img img

Gặp gỡ ông Trần Mạnh Báo - Anh hùng lao động, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed, chúng tôi rất bất ngờ vì dù là thương binh hạng 2/4 nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, chất lính hào sảng từ trong giọng nói.

Không nhận mình là doanh nhân, ông Trần Mạnh Báo chỉ nhận mình là một “nông dân mới”, bền chặt với tình yêu cây lúa, tình thương nông dân và với khát khao làm sao để không mất đất trồng cây nông nghiệp.

img img

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa doanh nhân Trần Mạnh Báo, lịch sử Việt Nam đã từng chứng kiến biết bao tấm gương người lính Cụ Hồ anh dũng trong chiến đấu và sau khi trở về với đời thường lại tiếp tục tiên phong “chiến đấu” trên một mặt trận mới – mặt trận phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp sức xây dựng quê hương phát triển. Ông có thể được coi là một trong những điển hình như vậy. Đã làm được nhiều điều có giá trị, ông cảm nhận như thế nào về công việc và sứ mệnh mà mình đang thực hiện?

img

Ông Trần Mạnh Báo: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tôi cũng như những người lính khác, trở về từ chiến trường, hòa trong niềm vui hân hoan, trào dâng hạnh phúc khi đất nước thống nhất.

Nhưng, có nhiều người lính trở về mang trong mình những thương tổn, sức khỏe yếu đi, như tôi phải đi điều trị ở Viện 108 mất một năm. Lúc đó, tôi tự hỏi bản thân rằng: Mình sẽ sống ra sao đây? Mình sẽ làm gì để mưu sinh? Những cảm xúc lúc đó, chỉ có bản thân tôi mới biết được.

Bạn bè cùng trang lứa đang học ở những trường đại học lớn của đất nước hoặc ở nước ngoài, còn mình thì chưa học xong THPT, với sức khỏe yếu và thương tật như vậy thì làm cách nào để sống, để mưu sinh? Không phải ai cũng vượt qua được những cảm xúc lẫn lộn lúc đó. Đó là cảm xúc của người lính với trăn trở làm sao vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Từ chiến trường trở về, điều an ủi, tiếp cho tôi động lực đó là lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, mình phải vươn lên. Lúc đó, tôi xác định sẵn sàng làm bất kể việc gì có thể đóng góp cho xây dựng đất nước. Cũng là để bản thân không phải phụ thuộc vào sự cưu mang của xã hội, vào gia đình, bố mẹ.

img

Sau này, khi tôi đã trở thành doanh nhân, được phong danh hiệu nhà khoa học của nông dân, từng là tác giả của rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học kể cả về quản lý và mặt kỹ thuật, tác giả của hàng chục giống cây trồng và được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới thì trong tôi luôn có một đích đến, hoài bão xuất phát từ kỷ niệm lúc nhỏ - được chứng kiến sự lam lũ của những người nông dân, đặc biệt là bố mẹ mình.

Tôi có mong muốn nếu như sau này trưởng thành sẽ là người có ích cho xã hội, sẽ làm gì đó cho những người nông dân. Và đó chính là con đường, ý tưởng, sợi chỉ xuyên suốt trong sự nghiệp của tôi từ khi 13 tuổi cho đến khi lớn lên, vào lính; từ khi đang ngồi ở trường phổ thông cho đến khi trở về, không đi theo một con đường nào khác.

NĐT: Sau khi trở về từ chiến trường, ông từng làm ở nhiều vị trí, từ tạp vụ đến công nhân cho trại lợn rồi sau này thành công ở lĩnh vực giống cây trồng. Điều gì đã thôi thúc ông quyết định chỉ gắn bó với nông nghiệp?

Ông Trần Mạnh Báo: Cuộc đời của tôi có rất nhiều những quyết định quan trọng làm thay đổi cuộc đời và góp phần nhỏ bé làm thay đổi ngành giống cây trồng Việt Nam.

