img img

img

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 trải qua nhiều biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán quốc tế.

Nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.

Bước sang quý III/2023, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, ngày 12/9/2023, chỉ số VN-Index đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, đóng cửa ở mức 1.245,44 điểm, tăng 24% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, cú đảo chiều hồi đầu tháng 9 đã khiến VN-Index đánh mất hơn 200 điểm chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, mặc dù có đợt phục hồi trong tháng 11 nhưng mới chỉ lấy lại được một nửa mức tăng hồi đầu năm.

img

Diễn biến chỉ số VN-Index trong năm 2023 (Nguồn: FireAnt).

Dù gặp không ít khó khăn nhưng VN-Index vẫn khép lại năm 2023 với mức tăng hơn 12%. Giá trị vốn hóa của HoSE cũng theo đó tăng thêm hơn 500.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 4,5 triệu tỷ đồng. Tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa toàn thị trường lên đến gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương 245 tỷ USD).

Tính chung cả năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.492 tỷ đồng/phiên, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà đầu tư nước ngoài là điểm trừ khi động thái “xả hàng” đã diễn ra xuyên suốt từ đầu quý II/2023 cho tới hết năm. Năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 23.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trái chiều, trong giai đoạn đầu năm, nhóm nhà đầu tư cá nhân chủ yếu bán ròng thì bước sang tháng 5, nhóm này đã mua ròng 20.954 tỷ đồng và chiếm 86% tỉ trọng giao dịch của toàn thị trường, tăng 5,95% so với khoảng thời gian trước.

img

Về diễn biến nhóm ngành, các yếu tố khác nhau đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mức sinh lời của cổ phiếu ngành. Đối với ngành xây dựng, sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu kết hợp với cạnh tranh khốc liệt tạo ra môi trường khó khăn, đặt ngành này vào vị thế có mức sinh lời thấp. Ngành tiêu dùng phải đối mặt không chỉ với áp lực cạnh tranh mà còn với thách thức của lạm phát tăng cao, làm giảm khả năng duy trì mức sinh lời.

Trong khi đó, ngành tài chính phải thích ứng với thực tế thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt khi lo ngại về lạm phát và biến động chính trị trên toàn cầu tăng lên.

Nhờ sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, các ngành dầu khí, điện và công nghệ có mức sinh lời cao. Sự tăng trưởng của ngành dầu khí được thúc đẩy bởi việc tăng giá dầu thô trên thị trường thế giới, trong khi ngành điện hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao khi nền kinh tế phục hồi.

img

Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, anh Nguyễn Khắc Minh (34 tuổi, kinh doanh tự do) - một nhà đầu tư tham gia thị trường cho biết, sau cú sốc năm 2022, bước sang năm 2023 việc đầu tư vào thị trường chứng khoán của bản thân có phần thận trọng hơn nhiều.

Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi những diễn biến ngoài dự báo. Thời điểm đầu năm, anh Minh vẫn đứng ngoài quan sát thị trường, cho đến tháng 4/2023, sau khi các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I thì anh đã xuống tiền những cổ phiếu ngành bán lẻ, tài chính.

Đến đầu tháng 9, mức lợi nhuận của anh Hải đã lên đến 40 - 50%. Anh Hải dự tính sẽ “ôm” đến cuối năm rồi bán ra chốt lời cao hơn, bởi nghĩ thời điểm cuối năm tình hình kinh tế sẽ khởi sắc. Thế nhưng, áp lực điều chỉnh đã thổi bay toàn bộ lợi nhuận mà anh có từ đầu năm.

img

Trái chiều, chị Thu Uyên (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, những tháng đầu năm 2023 đã “gom hàng” cổ phiếu nhóm thép khi thấy có nhiều tín hiệu triển vọng như giá nguyên vật liệu giảm mạnh, các nhà máy mở cửa trở lại.

Chị Uyên chia sẻ, tính đến tháng 6/2023, danh mục đầu tư đã lãi 20%. Giữ đến cuối năm, mức lợi nhuận của chị đã lên đến 40%. Hiện bản thân chị Uyên đã bán khoảng 70% số lượng cổ phiếu và nắm giữ 30% còn lại.

