Thời điểm 4 tháng trước, ông Hoàng Việt Anh được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch FPT Telecom. Với ông, công việc và cuộc sống không có quá nhiều điều thay đổi, bởi sau 5 năm gắn bó đã đủ để khiến ông quen thuộc với vị trí điều hành doanh nghiệp.

Nhưng vào thời điểm cách đây 5 năm trước, cuộc “nhảy việc” bất đắc dĩ từ vai trò người cầm quân ở FPT Software sang FPT Telecom đã khiến ông không thể bình thản được như vậy. Ở tuổi tứ tuần, trở thành “sếp” của FPT Telecom, không chỉ là công việc, ông sẽ phải thay đổi cả tư duy và kiến thức.

Chấp nhận thử thách, sau 5 năm nhìn lại, vị doanh nhân này tự tin nói rằng việc thay đổi sang FPT Telecom là một trải nghiệm vô cùng đáng quý, đáng trân trọng và những gì ông học hỏi được trong lĩnh vực viễn thông có lẽ không hề thua kém so với 25 năm làm phần mềm trước đó.

Người Đưa Tin (NĐT): Sau hơn 4 tháng ngồi vị trí mới, trở thành người đứng đầu của FPT Telecom (FTEL), điều thay đổi lớn nhất trong cuộc sống và công việc của ông là gì?

Ông Hoàng Việt Anh: Năm nay FPT kỷ niệm 35 năm thành lập thì với cá nhân tôi đã có 30 năm bước chân vào làm việc tại mái nhà chung này. Ở vị trí Chủ tịch FTEL trong 4 tháng vừa qua, thành thực mà nói công việc và cuộc sống gia đình không có quá nhiều thay đổi.

Trước đây khi ở vị trí Tổng Giám đốc, giữa tôi và anh Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch tiền nhiệm - PV) cũng đã có sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Cho nên, nhiệm vụ của vị trí Chủ tịch không quá xa lạ với bản thân tôi.

Có điều, khi chính thức nhận nhiệm vụ là người có vị trí số 1, tôi cảm nhận được trách nhiệm của mình và sự đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Với gia đình, có lẽ vợ và các con đã quen với việc tôi bận rộn nên mọi người rất ủng hộ công việc của tôi. Gần như công việc và cuộc sống riêng vẫn trong guồng như thế.

NĐT: Đảm nhận vị trí mới sau 5 năm về cầm quân ở FTEL không tạo quá nhiều sự thay đổi với ông, nhưng ở thời điểm năm 2018 khi “chuyển việc” từ FPT Software sang FTEL có lẽ mọi thứ không dễ dàng như vậy? 5 năm nhìn lại, ông thấy gì từ những điều mình đã làm?

Ông Hoàng Việt Anh: Gốc của tôi là dân công nghệ thông tin. Trong 25 năm đầu tiên gắn bó với FPT, thuần túy tôi làm về lĩnh vực phần mềm máy tính. Trước khi chuyển sang FTEL, tôi là Tổng Giám đốc của FPT Software – đơn vị làm về xuất khẩu phần mềm lớn nhất của FPT.

Thế rồi vào một hôm đầu năm 2018, anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT – PV) gọi tôi lên và nói rằng “Em ở phần mềm cũng đủ lâu, chắc em phải luân chuyển sang một mảng mới của FPT”. Khi đó tôi khá bất ngờ. Toàn bộ tuổi trẻ của tôi là ở FPT Software, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ nghỉ hưu tại FPT Software. Cảm xúc lúc ấy là buồn, buồn lắm vì FPT Software như là đứa con của mình. Nó đang lớn dần, bước vào tuổi thanh niên và còn lớn lên được nữa thì mình lại rời nó đi?

Sau đó, tôi suy nghĩ lại và thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà anh Bình mong muốn thế hệ lãnh đạo tiếp theo của FPT phải có những trải nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau, phải hiểu được mô hình lãnh đạo đa dạng.

Anh ấy muốn chúng tôi bước ra khỏi vùng an toàn, có cái nhìn rộng lớn, toàn diện hơn thay vì chỉ “ôm” khư khư một mảng miếng. Đó sẽ là tiêu chí bắt buộc cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp của tập đoàn. Vì vậy, dù có rất nhiều tâm tư, nhưng tôi nghĩ rằng, tại thời điểm đó, đấy là một thay đổi cần thiết.

