Gần 4 thập kỷ về trước, Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới, đã có thế hệ doanh nhân dũng cảm đi trước mở đường, trải qua nhiều vất vả, đóng góp to lớn vào sự đổi thay đất nước.

Ngày nay, khi Việt Nam đang hướng đến khát vọng một đất nước hùng cường, cũng là lúc có một thế hệ doanh nhân mới đang dần xuất hiện. Một thế hệ doanh nhân trẻ trung, năng động, giàu khát vọng và tinh thần phụng sự để viết nên những kỳ tích mới. Với họ, “cái bóng” lớn nhất cần vượt qua là chính mình, là để từng ngày tốt hơn, dấn thân và cống hiến.

Với họ, để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước, con đường cần theo đuổi không gì ngoài sự tử tế, kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình.

Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với doanh nhân trẻ, TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực để hiểu hơn về một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất chính mình.

Người Đưa Tin (NĐT): Trước hết xin cảm ơn TS. Nguyễn Văn Thành đã dành thời gian cho cuộc trao đổi. Thưa anh, những chức vụ của anh thì nhiều người đã rõ nhưng tôi vẫn muốn mở đầu cuộc trò chuyện ngày hôm nay bằng một câu tưởng chừng rất đơn giản: Anh nghĩ gì về nghề nghiệp và công việc của mình đang làm?

TS. Nguyễn Văn Thành: Giới doanh nhân thì lâu nay đã có nhiều bậc cha anh nhắc đến như thương trường là chiến trường, doanh nhân là chiến sĩ, "người lính thời bình". Tuy nhiên bản thân tôi cảm nhận, trước hết đây là một nghề - nghề doanh nhân. Nhận thức là nghề nghiệp để tôi thấy rằng, mình luôn cần nghiêm túc với công việc, không ngừng học hỏi, sẵn sàng tinh thần nghề có thể cho ta vinh quang nhưng cũng có thể cho ta nếm mùi thất bại.

Doanh nhân khác với các nghề nghiệp khác ở chỗ chẳng có trường lớp hay bằng cấp bài bản nào có thể tạo ra được doanh nhân. Thước đo thành công không nằm ở chỗ “tay nghề” mà chủ yếu dựa vào kết quả, thành quả kinh doanh. Và dù còn non trẻ, nhưng chính nghề nghiệp này sẽ là động lực để thay đổi đất nước và xã hội.

Để mang danh doanh nhân rất dễ, cứ thành lập doanh nghiệp thì đương nhiên sẽ có doanh nhân. Nếu tính như vậy thì Việt Nam có đến hàng triệu doanh nhân. Nhưng vấn đề đặt ra là những doanh nghiệp đó quy mô, tầm vóc như thế nào? Bao nhiêu trong số đó “không chịu lớn” mà chỉ mãi là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ? Và sức đóng góp của doanh nghiệp đó cho nền kinh tế và thương hiệu quốc gia được đến đâu?

Do đó, tôi nghĩ rằng ở thời đại ngày nay, đã là doanh nhân thì phải nghĩ đến chuyện mình làm được gì cho doanh nghiệp, làm được gì cho đất nước, làm gì được gì cho xã hội. Nếu doanh nhân mà chỉ cốt lo cho bản thân “no cơm, ấm áo” thì không đáng gọi là doanh nhân.

NĐT: Cha của anh – doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, là một doanh nhân của thời đầu Đổi mới, những người đã “đi trước mở đường”. Anh đã học được những gì từ người cha của mình và từ hành trình “tay trắng mà thành” của ông?

TS. Nguyễn Văn Thành: Là con trai của bố, nhưng sự gắn bó của tôi với Hợp Lực không chỉ đơn thuần là kế nghiệp mà chính xác phải là đồng hành, “đồng cam cộng khổ”.

Sau khi tốt nghiệp, tôi về làm việc cho một ngân hàng - công việc có thể coi là danh giá và ổn định thời đó. Hợp Lực bấy giờ cũng mới chỉ là một hợp tác xã với quy mô khoảng 20 lao động với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhìn thấy khả năng đóng góp của mình đối với sự phát triển của công ty, nhất là có sự động viên của bố, tôi đã quyết định trở về và gắn sự nghiệp của mình với tương lai của Hợp Lực.

Đó là bước ngoặt đối với tôi khi phải từ bỏ ước mơ theo đuổi suốt thời đại học để khởi nghiệp với nền tảng là một doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong suốt hành trình hơn 20 năm qua, tôi đã đồng hành cùng bố trên mọi chặng đường, bố trải qua thăm trầm nào thì con cũng trải qua thăng trầm đó.

