Trong đại án “chuyến bay giải cứu", có đến 21 đối tượng phạm tội nhận hối lộ từng là cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao, được giao phó các nhiệm vụ trong bộ máy quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, còn có 5 cán bộ phạm các tội môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này phần nào đã phản ánh được sự biến chất, thoái hóa của một bộ phận cán bộ xuất phát lòng tham, vụ lợi cá nhân.

Thời gian qua, công tác cán bộ của Đảng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua những vụ việc gần đây, càng cho thấy, mặt trái của phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tồn tại, len lỏi dù Đảng ta đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trao đổi với Người Đưa Tin liên quan đến đại án chuyến bay giải cứu, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an - cho rằng, tính nghiêm trọng của vụ án này thể hiện ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, số lượng người phạm pháp được đưa ra xét xử rất lớn. Thứ hai, số người có trách nhiệm trong công vụ, ở những vị trí quan trọng, có trong tay quyền lực ở nhiều cơ quan Nhà nước. Tính chất thứ ba và cũng quan trọng nhất là tính nhân đạo. Vụ việc được diễn ra trong bối cảnh hàng vạn, chục nghìn người Việt Nam ở nước ngoài tìm cách thoát khỏi “cửa tử” những ổ dịch Covid-19 để trở về với quê hương.

“Như trong vụ án của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, dù cũng là vụ án tham ô nhưng là tài sản của Nhà nước, không liên quan đến sinh mệnh của bất kỳ ai, không ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Còn với vụ “chuyến bay giải cứu”, trong lúc nguy cấp nhất, người da vàng máu đỏ, dân tộc mình muốn thoát khỏi nguy hiểm mà một số cán bộ có quyền lực lại lợi dụng điều đó để trục lợi tiền của người dân. Nên có thể thấy đây là một vụ việc rất dã man, phi nhân đạo của các đối tượng”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: “Những người đưa hối lộ và nhận hối lộ trong vụ án này rất phi đạo đức vì chuyến bay giải cứu được diễn ra trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng", là khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 và công dân Việt Nam muốn về nước. Tuy nhiên, muốn về nước, công dân phải chi tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Điều này thể hiện sự đặc biệt nghiêm trọng của vấn đề.”

Do đó, ông Hòa đánh giá, những phán quyết của tòa đưa ra đối với các bị cáo là hoàn toàn hợp lý. Đây là bức tranh soi chiếu để những người ở lại biết đâu là điều sai trái, để “không dám, không tham, không làm" những điều phi pháp.

Người dân Việt Nam còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, thu nhập còn thấp, nhưng đối với các bị cáo trong đại án chuyến bay giải cứu, mức độ tham nhũng cực kỳ lớn, toàn những con số hàng tỷ đồng. “Không thể chấp nhận những đối tượng có hành vi, vi phạm, muốn làm giàu, kiếm tiền trên xương máu của đồng bào".

Còn theo đánh giá của TS. Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tư tưởng giải cứu người Việt Nam, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là chủ trương tốt, thể hiện tinh thần nhân văn, đạo nghĩa của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta. Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện để xảy ra những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như vậy là điều xã hội không thể chấp nhận và rất cần phải lên án.

“Trong khi dịch bệnh rất khó khăn, kiều bào ở nước ngoài gặp nhiều trở ngại và mong muốn trở về quê hương thì nhiều đối tượng lại lợi dụng các chuyến bay giải cứu để thu lợi bất chính. Dẫn đến trường hợp những người dân được trở về quê hương phải trả nhiều tiền hơn.

Ngoài ra, trong vụ việc này còn sự tham gia, vi phạm của nhiều cán bộ, đảng viên ở các cơ quan Nhà nước, đây là điều không thể chấp nhận, không thể đồng tình. Vụ án đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và làm sai lệch một chủ trương nhân văn, đạo nghĩa. Việc đưa vụ án ra ánh sáng và xử nghiêm những người vi phạm là điều hết sức cần thiết”, TS. Trần Công Phàn nói.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng trong vụ việc này, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Trần Công Phàn cho rằng, “có nhiều khía cạnh song chủ yếu là yếu tố con người, trong đó đặc biệt là sự hư hỏng, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, Đảng viên”.

