Du lịch và... rác

Du lịch và... rác

Văn Công Hùng
Thứ 6, 01/12/2023 | 07:00
96
Hôm nọ cả báo chí và dân mạng xôn xao về clip một anh tây du lịch, vì nhắc nhở một anh tắc xi vất rác bừa bãi mà bị anh này sửng cồ, đòi đánh khách.

Nói thật, xem cái clip xong tôi thấy nhục. Người ta sang du lịch, mang tiền, mang công ăn việc làm cho mình, người ta nhắc một cách thiện chí mà mình ứng xử hết sức thô lỗ, thậm chí có thể gọi là vô văn hóa, du côn, thì nó không còn ra thể thống gì nữa.

Tôi sang một nước trong khu vực du lịch, ra công viên chơi, gặp một cô gái rất xinh dắt một con chó đi dạo. Chó mót ị, cô đứng chờ cho nó ị xong, mở cái túi rất đẹp, rất sang đeo bên mình ra, lấy hai tờ giấy mỏng. Một tờ cô... vệ sinh cho chó, tờ còn lại, gói cái chất con chó vừa thải ra, cả hai, cho lại vào túi, cái túi rất xinh rất xịn đeo bên người, như một vật trang trí, té ra lại còn công dụng như thế nữa.

Ở ta, nạn phân chó đã trở thành... đại nạn.

Tôi từng chứng kiến mấy anh chị tây du lịch đi trong một con ngõ ở Hà Nội, vừa đi vừa lom lom nhìn đường rồi chỉ cho nhau tránh các... "bãi mìn" của chó.

Cũng thế, sáng sớm các chủ chó coi công viên là... nhà vệ sinh lộ thiên của chó. Cứ dắt, cứ thả ra đấy cho chúng tự do hành sự. Mà cái giống chó, nhất là mấy giống chó tây, chó lai, to lừng lững lại rất thích cào nát cỏ chỗ mình định hành sự rồi mới hành sự. Mà cỏ ấy là cỏ trồng, trong công viên người ta nâng niu từng cọng cỏ.

Lớn hơn, cứ chỗ nào có du lịch là chỗ ấy sự xả rác nó tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Cứ sau một cuộc gì đông người mà xem, sáng ra trắng xóa rác. Mà dân ta bây giờ đi dự, xem, tham gia gì đấy, thể nào cũng phải cầm theo chai nước, túi hạt dưa, các loại đồ ăn vặt khác. Và cứ thế phì phì nhả ngay dưới chân.

Tất nhiên nó cũng có lý do là bây giờ đa phần dân sống thành thị nhưng chưa phải là thị dân. Nông thôn đất rộng người thưa, có vất tí rác nó cũng lẫn vào đâu đấy. Nhưng giờ ở nông thôn cũng đã có xe lấy rác, có chỗ để rác tập trung rồi, không được bạ đâu xả đấy như xưa nữa.

Ngày xưa, tối đi xem phim, các cô thôn nữ cùng lắm có nắm ngô rang, lúa nếp rang... mang theo ăn vặt và... bồi dưỡng cho bạn xem cùng cho thơm miệng. Giờ các cô lên phố, ngô rang, nếp rang thay bằng các thứ khác, đựng trong túi nilon. Và xả...

Nên lâu lâu lại thấy cảnh, khách du lịch tây, rủ nhau dọn rác cho... người Việt, ở các khu du lịch Việt.

Hôm nọ tỉnh Gia Lai tổ chức lễ khai mạc “Tuần văn hóa du lịch”, sáng ra tôi đi bộ, cả cái quảng trường trắng phau rác, chủ yếu là bì, bao nilon.

Nhưng đi đến vòng thứ hai thì, lạ quá, gì thế này. Vài chục cháu học sinh, mỗi cháu một bao tải, dàn hàng ngang nhặt rác. Tôi dừng lại lấy điện thoại chụp cái cảnh xúc động ấy thì một cô giáo xuất hiện. Té ra cô này biết tôi. Cô dạy ở trường vùng ven thành phố, và số học trò này là của cô chủ nhiệm, tức chúng cũng ở vùng ven thành phố, cách đây hơn chục cây số.