Ngày hôm nay, sau gần 6 năm nhìn lại, việc chuyển đổi vị trí sang FTEL là một trải nghiệm vô cùng đáng quý, đáng trân trọng với tôi. Những gì tôi tích lũy và học hỏi được trong 6 năm vừa qua, có lẽ cũng không hề thua kém so với 25 năm làm phần mềm.

NĐT: Thời điểm đó, những người lãnh đạo của FPT và cả cá nhân ông đã kỳ vọng gì về những đóng góp của ông đối với FTEL khi thay đổi?

Ông Hoàng Việt Anh: Tôi nghĩ rằng, khi anh Trương Gia Bình luân chuyển tôi sang mảng viễn thông, anh ấy mong tôi có thể mang tới một tư duy mới, một luồng gió mới mà không bị ảnh hưởng bởi cách làm từ trước.

Anh Bình nhìn thấy trước xu thế chuyển đổi số tất yếu sẽ xảy ra và do đó FPT đã tham gia vào lộ trình chuyển đổi số cho các khách hàng Việt Nam và quốc tế trong hơn 10 năm vừa qua.

Trong chuyển đổi số thì sự hợp nhất giữa công nghệ phần mềm và công nghệ viễn thông càng ngày càng rõ nét. Cá nhân tôi hiểu rằng kỳ vọng của lãnh đạo tập đoàn với mình là làm sao đem được tri thức, kinh nghiệm và những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng phần mềm để giúp cho mảng viễn thông có được sức bật, sự đột phá và sức mạnh mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Đây cũng là điều tôi đặt ra cho mình khi đến với FTEL và hiện tại cũng là thứ khiến tôi có cảm giác hài lòng nhất định. FTEL đã ứng dụng các công nghệ số đặc biệt là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, ioT… giúp tối ưu hóa vận hành, tạo ra những trải nghiệm mới đối với khách hàng và giúp chúng tôi có những nguồn doanh thu mới để tạo đà tăng trưởng.

NĐT: Tôi từng nghe đâu đó rằng ông bắt đầu sự nghiệp với FPT chỉ vì một lời “dụ dỗ” FPT có máy tính để chơi game thỏa thích?

Ông Hoàng Việt Anh: Đúng là như vậy. Câu chuyện này bắt nguồn từ năm 1993, khi đó tôi là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa Hà Nội. Những năm đó, đất nước mới mở cửa nên thực sự còn rất nhiều khó khăn. Cả khoa Công nghệ Thông tin trường Bách khoa chỉ có 25 chiếc máy tính trong khi đó nhu cầu sử dụng của sinh viên công nghệ thông tin lại rất lớn.

Cho nên, một tuần mỗi người chúng tôi chỉ có đúng 45 phút thực hành trên máy. Lúc bấy giờ máy tính là cả gia tài và sinh viên nghèo như chúng tôi không thể nào đủ tiền để mua được máy như vậy.

Trong lúc loay hoay như thế, tôi rất may mắn được thầy Bùi Quang Ngọc (hiện là Phó Chủ tịch HĐQT FPT) là Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin và là thầy giáo trực tiếp giảng dạy chúng tôi, cũng đồng thời là Phó Tổng Giám đốc FPT phụ trách phần mềm bấy giờ ra tay giúp đỡ.

Thầy bảo chúng tôi lên FPT thực tập và sẽ bố trí được máy tính. Nghe vậy, tôi quyết đi ngay và rồi cứ thế cuốn theo cuộc sống ở FPT.

NĐT: Ngoài việc chơi game thỏa thích, ông có kỳ vọng gì vào FPT khi đó nữa không?

Ông Hoàng Việt Anh: Khi bắt đầu, kỳ vọng duy nhất của tôi là FPT không đuổi mình ra ngoài (cười). Khi đó tôi còn trẻ quá, kiến thức cũng chưa biết gì nhiều, nên chỉ tập trung vào thực tập thôi. Hai tháng sau khi lên FPT, một hôm các anh chị bảo tôi: “Đang có dự án, có muốn làm không?”. Tôi gật đầu và bằng cách đó tôi bắt đầu trưởng thành với FPT suốt 30 năm qua.