Bố tôi không phải là người hay dạy dỗ, ông không bảo chúng tôi phải như thế này, như thế kia. Nhưng chúng tôi học được nhiều thứ từ ông qua chính cuộc sống và việc làm hằng ngày, từ cách ông điều hành công việc, cho đến cách ông đối xử với mọi người.

Thế nên, với chúng tôi, không cần bố nói, chỉ cần đi theo bố học hỏi là đã đủ. Tôi nghĩ rằng đó là một cách truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm rất thực tế, những bài học không lời thường sâu cay và khó quên hơn nhiều so với những lời dạy dỗ.

Tất nhiên, trong quá trình điều hành doanh nghiệp và cuộc sống, có nhiều điều mà chúng tôi và bố chưa đúng ý nhau, hoặc là chúng tôi đi chệch hướng thì ông sẽ nhắc nhở với tư cách là người đi trước.

NĐT: Những thế hệ khác nhau dù làm chung một công việc những bối cảnh xã hội và đặc thù thế hệ khiến người ta luôn có sự khác biệt. Cùng tham gia điều hành Hợp Lực, cha con anh có điều gì khác biệt? Giữa hai thế hệ có xảy ra bất đồng quan điểm kinh doanh không?

TS. Nguyễn Văn Thành: Thực tế thì quan điểm điều hành của hai thế hệ không thể tránh được sự khác biệt. Tuy nhiên, từ cái khác biệt đó, chúng tôi luôn tìm ra được cách xử lý hiệu quả và tối ưu nhất bởi dù thế hệ nào thì cũng đều gặp nhau ở một điểm chung là vì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.

Quan điểm của thế hệ đi trước thường rất chắc chắn, đi thẳng vào vấn đề, dựa trên những kinh nghiệm phong phú và có tầm nhìn xa. Trong khi đó, quan điểm của thế hệ trẻ thường rất mạnh mẽ, sáng tạo, đột phá thậm chí có phần mạo hiểm.

Do vậy, nếu nảy sinh sự khác biệt, quan điểm chung là ưu tiên ý kiến của thế hệ trước bởi như vậy sẽ hạn chế được những rủi ro, thiệt hại, tránh rơi vào những tình huống phiêu lưu mạo hiểm. Để triển khai được những sáng kiến mang tính đột phá, chúng tôi sẽ chọn cách chứng minh độ an toàn, phù hợp và hiệu quả của phương án, đảm bảo nó sẽ có tác động tốt tới đà phát triển của doanh nghiệp.

Sự kết hợp yếu tố táo bạo, đột phá, mới mẻ của tuổi trẻ kết hợp với nền tảng kinh nghiệm, sự chín chắn của thế hệ đi trước đã tạo ra một chiến lược tối ưu mà Hợp Lực theo đuổi suốt nhiều năm qua. Chúng tôi luôn tâm niệm tuổi trẻ là động lực của phát triển nhưng sự chín chắn của thế hệ cha anh sẽ là nền tảng tạo nên sự ổn định.

NĐT: Người trẻ thường sợ vướng phải “cái bóng” của thế hệ đi trước và không thể hiện hết được năng lực, khả năng của mình. Anh có nỗi sợ như vậy không, nhất là khi bố anh đã là một doanh nhân có tiếng?

TS. Nguyễn Văn Thành: Câu hỏi này có thể đặt vấn đề ngược lại. Đó là liệu thế hệ trẻ có nhìn thấy “cái bóng” nào không? Tôi nghĩ là không và tin rằng nhiều doanh nhân thế hệ sau cũng có suy nghĩ như vậy.

Thế hệ đi trước bằng tài năng và uy tín của mình, có thể để lại những “cái bóng”. Nhưng thế hệ trẻ không bao giờ nhìn vào “cái bóng” đó, và cho nên không có chuyện họ phải tìm cách vượt qua “cái bóng” nào cả.

Thế hệ trẻ nhìn thấy bản thân mình nhiều hơn. Điều mà họ trăn trở là liệu bản thân có vượt qua được chính mình hay không? Bản thân có phấn đấu, có tốt lên từng ngày và đáp ứng được nhu cầu công việc hay không?

Mỗi thế hệ có một đặc thù và hoàn cảnh riêng, do đó mọi sự so sánh luôn là khập khiễng. Và thế giới này có đến gần 8 tỷ người, tức là có gần 8 tỷ cái bóng. Nếu chỉ nhìn vào những cái bóng, thì rốt cuộc chúng ta sẽ chẳng bao giờ vượt qua được cái bóng nào cả.

NĐT: Khác với thế hệ doanh nhân từ Đổi mới đi ra, phải tự “dò đá tìm đường”, thế hệ doanh nhân trẻ có nhiều điều kiện hơn để trưởng thành, khẳng định tài năng và bản lĩnh. Nghĩ về công việc của mình, anh nghĩ đâu là giá trị cốt lõi cần có của một doanh nhân ở hiện tại và tương lai?

