Kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu - từ tháng 2/2013 đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cuộc chiến “chống giặc nội xâm” có những bước tiến mạnh, đột phá, thể hiện qua những con số tổ chức đảng, đảng viên mắc sai phạm bị xử lý, số vụ án, bị can bị khởi tố do tham nhũng hay số tiền bất minh thu hồi được năm sau đều cao hơn năm trước.

Theo đó, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can.

Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Đơn cử như vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Đưa hối lộ, Nhận hối lộ tại Cục Đăng kiểm - Bộ Giao thông vận tải và các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, chi cục đăng kiểm tại nhiều tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan…

Kết quả trên cho thấy, phòng chống tham nhũng, tiêu cực - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói, đó là “không bao giờ chùng xuống”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, xử lý một người để cứu muôn người”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”. Nhận định ấy có nghĩa là, nơi nào có quyền lực Nhà nước thì nơi ấy có nguy cơ xảy ra tham nhũng.

Điều đáng nói, những trường hợp quan chức sa ngã trên những con đường khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung - họ từng là những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước nhưng khi được giao những chức quyền cao cấp, họ đã trượt xuống vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, đánh mất những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, cũng như đánh đổi cả thanh xuân để tôi luyện.

Và câu hỏi đặt ra là: Vì sao Đảng ta đã có quy định về những điều đảng viên không được làm, đã ban hành các quy chế, quy định yêu cầu các cấp ủy và cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức đảng phải gương mẫu thực hiện để chống lạm dụng quyền lực. Pháp luật cũng có những quy định chặt chẽ để phòng, chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, chống tham nhũng tiêu cực nhưng vẫn có nhiều cán bộ đảng viên, công chức, nhất là cán bộ cấp cao vi phạm như vậy. Thậm chí, những vụ án càng về sau càng có tính chất nghiêm trọng hơn?

Khi Người Đưa Tin đặt ra câu hỏi này, TS. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - trả lời rằng: “Nếu chúng ta vẫn còn phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin - cho, quan hệ thân hữu không dựa trên cơ chế thị trường và cạnh tranh công bằng thì nơi đó chắc chắn hình thành “nhóm lợi ích”, “nhóm trục lợi”.

Nhắc đến vụ án “chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo được đưa ra xét xử, trong đó có 21 cán bộ cơ quan Nhà nước đã nhận hối lộ cực kỳ tinh vi với số tiền đặc biệt lớn, Viện Kiểm sát đã nhấn mạnh hành vi nhận hối lộ của các cán bộ này là “phản bội sự cố gắng của chính đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình”. TS. Võ Đại Lược gọi vụ án là “nỗi đau” của đất nước. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh nguyên nhân do còn tồn tại cơ chế “xin – cho” nên mỗi cán bộ trong vụ án chuyến bay giải cứu ai cũng rất dễ tham nhũng.

“Cái gốc của tham nhũng hiện nay bắt nguồn từ cơ chế xin - cho. Nếu cơ chế này vẫn còn thì chống tham nhũng vẫn sẽ còn vô vàn khó khăn”, TS. Võ Đại Lược nói và nhìn nhận, chúng ta đang đi xử lý những hệ quả của cán bộ đã tham nhũng gây ra, xử lý rất mạnh, rất gay gắt nhưng lại chưa có cơ chế để quản lý quyền lực một cách hiệu quả, một cơ chế để cho cán bộ công chức “không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng”.

Mặt trái của cơ chế xin – cho là vấn đề đã được mổ xẻ hàng chục năm nay và nếu so với thời kỳ bao cấp thì chúng ta đã tiến bước rất dài trong việc xóa bỏ dần cơ chế này.

Vậy làm cách nào để loại bỏ triệt để cơ chế xin - cho? TS. Võ Đại Lược gợi ý việc áp dụng cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực. Ở Việt Nam, nền kinh tế đang trong quá trình phát triển, nhiều lĩnh vực chưa hoàn thiện trong khi đó cơ chế thị trường chưa quyết định phân bổ nguồn lực nên tiêu cực vẫn liên tục diễn ra. Mà tiêu cực càng về sau càng gây hậu quả nghiêm trọng. Những vụ án tham nhũng vừa làm mất cán bộ, nhưng tiêu cực hơn là làm mất đi niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, cơ chế để giám sát quyền lực vẫn chưa đủ nên cán bộ công chức càng có cớ để sai phạm, tham nhũng. Hầu hết những sai phạm của cán bộ lãnh đạo trong những năm qua đều có sự độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc.