NĐT: 30 năm gắn bó với FPT từ một lập trình viên bình thường cho đến vị trí lãnh đạo, đã bao giờ ông có ý niệm mình sẽ rời khỏi FPT?

Ông Hoàng Việt Anh: Thực tế mà nói, trong 30 năm qua có nhiều lời mời tôi về làm ở các đơn vị khác. Cũng đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện chuyển việc nhưng không phải vì sự hấp dẫn từ những lời mời đó. Thời điểm tôi cân nhắc rời bỏ FPT là vì cảm thấy mình chưa tròn trách nhiệm với sự tin tưởng của lãnh đạo.

Đó là vào năm 2010, khi tôi đang là Giám đốc của FPT Asia Pacific, chịu trách nhiệm toàn bộ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 10 năm đó, chúng tôi ký hợp đồng triển khai dự án với một khách hàng toàn cầu, trụ sở chính đặt tại Mỹ. Khi đó, tôi tự tin chắc thắng bởi trước đó mình mới làm thành công những dự án còn lớn hơn như vậy. Nhưng khi bắt tay vào làm, mọi việc đã không như tôi nghĩ.

Vấn đề lớn nhất ở dự án này là nó trải dài trên 135 quốc gia trên toàn thế giới, chia làm 6 khu vực, mô hình triển khai vô cùng phức tạp. Dự án đó chúng tôi cam kết triển khai trong một năm sẽ hoàn thành, nhưng kết quả là sau 9 tháng chưa làm nổi 1/5 khối lượng công việc và toàn bộ tiền hợp đồng đã tiêu hết.

Các anh lãnh đạo tập đoàn rất lo lắng, bởi người Mỹ rất rõ ràng, nếu không đúng cam kết theo hợp đồng thì chỉ có gặp nhau ở tòa và điều tồi tệ nhất là nếu thua kiện thì khó có cửa để FPT quay trở lại đất Mỹ.

Khi đó, tôi đang ở Singapore liền bay gấp về Việt Nam báo cáo tình hình với lãnh đạo và đề xuất việc mình sẽ trực tiếp đi Mỹ để đàm phán lại hợp đồng với khách hàng. Trên đường đi, tôi đã phòng sẵn 2 tình huống, nếu khách hàng đồng ý thì quá tốt, còn nếu không thì trong đó có một phần trách nhiệm lớn của mình và vì thế tôi sẽ lựa chọn ra đi.

Rất may việc thương thảo thành công, khách hàng đồng ý gia hạn thêm 6 tháng và chấp nhận sẽ chi trả thêm kinh phí. Kết quả là chúng tôi hoàn thành được toàn bộ dự án trong 6 tháng tiếp theo.

Tất nhiên, dự án ấy khiến chúng tôi bị lỗ không nhỏ nhưng sau đó, vì có niềm tin nên khách hàng quyết định ký tiếp chuỗi các dự án khác với chúng tôi, làm liên tục trong 3-4 năm tiếp theo. Và tiền lời của chuỗi dự án sau này vượt xa số lỗ phải chịu của dự án đầu tiên.

Đây là bài học đáng nhớ nhất của tôi và cũng là lần duy nhất tôi nghĩ đến chuyện rời bỏ FPT. Không phải vì một lời mời nào đó ở bên ngoài mà là vì mình cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm.

NĐT: Nhưng rồi rốt cuộc điều gì ở FPT đã giữ chân ông lâu đến như vậy?

Ông Hoàng Việt Anh: Có vô cùng nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất, tôi nghĩ đó là không ai bỏ nhà mình để đi cả. FPT cho tôi rất nhiều. Và tôi cũng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình, toàn tâm toàn lực đóng góp cho sự lớn mạnh của FPT. Tôi nghĩ đó là câu chuyện sòng phẳng và minh bạch, không ai quá nợ ai cái gì.

Nhưng điều quan trọng, nhìn lại cả hành trình ở FPT, tôi thực sự đã coi đây là ngôi nhà của mình. Thời gian tôi dành cho công ty còn nhiều hơn dành cho chính gia đình của mình, theo đúng nghĩa đen.