Vào những ngày cuối thu năm 1963, đêm trăng sáng trong veo, bố tôi ra biển. Tôi cứ nhìn theo bóng lưng xa dần mà không biết lần này liệu bố có thể trở về hay không, mẹ tôi sinh em bé hai ngày sau đã đi cấy . Tôi hiểu được sự lam lũ, vất vả của bố mẹ, của những người nông dân. Đó là kỉ niệm sâu sắc nhất của đời tôi, thôi thúc tôi lớn lên phải làm gì đó có ích cho người nông dân và điều đó khiến tôi quyết định đi theo con đường làm nông nghiệp.

img

Cũng chính vì quyết tâm đó mà tôi đã từ chối khi được điều động đi làm cán bộ lãnh đạo. Khi đó, ông Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình gọi tôi sang để giao cho tôi làm lãnh đạo một huyện, tôi đã nói rằng: “Thôi các anh để tôi ở lại đây, tôi làm việc này sẽ có ích cho tỉnh ta hơn”. Dù từng được điều động đi làm cán bộ quản lý xã hội, quản lý nhà nước nhưng tôi vẫn từ bỏ tất cả để trở thành một người làm nông nghiệp.

Một trong những kỉ niệm cũng khiến tôi nhớ mãi diễn ra trong giai đoạn nước ta cam go nhất về đảm bảo lương thực. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách một đơn vị mà ba tháng người công nhân mới có lương. Mà lương được trả theo chấm công, đời sống của người lao động khó khăn vô cùng. Nếu làm hành chính, mỗi người được 13,5kg gạo; làm công nhân cấy lúa được 16kg và công nhân cày ruộng được 19kg gạo. Và đó gần như là thu nhập họ được trả.

Trong tình cảnh đó, tôi đã viết đề án “Đổi mới quản lý nông nghiệp quốc doanh, khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động”. Ý tưởng nêu trong đề án khác xa với những gì thực tế đang diễn ra và đó cũng là quyết định rất táo bạo của tôi thời đó. Thậm chí, khi tôi làm vẫn bị nhiều phản đối, có người nói không cẩn thận sẽ vào tù.

Khi bảo vệ đề án, tôi bị phản đối kịch liệt. Tôi đã nói: “Các đồng chí không cho làm thì đó là quyền của các đồng chí. Nhưng nếu chúng ta không làm thì người khác sẽ làm và chúng ta sẽ có tội với lịch sử”.

img

Bởi chỉ khi người lao động được hưởng từ giá trị sáng tạo của họ thì lúc đó sản xuất mới phát triển. Còn khi họ không được hưởng giá trị sáng tạo mà chỉ được hưởng từ giá trị chấm công gọng vó thì không bao giờ năng suất tăng lên được.

Lúc đó, tôi đã trích dẫn câu nói của Các-Mác: “Khi nào lý luận được tổng kết từ thực tiễn, sau đó áp dụng vào thực tiễn thì đó không còn là lý luận, đó là lực lượng vật chất”. Cuối cùng, bằng ý chí và sự quyết tâm như vậy người ta mới đồng ý cho tôi làm thử. Và đề án đã rất thành công, giúp cho ThaiBinh Seed phát triển từ doanh nghiệp rất nhỏ bé ở Thái Bình thành một trong những tập đoàn giống cây trồng hàng đầu của Việt Nam như bây giờ.

img img

NĐT: Chúng tôi đã nghe về sứ mệnh kinh doanh của ThaiBinh Seed là “Đồng hành cùng người nông dân mới”, khái niệm nông dân mới là gì thưa ông?

Ông Trần Mạnh Báo: Tôi là người đưa ra khái niệm này. Đó là khi tôi được đi dự diễn đàn Người việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu tại thủ đô Paris, Pháp năm 2019. Với tư cách là một diễn giả, với chủ đề "Tự hào nông dân Việt Nam", trước khi bắt đầu bài phát biểu, tôi có nói rằng: “Ladies and gentlemen, I am not business, I’m not leader. I’m only Vietnamese new farmer” (Dịch: Thưa quý ông, quý bà, tôi không phải là doanh nhân, cũng không phải lãnh đạo, tôi chỉ là một người nông dân mới của Việt Nam - PV).

img

Tại sao tôi lại nhận là một người nông dân mới? Câu chuyện từ khi tôi đi học ở Copenhagen Đan Mạch năm 1999, một người thầy dạy tôi, ông vốn là tiến sĩ, giáo viên của Trung tâm đào tạo tại EU, nhưng khi giới thiệu, ông chỉ nói: “Tôi là một nông dân.”

