Ủng hộ Bộ trưởng Trần Hồng Hà về cách tính phí rác

Là một người dân ủng hộ quan điểm thu phí rác thải theo nguyên tắc xả rác nhiều thu tiền nhiều, xả rác ít thu tiền ít của ông, tôi xin có mấy đề xuất gửi tới Bộ trưởng.

Xã hội văn minh là lợi ích không cào bằng cho những hành vi, cống hiến khác nhau. Bởi vậy không lý gì mà người xả rác nhiều và ít lại nộp tiền một mức như nhau.

Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường – Bộ trưởng Trần Hồng Hà - vừa làm nóng nghị trường Quốc hội hôm 11/6 vì phát ngôn sẽ thu phí rác thải theo đơn vị khối lượng, thay vì theo nhân khẩu hiện nay. Ông Hà giải thích, mục đích lâu dài phải giảm được lượng rác thải và tăng tỉ lệ rác hữu cơ có thể tái chế thành nguồn năng lượng khác phục vụ lại cuộc sống.

Được biết, đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo luật Bảo vệ môi trường đang trình Quốc hội thông qua.

Thoạt nghe phát ngôn này, phần lớn người dân đều có phản ứng tự vệ kiểu cứ thấy mất tiền là phản đối cái đã. Đây là một dạng tâm lý phản kháng kiểu “từ chối hiểu” rất thông thường, mang màu sắc “dân túy”.

Trong số những người phản đối thì có lẽ người nghèo và trung lưu phản đối nhiều hơn, bởi với họ cứ thêm khoản “thuế”, “phí” nào là cuộc sống bớt dễ chịu hơn. Còn người giàu ít quan tâm hơn vì số tiền ấy quá nhỏ so với họ, hoặc họ chỉ quan tâm dưới góc độ quản lý chính sách.

Tuy nhiên nếu nhìn vào bản chất thì chính sách này có lợi cho người nghèo nhiều hơn người giàu. Chúng ta thử nghĩ xem, bữa cơm của người nghèo thường mớ rau con cá, ăn thừa chút ít thì nuôi lợn gà, làm phân chuồng bón cây, lấy đâu mà xả rác?

Ngược lại, người giàu mỗi tuần xả ra hàng đống vỏ chai rượu Chivas, Maccalant..., đống vỏ hải sản, sầu riêng, măng cụt các loại... Cấp trên được anh em lính tráng biếu cây địa lan tiền triệu thì lại phải bỏ cây cũ đi; Hay gọn nhẹ nhất là nhận quà biếu bằng tờ polime, dollar, euro thì cũng có cả đống “bao thơ” phải vứt bỏ.

Thế mà bây giờ chúng ta đang cào bằng việc thu phí rác thải thì có công bằng hay không? Theo Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP.Hà Nội về “Ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn TP.Hà Nội” thì phí rác thải được tính cào bằng 6.000 đồng/người/tháng (đối với cá nhân cư trú ở các phường), 3.000 đồng/người/tháng (đối với cá nhân cư trú ở các xã, thị trấn). Ngay cả các hộ, các tổ chức sản xuất kinh doanh có xả rác thải công nghiệp cũng vẫn thu bình quân theo mức từ 130.000 đồng đến 500.000 đồng/hộ/tháng.

Chính vì chính sách thu “rác phí” bình quân nói trên đã khiến cho mỗi người dân thiếu ý thức đối với môi trường sống. Nhiều cuộc vận động phân loại rác tại nguồn thất bại bởi dân không nhìn thấy lợi ích của họ trong đó, họ cũng không buộc phải làm theo khi chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

Hậu quả là, bãi rác Nam Sơn ở Hà Nội sau 20 năm chỉ xử lý bằng chôn lấp thô sơ đã trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân nhiều lần biểu tình căng dây chặn không cho xe rác vào tập kết. Trong khi đó, mỗi ngày Hà Nội có trung bình 6.000 tấn rác cần xử lý.

Ở TP.HCM, tình trạng cũng không khả quan hơn khi mà khu vực chôn lấp rác thải lớn nhất thành phố là bãi rác Đa Phước dù bỏ ra cả núi tiền (vụ “vua rác David Dương cam đoan xử lý được bãi rác Đa Phước) vẫn không ngăn được mùi hôi thối phát ra hàng ngày. Vấn đề cũng trở nên cấp bách khi lượng rác thải sinh hoạt ở TP.HCM là gần 10.000 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh và được thu gom xử lý trên địa bàn TP.HCM năm 2019 ước tính 3 triệu tấn và dự báo sẽ tăng 15% trong năm 2020.

Như vậy, bài toán xử lý rác thải để “cứu” môi trường là câu chuyện cấp bách không thể trì hoãn.

Chúng ta biết, nội dung cơ bản nhất của công bằng xã hội là xử lý hợp lý nhất quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Nếu cứ mãi cào bằng thì chính những người nghèo là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do môi trường ô nhiễm mang lại.

