh nghiệm và lịch sử đáng quý. Mà nó còn là hành động, tư tưởng, cách thầy đối nhân xử thế đã dần dần thấm nhuần vào những thế hệ sau này, những người tiếp xúc và được thầy dạy dỗ.

Chia sẻ về những ngày cuối đời của PGS Văn Như Cương, người con gái cả của ông xúc động khóc: “Năm thầy ốm nặng, thậm chí đã mê man, các con có bảo thầy viết văn khai giảng rồi để mọi người đọc thay, nhưng thầy nhất quyết không chịu mà đòi đến trường trực tiếp. Ông bảo ông sẽ xin bệnh viện về trước vài ngày nhưng bác sĩ không đồng ý”.

Sáng ngày khai giảng cuối cùng, ông vẫn quyết hẹn chú lái xe đến sớm đón ông. “Tôi nhớ khi ông bước vào, học sinh của trường ùa ra đón, mặc dù rất mệt nhưng thấy cảnh đó thì ông mãn nguyện lắm. Ngày hôm đó, là lần cuối các em học sinh Trường Lương Thế Vinh nghe ông nói chuyện,…”

Nhưng nếu với học trò, đồng nghiệp là độ lượng, bao dung thì với con cái PGS Văn Như Cương luôn rất nghiêm khắc, bản thân cô Liên Na dù đã đứng lớp đi dạy nhiều năm nhưng nếu thấy điều gì cần chỉnh thầy vẫn luôn dặn dò cặn kẽ.

Có thể khẳng định, Nhà giáo Văn Như Cương đã không ít lần bày tỏ, quan điểm ý kiến thể hiện tầm nhìn của ông trong giáo dục.

Ngoài những lần trao đổi tại nhiều nơi, ngay chính các bài viết của ông đăng tải lên mạng xã hội lúc sinh thời đều thể hiện rõ điều này. “Những vấn đề về cách dạy học sinh động cho học sinh đọc bài trước, thời gian lên lớp chỉ để trao đổi với giáo viên hay chú trọng trau dồi kỹ năng sống, thường xuyên mời chuyên gia về đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, mở phòng tư vấn tâm lý,…Thậm chí là quy tắc sử dụng mạng xã hội đến nay mà ông nói vẫn còn nguyên giá trị”, bà Văn Liên Na chia sẻ về người bố của mình.

Đến nay, cả 3 người con gái của cố PGS đều theo nghiệp giáo dục và hành trình này còn nối tiếp đến các hậu duệ của thầy. Nói về gia đình mình trong một bài tự sự của cố nhà giáo Văn Như Cương về những ngày đầu vất vả gây dựng một ngôi trường tư thục, thầy viết:

“Nhìn lại quãng đường đời đã đi qua, tôi cũng có đôi chút tự hào vì ngôi trường Lương Thế Vinh mà mình sáng lập. Nhưng sẽ không công bằng nếu không nói đến vai trò của người vợ tôi - Hiệu phó của trường, và của ba cô con gái, những trợ thủ đắc lực của vợ chồng chúng tôi.

Với trọng trách là người giữ tay hòm chìa khóa, vợ tôi đã giúp tôi thực hiện được nguyên tắc về tài chính của trường: ‘Thu học phí không cao và giả tiền thầy cô không thấp”.

Với sự năng động của mình, các cô con gái đã vừa làm việc vừa học tập và quyết tâm giữ vững thương hiệu Lương Thế Vinh mãi mãi là cánh hoa thơm, chùm quả ngọt…”.

Tư liệu: Cuốn: Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 30/11/2023 | 09:18