Cô đi thể dục, thấy cảnh này bèn alo chúng, thế là chúng, coi như một cú chạy thể dục buổi sáng, đúng hôm chủ nhật được nghỉ, chạy vào. Cô liên hệ với ban quản lý quảng trường, xin phép họ cho được nhặt rác.

Họ... đồng ý và phát cho mỗi người một cái bao, và chỉ trong một tiếng đồng hồ, quảng trường đã sạch bong. Rất nhiều người dân nội ô, cả tôi, thản nhiên đi qua, chứng kiến các cháu ngoại ô vào nhặt rác.

Nước ta đang phấn đấu để du lịch thành mũi nhọn của nền kinh tế, các tỉnh thành cũng thế. Ngành văn hóa (có du lịch) đang làm dự án tới ba trăm năm mươi ngàn tỉ để chấn hưng văn hóa. Theo tôi, một trong những mục tiêu cần “chấn hưng”, à không phải chấn hưng vì của đáng tội, món vệ sinh công cộng với chúng ta nó mới, chứ không phải nó mất mà phải chấn hưng, là vấn đề vệ sinh công cộng.

Nó làm sao phải được giáo dục từ trong máu, thành thói quen vệ sinh và giữ vệ sinh công cộng từ tuổi mẫu giáo. 

Ra nước ngoài, cả những nước bị coi là “lạc hậu” hơn ta, vào các tòa cao ốc, từng góc lại thấy những nhóm người đứng túm tụm quanh một cái thùng inox sáng choang. Họ hút thuốc đấy ạ. Nước ta có những chỗ đề rất to “cấm hút thuốc” nhưng lại là chỗ người ngồi phì phèo nhiều nhất.

Lại nhớ câu chuyện vui, nhà kia gần trường học, muốn lấy nước giải của các cháu để tưới rau, để cái thùng ra đấy, chả đứa nào thèm lại. Có người xui, đề thêm chữ “cấm...” thật to vào. Y rằng, ngày nào cũng thừa nước để tưới.

Nên giờ đi trên phố, cứ chỗ nào đề “cấm đổ rác” là chắc chắn bên cạnh có đống rác lù lù...

Đa chiều - Du lịch và... rác

Cứ chỗ nào đề “cấm đổ rác” là bên cạnh có đống rác lù lù (ảnh minh họa).

Đi bộ thể dục, món kinh thứ hai sau phân chó là... nước bọt. Dân ta rất hay nhổ bậy, có người trên ô tô rất sang cũng hạ kính phẹt phát, kệ, trúng ai thì trúng. Còn tàn  thuốc, vô thiên lủng ngoài đường. Bất cứ chỗ nào trên đường cũng là cái gạt tàn để vất, nhổ tàn thuốc.

Tôi từng vào phòng một ông lãnh đạo ngành văn hóa một tỉnh, phòng có đủ: thuốc lá mù mịt, nhổ nước bọt, mỗi câu nói đều đệm một từ tục của dân gian...

Những chuyện nhỏ mà không nhỏ. Không có khách du lịch nào muốn đến nơi ấy lần thứ hai khi luôn phải chịu đựng những thứ “vệ sinh” lạ kỳ như thế, chưa kể trăm thứ phiền toái khác.

À, tôi mới xem cái “tiêu chuẩn gia đình văn hóa sức khỏe” của thành phố Hà Nội, có mục: “Có đủ ba công trình vệ sinh hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế (Nhà tiêu, nhà tắm và nước sạch)”.

Ôi, Thủ đô còn thế thì các địa phương khác thế nào? Lâu lắm mới nghe lại tên gọi “nhà tiêu”. Và nữa, hình như thừa chữ trong cái câu rất ngắn ấy. Chữ xài không đúng chỗ, thừa, lặp, tối nghĩa... cũng sẽ trở thành rác.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bình Thuận: Gần 60 năm tù cho những kẻ gieo rắc “cái chết trắng”

Thứ 4, 29/11/2023 | 07:00
Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Mai Thanh Phong, Nguyễn Tấn Thành cùng 20 năm tù giam; Lưu Hồ Trọng Nghĩa 17 năm tù giam cùng tội Vận chuyển trái phép chất ma túy.