Ở đây, ngoài câu chuyện công việc thì còn là sự gắn bó và trách nhiệm. Tôi không phải làm việc cho riêng bản thân mình mà còn làm việc cho 17.000 anh em ở FTEL hiện nay và gần 20.000 anh em ở FPT Software trước đây. Không chỉ là tình cảm, đó còn là những người anh em mà mình cảm thấy phải có trách nhiệm đồng hành cùng với nhau.

Và điều may mắn, FPT vẫn là môi trường cho phép tôi được làm việc đó một cách thoải mái nhất. Vậy thì tại sao lại phải thay đổi trong khi mình vẫn xác định được đam mê, sứ mệnh và nhiệm vụ của mình? Tại sao lại phải thay đổi trong khi mình xác định được tình cảm gắn kết của anh em trong tổ chức? Đó chính là sợi dây quan trọng nhất để gắn kết tôi với FPT đến ngày hôm nay.

NĐT: Liệu có một đặc điểm gì riêng biệt để phân biệt giữa FPT so với những doanh nghiệp khác không?

Ông Hoàng Việt Anh: Thật ra rất khó để phân định. Có những điều của doanh nghiệp nói ra bằng lời rất dễ nhưng cũng có những thứ không thể giải thích được bằng lời mà chỉ bằng cảm nhận, nhiều khi chỉ nhìn cái người ta có thể nói luôn: “Thằng này khả năng lớn là làm ở FPT".

35 năm vừa qua, FPT đã thay đổi rất nhiều. Các thế hệ người FPT dù cách thể hiện ra bên ngoài có thể khác nhau nhưng cái chất luôn thể hiện một cái gì đó rất hồn nhiên, nhiều khi ngây thơ, khác biệt so với các doanh nghiệp khác. Trong sự hồn nhiên đó có sự đam mê công việc, hồn nhiên như những đứa trẻ chơi với nhau, như anh em trong gia đình, hồn nhiên trong câu chuyện sống hết mình, làm hết mình, chơi hết mình.

Người FPT hồn nhiên như thể một hội, một bọn chơi với nhau, buồn vui anh em đều chia sẻ. Có những thứ người bên ngoài nhìn vào bảo bọn này kỳ cục. Chúng tôi có thể làm việc hùng hục, nghiêm túc đến toát mồ hôi hột nhưng cũng có thể đi đá bóng, ngồi uống bia với nhau, từ Chủ tịch Tập đoàn là anh Trương Gia Bình cho đến từng nhân viên vẫn sẵn sàng ngồi uống bia hơi, khoác vai, bá cổ nhau, hát hò om sòm.

Thực sự không dễ tìm được một tập đoàn nào đó bên ngoài có quy mô lớn như FPT hoặc lớn hơn FPT có thể có tinh thần đó. Tôi nghĩ cái đó có thể tạm gọi là “chất của FPT”.

NĐT: Tôi thấy ông nhắc rất nhiều về Chủ tịch Trương Gia Bình. Những người thuộc thế hệ thứ 2 của FPT như ông học hỏi được những gì từ ông Bình và những người thế hệ thứ nhất?

Ông Hoàng Việt Anh: Phải nói là học được rất nhiều. Tôi nghĩ cái học đầu tiên là triết lý xây dựng tổ chức và quản trị tổ chức. Anh Bình có nhiều tài, nhưng không luôn là người thực thi mọi thứ xuất sắc nhất. Cái anh Bình xuất sắc nhất là tìm được những người thực sự xuất sắc để về cùng làm, tạo ra được sự thành công

Anh Bình cũng là người cực kỳ xuất sắc trong việc đúc kết ra các chìa khóa để FPT thành công. Nó gói gọn trong 6 chữ: “Tôn - đổi - đồng – chí – gương - sáng”.

Trong đó, 3 tiêu chí “Tôn - Đổi - Đồng” bao gồm Tôn trọng, Đổi mới, Đồng đội là yếu tố mà bất kỳ ai ở FPT cũng cần phải có. Chỉ có những người như vậy mới có thể tồn tại trong tổ chức của FPT.