“Ngành thép có mối tương quan rất chặt chẽ với ngành bất động sản, khi 65% nhu cầu tiêu thụ thép phục vụ cho hoạt động xây dựng. Cá nhân tôi nghĩ đây là ngôi sao sáng nên sang năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào nhóm này", chị Uyên chia sẻ.

img

Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định, chuyển động thị trường chứng khoán trong năm 2024 sẽ đi cùng nền kinh tế, tăng giảm đi theo kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ đồng điệu với kinh tế vĩ mô của thế giới khi lạm phát được kiểm soát, lãi suất cho vay hạ nhiệt giúp nền kinh tế đi lên.

Khi các doanh nghiệp bất động sản được tháo gỡ khó khăn về tài chính, niềm tin của nhà đầu tư cũng sẽ được củng cố. Qua đó nhà đầu tư lạc quan hơn về thị trường, dòng tiền sẽ đổ về nhóm bất động sản giúp doanh nghiệp cơ cấu vốn, gia tăng khả năng đầu tư của doanh nghiệp và trả nợ trái phiếu.

“Nhìn lại, 2023 là năm chúng ta kỳ vọng khá nhiều vào các yếu tố như bất động sản, pháp lý, tăng trưởng tín dụng, phục hồi về đơn hàng xuất khẩu… nhưng đều chưa được như mong muốn. Sang năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ khó có những đợt tăng, giảm giá mạnh, các động lực tăng trưởng vẫn đến từ nhóm sản xuất, xuất khẩu và đầu tư công”, ông Hải nhận định.

img

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KBSV.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, động lực cho thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết.

Ông Đức Anh dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước đạt 15% - 20%, một phần dựa trên nền năm 2023 thấp. Ở thời điểm hiện tại, P/E thị trường đang ở mức 15 lần, ở mức trung tính là cơ sở để có thể đánh giá thị trường 2024 có chuyển biến tốt hơn.

"Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi", vị chuyên gia cho hay.

Nói về động lực và trợ lực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam 2024 từ bối cảnh vĩ mô, ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE cho rằng, biến số liên quan đến lạm phát cần được chú ý.

Trong năm 2024, dự kiến tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và đây là yếu tố cần để tâm đến trong năm tới. Nếu áp lực lạm phát căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường. Bên cạnh đó, tín dụng khó cung ra thị trường và đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp kỷ lục trong năm 2024 cũng là những trở lực cần đặc biệt chú ý trong năm sau.

Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, sự phục hồi của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ là bệ phóng mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán 2024.

“Thời điểm VN-Index bứt phá khỏi khu vực kháng cự này có thể đến vào giữa hoặc cuối năm 2024. Nếu bứt phá thành công, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận đột biến cho danh mục”, ông Hoà nói.

img

Trong nguy có cơ

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, 2024 vẫn là một năm còn tiềm ẩn nhiều lo ngại đối với kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Doanh nghiệp có thể đối mặt với những thách thức mới về sản xuất kinh doanh, đầu ra, nguồn cung… Trong khi đó, nền kinh tế luôn tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán và thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế.

“Nền kinh tế cứ lúc sốt nóng, lúc sốt lạnh thì hàn thử biểu này cũng sẽ gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, đây chính là cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn nhận lại chính mình, từ đó khắc phục những điểm còn yếu, còn thiếu, thanh lọc lại thị trường để phát triển thị trường an toàn, lành mạnh và bền vững”, ông Chi chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong năm 2024, cần triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán sao cho thích ứng được với sự thay đổi của thời cuộc.

Cần đặc biệt quan tâm, chú trọng vào công tác giám sát thị trường và tiến thêm một bước dài hơn của năm 2023 là giữ cho thị trường phát triển một cách minh bạch, công bằng, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm kể cả cá nhân, tập thể sao cho các chủ thể khác tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam cảm thấy yên tâm.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, không để hàng hóa kém chất lượng được giao dịch trên thị trường, đồng thời đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

img

Thị trường chứng khoán năm 2024 được kỳ vọng sẽ bứt phá.

NGUOIDUATIN.VN |