Khi trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT) về cơ hội cho nền kinh tế những tháng cuối năm 2023, TS. Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói rằng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ trong thời gian vừa qua, cùng với những tín hiệu tích cực và khả quan từ các doanh nghiệp sản xuất trong các tháng gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi và khởi sắc hơn.

NĐT: Tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại được đánh giá là khó khăn hơn thời Covid-19, bởi đại dịch chỉ gây gián đoạn một thời gian nhưng nay, khó khăn gấp bội bởi vì tổng cầu suy giảm, nguồn dự trữ không còn nhiều như trước nên đòi hỏi các giải pháp cấp bách. Bà đánh giá thế nào về các ưu tiên chính sách được Chính phủ thực hiện trong thời qua?

TS. Nguyễn Thị Hương: Một số chính sách của Chính phủ trong thời gian qua được ưu tiên thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội là miễn, giảm thuế, lệ phí; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chính sách cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác…

Như vậy có thể thấy, Chính phủ đã bám sát tình hình, thành lập các tổ công tác, giám sát thực tiễn và ban hành nhiều phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế đánh giá cao với những kết quả đáng ghi nhận.

NĐT: Nhiều định chế tài chính lớn vẫn nhận định hai đầu tàu kinh tế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rủi ro trong những tháng cuối năm 2023. Vậy những rủi ro này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Hương: WB nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 đạt 1,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2023. IMF đưa ra dự báo tăng trưởng của Mỹ đạt 1,8% trong năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với số liệu trong tháng 4/2023. ADB cho rằng kinh tế Mỹ đạt mức 1,1% trong năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2023.

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, IMF và ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2023 của quốc gia này so với thời điểm đầu năm 2023, lần lượt ở mức 5,2% và 5%. WB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc 1,3 điểm phần trăm so với đầu năm, đạt 5,6%.

Như vậy, việc duy trì tăng trưởng tích cực trong khi kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính nhưng sự suy giảm của các nước đối tác lớn dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam thông qua các tác động về thương mại và tỉ giá.

Mỹ, EU và Trung Quốc là đối tác xuất khẩu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do vậy suy giảm kinh tế các quốc gia này sẽ dẫn tới sụt giảm xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một động lực tăng trưởng của kinh tế nước ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp đa quốc gia đang phải đối mặt với áp lực phải khôi phục hoạt động sản xuất, thúc đẩy tạo việc làm ở quê nhà và củng cố an ninh quốc gia có thể làm suy yếu dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, giảm giá nhà ở tại Trung Quốc, Mỹ, cũng như rủi ro tăng giá thị trường tài chính gần đây khiến người mua nhà Việt Nam sẽ thận trọng hơn trong thời gian tới.

NĐT: Sau khi đạt đỉnh vào tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua các tháng của năm 2023 dần hạ nhiệt. Vậy dư địa kiểm soát lạm phát của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ như thế nào, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Hương: Chỉ số CPI các tháng cuối năm 2022 ở mức cao gây áp lực lên việc kiểm soát CPI ngay từ những tháng đầu năm 2023.

Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%; sau đó giảm dần đến tháng 6 với mức tăng chỉ còn 2%; tháng 7 tăng ở mức 2,06%; sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng CPI như vậy cho thấy dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần.

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố tác động làm tăng CPI các tháng cuối năm như: Lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 tác động đến việc tăng giá của hàng hóa, dịch vụ khác; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát; giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, giá sách giáo khoa các bộ mới tăng; giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản.

Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu do lượng gạo xuất khẩu của thế giới giảm cùng với các đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng.

Ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước đến từ các yếu tố như: Chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023 – 2024.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023 có thể đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra.

NĐT: Có một thực tế phải thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về vốn kinh doanh. Sức khoẻ của doanh nghiệp vẫn đang là mối băn khoăn và lo ngại lớn. Bà có suy nghĩ gì?

TS. Nguyễn Thị Hương: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó sự thay đổi của các yếu tố bên ngoài sẽ tác động ngay đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Thời gian qua, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, đơn hàng trong nước giảm, xuất khẩu giảm, lạm phát các nước vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định và duy trì được nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh mà còn kịp thời tháo gỡ các rào cản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: chính sách giảm thuế VAT, hỗ trợ giải ngân nhanh vốn đầu tư công, giảm lãi suất vay vốn ngân hàng...

Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101/2023 của Quốc hội, theo đó thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%, hỗ trợ hết năm 2023.

Đây có thể nói là một trong các chính sách có hiệu quả cao trong việc hỗ trợ về dòng tiền cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ như trong thời gian vừa qua, với những tín hiệu tích cực và khả quan từ các doanh nghiệp sản xuất trong các tháng gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi và khởi sắc hơn các tháng đầu năm.

NĐT: Theo bà, đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm nay?

TS. Nguyễn Thị Hương: Trong những tháng cuối năm 2023, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn nhưng khả năng đạt như kỳ vọng là khó khả thi.

Dự báo trong nửa cuối năm 2023, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong nước vẫn ổn định, đời sống người dân được chăm lo, hỗ trợ kịp thời. Cùng với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm.

Trong đó, nhu cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai quyết liệt theo cam kết của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI. Luồng FDI cũng chuyển dịch tích cực trong 6 tháng đầu năm khả năng sẽ đi vào thực hiện trong những tháng cuối năm.

Đầu tư tăng tốt sẽ kích thích hoạt động xây dựng, giao thông vận tải và các ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng mạnh.

Nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng do kỳ vọng hoạt động du lịch khởi sắc trong thời gian tới. Cầu nội địa khả năng cũng sẽ phục hồi do nhu cầu du lịch nội địa tăng cao.

Về phía cung, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế; không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và sẽ có mức đóng góp ổn định trong tăng trưởng năm 2023.

Khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tạo động lực để kích thích tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền, là yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

NĐT: Nhiều chuyên gia cho rằng việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 của Việt Nam đang đặt ra những áp lực lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức khó đoán định. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Hương: Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2% (trong đó quý I tăng 5,6%, quý II tăng 6,7%).

Tuy vậy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,63% (trong đó quý I tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,14%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng (quý I thấp hơn 2,32 điểm phần trăm; quý II thấp hơn 2,56 điểm phần trăm).

Để tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt 6,5% thì trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP cần phải đạt trên 9%. Đây là mức tăng cao và là thách thức rất lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo, cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu, nội lực kinh tế trong nước chưa khôi phục, kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế đặt ra cho 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu theo kế hoạch là bài toán khó đối với nền kinh tế nước ta.

NĐT: Vậy Tổng cục Thống kê có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm?

TS. Nguyễn Thị Hương: Duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 8 tháng đầu năm, kinh tế nước ta cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy “cỗ xe tam mã” là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Về kích cầu tiêu dùng, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.

Về kích cầu đầu tư, thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ khiến tổng cầu của nền kinh tế tăng lên, nhờ đó sẽ kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn để sản xuất các nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Về thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững, cần đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA…

Cùng với việc giảm thuế, hoãn thuế, Nhà nước cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới. Bên cạnh đó, tận dụng tốt những hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

NĐT: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 14/10/2023 | 15:00