Và kể cả sau này, trong những tình huống khác nhau, ông ấy vẫn luôn tự giới thiệu mình là một nông dân trong khi rõ ràng ông đã là tiến sĩ. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ, vậy thì mình cũng chỉ là người nông dân thôi.

Chặng đường 50 năm của ThaiBinh Seed vào 10/01/2022, điều quan trọng là chúng tôi đã làm tròn sứ mệnh theo lời dạy của Bác Hồ khi thành lập công ty. Đó là cung cấp những hạt giống tốt cho người nông dân, đồng hành cùng người nông dân phát triển.

Trong giai đoạn tới, sứ mệnh của chúng tôi tự nhận là “đồng hành cùng những người nông dân mới”. Đó là vì nền kinh tế của chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, người nông dân Việt Nam không còn là “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nữa, mà là những người nông dân ở trình độ của nền nông nghiệp hiện đại 4.0. Người nông dân có thể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Người nông dân là những doanh nhân nông nghiệp, người nông dân am hiểu về pháp luật, kinh tế thị trường. Người nông dân có trình độ công nghệ cao hơn.

Có người nói nên dùng từ “người nông dân hiện đại”, " người nông dân thông minh", tôi nghĩ khác. Vì hiện đại, thông minh không khó, con người mới mới khó. Mới tức là nó phải khác cái cũ, tiến bộ hơn. Thì người nông dân mới phải khác người nông dân cũ, có trí tuệ cao, khả năng ứng dụng công nghệ, am hiểu luật pháp, am hiểu kinh tế thị trường, am hiểu xây dựng thương hiệu … Người nông dân đó có thể xem như là một doanh nhân nông nghiệp. Khái niệm tôi đơn giản vậy thôi. Đi đâu tôi cũng chỉ nói tôi là một người nông dân mới.

img

NĐT: Trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều bấp bênh, đặc biệt sau khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo, với vai trò là một trong những đơn vị cung cấp giống cây trồng lớn, ThaiBinh Seed đã có kế hoạch phát triển như thế nào?

Ông Trần Mạnh Báo: Thị trường lúa gạo là một vấn đề lớn của đất nước, là điểm sáng nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. ThaiBinh Seed là một doanh nghiệp với chủ lực là về giống cây trồng và mới bắt tay vào mảng lương thực. Nhưng chúng tôi đã xác định đây là hướng chính trong chiến lược phát triển của ThaiBinh Seed trong giai đoạn tiếp theo.

Vấn đề của lúa gạo hay thị trường lương thực thế giới đang mang tính thời điểm. Nhưng về mặt lâu dài, đó cũng là vấn đề của loài người về an ninh lương thực. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu và gia tăng dân số là nguy cơ đối với nền lương thực toàn cầu. Đây mới là vấn đề lâu dài mà chúng ta phải nghĩ đến.

Đây cũng là một trong những lý do ThaiBinh Seed lựa chọn con đường đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó hai lĩnh vực chủ đạo là giống cho chống biến đổi khí hậu, giống cho lúa gạo đạt yêu cầu xuất khẩu và kinh doanh lương thực an toàn chống biến đổi khí hậu.

img

Và điều tôi trăn trở, khát vọng đó là hãy thực hiện lời khuyên của người Nhật Bản: “Đừng để mất đất trồng cây lương thực. Đừng phá rừng tự nhiên”. Đó là điều tôi mong muốn. Bởi vì đây là lợi thế. Đã là lợi thế thì đừng đánh mất nó.

NĐT: Không chỉ nặng lòng với việc phát triển cây lúa mà ông còn nặng lòng với việc phát triển và trí thức hóa nông dân. Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn hiện nay?

