Ngành dệt may đã đi qua những tháng đầu năm đầy khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận cảnh “ăn đong” đơn hàng, “giật gấu vá vai” để duy trì sự ổn định của doanh nghiệp. Sau nhiều nỗ lực, những tín hiệu tích cực đã trở lại đồng thời những khó khăn cũng thôi thúc ngành trong cuộc đua chuyển đổi.

Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May10 để tìm hiểu rõ hơn về con đường phía trước của ngành dệt may.

Người Đưa Tin (NĐT): Năm 2023 là một năm đầy khó khăn không chỉ với điều hành kinh tế của Chính phủ mà còn với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Là ngành sản xuất vốn có nhiều lợi thế và đã khẳng định được thương hiệu trong nhiều năm qua, xin ông cho biết ngành dệt may hiện nay hoạt động trong bối cảnh như thế nào?

Ông Thân Đức Việt: Nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang chịu tác động bởi những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Những khó khăn đến từ việc suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu và những bất ổn kinh tế phát sinh từ sự kéo dài xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Những điều này dẫn đến xu thế tiêu dùng và tổng cầu đều sụt giảm nghiêm trọng, trong đó tổng cầu dệt may thế giới ước tính chỉ đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022 và thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra Covid-19.

Dù cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục cải thiện, nhưng hoạt động xuất khẩu đối mặt với thách thức chung của các thị trường đối tác. Sức cầu hàng hóa của thị trường trong nước giảm, trong khi đó lạm phát có xu hướng tăng làm ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, trong đó dệt may với vai trò là ngành xuất khẩu chủ lực đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Dù có hơn 30 năm tham gia thị trường và có thị phần tương đối lớn, nhưng trong 8 tháng đầu năm, May10 đã phải sống trong cảnh “giật gấu, vá vai”, nhiều thời điểm chỉ duy trì được những đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún với giá trị không cao.

Trong bối cảnh khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao, chúng tôi tính toán dự kiến trong năm 2023, giá trị xuất khẩu của May10 sẽ sụt giảm đến 10%. Dù vậy, đây vẫn là mức giảm thấp hơn mức trung bình của ngành và đủ để May10 có thể giữ được sự ổn định của hoạt động sản xuất trong các năm tới.

Điều đáng mừng là thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi. Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang chuyển dần sang trạng thái “đủ ăn, đủ mặc". Tuy vậy, việc phục hồi mới chỉ dừng lại ở số lượng đơn hàng, còn về giá thì vẫn đang là bài toán khó. Với nhịp độ này, chúng tôi cho rằng ngành dệt may sẽ “dễ thở” hơn trong các tháng còn lại của năm 2023 với mức tăng trưởng tương đối chậm.

Đặc biệt thời gian qua, Việt Nam đã củng cố quan hệ đối ngoại với một số nước quan trọng, nổi bật là Mỹ. Đây là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới vào thị trường Mỹ.

NĐT: Trước bối cảnh đầy khó khăn, các doanh nghiệp dệt may trong đó có May10 đã triển khai những giải pháp nào để duy trì sự ổn định của hoạt động sản xuất kinh doanh?

Ông Thân Đức Việt: Trước hết, May10 đã phải rất linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất. Nếu như trước năm 2020, quãng thời gian xác nhận các đơn hàng thường là 3 – 6 tháng thì hiện tại chỉ còn từ 1 - 2 tháng. Trong khi đó, khách hàng lại đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh và chất lượng cao hơn.

Điều này khiến cho việc sắp xếp lao động, thời gian sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn như May10. Do vậy, chúng tôi xác định phải xây dựng kế hoạch sản xuất rất linh hoạt để đảm bảo nhà máy được vận hành liên tục.

Đối diện với tổng cầu suy giảm, chúng tôi cố gắng làm việc với các khách hàng truyền thống để duy trì sản lượng đặt hàng như mọi năm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu, tìm kiếm các chủng loại sản phẩm mới đối với tệp khách hàng này.

Đặc biệt, May10 chủ động tìm kiếm các thị trường mới, khách hàng mới, đơn hàng mới thông qua các kênh khác nhau. Cho đến hiện tại, chúng tôi đã tiếp cận thành công một số thị trường như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Úc, Canada.

Cuối cùng và cũng là yếu tố then chốt chính là việc chúng tôi xác định rất sớm những khó khăn và thách thức trong năm nay để chủ động ứng phó. Ngay từ cuối năm 2022, chúng tôi đã phân tích thị trường và tình hình kinh tế để dự báo những kịch bản xấu nhất phải đối diện, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh. Theo đó, tinh thần của năm nay sẽ là bảo toàn người lao động, bảo toàn năng lực sản xuất, bảo toàn khách hàng để duy trì uy tín, thương hiệu và tạo đà cho các năm sau.

NĐT: Ngoài các biện pháp về đa dạng hóa khách hàng, mặt hàng, một xu hướng nổi lên của ngành dệt may trong năm vừa qua đó là tiết kiệm, tiết giảm các chi phí nội bộ. Đối với May10, yếu tố này được triển khai như thế nào?

Ông Thân Đức Việt: Phải khẳng định đây là một giải pháp đã giúp chúng tôi phòng thủ rất tốt trong giai đoạn khó khăn.