TS. Nguyễn Văn Thành: \Doanh nghiệp ở Việt Nam có số lượng tương đối nhiều nhưng phần lớn lại ở dạng nhỏ và siêu nhỏ. Chúng ta đang phấn đấu để tiếp tục nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số, nhưng điều cũng cần nói đến là làm thế nào để những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hiện có lớn lên và đóng góp được nhiều hơn nữa.

Tôi nghĩ để làm được điều đó, yếu tố cốt lõi nhất nằm ở hai chữ “Hợp tác”. Doanh nghiệp tuy nhiều nhưng lại hoạt động quá rời rạc, mạnh ai người nấy làm, giờ là lúc cần ngồi lại với nhau. Mỗi người có một ưu điểm, mỗi người có sự một khác biệt, có người rất giỏi về tư duy nhưng không thể biến thành hành động được, lại cũng có người hành động rất tốt nhưng tư duy lại chưa nhìn ra vấn đề. Như vậy nếu biết cách hợp tác, phối hợp thì sẽ bổ trợ cho nhau và cùng nhau phát triển đi lên.

Hợp tác không chỉ dừng lại ở trong nội bộ doanh nghiệp mà phải hướng đến giữa các doanh nghiệp với nhau trên nhiều khía cạnh. Hợp tác theo địa phương, theo lĩnh vực, theo quy mô doanh nghiệp, theo mô hình tổ chức… Khi sức mạnh được tập hợp và lan tỏa sẽ tạo ra bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát huy thế mạnh, củng cổ thế yếu.

Doanh nhân thế hệ trẻ đã có một hành trang rất tốt, họ được kế thừa nền tảng kiến thức, kinh nghiệm của thế hệ đi trước, có sự tiếp cận với tri thức, văn minh nhân loại, có khả năng vận dụng công nghệ. Điều quan trọng nhất lúc này là họ biết hợp tác để cùng nhau phát huy những thế mạnh sẵn có. Do vậy, phẩm chất cần nhất của doanh nhân thế hệ mới không gì khác, chính là sự sẵn sàng và khả năng hợp tác.

NĐT: Có một đặc điểm nổi bật đến mức trở thành thế mạnh của thế hệ trẻ chính là năng lực tiếp cận và sử dụng công nghệ. Đây có phải một yếu tố quan trọng cho lực lượng doanh nhân trẻ, hay không?

TS. Nguyễn Văn Thành: Công nghệ là một vấn đề mang tính tất yếu đối với hoạt động của doanh nghiệp tuy nhiên thực tế thì bức tranh ở Việt Nam không hề đơn giản. Có những doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ nhưng không áp dụng được. Còn có những doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ được nhưng không áp dụng.

Điều này là bởi phần lớn doanh nghiệp của chúng ta là nhỏ, siêu nhỏ và họ không nhìn thấy được sự khác biệt về hiệu quả khi thay đổi mô hình kinh doanh. Đó là chưa kể, việc thiếu nguồn lực về cả tài chính, nhân lực và giải pháp cho những doanh nghiệp này.

Cũng có những doanh nghiệp đã mạnh dạn áp dụng công nghệ, nhưng cuối cùng lại tạo ra một mô hình thiếu đồng bộ, thậm chí còn phức tạp hơn, như một nồi lẩu thập cẩm.

Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ ở Việt Nam thường rơi vào tình trạng thật giả lẫn lộn. Doanh nghiệp đôi khi như lạc vào trong một khu rừng với đầy rẫy những giải pháp, ứng dụng, mô hình quản trị mà không biết đâu mới thực sự là thứ phù hợp nhất với mình. Cũng đã có những bài học xương máu khi doanh nghiệp mua lại những dây chuyền máy móc, công nghệ đã bị lỗi thời, lạc hậu của các nước mà vẫn tưởng đó là công nghệ tiên tiến.

Do vậy, tôi cho rằng, để yếu tố công nghệ thực sự trở nên gần gũi và thiết thực với doanh nghiệp, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành, định hướng, cung cấp thông tin của Nhà nước, các cơ quan chức năng.

NĐT: Chúng ta đang cùng nhau hướng đến khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Với vai trò và sứ mệnh của mình, đội ngũ doanh nhân chắc chắn sẽ là một lực lượng chủ yếu, nòng cốt trong việc viết nên khát vọng đó. Để làm được điều đó, theo ông, đội ngũ doanh nhân hiện nay đang cần gì và cần làm gì?

TS. Nguyễn Văn Thành: Đây là một cách đặt vấn đề rất hay. Khi làm một điều gì đó, chúng ta có slogan, có đường lối, mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, nhưng câu hỏi quan trọng nhất luôn là làm cách nào và làm như thế nào?

