Kế “khích tướng” thành công khi A Lý - "đặc sứ" của băng nhóm giang hồ Đài Loan Trúc Liên Bang - nhận lời gặp lại tôi với hy vọng sẽ thoát khỏi tình thế “tiến thoái lưỡng nan” sau vụ nổ súng tại vũ trường Metroplis, khiến một đệ tử của Hồ Việt Sử - cánh tay mặt của “bố già” Năm Cam tử thương. Gã không biết rằng, tôi chỉ mong cuộc gặp lần thứ 2 này sẽ giúp tôi xác thực những ghi chép của mình trong cuộc gặp lần trước như một tài liệu, một bằng chứng cho bài viết mà tôi sẽ thực hiện cho báo Thanh Niên. Còn tôi thì cũng không biết rằng, mình sắp có nguy cơ phải đối diện với một tình huống tố tụng bất ngờ, mà khi bước vào nghề báo,tôi chưa bao giờ hình dung được….

nhà báo Hữu phú

Buổi sáng đến rất nhanh, trước khi đi làm tôi chuẩn bị “đồ chơi” thật kỹ cho lần lâm trận mang tính quyết định này. Trước tiên, tôi bỏ 2 máy ghi âm vào 2 túi quần (1 máy hư, 1 máy còn dùng được). Chiếc máy ghi âm băng từ tốt nhất, tôi dùng băng keo dán vào trong nách trái, mặc sơ – mi bên ngoài, bỏ áo trong quần bình thường.

Riêng chiếc máy ghi âm xịn mới mua, vì nó nhỏ, dài, dẹp, nên tôi dán nó dưới cổ chân phải, mang vớ trùm lên trên, mang luôn đôi giày bốt trùm bên ngoài, ngay lỗ thu của máy, tôi tạo 1 vết rách nhỏ trên chiếc vớ cũ. Thế là xong, bây giờ thì dù có đa nghi cỡ nào, cũng không ai có thể ngờ rằng tôi mang theo nhiều máy ghi âm đến như vậy.

Biết không thể giấu đám người của A Lý được nữa, tôi chỉ quán cà phê bên cạnh, nói lớn tiếng: “Em chờ anh ở đó đi, nếu quá 12 giờ trưa mà thấy anh chưa về, thì làm như anh dặn”. Tôi có kịp dặn Thành cái quái gì đâu, chỉ làm động tác giả để dọa gã “Gạc - đờ - co”, sợ lỡ có chuyện gì…

Gã “Gạc - đờ - co” không sợ lời dọa của tôi, nhưng lại sợ cái khác. Ngồi trong xe, gã chăm chú nhìn một hồi tôi rồi nói: “Em có nghe tiếng của anh. Theo anh, thì bây giờ em phải làm sao?” Thấy gã “Gạc - đờ - co” không có vẻ gì là người quá xấu, thực ra đi làm nghề này chỉ vì miếng cơm manh áo, tôi trả lời gọn lỏn: “Trốn!”.

Gã “Gạc - đờ - co” hỏi lại: “Trốn hả anh?” Tôi đáp: “Phải, càng sớm càng tốt. Trong tình hình này, việc bị phát hiện, vây bắt không tính bằng ngày mà tính bằng giờ…”. Gã “Gạc - đờ - co” trầm ngâm suy nghĩ, miệng lẩm bẩm: “Dạ, em nghe anh!”.

Xe chạy đến thẳng khách sạn Omi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. A Lý, Diệp Hiểu Vân đang chờ tôi trong sảnh khách sạn. Nhưng, chúng tôi không làm việc tại đây mà quay lại khách sạn có hồ bơi hôm qua, gần siêu thị Miền Đông.

Trước khi nhập cuộc, tôi chủ động móc 2 máy ghi âm trong 2 túi quần và lấy điện thoại bỏ lên bàn, rút sổ tay ra chuẩn bị ghi chép. Diệp Hiểu Vân vẫn nhìn tôi cười cười, như muốn nói gì đó… Tôi bực mình, giả bộ rất… bất đắc dĩ, mở nút áo, móc luôn cái máy ghi âm dán dưới nách ra, đặt tiếp lên bàn. Hôm trước chỉ có 2, hôm nay thì có đến… 3 cái máy ghi âm đã bị “vô hiệu hóa”, mặt Diệp Hiểu Vân lập tức giãn ra, không thắc mắc gì nữa.