Kỳ lạ giải vô địch nhặt rác thế giới tại Nhật Bản

Thứ 6, 24/11/2023 | 07:00
Ngày 22/11, giải Vô địch thế giới về nhặt rác đã diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) với sự tham dự của 21 đội đến từ khắp nơi trên thế giới.

Hải Phòng: Hơn 6.000 tấn rác chất đống vì dây chuyền xử lý hỏng

Thứ 5, 23/11/2023 | 10:06
Lượng rác thải sinh hoạt nêu trên đang được tập kết tại bãi rác rộng hơn 1ha cạnh sông Thái Bình trên địa bàn xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng.
Cùng tác giả

“Chữa lành” và vé tăng

Thứ 6, 03/05/2024 | 07:00
Chả hiểu sao gần đây cái câu “chữa lành” lại được nhiều người nhắc đến thế, dẫu nhiều người được hỏi là chữa lành cái gì, bèn... bẽn lẽn lắc đầu.

Nhà văn và Nhân vật

Thứ 2, 29/04/2024 | 07:00
Lịch sử văn chương Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ, ấy là một nhân vật văn học đã tồn tại cùng với tác phẩm mà mình là nhân vật chính hàng hơn nửa thế kỷ, một tác phẩm nổi tiếng và nhân vật cũng nổi tiếng.

Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thứ 6, 26/04/2024 | 07:00
Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.

Dr Thanh, nhắc lại và nhớ

Thứ 4, 24/04/2024 | 07:00
Trong chúng ta chắc chả ai là không biết, không nghe, ít nhất một lần, cái tên Dr Thanh.

Sông miền Tây ký ức và hiện tại...

Thứ 2, 22/04/2024 | 07:00
Tôi đang được đi một chuyến dọc sông Tiền trên con tàu du lịch 5 sao nổi tiếng La Marguerite, và nghe và ngẫm và thấy nhiều chuyện hay.
Cùng chuyên mục

Bạn trách mình không có cơ hội?...

Thứ 7, 04/05/2024 | 07:00
Trải nghiệm của tuổi trẻ luôn luôn là điều tốt, khi kết quả (hậu quả) của trải nghiệm đó không quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tương lai về sau. Bởi mọi sự “nếu như” đều trở nên vô nghĩa, khi bạn không còn cơ hội để làm lại từ đầu.

“Chữa lành” và vé tăng

Thứ 6, 03/05/2024 | 07:00
Chả hiểu sao gần đây cái câu “chữa lành” lại được nhiều người nhắc đến thế, dẫu nhiều người được hỏi là chữa lành cái gì, bèn... bẽn lẽn lắc đầu.

Ta có nên định hướng 5 năm?...

Thứ 5, 02/05/2024 | 07:00
Năm năm, là một chặng đường đủ để một người nhìn nhận lại quá trình phát triển đã qua, và định hướng cho một lộ trình sắp tới.

Tản mạn về người miền Tây

Thứ 4, 01/05/2024 | 06:00
Về miền Tây hàng trăm lần, tôi ngộ ra nhiều thứ chỉ có ở miền Tây. Chợ nổi và Nhà bè miền Tây mới có, dù Nhà Bè là địa danh ở Sài Gòn.

Hiểu như thế nào là tự do?

Thứ 3, 30/04/2024 | 07:00
Cứ mỗi chiều chiều, tầm hơn 5 giờ, là tôi cùng chú đi bộ ở Công Viên. Hai chú cháu trò chuyện với nhau đủ chuyện trên đời, nhưng nhiều nhất vẫn là câu chuyện về nhân tình thế thái. Cái lẽ sống ở đời. Sao cho mình được tự do?...