Năm 2017, Quốc hội từng ban hành Nghị quyết 54/2017 nhằm thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển cho Tp.Hồ Chí Minh. Các nội dung của Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào cơ chế chính sách tạo nguồn thu cho ngân sách. Khi Nghị quyết 54 kết thúc “sứ mệnh” thì việc ban hành một Nghị quyết mới thay thế trở thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh rằng Tp.Hồ Chí Minh đang mặc một “chiếc áo” quá chật, cần nới ra để thành phố phát triển. Do đó, địa phương này cần những cơ chế chính sách đặc thù và vượt trội để tương xứng với vị thế của mình.

Ngày 24/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bấm nút chính thức thông qua Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, thay thế Nghị quyết 54/2017 với một kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích và đi vào cuộc sống nhanh nhất, đạt kết quả cao nhất.

Nghị quyết 98 sẽ giúp Tp.Hồ Chí Minh giải quyết được rất nhiều khó khăn, tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, phát triển khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy. Đặc biệt, Nghị quyết sẽ là lời giải cho các vấn đề mà Tp.Thủ Đức - thành phố trực thuộc Tp.Hồ Chí Minh gặp phải từ khi thành lập tới nay, tạo cơ chế hoạt động giúp Tp.Thủ Đức phát triển và trở thành cực tăng trưởng mới.

Made with Flourish

Với việc thực hiện thành công Nghị quyết 98, các tiềm năng, thế mạnh của thành phố sẽ được phát huy, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp cho sự tăng trưởng chung của cả nước. Các cơ chế, chính sách vượt trội được thí điểm thành công ở Tp.Hồ Chí Minh là cơ sở để nhân rộng cả nước. Bài học về xây dựng, thực thi thể chế, nhất là thể chế vượt trội cũng là kinh nghiệm có ý nghĩa không chỉ đối với Tp.Hồ Chí Minh mà cả ở tầm Trung ương.

Kết quả là sau 4 tháng triển khai Nghị quyết này, cơ chế đặc thù đã phát huy tác dụng. Trong số hàng chục phần việc thành phố đã và đang triển khai bước đầu đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi là về huy động, sử dụng nguồn lực, tự chủ tài chính, bước đầu giúp thành phố chủ động, tự chủ, tự tin hơn trong điều hành và thực thi các nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, theo Quyết định 896 về phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 2/11 nhiệm vụ đã được các bộ, ngành Trung ương hoàn thành. Tp.Hồ Chí Minh có 7/22 nhiệm vụ hoàn thành, 4 nội dung cơ bản hoàn thành, các nhiệm vụ khác thành phố sẽ tập trung hoàn thành trước 31/12/2023.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh

Trong đó, HĐND thành phố đã tổ chức 3 kỳ họp, ban hành 14 Nghị quyết thuộc thẩm quyền; còn 12 nội dung theo thẩm quyền sẽ được thông qua tại kỳ họp HĐND cuối năm. UBND thành phố cũng đã chủ trì 9 nhiệm vụ và tham mưu trình HĐND thành phố 13 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND. Đến nay, thành phố đã ban hành 1 quyết định và tham mưu HĐND ban hành 6 Nghị quyết nhằm triển khai các chính sách được giao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Nghị quyết số 98 được ban hành với tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản, cho phép Tp.Hồ Chí Minh được áp dụng thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho Thành phố có bước phát triển đột phá, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu, dẫn dắt và đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế của vùng kinh tế động lực và cả nước.

Made with Flourish

Ghi nhận những kết quả tích cực mà Nghị quyết 98 mang lại, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Tô Thị Bích Châu - Bí thư Quận ủy Quận 1, đại biểu Quốc hội đoàn Tp.Hồ Chí Minh nói rằng, đối với Nghị quyết 98 những quy định và hệ thống văn bản triển khai từ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội cho tới công tác triển khai của Chính phủ đã gần như đầy đủ.

