Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, trước khi trở thành một doanh nhân, ông là một kỹ sư nông nghiệp rồi làm đến Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang, khi chuyển sang tiếp quản một công ty, một doanh nghiệp, ông có cảm xúc thế nào?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Thật tình mà nói, việc tôi được thay đổi vị trí công tác là theo phân công, đảng viên mà, phân công là làm thôi. Hồi đó, tôi đang là Phó Giám đốc Sở phụ trách đến 13 công ty của ngành nông nghiệp tỉnh, phạm vi rộng lớn, công việc nhiều nhưng không sâu.
Lúc đó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang mới gọi điện cho tôi, bảo rằng có một đơn vị mà ông ấy muốn củng cố, dù không lớn, công việc không quá nhiều nhưng đây là cơ hội để tôi thể hiện khả năng. Ông ngỏ ý muốn giao nhiệm vụ này cho tôi.
Tôi đồng ý sự điều động, nhưng bảo: “Em sẽ làm theo cách của em”. Giám đốc Sở Nông nghiệp có nói lại với tôi rằng: “Tao đã bàn rồi, chuyện này chỉ có giao cho mày thôi. Thế nên việc của mày thì mày làm, miễn là đừng có sai luật”.
Dù chỉ là câu nói thôi, nhưng đó là thỏa thuận về cách làm việc, nội hàm luôn cả cơ chế làm việc, tức lãnh đạo cho phép mình được làm theo hướng thông thoáng, không bị kiểm soát một cách gắt gao như thời đó.
Có điều cũng phải nói thật, tôi không thích xuống một đơn vị nhỏ đâu. Bởi nó nhỏ nhất trong 13 đơn vị mình quản lý, không có nhiều cơ hội để thách thức. Nhưng với ý thức chấp hành, và đối với tôi, làm là làm cho hết sức, làm cho tận cùng bằng khả năng của mình.
Vậy nên tôi hào hứng bắt tay ngay vào công việc, tôi xem đó cũng là cơ hội, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng mình được làm theo cách của mình và kỳ vọng vào kết quả, sự thay đổi do mình tạo ra.
NĐT: Kinh doanh khi đất nước vừa mới bước vào giai đoạn đầu của đổi mới, ông đã gặp những khó khăn như thế nào trong quá tình tạo dựng doanh nghiệp của mình?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Nếu mà nói khó khăn thì vô vàn, nhiều thứ lắm, chỉ có điều mình nghĩ khác người ta. Mình cũng khó, người ta cũng khó, nên chỉ cần mình dễ dàng hơn người ta thì đó là điểm tựa giúp mình sẽ vượt lên tốt hơn người khác. Ở đây chính là việc lãnh đạo cho tôi được làm theo ý mình, trong khi, các đơn vị khác bị ràng buộc nhiều bởi cơ chế, luật lệ lúc bấy giờ.
Mình ra đời với quy mô nhỏ, ít được đầu tư, hỗ trợ, nhưng cái lớn nhất có được là cơ chế. Điều đó không khác gì việc mình được thoát khỏi trói buộc của số đông bấy giờ.
Thử hình dung đi, nếu cùng thi bơi lội với nhau, một người bị trói tay trói chân thì sao có thể bơi nhanh hơn người bình thường, tự do được. Đó là điều kiện thuận lợi nhất cho công ty Bảo vệ Thực vật An Giang nhanh chóng vươn lên.
Nhìn lại suốt quá trình phát triển của Bảo vệ Thực vật An Giang hồi đó cũng như Tập đoàn Lộc Trời sau này, không thể không ghi nhận dấu ấn sâu sắc, sự quan tâm, hỗ trợ lớn lao của UBND tỉnh An Giang.
NĐT: Vậy trong nhiều năm bươn chải, kinh doanh, có những kỉ niệm nào theo ông đến tận bây giờ không?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi là lần đầu tiên chống dịch. Hồi đó, quy mô dịch bệnh lớn mà giải pháp, điều kiện để tổ chức chống dịch còn nhiều yếu kém. Điều này khiến tôi rất lo lắng.
Khi mới chuyển sang được 2 năm, tôi có cảm nhận về một loại dịch bệnh mới, là dịch rầy nâu. Nói cảm nhận là bởi bộ máy dự tính, dự báo, cán bộ kỹ thuật, phòng thí nghiệm, thông tin thời đó còn thiếu và yếu, tạm gọi là sơ khai.
Giờ vẫn thấy, niềm tin thời đó vững chắc đến độ tôi dám bán một phần tài sản, huy động vốn, vay vốn để dự trữ lượng thuốc chống rầy rất lớn, chẳng những đủ cho cả tỉnh An Giang mà có thể giúp cho các tỉnh lân cận, một phần cho cả Campuchia.