Tại sao vậy? Bởi vì trong cùng một điều kiện môi trường sống như nhau nhưng điều kiện vật chất khác nhau, người nghèo luôn có ít lựa chọn hơn người giàu. Nếu như người nghèo chỉ có điều kiện ngụp lặn tắm biển tại các bãi biển tràn ngập vỏ bim bim và lon Coca thì người giàu vào các resort trong lành hoặc tắm táp ở các bãi tắm đẹp nhất nhì thế giới. Người nghèo quạt phành phạch những chiếc bếp than tổ ong trong khi người giàu mua ô xy về để thở...

Thưa Bộ trưởng Trần Hồng Hà! Là một người dân ủng hộ quan điểm thu phí rác thải theo nguyên tắc xả rác nhiều thu tiền nhiều, xả rác ít thu tiền ít của ông, tôi xin có mấy đề xuất gửi tới Bộ trưởng như sau:

Thứ nhất, dư luận hiện nay tuy ủng hộ quan điểm bảo vệ môi trường nhưng vẫn lo ngại về tính khả thi trong triển khai thực hiện. Việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ được tính toán thế nào? Dùng cân để cân rác rồi ghi chép lại và tính tiền ư? Chưa mất tiền đổ rác mà nạn đổ trộm chất thải đã diễn ra tràn lan, bây giờ mất tiền thì tình trạng này sẽ phổ biến hơn, ai quản lý? v.v...

Vấn đề này Bộ trưởng đã trả lời ở hành lang Quốc hội hôm 13/6 rằng có thể bán cho dân loại túi nilon quy chuẩn để đựng rác và lượng hóa bằng thể tích rác thải để tính tiền. Tôi thiết nghĩ thay vì bán ra túi đựng rác rồi cộng dồn thể tích để tính tiền, chúng ta nên thu phí rác thải gián tiếp bằng cách tính phí này luôn vào giá bán của túi, sẽ đỡ được nhiều công đoạn.

Vấn đề xử lý nạn đổ trộm chất thải hoặc không sử dụng túi quy chuẩn thì một mặt đề xuất xử phạt thật nặng hành vi này, mặt khác tạo ra cơ chế không thu gom rác nếu rác không đựng trong túi quy chuẩn, không tập kết đúng nơi. Khi đó những cộng đồng bị ô nhiễm vì rác thải không được thu gom sẽ tự có cơ chế giám sát lẫn nhau.

Thứ hai, thưa Bộ trưởng, thu phí rác thải sinh hoạt của dân chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện cứu môi trường. Bởi vì những viên than tổ ong, những túi rác thải sinh hoạt của dân là không đáng kể so với những ống khói, những dòng nước thải bẩn từ nhà máy, khu công nghiệp đang ngày ngày tan ra, đổ vào môi trường. Nếu như Fomosa vẫn xả nước thải làm chết cá vùng biển miền Trung, Vedan vẫn đầu độc sông Thị Vải..., thì thu “rác phí” mấy túi rác sinh hoạt hay mấy viên than tổ ong chẳng ích gì cho môi trường.

Thứ ba, xin Bộ trưởng lưu tâm, cả nước hiện đang có gần 3,7 triệu xe ô tô và khoảng hơn 60 triệu xe máy đang lưu hành. Vấn đề “khí thải phí” đã được cụ thể hóa thông qua việc mỗi lít xăng chúng ta thu 4.000 đồng phí bảo vệ môi trường. Nhưng chi cụ thể cho môi trường ra sao thì ít ai nắm được. Đây cũng chính là một trong những lý do người dân kém hào hứng với việc móc hầu bao để chung tay với Nhà nước bảo vệ môi trường.

Thưa Bộ trưởng Trần Hồng Hà,

Chính sách đã đúng đắn rồi, nếu có thêm vận dụng linh hoạt, chế tài đủ mạnh, cộng với cơ chế quản lý giám sát rõ ràng mình bạch thì tôi tin việc khó mấy cũng sẽ thành công.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thay đổi cách tính phí rác thải sinh hoạt

Thứ 6, 12/06/2020 | 20:00
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: "Về nguyên tắc không tính tiền xử lý rác đổ đồng như trước mà tới đây người nào xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều hơn”.

Một người làm quan cả họ được... nghèo

Thứ 6, 12/06/2020 | 09:00
Xưa nay người ta dựa vào “một người làm quan” để “cả họ được nhờ” về vinh hiển, công danh... Giờ mới thấy ở Thanh Hóa có hiện tượng hàng loạt người nhà quan chức “núp bóng” quen thân để được... nghèo(!!)

Tự chủ xin đừng tự tiện!

Chủ nhật, 07/06/2020 | 10:27
Việc các trường đại học tự ý tăng học phí nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ làm mất cơ hội học tập của nhiều người, làm sai lệch ý nghĩa của chủ trương tự chủ đại học, trong khi chất lượng giáo dục chưa chắc tăng lên.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo khẩn vụ rác thải từ khu cách ly Hạ Lôi

Thứ 6, 08/05/2020 | 15:53
Chiều 8/5, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo khẩn vụ rác thải sinh hoạt từ khu cách ly Hạ Lôi tập kết sai quy định, ném bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Châu Á và châu Phi thải ra tới 95% rác thải nhựa xuống đại dương

Thứ 4, 04/07/2018 | 19:19
Một nghiên cứu mới đây cho biết, có tới 95% rác thải nhựa từ 10 con sông ở châu Á và châu Phi đổ vào đại dương.