Dưới gầm bàn, chân phải tôi thọc dài đến trước miệng của A Lý… Tôi giả bộ điểm qua tất cả các đề mục thông tin đã trao đổi với nhau ngày hôm qua để ghi âm lại lời của A Lý. Xong, để cho chắc ăn, tôi đề nghị A Lý ký tên vào tất cả các trang giấy đã ghi chép của tôi, xác nhận bằng tiếng Hoa (vì A Lý không biết viết tiếng Việt) là đã có cuộc trao đổi này, với nội dung như đã ghi… Đương nhiên, A Lý không đồng ý ký tên ngay, đòi phải suy nghĩ thêm.

“Tôi đã không được sử dụng máy ghi âm, không được sử dụng điện thoại, máy chụp hình, đến gặp anh chỉ có một mình… Chứng tỏ là tôi rất tin anh, thực sự có thiện chí. Chỉ có mỗi một động tác ký tên này mà anh cũng không chịu làm, anh đâu có tin tôi… Anh sợ cái gì? Cuộc gặp gỡ này không công bằng!” -Lời nói khích bác của tôi dường như đã đánh thức bản chất giang hồ trong A Lý (giang hồ sòng phẳng, nói là làm), y đưa tay ra, nói: “Tôi ký!”.

Cuốn sổ tay của tôi được đưa cho Diệp Hiểu Vân đọc kỹ từng trang, từng chữ, dịch lại cẩn thận cho A Lý nghe. Đoạn nào thấy tôi ghi không đúng ý, A Lý đòi sửa lại, được Diệp Hiểu Vân xác nhận đàng hoàng, rồi mới ký. Ký xong, A Lý nhìn tôi như muốn hỏi: Giải pháp mà tôi đã tập trung suy nghĩ ra để giúp anh ta trong suốt đêm qua là gì?

Đối với dân giang hồ, sự thẳng thắn, bản tính ngang tàng, lòng can đảm rất được tôn trọng. Rất may, những đức tính này có sẵn ở trong tôi… Tôi thẳng thắn: “Tôi đã suy nghĩ cả đêm về trường hợp của anh, không lối thoát! Nếu anh tin tôi, tôi chỉ có thể cố gắng làm sao để giữ được anh không bị thủ tiêu bởi bất kỳ thế lực nào, nhưng anh phải chịu sự chế tài của luật pháp Việt Nam”.

Rồi tôi phân tích kỹ lưỡng cho A Lý nghe tình thế cực kỳ tệ hại, nan giải mà y đang lâm vào, những khả năng nào có thể xảy ra…vv…vv… Nghe xong, A Lý trầm ngâm mất một lúc, rồi trả lời: “Thôi, cám ơn anh đã nghe tôi nói. Tôi sẽ giải quyết mọi chuyện theo cách của tôi”.

A Lý quyết định đúng, không ai có thể giúp A Lý lúc này tốt hơn chính bản thân anh ta. Chỉ có anh ta mới thực sự biết rằng mình cần phải làm gì, như thế nào… cho tốt nhất. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Chúng tôi chia tay nhau trong hòa bình, thậm chí còn khá thân thiện. A Lý cho vệ sĩ đưa tôi về chỗ cũ. Lúc xuống xe, anh chàng vệ sĩ buổi sáng móc túi đưa cho tôi 1 cọc tiền, không biết bao nhiêu, nói: “Anh A Lý, chị Vân gởi cho anh uống nước…” Tôi từ chối thẳng, trả lời: “Em về nói anh cảm ơn chị Vân, anh A Lý. Anh nghĩ lúc này anh chị ấy cần tiền hơn anh. Em cũng vậy, nhớ lời anh dặn lúc sáng”.

Trên đường chở tôi về tòa soạn, vì chứng kiến cảnh tôi từ chối tiền, Thành hỏi: “Sao anh không lấy tiền đi. Đâu có ai thấy đâu mà sợ?”. Tôi vỗ vai Thành, giải thích: “Đời này không ai chê tiền, nhưng không phải tiền nào em cũng lấy được. Trong tình hình này, trước sau gì thì băng nhóm A Lý cũng bị bắt giữ.