May 10 đã triển khai triệt để tiết kiệm ở tất cả các khâu trên toàn hệ thống. Chúng tôi chủ trương cắt giảm, tiết giảm mọi chi phí không cần thiết, không tạo ra giá trị. Từ những chi phí hữu hình như chi phí sản xuất, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, chi phí văn phòng… cho đến các chi phí vô hình như sự chồng chéo thời gian giữa các bộ phận, các thao tác của người công nhân trong quá trình tạo ra sản phẩm.

Trong thời gian 8 giờ sản xuất hằng ngày, chúng tôi chỉ tập trung sâu vào quá trình sản xuất và nâng cao hiệu suất sử dụng thời gian của người lao động. Hiện tại, một nhịp sản xuất bình thường của May10 cứ 12 phút thì sẽ ra một chiếc áo sơ mi, trong 12 phút đó, người lao động không lãng phí 1 giây nào.

Ngoài ra các bộ phận gián tiếp cũng cắt giảm tối đa sự chồng chéo để thời gian đưa bán thành phẩm vào trụ kim của máy may nhanh nhất.

Đây là những phương thức mà chúng tôi thực hiện nhằm tối ưu hóa trong bối cảnh các chi phí đầu vào vẫn ở mức cao và các đơn hàng yêu cầu giảm cả về lượng và giá.

NĐT: Thị trường đang có những biến động rất nhanh chóng, chưa kể xu hướng tiêu dùng của nhiều khách hàng cũng có sự thay đổi. Điều đó đặt ra những vấn đề mới nào cho ngành dệt may trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Thân Đức Việt: Trong thời gian tới, một vấn đề không chỉ dừng lại ở chiến lược hay kế hoạch dài hạn mà sẽ trở thành vấn đề hiện hữu trực tiếp trong thị trường và hoạt động của doanh nghiệp, đó là những khái niệm nhà máy xanh, nhà máy thông minh, tiêu dùng xanh, tài chính xanh.

Trong 5 năm trở lại đây, May10 đã xây dựng chiến lược, kế hoạch để đầu tư thay đổi mô hình sản xuất từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, nhà máy xanh, sản xuất xanh. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, chúng tôi đã tập trung rất mạnh mẽ vào câu chuyện hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Từ việc sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, cho đến những lò hơi chuyển sang đốt bằng điện và nhiên liệu sinh khối không gây ô nhiễm môi trường.

Đối với nguyên liệu đầu vào như vải, chúng tôi đang lập nên những chuỗi cung ứng xanh, trong đó yêu cầu các nhà cung cấp phải sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc sản phẩm từ sợi tái chế. Nhờ vậy, tỉ trọng sản phẩm có nguồn gốc từ sợi tái chế hiện nay ở May10 đang tăng lên nhiều lần so với các giai đoạn trước.

May10 cũng chú trọng đầu tư hệ thống nhà xưởng, cơ sở hạ tầng xanh nhằm tạo lập một môi trường làm việc hiệu quả cho người lao động, đồng thời qua đó tuyên truyền cho họ về trách nhiệm đối với thiên nhiên và phát triển bền vững.

Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu trở thành một doanh nghiệp ESG bao gồm cả trách nhiệm với môi trường, xã hội và có tính bao trùm, để tiến tới đáp ứng những tiêu chuẩn toàn cầu mới về tiêu dùng xanh, sản xuất xanh.

NĐT: Câu chuyện ESG hay gần hơn là Net Zero (phát thải ròng bằng 0) là vấn đề mà các doanh nghiệp dệt may khá quan tâm nhất là khi xuất khẩu đến thị trường khó tính. Liệu các doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị gì cho xu hướng xanh ESG này?

Ông Thân Đức Việt: Thực tế, đối với ngành may mặc công đoạn tạo ra sản phẩm vẫn chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng người lao động. Nói như vậy để thấy rằng việc chuyển đổi mô hình kinh doanh đối với ngành không phải điều đơn giản. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc chuyển đổi số, xanh hóa chuỗi cung ứng, xanh hóa sản xuất sẽ là bước chuẩn bị cho hành trình bứt phá của ngành trong thời gian tới.

Điều này càng đáng nói bởi hiện nay các thị trường nước ngoài tiêu thụ lớn của ngành dệt may đã đặt lộ trình và mục tiêu về sản phẩm tái chế. Đơn cử như các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã thông qua chiến lược "Dệt may bền vững" với 3 nhóm tiêu chuẩn về độ bền, khả năng tái sử dụng, và tái chế nguyên phụ liệu, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải in dữ liệu liên quan trên nhãn quần áo.

Để theo đuổi thành công quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp trước hết cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn, tìm hiểu về thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở tính toán lợi ích - chi phí, các doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình chuyển đổi đặc thù riêng cho mình.

Trước mắt có thể tập trung vào những khâu doanh nghiệp có thế mạnh, ví dụ như tuần hoàn nước, điện áp mái... Tăng cường tự động hóa các khâu sản xuất có thể. Tập hợp các tài liệu liên quan đến truy soát nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu tỉ lệ tái chế, vòng đời sản phẩm, nguyên liệu sạch, khả năng tái chế cao…Đồng thời, phối hợp với nhãn hàng để thực hiện yêu cầu xanh, bền vững, thiết kế sinh thái của thị trường.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 18/10/2023 | 15:00