3 tiêu chí tiếp theo “Chí – Gương – Sáng” bao gồm Chí công, Gương mẫu và Sáng suốt là áp dụng cho lãnh đạo của FPT. Lãnh đạo FPT nếu không đạt được yếu tố này thì một cách rất tự nhiên sẽ bị đào thải.

Cá nhân tôi, ngoài việc chứng kiến vô vàn câu chuyện về đối nhân xử thế, về cách xây dựng tổ chức, thì 6 yếu tố trên là những gì sâu sắc học được từ thế hệ các anh F1. Không chỉ với thế hệ F2 như chúng tôi mà những thế hệ Fx sau này dù có cách thể hiện khác nhau nhưng chân giá trị của 6 chữ đó sẽ trường tồn đi suốt với FPT.

NĐT: Ngành viễn thông của Việt Nam đã bão hòa và thực tế thì FTEL cũng chưa phải là công ty có thị phần lớn nhất. Là người đứng đầu, ông nghĩ rằng đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho FTEL trong 5 năm tới?

Ông Hoàng Việt Anh: Chính xác là thị trường viễn thông của cả thế giới nói chung chứ không riêng gì Việt Nam đã bắt đầu đi vào trạng thái bão hòa, và muốn tiếp tục phát triển chắc chắn phải có cách tân, sáng tạo, phải có những mô hình mới. Đối với FTEL, chúng tôi có hai chìa khóa quan trọng nhất để làm động lực tiến về phía trước.

Thứ nhất, FPT là một tập đoàn về công nghệ, do vậy chúng tôi lấy cốt lõi công nghệ là chìa khóa quan trọng nhất để tạo ra sự khác biệt, đổi mới và tạo ra những sản phẩm kinh doanh mới. Điều này rất có ý nghĩa, nhất là khi chuyển đổi số đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ.

Thứ hai, trong xu thế mới, FPT sẽ hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái đầy đủ và hoàn chỉnh, bao gồm hạ tầng viễn thông, dịch vụ phần mềm, các dịch vụ bán lẻ, y tế, giáo dục và nhiều tiện ích khác. Những gì FPT không có thì chúng tôi sẽ cùng hợp lực với các đối tác để làm. Chỉ như vậy mới tạo ra được sự chuyển biến, những mô hình giá trị mới cho khách hàng và khai thác những cơ hội tiềm tàng cho doanh nghiệp.

Tôi đã có cơ hội chia sẻ những điều này với nhiều anh chị em ở doanh nghiệp khác, đặc biệt là sau khi trải qua đại dịch Covid-19 – một dấu lặng rất buồn của cả thế giới với những ảnh hưởng, mất mát rất lớn.

Thực tế là nhiều người cũng thừa nhận rằng nếu không hợp lực, không liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh thì rất khó để vượt qua thách thức. Cá nhân tôi thấy, trong thời gian qua các doanh nghiệp Việt đã nhận thức được điều ấy và đã bắt đầu xuất hiện làn sóng liên kết với nhau để cùng làm.

NĐT: Nhưng đường như khả năng hợp tác, cùng làm của doanh nghiệp Việt vẫn là điểm yếu?

Ông Hoàng Việt Anh: Cái đó là thực tế, nhưng “thành Rome không thể xây trong một ngày”, cần phải từng bước thay đổi trong nhận thức và có những đầu tàu dẫn dắt, xây dựng được mô hình thành công, tạo ra động lực, niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp khác tham gia vào cuộc chơi.

Trong câu chuyện này, với nền kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tàu trong các lĩnh vực phải tiên phong, liên kết với nhau để tạo ra những giá trị chung.

NĐT: Nếu ngoài công việc đảm nhiệm, thì trong cuộc sống cá nhân và với gia đình, bạn bè, vợ con ông là một người như thế nào?

Ông Hoàng Việt Anh: Tôi là một người rất bình thường. Tôi luôn nhìn về tấm gương của anh Trương Gia Bình, ở vị trí lãnh đạo cao nhất, doanh nhân xuất sắc như vậy mà anh vẫn giữ được sự bình dị với anh em, bạn bè.

Tôi luôn nhớ mình xuất phát từ một lập trình viên bình thường, nhờ có tập đoàn hỗ trợ, tạo cơ hội mà trưởng thành, đi lên được vị trí như ngày hôm nay. Trong văn phòng là trách nhiệm, còn bước chân ra khỏi đó, anh em là anh em, tôi rất sẵn sàng ngồi uống bia, đi đá bóng cùng mọi người.

