Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) đã trải qua nửa nhiệm kỳ với nhiều dấu ấn trong công tác lập pháp. Trong bối cảnh có những khó khăn không thể dự báo và lường trước, thậm chí chưa có tiền lệ, nhiều quyết sách đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của cuộc sống đã được bấm nút tại phòng họp Diên Hồng.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội thí điểm nhiều cơ chế đặc thù. Trong phiên chất vấn của tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, khi trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn Tp.Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành các cơ chế đặc thù là yêu cầu khách quan khi Việt Nam là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, hội nhập cao, độ mở cao, khả năng chống chịu với các tác động bên ngoài còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Trong khi đó, tình hình thế giới, tình hình thực tiễn của đất nước thay đổi rất nhanh. Quy định tại văn bản pháp luật có cái theo kịp, sát thực tế và có cái thì chưa, mà quy trình xây dựng pháp luật cũng còn tốn nhiều thời gian, công sức”, Thủ tướng lý giải.

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc ban hành các cơ chế đặc thù có đủ cả cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII và Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XIII đều có tinh thần: Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện và có thể luật hóa; những vấn đề chưa rõ, chưa chín, có quy định luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Về cơ sở pháp lý, Luật Ban hành quy phạm pháp luật cho phép việc này tại điểm a, khoản 2 Điều 15. Về cơ sở thực tiễn, vừa qua chúng ta đã ban hành một số Nghị quyết, như Nghị quyết 30 của Quốc hội được ban hành rất kịp thời hay một số Nghị quyết thí điểm cho một số địa phương và đang thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế; sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để điều chỉnh phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất.

Một trong những vấn đề được bàn đến, là dù chính sách dù kịp thời, đúng đắn đến đâu mà thực thi kém hiệu quả, thì cũng làm giảm đi ý nghĩa, đôi khi còn gây tác dụng ngược. Như Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - người được Thủ tướng phân công chỉ đạo công tác xây dựng thể chế khi giải trình trước Quốc hội đã nói rằng - việc đánh giá tác động sau khi chính sách ra đời cũng mất thời gian.

Dù vậy, đây là thời điểm để thấy rằng, cách thức tiếp cận luật pháp của Việt Nam đã có sự đổi mới rõ nét. Nếu như cứ đi theo một phương thức truyền thống thì sẽ tạo nên tình trạng pháp luật khống chế, ràng buộc, trói buộc những người thực thi pháp luật. Khi xuất hiện những vấn đề mới, vấn đề cần tính chất năng động hơn, sáng tạo hơn, không thể ban hành ngay một bộ luật thì cơ chế đặc thù đáp ứng được tính cấp thiết đó.

Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 26/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh rằng, khi ban hành cơ chế đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất, bởi “nếu cơ chế đặc thù rồi mà còn vướng quá nhiều quy định, rồi còn chờ thống nhất với nhau thì còn gì là đặc thù nữa”.

Theo Thủ tướng, không có Nghị quyết, văn bản nào bao phủ hết được thực tiễn đời sống, tại thời điểm xây dựng cũng chưa lường trước hết được. Do vậy, tinh thần chung “đã đặc thù thì vận dụng những gì thông thoáng nhất”, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tham nhũng, tiêu cực về mặt chính sách.

Quay lại câu chuyện ban hành cơ chế đặc thù cho các địa phương, câu hỏi đặt ra là vì sao địa phương này có mà địa phương khác lại không có? Dễ hiểu thì ngay trong các dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế… cơ quan soạn thảo đã nêu rõ chữ “thí điểm”.

Bởi từ những “thí điểm” này mới có thể đánh giá, tổng kết để sau đó, có thể nâng chuẩn của luật pháp. Thậm chí vẫn có thể tiếp tục có những thí điểm để có thể nâng lên chuẩn cao hơn nữa. Đây là một quá trình liên tục. Và sau khi chứng minh được hiệu quả, cơ quan soạn thảo sẽ tổng kết đánh giá và trở thành những quy định có tính phổ quát chung. Ngoài ra, thí điểm cũng phục vụ cho mục tiêu quản trị của quốc gia.

Đó cũng là cách mà Quốc hội luôn giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa để hoàn thiện thể chế, không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến. Tinh thần đó đã thấm, ngấm đến từng đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương nói rằng, thực tế để phát triển, tận dụng để phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương và đặc biệt là với những mũi nhọn như “đầu tàu” thì việc áp dụng cơ chế đặc thù như là một điều kiện quan trọng để giúp địa phương đó phát triển.

Do đó, việc có cơ chế đặc thù giúp cho các địa phương để tháo gỡ những bất cập, nghĩa là phải đánh giá rất rõ xem việc làm được hay không và cái kết quả tới đâu. Hay từng địa phương có phát huy được thế mạnh hay không thì còn do bản thân chính sách đó có được đánh giá một cách kỹ lưỡng hay không.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương

Ông Sơn cho biết, Nghị quyết khi được Chính phủ trình Quốc hội, bàn thảo tại Nghị trường Diên Hồng thì mỗi đại biểu đều có những suy nghĩ của cá nhân và đại diện cho tiếng nói của cử tri gửi gắm tới diễn đàn lập pháp cao nhất quốc gia. “Khi đã bấm nút thông qua Nghị quyết thì đây chính là một chính sách đúng đắn và cần phải thực hiện có hiệu quả thực chất”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng giống như Luật, quá trình triển khai các Nghị quyết này cũng có thể phát sinh những bất cập. Điều cần thiết là phải nắm bắt những bất cập đó để kịp thời tháo gỡ, có những giải pháp phù hợp. Đối với các địa phương khi đã được Quốc hội “trao quyền” thì phải triển khai thực hiện tốt chính sách, cho chính sách đi vào cuộc sống, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

“Đây là một chính sách rất hiệu quả và sẽ giúp cho các địa phương sử dụng hết lợi thế của mình. Đó cũng là cách nhìn để đánh giá những gì “đã chín, đã rõ”, đã đủ điều kiện thì có thể luật hóa, quy định trong luật chuyên ngành”, ông Sơn nói và cho rằng cần đánh giá thật kỹ các kết quả mà chính sách mang lại tại các Kỳ họp Quốc hội tiếp theo.

