Cốt cách con người miền Trung

Bao nhiêu năm đã trôi qua, năm nào cũng như năm nào, chưa lúc nào miền Trung được yên cả, chưa năm nào mà mẹ già nơi ấy thôi rơi nước mắt. Dù vậy, người miền Trung vẫn nguyện gắn chặt cả cuộc đời với mảnh đất này.

Miền Trung quê tôi chắc hẳn bạn đã nghe nhiều. Thế nhưng, bạn biết được bao nhiêu về vùng đất ấy?

Bạn ạ! Bạn đã bao giờ đặt chân đến dải đất miền Trung đầy gió nắng của chúng tôi chưa?

Hay những nơi bạn đến chỉ là Sapa, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn… vùng đất được mẹ thiên nhiên ưu ái dành cho những phần thưởng ngọt ngào.

Còn miền Trung, giống như một đứa con giản dị, hiền lành, cam chịu.

Nơi đây mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông lạnh cắt da. Mẹ thiên nhiên dường như chẳng bao giờ ưu ái đứa con này cả.

Ngược lại, mỗi lần mẹ giận dữ, bao nhiêu bão bùng, giống tố, hạn hán, lụt lội miền Trung đều giang tay còng lưng gánh vác.

Sinh ra trên một vùng đất như vậy, từ đời ông cha và bao đời trước đó nữa sống quen trong khổ cực. Người miền Trung cũng trở nên hiền lành, cam chịu, khô khan y như cái vùng đất họ được sinh ra.

Cũng nhiều lần người miền Trung ước ao muốn có được khí hậu ôn hòa như của miền Nam để cây lúa bà con trồng thêm tươi tốt, để mỗi năm tăng thêm một vụ mùa cho cuộc sống ấm no hơn.

Cũng nhiều lần những cô gái miền Trung ao ước làn da mình được trắng trẻo, mịn màng như những cô gái Hà Nội, khát khao bản thân cũng được duyên dáng và yêu kiều như thế.

Cũng nhiều lần lắm chứ, người miền Trung thèm muốn được sống trong những vườn hoa như Đà Lạt, cây trái bốn mùa, cuộc sống bình dị, tĩnh lặng trôi qua.

Ấy thế nhưng không! Chẳng có khí hậu ôn hòa, không làn da trắng nõn, không có hoa và cuộc sống người miền Trung cũng chẳng được yên bình. Ông trời thách thức họ gồng sức mình kiếm miếng cơm, manh áo. Còn mùa thứ ba là mùa giông bão, hay là mùa trắng tay.

Rồi cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại. Làm việc, kiếm ăn, tích trữ, thiên tai, mất mát, trắng tay. Năm nào cũng vậy, bao nhiêu thế hệ trôi qua rồi đều thế.

Bão lũ hoành hành để lại nơi đây bao đau thương, mất mát. Người mất thì đã mất, người còn lại vẫn phải gồng mình gánh chịu tang thương.

Bao nhiêu cơ sở hạ tầng, bao nhiêu nhà cửa, lúa gạo, gia cầm, gia súc đều bị nước cuốn trôi.

Cơn bão đi qua, “rửa sạch” miền Trung và để lại một “tấm thân” tiêu điều, xơ xác. Người miền Trung chưa kịp khóc thương cho người đã mất thì đã phải quặn thắt xót thương cho người còn sống nơi đây.

Những xác vật nuôi nổi bồng bềnh, những cây trồng, cột điện bật gốc, những rác rưởi theo nước cuốn phân tán khắp nơi.

Thế nhưng, đằng sau những vóc hình nhỏ bé, miền Trung mạnh mẽ đến lạ kỳ. Dường như họ đã quá quen với những đau khổ đó.

Họ biết rằng dẫu khóc cũng không giải quyết được vấn đề nên thỉnh thoảng, người ta vẫn bắt gặp những con người miền Trung nở nụ cười đứng dưới những căn nhà trống không, tốc mái.

Bạn ạ! Hãy một lần thay vì Hà Nội, Sài Gòn, bạn hãy một lần đến thăm miền Trung khô cằn sỏi đá để bạn hiểu hơn về mảnh đất ấy.

Để bạn hiểu hơn về những con người nơi đây – những con người hồn hậu, nhiệt tình. Để bạn yêu hơn về miền đất anh em ruột thịt của Tổ quốc mình.

Chỉ một lần thôi, bạn sẽ hiểu tại sao dẫu tản đi trăm ngả, mỗi lần quê nhà gánh chịu đau thương, những đứa con miền Trung lại rơi nước mắt lục đục trở về quê mẹ để cùng gồng gánh nỗi khổ cực của quê hương.

Xót xa miền Trung quê nhà

Thứ 7, 07/09/2019 | 20:54
Nhìn trẻ thơ ngồi tựa nóc nhà, cha già bất lực trước dòng nước lũ, ai xa xứ có thể cầm lòng để nước mắt không tuôn. Quê mẹ miền Trung ơi! Mong một ngày bình yên đến với Người.

Chúng tôi phát động chiến dịch ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung

Thứ 2, 24/10/2016 | 16:46
Lễ phát động được tổ chức từ 13h (20/10), tại sảnh Tầng 1, Tòa nhà Star Tower (đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Sao Việt và những tấm lòng 'thương về miền Trung'

Thứ 2, 17/10/2016 | 10:55
MC Phan Anh, Phạm Hương, Tuấn Hưng,…cùng nhiều sao Việt kêu gọi mọi người “thương về miền Trung” đang oằn mình chống lũ.