Để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước, con đường mà các doanh nghiệp cần theo đuổi không gì ngoài sự tử tế, kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình.

Thế hệ doanh nhân mới sẽ phải suy tư nhiều hơn về “Đạo” của nghề kinh doanh. Kinh doanh, cơ bản là kiếm tiền, điều này luôn đúng. Nhưng điều quan trọng là kiếm tiền bằng cánh nào? mang lại lợi ích cho xã hội hay gây hại cho xã hội? Tức là làm lợi cho mình bằng cách làm lợi cho người khác hay làm lợi cho mình bằng cách làm hại người khác.

Bên cạnh đó, muốn đóng góp nhiều hơn nữa, doanh nhân không thể đứng một mình mà cần đứng cạnh nhau, cùng hành động. Như tôi đã nói, hợp tác sẽ là yếu tố cốt lõi của tương lai. Ở đâu phong trào doanh nhân hoạt động sôi nổi, có hiệu quả - ở đó có sự phát triển. Và nếu ở đâu cũng có phong trào doanh nhân mạnh mẽ sẽ tạo thành luồng năng lượng rất lớn, động lực vô tận cho sự thịnh vượng và hùng cường của đất nước.

Doanh nhân cũng phải là lực lượng tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tiên phong đi vào nơi khó, làm việc khó và tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

NĐT: Đó là điều doanh nhân – doanh nghiệp cần làm. Vậy để thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm đó, doanh nhân – doanh nghiệp cần gì?

TS. Nguyễn Văn Thành: Doanh nghiệp như con thuyền, để thuyền chạy cần phải có gió. Gió ở đây bao gồm gió kinh tế - chính trị, gió văn hóa - xã hội, gió khoa học - công nghệ, gió từ thế giới, gió từ trung ương, gió từ địa phương… Để phát triển và làm tròn sứ mệnh, doanh nghiệp cần được tiếp sức bởi những cơn gió tốt, cơn gió thuận. Đó là điều cốt yếu nhất. Không gian có đủ rộng thì doanh nghiệp mới thỏa sức lớn mạnh và đóng góp.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng yếu tố ngoại lực cũng rất quan trọng. Cần kéo được các doanh nghiệp lớn ở cả tầm quốc tế lẫn khu vực về với Việt Nam. Họ sang Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, đi lại trên đường Việt Nam, họ nhìn thấy cách mà người lao động của chúng ta làm việc, họ chỉ cho chúng ta những điểm yếu và cũng chỉ cho chúng ta nhìn thấy cả những thế mạnh, tiềm năng có thể phát triển.

Chúng ta phải đưa được những doanh nghiệp nước ngoài như vậy về Việt Nam. Và bước tiếp theo là học tập tri thức và mô hình của họ để vận dụng trong điều kiện của mình. Đây sẽ là chìa khóa cho các doanh nghiệp Việt bởi thực tế trình độ phát triển của các doanh nghiệp nước ngoài thường đi trước chúng ta rất nhiều năm. Do vậy, để tận dụng cơ hội, chúng ta cần “đứng trên vai người khổng lồ”.

NĐT: Hợp Lực đã đi qua chặng đường hơn một phần tư thế kỷ với những dấu mốc phát triển vượt bậc. Là người chèo lái con thuyền sắp tới của doanh nghiệp, anh kỳ vọng vào những bước tiến tiếp theo của Hợp Lực như thế nào? Đâu sẽ là hành trang quý báu nhất để doanh nghiệp bước vào tương lai?

TS. Nguyễn Văn Thành: Trong chặng đường 28 năm hình thành và phát triển, chúng tôi nhận ra rằng sức mạnh lớn nhất, nguồn lực lớn nhất của doanh nghiệp chính là con người. Chúng tôi có gần 2.000 cán bộ, công nhân viên và đó chính là hành trang quý báu để Hợp Lực đi tới tương lai.

Là người lãnh đạo, tôi đã có những lúc mải mê đi tìm nhân lực ở đâu đó bên ngoài. Nhưng cuối cùng, tôi rút ra rằng nhân lực tốt nhất chính là nhân lực mình đang có. Không có gì tốt bằng sự phát huy sức mạnh nội tại của bản thân doanh nghiêp.

Về định hướng cho tương lai, Hợp Lực xác định sẽ tiếp tục duy trì và củng cố các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh hiện có, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và xu thế phát triển chung. Sau chặng đường gần 3 thập kỷ, Hợp Lực đang mạnh mẽ, tự tin, vững bước tiến về phía trước.

NĐT: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ và chúc Hợp Lực tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 17/10/2023 | 07:30