“Có thể còn một số quy định, cơ chế và cách thức thực hiện trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu chưa đồng bộ, cùng với khó khăn trong điều kiện về chống dịch nhưng rõ ràng để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như vậy nguyên nhân chủ yếu là do lòng tham của con người đã lớn hơn cả mục đích nhân đạo.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhẽ ra những cán bộ, Đảng viên này phải là người gương mẫu, tiên phong dấn thân phụng sự việc chung, vì lợi ích của đất nước và người dân thì họ lại lợi dụng kẽ hở của cơ chế, sự khó khăn, thiếu thốn và nhu cầu chính đáng của người dân để thực hiện những hành vi sai trái. Vụ án càng cho thấy sự suy thoái, lệch lạc nghiêm trọng trong đạo đức và ý thức công vụ trong một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, là điều là không thể chấp nhận”, ông Phàn nhấn mạnh.

Theo đó, TS. Trần Công Phàn cho rằng hơn lúc nào hết cần phải chú trọng vào công tác cán bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc trau dồi bản lĩnh, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, làm sao trước lúc khó khăn họ phải đồng cảm với nhân dân, không phải tranh thủ những khó khăn, kẽ hở của chính sách để vụ lợi cho riêng mình.

“Điều cốt lõi để ngăn chặn những vụ việc tương tự là vấn đề phẩm chất và đạo đức của cán bộ. Dù có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng lý do chính vẫn đến từ bản thân cán bộ. Cho nên vẫn cần ưu tiên rèn luyện phẩm chất chính trị cho cán bộ công chức. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh chính trị để cán bộ là người trong lúc đất nước, nhân dân gặp khó khăn phải biết đồng cảm, chia sẻ, phấn đấu, thậm chí xả thân gương mẫu.

Trong thực thi công việc, nếu thấy những sơ hở, chưa chặt chẽ của pháp luật, chính sách, cán bộ phải là người phát hiện và đề xuất sửa đổi để hoàn thiện chính sách, pháp luật chứ không phải lợi dụng để thực hiện các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Phải để cán bộ thực sự nhận thức mình là công bộc của dân theo như lời Bác Hồ dạy”, TS. Trần Công Phàn nói.

Đồng thời, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho rằng cần tăng cường kiểm soát, giám sát quyền lực của những cán bộ có chức vụ, quyền hạn – những người được giao quyền lực trong thi hành công vụ.

“Chúng ta đang xây dựng đề án cán bộ có vị trí việc làm, cán bộ được giao việc phải làm đúng nhiệm vụ với đầy đủ trách nhiệm của mình. Khi đã giao việc, giao quyền thì phải có sự giám sát, kiểm soát. Cấp trên phải giám sát cấp dưới, tập thể phải giám sát sát cá nhân, ngay cả lãnh đạo cũng chịu sự theo dõi của cả tập thể với việc làm của họ. Nếu đã giao quyền mà không có sự giám sát chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn đến việc cán bộ lạm quyền, vụ lợi cho mình hoặc vì những mục đích không trong sáng. Việc giao quyền, phân công nhiệm vụ cụ thể là rất cần thiết nhưng phải kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ”.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, từ vụ án này chúng ta có thể rút ra một bài học kinh nghiệm quý báu về công tác bồi dưỡng, lựa chọn và đánh giá cán bộ. Theo đó, trong một thời gian dài trong một số lĩnh vực, đã có sự buông lỏng trong công tác quản lý cán bộ, chưa xem xét toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ bên cạnh năng lực xử lý công việc của cán bộ, Đảng viên.

Nhiều cán bộ, dù từng được bố trí chức vụ và quyền lực nhưng phẩm chất, đạo đức suy đồi dẫn đến những hành vi tham nhũng. Do đó, theo ông Hòa, việc để xảy ra sai phạm chủ yếu là do chính bản thân của các bị cáo, hoàn toàn không liên quan đến công tác cán bộ. “Để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ liêm khiết, có đạo đức, phẩm chất là điều rất khó. Cho nên, trong xử lý đối với các đối tượng này cần phải nghiêm khắc để làm gương cho những người còn lại không muốn, không dám, không làm”, ông Hòa nói.

Dưới góc nhìn của Thiếu tướng Lê Văn Cương, đại án “chuyến bay giải cứu" thể hiện 2 vấn đề liên quan đến công tác xây dựng cán bộ. Thứ nhất, hoạt động kiểm soát cán bộ còn sơ hở.