Vì đã có dự báo từ trước nên chúng tôi đã ở trong tư thế chủ động chống dịch, có tổ chức, có phân công. Khi dịch nổ ra thì ngay lập tức các đội chống dịch tỏa đi các nơi, rất chủ động và kịp thời. Mới thấy, bộ phận anh em dự tính, dự báo dù đơn sơ nhưng có cái hay của họ.
Kết quả, chúng tôi gần như cứu một bàn thua trông thấy, không những cho tỉnh An Giang mà còn cho Đồng Tháp, một phần của Long An,..
Làm được điều đó với Lộc Trời ở thời điểm hiện tại là bình thường nhưng ở thời đó chúng tôi chỉ là đơn vị mới ra đời, đơn sơ, không hề có xuất khẩu, làm được như vậy là điều vượt hơn khả năng.
NĐT: Không ít đơn vị làm nông nghiệp nhưng ko phải ai cũng đi được đường dài và có những dấu ấn như Lộc Trời. Nếu không trở thành doanh nhân, ông nghĩ sự nghiệp của mình có thăng hoa như bây giờ không?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Nếu mà nói về sự thăng hoa, tôi nghĩ là mình thăng hoa chưa nổi đâu, bởi còn biết bao điều trăn trở, suy tư.
Từ nhỏ đến lớn hầu như tôi không tính toán việc mình sẽ làm gì, nhưng đã làm thì cứ vậy mà làm tới. Như việc được phân công về làm doanh nghiệp ngày ấy, tôi không tính trước, cũng không xin nhưng cũng không nghĩ đến việc bỏ cuộc. Hình như đó là bản tính, mỗi người đều luôn có một bản tính. Có người linh hoạt, năng động, xoay xở còn tôi phần lớn theo sự đưa đẩy và phân công. Nhưng nghĩ lại, có lẽ tôi gặp may, gặp duyên lành, để đưa mình đến những vị trí phù hợp với mình.
Giữa con đường làm Nhà nước với làm kinh doanh thì tôi nghĩ đơn giản, ở đâu cũng là làm việc, ở đâu cũng là cống hiến. Tuy nhiên, tôi cảm nhận nếu mình vẫn làm trong khối Nhà nước có lẽ sẽ phải gồng mình, bó buộc hơn với biết bao quy định so với làm doanh nghiệp. Cho nên sau này khi cấp trên có ý định rút tôi ra Hà Nội, tôi có nói với lãnh đạo tỉnh An Giang và ông Trưởng ban Tổ chức Trung ương lúc đó rằng: “Tôi hợp làm việc ở doanh nghiệp hơn. Bởi vốn tôi là con người thích tự do. Việc chịu sự gò bó, ràng buộc khuôn khổ của tôi kém”.
Kém ở đây là trong sự so sánh giữa hai môi trường làm việc, còn nếu phải làm tôi nghĩ mình cũng sẽ vào khuôn khổ như mọi người thôi. Nhưng cuộc đời cho mình được lựa chọn và tôi chọn như vậy.
Ham muốn của tôi là được làm những điều trong khả năng của mình, làm tốt để đóng góp cho sự đi lên của gia đình và xã hội. Mà cán bộ Nhà nước đâu có được làm giàu về cuộc sống mặt vật chất. Dù bây giờ không giàu hơn ai nhưng rõ ràng so với những người làm Nhà nước thì tôi có thu nhập cao hơn, đời sống khá hơn.
Nhưng rồi, khi mà trong thâm tâm mình cũng còn có lúc đi so đo những thứ đó thì nghĩa là mình không vô tư, không hoàn toàn tốt. Thế thì sao mà thăng hoa được. Mình không tận dụng điều kiện kinh doanh để giàu có, nhưng mình vẫn mong muốn được sống thoải mái hơn so với khuôn khổ eo hẹp của đồng lương Nhà nước. Thật lòng phải thừa nhận điều đó, không giấu diếm.
NĐT: Doanh nhân Huỳnh Văn Thòn thường chia sẻ nhiều đến nhân nghĩa, đến cái tình, làm doanh nghiệp, làm kinh doanh mà nặng tình cảm như vậy liệu có thua thiệt không?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Câu hỏi này người ta hay đặt ra lắm, đôi khi gây ra sự mâu thuẫn. Nhưng như một lẽ sống ở đời, người có điều kiện hơn thì phải có một phần trách nhiệm giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Vậy nên, ở Lộc Trời, chúng tôi không chỉ có hợp lý mà còn có đạo lý.
Tôi chỉ nghĩ đó là đạo đức làm người phải có, nó khiến tôi tin rằng mình đúng. Nếu mà như vậy thì đâu thể nói đến hơn thiệt. Điều đó thôi thúc tôi đưa ra những quyết định rất tự nhiên, không cần phân biệt giữa lợi ích, thiệt hại của mình với mục tiêu là lợi ích xã hội. Làm một cách không tính toán, không sợ, không ngại.
