“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

Có lẽ đến thời điểm hiện nay, chị Trần Thị Thu Hằng (SN 1990), trú xóm 1, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng không thể tin được bản thân đã đi được đoạn đường dài với sản phẩm bột ngũ cốc được như vậy. “Lúc này, tôi chưa dám nói là mình đã thành công nhưng với các sản phẩm ngũ cốc đang được bán ở thị trường thì tôi tự hào về những việc đã làm được”, chị Hằng cười.

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

Sinh ra và lớn lên tại miền quê với bao đời làm nông, chị cũng đã trải qua một tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng. Với người nông dân, sản phẩm trồng được chỉ đủ ăn chứ không thể nào làm giàu, thậm chí rau củ quả tại đây cũng chỉ dành để nuôi gia súc và gia cầm. Chính chị Hằng cũng suy nghĩ như vậy cho đến khi làm mẹ của 2 người con trai.

“Con trai của tôi bị còi, nuôi mãi không lớn, vì vậy tôi mới mua một số hạt ngũ cốc của người dân về rang xay và chế biến thành bột làm để con ăn. Không ngờ rằng chỉ vài tháng sau thì cháu thay đổi, ăn ngoan chóng lớn hơn hẳn. Tôi đăng tải trên trang cá nhân thì được một số người hỏi mua về cho con. Từ đó, cùng với việc làm cho gia đình thì tôi làm thêm để bán cho những người quen”, chị Hằng kể.

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

“Tiếng lành đồn xa” nên có nhiều người đặt thêm sản phẩm, cũng từ đó chị Hằng mới nảy ra ý định kinh doanh hạt ngũ cốc. Lúc đầu, chị chỉ dám kinh doanh nhỏ, tức là ai đặt gì thì mới làm. Nguồn nguyên liệu từ các loại đậu tại địa phương nên khá dồi dào và đa dạng. Việc làm ăn cũng từ đó trở nên thuận lợi đã tạo động lực để chị bắt đầu khởi nghiệp mở rộng cơ sở.

Năm 2019, chị quyết định “chơi lớn” khi đầu tư cơ sở sản xuất tại nhà riêng có diện tích rộng 100m2, lắp đặt 5 máy xay và máy sấy, tạo việc làm cho một số người dân trong xã. Năm 2020, chị Hằng tiếp tục mở rộng xưởng lên 1.000m2 và lắp đặt thêm thiết bị đáp ứng nhu cầu cho thị trường.

Năm 2021 là “bước ngoặt” khi chị quyết định thành lập công ty Công ty TNHH Mami Farm, nâng cấp sản phẩm thành dạng hộp và gói tiện lợi. Đồng thời, chị đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, với 7 nhân viên cố định và hơn 500 cộng tác viên phân phối sản phẩm khắp toàn quốc.

“Vào năm 2011, tôi đưa sản phẩm của mình tham gia cuộc thi sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức và may mắn đạt top 11 về ý tưởng khởi nghiệp. Cuộc thi này đã tạo động lực cho tôi quyết tâm dồn hết tâm sức để làm các sản phẩm về ngũ cốc”, chị Hằng nhớ lại.

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

Cho đến nay, Công ty TNHH Mami Farm của chị đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, hoạt động thu mua nông sản của đơn vị đã góp phần giúp bà con ổn định đầu ra, tạo thu nhập cho các lao động trong địa bàn xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc và vùng lân cận.

“Vợ chồng tôi đều xuất thân nhà nông nên hiểu làm ra nông sản phải đối mặt nhiều rủi ro mất mùa, năm được mùa thì lại rớt giá. Khi sản phẩm của mình đã tiêu thụ được thì sẽ bao tiêu đầu ra nông sản cho bà con. Như vậy, không những lợi cho gia đình mà giúp được mọi người trong xóm, trong xã có thêm thu nhập”, chị Hằng nói.

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

Với nhiều hộ kinh doanh, đại dịch Covid-19 bùng phát là thảm họa khi hàng không bán được, sản xuất bị ngưng trệ, nhưng với cơ sở của chị Trần Thị Thu Hằng thì đây trở thành cơ hội lớn. Chỉ trong gần 2 năm thành lập công ty, các sản phẩm tung ra thị trường đều có doanh số bán tăng vọt. Thậm chí có thời điểm làm không kịp để bán, các công nhân phải thay ca liên tục đóng gói để kịp giao hàng.

“Thời điểm dịch thì phải thực hiện việc giãn cách xã hội, tức là mọi người ở nhà và sử dụng điện thoại nhiều hơn. Trong khi đó, các sản phẩm của tôi chưa thể bán trên thị trường, mà chỉ mới quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Vô tình điều đó đã giúp tiến cận với người tiêu dùng nên số lượng người mua cũng nhiều hơn”, chị Hằng kể.

Năm 2021, tức là chỉ 1 năm sau khi thành lập Công ty TNHH Mami Farm thì chị đã bán được 62.500 sản phẩm với doanh thu hơn 12 tỷ đồng. Điều quan trọng là sản phẩm bột ngũ cốc đã phủ sóng thị trường toàn quốc, điều mà chị không thể nghĩ đến.

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

Tuy nhiên, “thần may mắn” đã không mỉm cười khi dịch Covid-19 bắt đầu giảm, cuộc sống trở lại như trước, thì cũng là lúc các sản phẩm của chị khó tiêu thụ bởi nhiều lý do.

“Một phần người dân đã đi lại bình thường nên ít đặt hàng qua mạng, nhưng quan trọng hơn là có quá nhiều sản phẩm ngũ cốc trên thị trường để người tiêu dùng lựa chọn. Khi sản phẩm của mình còn non trẻ, chưa tạo thương hiệu, chưa có nguồn lực, thì sẽ bị các sản phẩm khác cạnh tranh”, chị Hằng chia sẻ.