“Các Bộ đều có thanh tra, vậy Thanh tra Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác ở đâu trong quá trình diễn ra sai phạm? Quyền lực mà không được giám sát thì chắc chắn dẫn đến tha hóa, không chỉ tại Việt Nam, mà trên cả thế giới”, ông Cương đặt vấn đề.

Thứ hai, việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ cũng cần phải tính toán, xem xét lại. Trong một số trường hợp, ngay khi làm công tác bổ nhiệm cán bộ, đã có những ý kiến phản ánh nhưng vẫn bị bỏ qua. Do đó, ngay trong việc bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ cũng cần xem xét thật chặt chẽ.

Có thể thấy, bên cạnh nguyên nhân chủ quan đế từ bản thân cán bộ tự hư hỏng thì sự lỏng lẻo trong cơ chế, chính sách chính là yếu tố để các đối tượng trên tư lợi.

Nhìn lại hành trình chống tham nhũng của Đảng ta, Thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ, Đảng ta đã bắt đầu công cuộc chống tham nhũng từ năm 1945 đến nay, và đã có nhiều kết quả. Đặc biệt kể từ năm 2016, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp đảm nhận cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công cuộc này đã có kết quả mang tính bước ngoặt, góp phần quan trọng củng cố niềm tin với nhân dân, tạo ra sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng.

“Ai đó nói rằng đấu tranh chống tham nhũng như hiện nay thì hết cán bộ, không còn ai làm việc, điều này là hoàn toàn ngụy biện. Phải tống cái “rác rưởi" ra khỏi Đảng thì Đảng càng trong sạch cũng như càng chống tham nhũng thì Đảng càng mạnh”, chuyên gia Lê Văn Cương nói.

Từ đó, ông Cương nhấn mạnh, vụ án chuyến bay giải cứu hay những vụ án chống tham nhũng trước đây đã phản ánh đúng quyết tâm chính trị xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Đúng như tình thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Bên cạnh đó, qua vụ án “chuyến bay giải cứu” và nhiều vụ việc gần đây, cũng đã “phát lộ” những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật, nhất là trong những tình huống cấp bách, khẩn cấp. Đây là cơ sở để các đối tượng lợi dụng trục lợi, vi phạm pháp luật, tham nhũng chính sách.

Do đó, TS. Trần Công Phàn cho rằng cần rất chú ý trong khâu xây dựng chính sách, ban hành các quy định pháp luật, nhất là việc đánh giá được tác động của chính sách. “Phải bàn bạc thật kỹ, nhất là những chính sách mới hoặc những nội dung thay đổi chính sách cũ. Trong những hoàn cảnh cấp bách, việc ban hành chính sách nhanh chóng để phản ứng kịp thời là đương nhiên nhưng không phải vì thế mà loại bỏ sự cẩn trọng. Ý tưởng chủ trương tốt, nhưng thể hiện ở khâu xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách cũng cần phải được bàn thảo rất kỹ”, TS. Phàn cho biết.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, việc đưa ra ánh sáng các đại án về tham nhũng như thời gian qua là tín hiệu đáng mừng, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của người dân và làm trong sạch bộ máy. Tuy nhiên, bên cạnh việc “chống” tham nhũng như cách đã làm, điều quan trọng là phải “phòng” để cán bộ “không dám, không thể, không muốn” tham nhũng như tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Những điều chúng ta đã thực hiện là rất tốt nhưng có lẽ mới chỉ thành công ở mặt nào đó thôi, tôi cho rằng quan trọng phải làm thế nào để không có tham nhũng, phải ngăn chặn ngay từ khi còn “trứng nước”, chứ để tham nhũng rồi mới xử lý thì cũng chỉ là một phần của vấn đề. Do đó phải chú trọng khâu phòng ngừa từ chính sách, pháp luật, cơ chế để không thể lợi dụng, không dám lợi dụng.

Để làm được điều này, chính sách phải rõ, pháp luật phải chuẩn, không có kẽ hở. Về mặt chủ quan, cán bộ phải có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, biết hy sinh vì cái chung. Chống tham nhũng bây giờ là cuộc chiến, đối đầu với những người thường có tài chính, điều kiện, điều này đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Đảng, Nhà nước mà còn rất cần bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và quyết tâm rất lớn ở mỗi người cán bộ” TS. Trần Công Phàn nói.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 01/08/2023 | 09:49