“Chính vì lẽ đó, khi nào cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực ngày càng nhiều hơn và kiểm soát quyền lực tốt hơn, giám sát tốt hơn thì những tệ nạn, tiêu cực sẽ giảm. Chúng ta phải phát huy tối đa vai trò giám sát của nhân dân và các cơ quan báo chí”, TS. Võ Đại Lược nhìn nhận.

Từng tiếp xúc với cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, TS. Võ Đại Lược chia sẻ Singapore là quốc gia có Nhà nước được coi trong sạch nhất thế giới. Ông Lược cho biết, Singapore là đất nước quản lý quyền lực, giám sát công chức rất chặt chẽ. Đáng nói, mức lương của Bộ trưởng hay quan chức cấp cao của đất nước này được trả cao gấp nhiều lần so với mức lương của Tổng thống Mỹ.

“Dưới thời ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng, người Singapore sẽ đảm nhận vị trí Bộ trưởng của hai bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh. Còn Bộ trưởng các bộ khác, ông Lý Quang Diệu sẽ thuê người nước ngoài làm và được quản lý chặt chẽ”, ông Lược thông tin.

Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, ông Lược cho rằng do giám sát quyền lực vẫn còn nhũng lỗ hổng nên quan chức, công chức thường lợi dụng để sai phạm. Hơn nữa, lương cán bộ công chức hiện rất thấp nên dễ khiến nhóm cán bộ này lợi dụng quyền hạn để trục lợi. Bởi làm cán bộ, công chức mà các khoản thu nhập chính đáng không đủ trang trải cuộc sống ở mức trung bình trở lên thì rất khó để giữ mình trong sạch, không tham nhũng tiêu cực.

Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu rõ: Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; do đó phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Thời gian qua, chủ trương này triển khai còn chậm do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng nhìn vào nguồn lực của đất nước đang bị thất thoát do tham nhũng tiêu cực, nên nếu quản lý tốt, chặn được “vòi” tham nhũng thì sẽ có thêm nguồn lực để cải thiện đời sống cho cán bộ.

TS. Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - cho hay, để xảy ra những đại án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là những vụ án xảy ra trong bối cảnh chưa từng có là đại dịch Covid-19 vừa qua thì nguyên nhân lớn vẫn là việc buông lỏng quản lý trong công tác kiểm soát quyền lực. Những lỗ hổng trong cơ chế kiểm soát quyền lực, cùng với hệ thống pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, nhiều kẽ hở là nguyên nhân cơ bản khiến một số cán bộ thiếu bản lĩnh đã vi phạm pháp luật, kỷ luật.

Theo ông Tiến, kiểm soát quyền lực phải gắn liền với công tác quản lý cán bộ và thực thi quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nếu quản lý cán bộ tốt, kiểm soát quyền lực tốt, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sẽ được thực thi có hiệu quả, chất lượng hơn.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, việc giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu đi cơ chế kiểm soát sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, nhiều cán bộ trượt dài theo sai phạm, bàn tay sẽ theo đó “nhúng chàm”.

Do đó, cần phải hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát để ràng buộc bằng trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký (11/7/2023), thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Trong đó, các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ được chỉ rõ, như: dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ…

Đồng thời, cũng chỉ rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, như: Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi… Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân…

TS. Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đánh giá, Quy định 114 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền lần này là rất bức thiết, rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Đồng thời cũng góp phần ngăn chặn để những kẻ chạy chức, chạy quyền không thể “chui” vào hàng ngũ để có thể “leo cao, luồn sâu”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực (2012-2022) rằng: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy.

Theo ông Phúc, để kiểm soát quyền lực trong chiếc “lồng” cơ chế, phải dùng kỷ luật của Đảng cùng hệ thống chính sách pháp luật, vai trò giám sát của nhân dân, báo chí, để cho cán bộ không lạm dụng quyền lực, không cậy quyền, không vượt ra khỏi quy định cho phép, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu.

“Quy định 114 giống như một chiếc lồng cơ chế đang được định hình rõ hơn trong việc kiểm soát quyền lực của cán bộ có chức có quyền”, TS. Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, quy định dù đã rất rõ ràng nhưng thực tiễn việc áp dụng không phải là chuyện dễ. Song, khi quy định đã rõ, quá trình xử lý vi phạm cũng trở nên thuận lợi, minh bạch hơn rất nhiều. Đồng thời, khi đã có quy định thì cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ. Đối với người làm công tác cán bộ, mỗi người tự ý thức vai trò, trách nhiệm và cả sứ mệnh của mình đối với Đảng, Nhà nước, tự rèn luyện phẩm chất, tư cách đạo đức.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 02/08/2023 | 11:49