Kết quả tiêu thụ sản phẩm năm 2022 không được như dự tính, thậm chí còn không bằng như những năm trước, vì vậy công ty bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn. Lúc này, bao phủ lên chị là những áp lực về kinh tế, doanh thu, tiền lương của công nhân và đặc biệt là vấn đề bao tiêu sản phẩm của nông dân như hợp đồng đã ký kết đầu năm.

“Khó khăn quá nên tôi đã nghĩ đến việc giải tán công ty, bỏ hết để trở về làm nội trợ. Trước khi bắt tay vào làm, tôi đã nghĩ đến những điều sẽ gặp phải nhưng không ngờ lại căng thẳng và áp lực như thế. Tôi không được học hành đàng hoàng về kinh doanh, mọi thứ bắt đầu từ con số 0, vì thế càng cảm thấy nan giải vô cùng”, chị Hằng nói.

Rất may, trong thời điểm khó khăn nhất thì bên cạnh chị vẫn có gia đình động viên và đặc biệt là người chồng luôn ủng hộ. Chính anh đã trực tiếp tìm nguồn tài chính giúp chị ổn định công ty, vượt qua những giai đoạn thiếu hụt vốn trầm trọng.

Đặc biệt hơn chính là sự ủng hộ của chính quyền địa phương, hội phụ nữ và Sở Khoa học và Công nghệ khi giới thiệu chị tham gia các cuộc hội thảo, hội chợ trên cả nước để giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Với sự chung tay giúp đỡ, doanh nghiệp trẻ của chị đã bắt đầu ổn định, sản lượng bán hàng 6 tháng đầu năm 2023 đã bắt đầu khởi sắc.

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

Với phương châm vì sức khỏe của người dùng, trong quá trình duy trì và phát triển hoạt động, chị Trần Thị Thu Hằng luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất. Nhờ vậy, sản phẩm bột ngũ cốc của chị được sử dụng cho tất cả các đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người bị tiểu đường... Tùy từng đối tượng sử dụng mà được trộn theo công thức phù hợp.

Theo chị Hằng, để sản xuất bột ngũ cốc ngon, chất lượng, trước hết phải chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo, loại bỏ các hạt sâu, lép, hạt kém chất lượng. Mặt khác, một khâu quan trọng nữa trong sản xuất bột ngũ cốc là phải cân đối được độ ngọt, độ chát của từng loại hạt, đảm bảo cho bột vừa có độ ngọt thanh, vừa đủ thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất xơ.

“Khi rang phải đảm bảo cho các loại hạt chín vừa đủ. Sau khi xay, bột phải mịn, hòa tan được trong nước. Có như vậy bột ngũ cốc mới đảm bảo được độ béo, độ bùi và ngon. Đặc biệt, bột dinh dưỡng cao cấp hoàn toàn không chất bảo quản, không chất tạo màu, không chất tạo hương vị và cũng không hàng tồn. Điều đó rất quan trọng đối với sức khỏe người dùng”, chị Hằng nói.

“Bóng hồng” khởi nghiệp từ nông sản quê hương

Nguyên liệu làm bột ngũ cốc có khoảng 20 loại, như: hạt của các loại cây họ đậu, hạt sen, hạt diêm mạch, mè đen, hạt kê,… chiếm 70% đều được nhập từ người dân địa phương tại đây. Ngoài ra, 30% còn lại có một số loại hạt cao cấp được nhập khẩu, như: hạt óc chó, hạt mắc ca, yến mạch, hạnh nhân… Cũng nhờ vậy, thành phần dinh dưỡng của sản phẩm vừa đa dạng, vừa có chất lượng cao.

Nói về dự kiến trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm phù hợp với mọi đối tượng khách hàng, mở rộng quy mô sản xuất, kết hợp với các hợp tác xã để trồng nông sản đạt chuẩn và tạo việc làm cho bà con, nguồn ra ổn định hơn cho nông sản.

Chị Hằng còn cho biết, đơn vị đã lựa chọn mô hình kinh doanh đại lý kết hợp sàn thương mại điện tử và kinh doanh 4.0. Phân cấp từ nhà sản xuất xuống nhà phân phối, từ nhà phân phối đến các đại lý, từ các đại lí sẽ đến với sỉ. Điều này giúp hạn chế về địa lí, mở rộng tệp khách hàng một cách nhanh chóng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc cho biết, công ty của chị Trần Thị Thu Hằng là một trong những mô hình điển hình về phụ nữ khởi nghiệp của huyện. “Nhờ đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, khép kín và lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản phẩm ngũ cốc của Hằng vừa đảm bảo thơm ngon, tiện lợi lại đủ đầy dinh dưỡng, nên mới đây sản phẩm này đã được Hội đồng chấm, xếp hạng sản phẩm OCOP của huyện Nghi Lộc đánh giá đạt chuẩn OCOP với mức đạt 4 sao”, chị Xuân nói.

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc, những năm qua, huyện đã khuyến khích thanh niên về quê lập nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bà con, đặc biệt kết nối với các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp để bao tiêu đầu ra. Vì vậy, những doanh nghiệp giống như của chị Trần Thị Thu Hằng sẽ góp phần mang lại đời sống ấm no hơn cho bà con nông thôn.

Ông Võ Hải Quang, Giám đốc trung tâm Thông tin Khoa học công nghệ và Tin học Nghệ An cho biết thêm, mặc dù mới chính thức thành lập năm 2021, nhưng Công ty TNHH Mami Farm đã có một nền tảng từ trước đó nhiều năm, được khởi nguồn từ tâm huyết và khát vọng của một người phụ nữ năng động và kiên trì.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 20/10/2023 | 07:00