Về gia đình, tôi rất may mắn khi xuất thân trong gia đình bình thường nhưng có nề nếp, gia phong, luôn biết chia sẻ, tạo động lực và là chỗ dựa niềm tin trong cuộc sống. Đến khi lập gia đình riêng, tôi cũng được sự ủng hộ rất lớn từ vợ. Vợ tôi về mặt học thức và trình độ hoàn toàn không thua kém gì tôi nhưng hiểu cho công việc của chồng, cô ấy chấp nhận lui về phía sau để chăm sóc cho gia đình.

Tôi có 3 con đang độ tuổi học sinh. Tôi luôn cố gắng, đi đâu thì đi, cuối tuần có mặt ở nhà dành thời gian cho các cháu. Mình xác định rằng, đến một độ tuổi nhất định, các cháu cũng sẽ độc lập, không phải là không cần mình nữa mà sẽ cần mình đứng sang một bên, để có không gian và thời gian riêng. Do vậy, đây chính là quãng thời gian tốt nhất để trở thành bạn với các con, phải cố để tận dụng. Ít nhất đến thời điểm này, ở chừng mực nào đó, tôi đang làm tốt chuyện này.

Mỗi một người có con đường và số phận riêng, thành công không biết đâu mà lường, khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp, cá nhân tôi luôn tâm niệm điều quan trọng nhất là giữ được sự hài hòa giữa công việc và gia đình. Người ta rất dễ có lý do để ít dành thời gian cho gia đình, nhưng một khi mình muốn cố gắng nỗ lực, mình sẽ tìm được cách.

NĐT: Làm sếp của hàng chục nghìn nhân viên thì có lẽ đã rõ rồi, nhưng anh làm bạn với các con như thế nào?

Ông Hoàng Việt Anh: Tôi có học hỏi nhiều về cách thức dạy con, nhưng rồi tôi thấy, thực tế mỗi gia đình sẽ có một điều kiện, hoàn cảnh riêng. Tôi luôn định hình những giá trị gia đình mình phải gìn giữ để các con hiểu và đi theo càng sớm càng tốt, để các con hiểu rằng có những nguyên tắc không được phép bước qua.

Còn trong cách dạy con, tôi cố gắng trở thành người bạn của chúng, làm sao để chúng tự nguyện chia sẻ những câu chuyện với mình. Mà để trở thành bạn của chúng thì không có gì quá khó đâu, chơi với chúng thôi.

NĐT: Sau 30 năm đi cùng với FPT, anh có kế hoạch nào cho sự gắn bó tiếp theo của mình hay có hạn mốc nào không? Và nếu không phải FPT, anh nghĩ mình sẽ làm gì?

Ông Hoàng Việt Anh: Ông Hoàng Việt Anh: 5 năm trở về trước, FPT xây dựng mô hình một cá nhân, một lãnh đạo có thể đi mãi với tổ chức, với mảng miếng của mình. Nhưng trong những năm vừa qua, anh Bình quyết định tạo ra một nguyên tắc mới: Trong tổ chức FPT, lãnh đạo bắt buộc phải luân chuyển, không được ngồi ở vị trí đấy mãi. Quy định của FPT hiện tại là 2 nhiệm kỳ tức là không quá 6 năm.

Tôi mới nhận nhiệm vụ ở FTEL được 4 tháng, về mặt lý thuyết còn khoảng hơn 5 năm nữa ở vị trí này, tất nhiên là với điều kiện phải đáp ứng được nhiệm vụ của ban lãnh đạo tập đoàn và cổ đông giao cho. Lộ trình đi tiếp sẽ tuân theo sự phân công của tổ chức. Còn về nguyện vọng cá nhân, tôi luôn luôn mong muốn gắn bó với FPT. Nhưng làm việc ở vị trí lãnh đạo, làm việc ở mảng công nghệ không thể nào là mãi mãi được, sẽ đến lúc phải đứng sang một bên để người trẻ bước lên. Các em trẻ hơn, học nhanh hơn và còn làm tốt hơn mình.

