2.000 tỷ đổ vào các dự án theo cơ chế đặc thù ở TP.Thanh Hóa

2.000 tỷ đổ vào các dự án theo cơ chế đặc thù ở TP.Thanh Hóa

Phạm Xuân Chinh

Phạm Xuân Chinh

Thứ 2, 20/05/2024 20:14

Đầu tư 2.000 tỷ đồng theo cơ chế, chính sách đặc thù vào 4 dự án ở TP.Thanh Hóa để địa phương này trở thành thành phố thông minh, hiện đại năm 2030.

TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa tiến hành khởi công 4 công trình trọng điểm gồm: Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục, thể thao TP.Thanh Hóa; Dự án Cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An; Dự án mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống; Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây.

Đây là các công trình trọng điểm được thực hiện theo Nghị quyết số 303/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thanh Hóa.

Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục, thể thao TP.Thanh Hóa được xây dựng trên địa bàn phường Đông Hải, có diện tích sử dụng đất là 4,1ha, với tổng mức đầu tư hơn 247,85 tỷ đồng.

Dự án nhằm hoàn thiện thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, tạo cơ sở vật chất cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, vui chơi giải trí, học tập của thanh, thiếu nhi TP.Thanh Hóa. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố. Đồng thời, dự án đảm bảo tiêu chí đô thị loại I, tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu trung tâm mới TP.Thanh Hóa.

Thời gian thi công dự án là 20 tháng, tiến độ hoàn thành dự kiến vào tháng 12/2025.

Kinh tế vĩ mô - 2.000 tỷ đổ vào các dự án theo cơ chế đặc thù ở TP.Thanh Hóa

Phối cảnh Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục, thể thao TP.Thanh Hóa.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An có tổng mức đầu tư hơn 76,284 tỷ đồng, với mục tiêu tạo lập các khu vực cây xanh, cảnh quan theo chủ đề, khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao phục vụ nhu cầu nhân dân. Đồng thời, dự án nhằm phát huy tối đa giá trị văn hóa của Công viên Hội An, tạo điểm nhấn về không gian cảnh quan tại khu vực, kết nối hài hòa với kiến trúc cảnh quan tổng thể của đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian thi công dự án là 14 tháng, tiến độ hoàn thành dự kiến tháng 7/2025.

Dự án Mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống (dài 1,5km) có tổng mức đầu tư 1.008 tỷ đồng, với mục tiêu từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các tuyến giao thông trong tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP.Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Đồng thời, tăng cường khả năng kết nối và tạo thuận lợi cho giao thông đi lại giữa các vùng trong khu vực với Cảng hàng không Thọ Xuân; giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường trục chính của thành phố và tạo trục cảnh quan trong đô thị. Thời gian thi công dự án là 15 tháng, tiến độ hoàn thành dự kiến tháng 9/2025.

Kinh tế vĩ mô - 2.000 tỷ đổ vào các dự án theo cơ chế đặc thù ở TP.Thanh Hóa (Hình 2).

Một góc TP.Thanh Hóa về đêm.

Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây có tổng mức đầu tư hơn 647,120 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được phê duyệt, tạo điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân; giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 47 đoạn qua đường sắt Bắc - Nam.

Đồng thời, kết nối với các khu đô thị phía Đông và phía Tây với trung tâm thành phố; phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.Thanh Hóa. Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu với tổng chiều dài 800m.

Theo thiết kế, cây cầu được trang trí mỹ thuật nhằm tạo điểm nhấn cho không gian đô thị TP.Thanh Hóa. Thời gian thi công dự án hơn 13 tháng, tiến độ hoàn thành dự kiến tháng 7/2025.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, TP.Thanh Hóa là một trong 4 địa phương đã được Ban Thường vụ tỉnh ủy, HĐND tỉnh quan tâm ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, TP.Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.