Tôi không rao giảng đạo lý suông, mà đó là một sự thật vẫn luôn hiện hữu trong nghề báo. Việc một nhà báo được ai đó đưa tiền đã là điều quá bình thường, chẳng làm ai ngạc nhiên. Làm báo không dễ, nhất là phóng viên điều tra. Nếu muốn tồn tại lâu trong nghề, tránh tối đa mọi rủi ro, hậu họa… chướng ngại đầu tiên mà các phóng viên này phải vượt qua chính là: Nỗi sợ hãi và lòng tham của chính mình! Không ai cho không ai cái gì. Và, nếu đã nhận, thì…

Tôi và Thành về đến tòa soạn thì trời đã giữa trưa. Sau khi ăn cơm trưa, đầu giờ chiều, tôi gọi điện thoại cho anh N.C.T – lúc đó là thượng tá, trưởng phòng PA 25, Công an TP.HCM - mời anh sang tòa soạn Báo Thanh Niên để cung cấp thông tin về A Lý để xác lập thêm một bằng chứng nữa về việc tôi đã gặp A Lý, củng cố hồ sơ của vụ việc, phòng lúc cần sử dụng về sau.

Lúc trao đổi với anh N.C.T, tôi có đặt máy ghi âm mới mua dưới bàn… Xong, tôi photocopy toàn bộ bản ghi chép câu chuyện có chữ ký của A Lý, số điện thoại… giao cho anh và xin ý kiến chỉ đạo.

Không nằm ngoài dự đoán của tôi, anh N.C.T đề nghị tôi không báo vụ việc này cho bất cứ ai khác nữa trong lực lượng Công an TP.HCM, kể cả Nguyễn Mạnh Trung (Phó trưởng phòng CS điều tra) và Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự), để anh báo cho anh Út Măng – Phó giám đốc Công an TP.HCM, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra lúc bấy giờ - xin ý kiến chỉ đạo cấp cao hơn. Đồng thời, Báo Thanh Niên phải chờ thêm 2 ngày nữa để anh xử lý thông tin rồi mới được đăng báo. Tôi đồng ý.

Buổi chiều, tôi gặp anh Q.T - Tổng thư ký Tòa soạn, báo cáo toàn bộ sự việc và xin phép được viết bài, càng dài càng tốt (vì sẽ có nhiều nhuận bút, bõ công một lần xông pha nguy hiểm). Thế nhưng, sau khi nghe tôi kể, anh Q.T chỉ cho tôi viết có 1 bài, hứa sẽ chấm nhuận bút cao cho tôi.

Bài báo được tôi bắt đầu viết trong buổi chiều… Có quá nhiều chi tiết tôi buộc phải lược bỏ, vì có liên quan đến rất nhiều người, với những dấu hiệu rành rành theo tư duy logic biện chứng, nhưng bằng chứng – cái cần nhất - thì lại không. Mà, những người ấy lại còn đang công tác, giữ vị trí quan trọng trong xã hội đương thời. Nếu viết không khéo, không chỉ bản thân tôi gặp nguy hiểm ngay tức khắc, cả tòa soạn Báo Thanh Niên cũng có khả năng sa vào rắc rối triền miên không dứt.

Muốn có bằng chứng để chứng minh những điều tôi biết, nghi vấn trong lòng, một mình tôi không đủ sức, cả tòa soạn Báo Thanh Niên lúc bấy giờ cũng không đủ sức… Cần phải có một lực lượng lớn hơn rất nhiều, với quyền lực lớn hơn, cụ thể hơn, và thời gian cần có để phanh phui vụ việc cũng dài hơn.

Bài báo được hình thành trong khuôn khổ chỉ trên dưới ngàn chữ, với quá nhiều cân nhắc, đắn đo, để phòng tránh rủi ro… Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành trong buổi tối, nộp lên Ban Thư ký tòa soạn, chỉ còn chờ đăng.

Tưởng như việc tôi đi gặp A Lý để điều tra vụ án giết người tại vũ trường Metropolis đã chấm dứt ngay tại đó đối với tôi và Báo Thanh Niên, nhưng không… Trước khi bài báo được đăng, Nguyễn Mạnh Trung đã cảnh báo rằng, anh ta sẽ khởi tố tôi nếu đọc được bài viết đó trên Báo Thanh Niên.

Mặc dù ngoài sức tưởng tượng của tôi, nhưng cuối cùng, hóa ra Nguyễn Mạnh Trung không phải nói suông hay đe dọa. Ngay sau khi bài báo được đăng, một nguồn tin từ Viện Kiểm sát ND TP đã cho tôi biết, vì cuộc gặp với A Lý để tác nghiệp, tôi có thể đối mặt với một tình huống tố tụng quy kết cho tôi tội danh không tố giác tội phạm.

H.P

(còn tiếp)