Bà Tô Thị Bích Châu - Bí thư Quận ủy Quận 1

Tuy nhiên, bà Bích Châu cũng cho rằng để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98 thời gian tới cần sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các cấp, các ngành, tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Đảm bảo cho cán bộ kể cả các bộ, ngành mạnh dạn để thực hiện, sử dụng hữu hiệu công cụ Nghị quyết 98.

Dưới tác động trực tiếp của Nghị quyết 98, khối doanh nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh đã được thụ hưởng những chính sách có lợi, mà một trong những cơ chế được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất là việc thành phố khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty TNHH San Hà (SanhaFood) cho biết, gói kích cầu trước đây mang lại cho doanh nghiệp nhiều thuận lợi, giúp SanhaFood có được nguồn vốn tốt để triển khai việc kinh doanh, nhờ đó đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua.

Không chỉ vui mừng khi gói kích cầu được tái khởi động trở lại, bà Hà còn chia sẻ về sự tin tưởng, bầu không khí tươi mới, tạo động lực phát triển kinh tế doanh nghiệp.

Không chỉ vui mừng khi gói kích cầu được tái khởi động trở lại, bà Hà còn chia sẻ về sự tin tưởng, bầu không khí tươi mới, tạo động lực phát triển kinh tế doanh nghiệp.

Hơn 20 năm tham gia sản xuất và cung ứng phụ tùng thay thế, ông Nguyễn Ngô Long – đại diện Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long, Tp.Thủ Đức cho hay đã có nhiều lần được vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư của Tp.HCM. Nhờ đó, công ty có điều kiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực, thiết bị, công nghệ.

Các quyết sách của Quốc hội ban hành luôn được đặt trong những bối cảnh đặc biệt, nhất là khi cả nước đang chuyển từ trạng thái thích ứng sang phục hồi và phát triển một cách ổn định.

Trước Tp.Hồ Chí Minh, các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và Tp.Hải Phòng được thông qua ở Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Chính phủ có những chính sách tạo động lực phát triển cho các tỉnh có tính liên kết vùng cao, có tốc độ phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV hồi tháng 9/2023, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội đều khẳng định các Nghị quyết thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội và cả nước.

Ông Mai Văn Hải - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Ông Mai Văn Hải - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá khẳng định các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ dành cho các địa phương để khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của một số tỉnh/thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị khẳng định Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa là một bước cụ thể hóa quan trọng trong triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Khánh Hòa phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Nghị quyết 55 đáp ứng được lòng mong mỏi, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Trong phần chia sẻ của mình, ông Hà Quốc Trị cho rằng các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết sẽ là đòn bẩy, điểm tựa vững chắc để tỉnh Khánh Hòa biến các tiềm năng, lợi thế trở thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Quang Tuấn cũng nêu rõ, toàn tỉnh nhận thức Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo cơ chế huy động tối đa nguồn lực đối với tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Đảng bộ, chính quyền Thừa Thiên - Huế đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và toàn thể hệ thống chính trị. Để cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 38 gắn với thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

“Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 38 của Quốc hội, Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả bước đầu”, ông Tuấn khẳng định.

Có thể thấy, khi được Quốc hội trao quyền, các địa phương đều chủ động ban hành chương trình, kế hoạch hành động nhằm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai Nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.

Qua thời gian triển khai thực hiện các Nghị quyết, đại diện lãnh đạo các địa phương đều khẳng định nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống như: Chính sách về định mức phân bổ thường xuyên, chính sách về ủy quyền chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chính sách về phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị….

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần khẳng định về việc Quốc hội Việt Nam luôn đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Các Nghị quyết được ban hành đã giúp chính quyền các địa phương được áp dụng những biện pháp đặc thù, đặc biệt chưa từng có tiền lệ, không chỉ góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ, mà còn tạo những tiền lệ tốt trong cả lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Tp.Hải Phòng được thông qua ở Kỳ họp thứ hai đã cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Chính phủ có những chính sách tạo động lực phát triển cho các tỉnh có tính liên kết vùng cao, có tốc độ phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Nhìn về các cơ chế đặc thù mà Quốc hội dành cho các địa phương, dù trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã được “cởi trói”, kiến tạo chính sách, giúp họ phần nào có động lực an tâm phát triển kinh tế.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình khẳng định việc ban hành cơ chế đặc thù là một chủ trương đúng đắn của Quốc hội.