Tôi đã đi cùng FPT kể từ khi mới là một công ty hơn 100 nhân viên, qua từng ấy năm, FPT giờ đây là một tên tuổi lớn trong làng công nghệ Việt, với hệ thống hơn 67.000 nhân viên trên toàn cầu và đang tiếp tục lớn mạnh. Trong cuộc đời không phải ai cũng có cơ duyên, may mắn để chứng kiến, đồng hành cùng tổ chức như vậy. FPT là nơi tạo điều kiện cho tôi như thế.

Vì vậy, tôi mong muốn đến một thời điểm nào đó, tôi có thể đem những kinh nghiệm, kiến thức mình tích lũy được trong cả quãng đời với FPT truyền lại cho thế hệ trẻ của FPT. Đó có thể là những thứ hữu ích, giúp các em rút ngắn được thời gian đi đến thành công.

Khi nhìn lại hành trình 30 năm đi cùng FPT, tôi có rất nhiều niềm hạnh phúc nhưng có lẽ đối với tôi hạnh phúc lớn nhất là được chứng kiến các đồng nghiệp của mình bắt đầu chập chững đi vào FPT từ khi còn là sinh viên mới tốt nghiệp, từng bước vươn lên và thành công. Tôi tin rằng thế hệ các em sẽ thành công hơn chúng tôi rất nhiều.

NĐT: Mỗi thời đại lại có một bối cảnh riêng và cái cách mà người ta đi lên cũng không giống nhau. Là một người đi trước và đã thành công, nếu có một lời khuyên dành cho những người trẻ đang lập thân, lập nghiệp, ông sẽ nói gì?

Ông Hoàng Việt Anh: Thế hệ của chúng tôi bắt đầu lập nghiệp trong điều kiện có nhiều hạn chế, mà những khó khăn ở thời điểm đó thì hiện tại các bạn không gặp phải. Nhưng những khó khăn hiện tại của các bạn không vì thế mà nhẹ đi. Nhiều khi nó còn đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.

Đơn giản là vì ở thời của tôi chưa bao giờ nhìn thấy những khó khăn như vậy. Đối với các bạn trẻ bây giờ, thời gian gấp gáp hơn thời của chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi không có nhiều sức ép phải tiến nhanh, thành công sớm, cạnh tranh của thời chúng tôi cũng có nhưng không gay gắt khốc liệt như bây giờ.

Thứ hay nhất mà tôi nghĩ các bạn trẻ ngày nay đang có là điều kiện để được thử. Tuổi trẻ hơn tuổi già của chúng tôi là thế, khi bạn đã bước vào độ tuổi trung niên muốn thử gì đó phải nâng lên hạ xuống đủ điều và nhất là phải nghĩ xem có đủ thời gian để thử không.

Các bạn trẻ bây giờ thoải mái thời gian hơn. Do vậy, còn trẻ, cứ mạnh dạn mà thử nhưng thử làm sao phải biết được đến lúc nào mình phải dừng. Các bạn đang hơn đứt chúng tôi trước đây về kiến thức và khả năng tiếp cận thông tin. Có quá nhiều thứ có thể giúp các bạn hiểu được cách mà xã hội đang vận hành. Hãy tận dụng điều đó và dám thử.

NĐT: Nhưng rồi được thử nhiều thứ cũng là thử thách của người trẻ thì phải?

Ông Hoàng Việt Anh: Đúng. Vậy thì chọn gì để thử và thử như thế nào? Hãy nhìn lại xem giá trị của mình là gì, nguyên tắc gì trong cuộc sống mình cần phải tuân thủ, niềm tin gì của mình là bất di bất dịch. Hãy xác định những giá trị - niềm tin - nguyên tắc mà mình đã đúc kết từ thực tế cuộc sống của mình. Những mảng miếng nào phù hợp với nó thì các bạn hãy mạnh dạn dấn thân và thử nghiệm.

Chọn thứ mà mình thấy ngược hẳn với giá trị-niềm tin-nguyên tắc của bản thân thì dù chưa bước chân vào các bạn đã thấy không đáng để thử hoặc nếu có cố thử thì rồi cũng sẽ thất bại.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi đầy cảm xúc.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 16/10/2023 | 07:45