Để cơ chế đặc thù thực sự là “đặc thù”, ông Sơn một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm cũng như nỗ lực rất nhiều từ các địa phương thụ hưởng chính sách, bởi bản chất của cơ chế đặc thù được xây dựng trong điều kiện chưa sửa được các quy định của pháp luật hiện hành. Trong khi đó, tiềm năng lợi thế của các địa phương dồi dào và các “điểm nghẽn” cần có cơ chế vượt trội.

“Không phải cơ chế đặc thù là áp dụng tất cả các nơi mà đặc thù là phải có tính điển hình, đã điển hình thì phải hội tụ rất nhiều các yếu tố. Do đó, khi xây dựng chính sách phải có quan điểm mục tiêu rõ ràng, có định hướng cụ thể được thể hiện từ Nghị quyết, từ yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu của Quốc hội”, ông Sơn nhấn mạnh.

Song, cũng phải nhìn nhận rằng, tất cả các chính sách hiện nay theo quy định của luật đều có độ trễ nhất định. Có những giai đoạn có thể làm được ngay nhưng cũng có những chính sách phải có quá trình chuẩn bị thì mới có thể thực hiện.

Do đó, trong một chính sách có nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều mục tiêu khác nhau và sau khi được Quốc hội thông qua thì Chính phủ, các địa phương cũng phải có kế hoạch tổ chức triển khai một cách cụ thể để triển khai các chính sách cho phù hợp, để làm sao cho xứng đáng với những kỳ vọng của Quốc hội cũng như cử tri cả nước.

Song, yếu tố then chốt để cơ chế đặc thù được triển khai một cách hiệu quả nhất, mang lại kết quả cao nhất thì công tác cán bộ, người đứng đầu của một số cơ quan không được sợ trách nhiệm, không được sợ sai hay né tránh. Bởi điều đó còn tồn tại thì sẽ cản trở việc đưa chính sách vào cuộc sống.

Cơ chế đặc thù bao giờ cũng có thời hạn nhất định, do đó cần hết sức tận dụng các cơ chế này, tạo sự đồng thuận của người dân để có thể sớm luật hóa các chính sách đó.

Một minh chứng rõ nhất cho thấy, những gì đã chín, đã rõ, thấy tốt thì sẽ được đưa vào luật, là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa ra bàn thảo.

Có thể thấy, Luật Thủ đô (sửa đổi) là “đại cơ chế đặc thù” được đúc kết từ nhiều Nghị quyết đã ban hành trước đó, đây là điều rất cần thiết mà theo nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Thủ đô phải tiên phong hình thành những cơ chế chính sách, hành lang pháp lý thật đầy đủ toàn diện nhưng phải khách quan. Song song đó, những cơ chế chính sách dành cho Thủ đô sẽ là điểm tựa, mũi tiên phong cho những địa phương khác, cho vùng khác, tạo động lực thúc đẩy cho liên kết vùng.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 9/2023 – một hoạt động chưa có tiền lệ, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn tính riêng tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã xem xét, thông Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Cũng tại Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định.

Ngoài ra, cần chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành luật, nghị quyết.

Do đó, nếu gắn với việc ban hành cơ chế đặc thù cho các địa phương thì việc giám sát là rất quan trọng, đặt lên hàng đầu. Nói về tính giám sát của Quốc hội trong ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế nói rằng, nội dung giám sát đối với Nghị quyết chuyên đề cần phải được triển khai sâu hơn, giám sát có trọng tâm trọng điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế

Bà Sửu nhấn mạnh, Quốc hội đã thể hiện rất tích cực, rất tốt về vai trò giám sát của mình. Vì vậy, với các Nghị quyết đặc thù được ban hành thì Quốc hội, cùng các đại biểu Quốc hội trực tiếp tại các địa phương phải luôn theo dõi sát sao tình hình, luôn sát cánh, đồng hành trong việc triển khai, giám sát chính sách.

Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Do đó, khi chúng ta có những quyết sách đúng đắn, kịp thời thì khâu tổ chức thực hiện phải tập trung hơn, quyết liệt hơn và phải phát huy hơn nữa sức mạnh của cử tri và nhân dân trong giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các quyết sách này.

Những chính sách ban hành sẽ có những “nốt thăng”, “nốt trầm”, song việc xích các chính sách lại gần nhau hơn, đưa các quyết sách từ Nghị trường Quốc hội ra cuộc sống thì cần rất nhiều nỗ lực, sự vào cuộc, chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị. Bởi chủ trương nhất quán của Đảng ta là nâng đỡ những địa phương có thể trở thành động lực, trở thành đầu tàu bằng các cơ chế, chính sách đột phá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV diễn ra sáng ngày 20/7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng, phải bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào Nghị trường. Từ đó đến nay, với tinh thần ấy, như đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia, công tác lập pháp có tính hệ thống, bài bản, thể hiện sự chủ động và tinh thần kiến tạo.

Tin tưởng rằng với những gì Quốc hội đã và đang làm, những “nút thắt” về thể chế, chính sách sẽ ngày càng thông thoáng hơn, đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Từ những quyết sách đúng đắn ấy, cử tri, đại biểu Quốc hội cũng có quyền giám sát, hướng tới một mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 04/12/2023 | 07:00