Ông Trần Mạnh Báo: Muốn làm gì, trước hết, phải có con người đó đã. Bác Hồ ngày xưa đã nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

Tương tự như vậy, chúng ta muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, chúng ta phải có người nông dân mới. Đây chính là lý do cần phải xây dựng một đội ngũ, nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp. Đó là những nhà khoa học nông nghiệp thực thụ cùng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng được những công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ số.

Đi song song là cơ sở vật chất cho chế biến bảo quản, xây dựng thương hiệu, marketing hiện đại để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thế giới đòi hỏi phải có con người nông nghiệp hiện đại. Nếu chúng ta không có nguồn nhân lực hiện đại thì chúng ta làm được gì?

Cho nên, từ năm 2001, tôi đã xây dựng chiến lược phát triển của ThaiBinh Seed dựa trên 3 trụ cột chính. Thứ nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao hay ngắn gọn hơn là "trí tuệ". Thứ hai là khoa học công nghệ. Phải ứng dụng khoa học công nghệ từ thấp đến cao theo thời gian và theo trình độ phát triển của thế giới, của xã hội cả trong và ngoài nước. Thứ ba là phải mở rộng quan hệ hợp tác.

Bởi thế, chiến lược phát triển của ThaiBinh Seed gói gọn trong 6 chữ “trí tuệ, công nghệ, quan hệ”.

NĐT: Với thế hệ trẻ ngày nay, ông đánh giá như thế nào về sự gắn bó và triển vọng phát triển của họ hiện nay với ngành nông nghiệp?

Ông Trần Mạnh Báo: Tôi có một niềm tin mãnh liệt: Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ kế tục sự nghiệp lịch sử mà đất nước, mà các thế hệ trước trao lại cũng như xứng đáng để tiếp tục viết nên những kỳ tích mới trong tương lai. Tôi tin tưởng vào điều đó và niềm tin ở trong tất cả các lĩnh vực, không riêng gì đối với nông nghiệp.

img

Nông nghiệp bây giờ khác với nông nghiệp ngày xưa nhưng một điều không đổi, đây vẫn là lợi thế của đất nước. Hiện nay chúng ta đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, từ nước nghèo nàn lạc hậu sang một nước phát triển. Tuy nhiên, nhận thức của một số bạn trẻ hiện nay chưa đầy đủ để phát huy lợi thế của đất nước. Đó là điều không nên, cũng là điều phân vân của các nhà khoa học, các nhà đào tạo.

Nhưng tôi tin là thế hệ trẻ sẽ phát triển trong tương lai. Cũng phải nhìn nhận một thực tế hiện nay, việc đi sâu vào lĩnh vực nông nghiệp của thế hệ trẻ không nhiều như trước. Đây là một điều đáng buồn. Chính vì vậy, chúng ta cần làm tốt công tác truyền thông để người trẻ biết và hiểu rõ rằng, nông nghiệp là một lợi thế cần phải phát huy.

Chúng tôi không giàu có gì, nhưng chúng tôi đã quyết tâm đi theo con đường nông nghiệp từ khi còn là người lính trở về 2 bàn tay trắng, thương tật và sức khỏe rất yếu nhưng tôi vẫn thành công. Có thể nói, thành công trong cuộc đời tôi cũng đến thế thôi, đủ ăn, đủ tiêu, đủ sống và cống hiến cho xã hội.

Chúng ta phải cho thế hệ trẻ thấy rằng, cuộc sống không phải chỉ giàu sang, chỉ có vật chất. Ngoài sự mưu sinh còn phải cống hiến cho xã hội thì mới có ý nghĩa.

Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ là hãy làm những gì mình có khả năng nhất để mưu sinh và cống hiến. Cuộc sống của chúng ta không phải chỉ có mưu sinh, làm giàu, hưởng thụ mà còn phải cống hiến cho sự phát triển của xã hội, cho sự phát triển đất nước hùng cường. Đó mới chính là lẽ sống.

Sống phải có lý tưởng. Lý tưởng là được cống hiến cho đất nước, cho loài người, chứ không phải chỉ cho riêng mình. Và phải có trách nhiệm với gia đình, quê hương và thế hệ đi trước.

NĐT: Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

img

NGUOIDUATIN.VN |