Theo ông Hải, mỗi tỉnh, thành phố trên khắp đất nước Việt Nam đều mang trong mình một đặc điểm kinh tế, xã hội riêng với một tiềm năng về kinh tế khác biệt. Việc xây dựng cơ chế đặc thù được kỳ vọng giúp đưa ra nhiều chính sách giúp thúc đẩy cho toàn tỉnh, thành phố được tiếp thêm động lực để phát triển.

“Cơ chế này sẽ xây dựng lên nền tảng cho địa phương phát triển trong giai đoạn tiếp theo với cơ chế riêng, phù hợp với sự phát triển của các tỉnh thành vốn đã là nền kinh tế mũi nhọn của cả nước. Việc hoàn thiện thể chế sẽ tạo không gian cho địa phương có điều kiện để phát triển theo một cách rất mới”, ông Hải nói.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hải cho rằng cơ chế đặc thù sẽ trở thành “bệ đỡ” từ chính sách thúc đẩy cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới, khi tạo ra nhiều ưu đãi cho địa phương cũng như doanh nghiệp - một pháp nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong địa phương đó.

Ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA)

Việc thiết kế các cơ chế chính sách để vừa tháo gỡ các chính sách hiện hữu, vừa tạo ra những cơ hội mới sẽ tạo thêm “đất” cho doanh nghiệp lớn mạnh.

Tuy nhiên, để cơ chế đặc thù thực sự tác động tới doanh nghiệp, ông Hải kiến nghị việc tuyên truyền, phổ biến về chính sách cần mạnh mẽ hơn nữa để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với chủ trương của Quốc hội. Tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp biết mập mờ, hiểu không rõ về chủ trương, từ đó không vận dụng được vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ huy động nguồn lực trong nước, ông Hải cho biết nên xây dựng một chiến lược hành động thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, đầu ngành đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng đẩy mạnh việc tạo tiếng vang, xây dựng thương hiệu quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Và để thực hiện được những điều trên, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ để phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Song, ông Hải phân tích cần hết sức cẩn trọng để tránh tình trạng xảy ra xung đột giữa các địa phương, dù cơ chế đặc thù chỉ áp dụng cho một số địa phương nhất định nhưng vẫn cần đảm bảo yếu tố hài hoà, công bằng giúp các địa phương cùng phát triển. Cùng với đó, chính sách đặc thù là một chủ trương phát triển lớn nhưng khi áp vào từng địa phương cũng cần lên phương án cụ thể, riêng biệt phù hợp với đặc thù riêng của địa phương đó, tránh tình trạng “cào bằng”, rập khuôn.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Shinec

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ở huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, cho biết, trước đây, doanh nghiệp ở Hải Phòng muốn chuyển đổi đất từ cấy lúa sang làm dự án rất phức tạp, thời gian kéo dài. Thực tế, từ khi đề xuất đến khi được Trung ương thông qua, phải khoảng 1,5 năm trở lên.

Từ khi Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hải Phòng, trong đó có quy định tại Khoản 1, Điều 4: “Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”, doanh nghiệp tại Hải Phòng “dễ thở” hơn rất nhiều trong việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đối với Công ty Cổ phần Shinec, từ khi làm thủ tục đến khi được Hội đồng nhân dân Tp.Hải Phòng thông qua Nghị quyết số 25/NQ-HĐNQ ngày 18/7/2023 chấp thuận chuyển đổi 62,76 ha đất cấy lúa 2 vụ tại các xã: Hoàng Động, Kiền Bái, Lâm Động (cùng huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng) sang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chỉ mất vỏn vẹn 6 tháng.

“Không chỉ rút ngắn thời gian gần 1 năm, quy định mới giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, nhân lực, nhất là củng cố thêm sự tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, yên tâm đầu tư cũng như sản xuất, kinh doanh”, ông Phạm Hồng Điệp khẳng định.

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 03/12/2023 | 20:59