Người Việt Nam chúng ta hay nói là thấu tình, đạt lý. Điều này rất phù hợp với trường hợp của Lộc Trời.
NĐT: Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ có sự đam mê, cống hiến sức mình nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần trang bị cho mình những gì?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Theo truyền thống, ông bà nói luôn “có chí thì nên", các bạn trẻ cần có ý chí, phải kiên trì, học hành, đầu tư.
Xu thế hiện nay, xã hội mở, thông tin và kiến thức được cập nhật liên tục nhưng với mọi sự thay đổi vì vậy cũng rất nhanh chóng. Do đó, tôi nghĩ rằng việc chủ động thích ứng là quan trọng nhất. Không phải hay, giỏi mà chính là khả năng thích ứng của từng người sẽ là chìa khóa. Còn cách thích ứng như thế nào lại là chuyện khác.
Điều này dẫn đến những triết lý hay những giá trị trước đây cũng cần thay đổi. Ví như trước đây chúng ta hay chúc nhau là “Vạn sự như ý” giờ cần ngược lại là “Ý như vạn sự”, bởi vì mình phải chủ động thích ứng với hoàn cảnh chứ không phải hoàn cảnh theo mình.
Không chỉ các bạn trẻ mà mọi người cần hiểu rằng, hòa hợp là xu thế để giải quyết xung đột, không quá nghiêng về thắng hay thua; hài hòa để giảm bớt xung đột, bỏ đi cạnh tranh. Đó là cách thích ứng trong điều kiện mới khi mọi thứ minh bạch hơn nhờ công nghệ thông tin và thế giới phẳng.
NĐT: Ở trường hợp của Lộc Trời, là người đi trước có nhiều trải nghiệm, ông tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển như thế nào?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Ở Lộc Trời có truyền thống biết ơn và chia sẻ giữa các thế hệ. Khi Lộc Trời chuyển đổi liên tục có những người không thích nghi được phải ra đi. Tất cả các cuộc đi lên luôn luôn là thách thức, càng về sau càng leo cao, càng mở rộng thì thử thách càng nhiều, cam go càng lớn nhưng đổi lại là sự vinh quang.
Cho nên Lộc Trời coi đó là cuộc chạy tiếp sức và tất cả những thành quả đạt được đều ghi đậm dấu ấn của tất cả thành viên, không loại trừ một ai.
Điều đó cũng có nghĩa rằng các thế hệ đi trước phải có trách nhiệm trao truyền niềm tin, khả năng thích ứng cho giới trẻ. Cụ thể là phải tạo mọi điều kiện, giao quyền, phân quyền để thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và áp dụng trong bối cảnh của từng thời kỳ, từng nơi.
NĐT: Là người dẫn đầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, cũng là người tiếp xúc trực tiếp với nông dân, nông nghiệp nước nhà, ông thấy nông nghiệp hiện nay khác gì so với ngày trước?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Về mặt truyền thống, bản chất của nông dân gần như không thay đổi, đó là sự cần cù. Bên cạnh đó, ngoài việc thừa kế kinh nghiệm, tận dụng kiến thức từ đời trước để lại, nông dân Việt Nam còn có sự thông minh, sáng tạo, ham học hỏi, cầu thị. Đó là đặc điểm tốt, rất đáng quý, trân trọng của bà con nông dân mình, khác với các quốc gia khác.
Nhưng cũng phải nhìn thẳng vấn đề, một bộ phận dù cầu thị nhưng không có thông tin, không có ai hỗ trợ và hướng dẫn thì đương nhiên họ không thể tự sáng tạo. Người nông dân thường có tập quán canh tác theo kinh nghiệm thực tiễn nên cần phải nghe, phải nhìn một cách trực quan thì mới hiểu, mới tin được. Trong xu thế mới, chúng ta có nhiều điều kiện hơn để làm những điều như vậy để làm thay đổi cách tiếp cận trong sản xuất của bà con nông dân.
Với nhiều nỗ lực thay đổi, ngày nay, đang dần xuất hiện một thế hệ nông dân rất mới, rất khác so với trước đây, đó là may mắn và là sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển và cơ hội để đi lên thành nền nông nghiệp hiện đại không còn quá xa.
Có điều chúng ta đang thiếu vốn đầu tư, cũng như chính sách thuyết phục bà con nông dân từ bỏ lối làm ăn manh mún nhỏ lẻ. Khắc phục được những điểm trên sẽ giúp đưa khoa học kĩ thuật nhanh chóng vào ứng dụng đồng bộ, để góp phần giải quyết bài toán năng suất, mùa vụ, tiết kiệm được chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, cũng giảm bớt những nhọc nhằn của người nông dân.
Điều này không hoàn toàn nằm ở người nông dân mà nằm còn ở những chính sách thúc đẩy phát triển hiện nay. Nhưng tôi tin rằng, đối với xã hội nói chung và nông dân nói riêng, một khi nhìn thấy vấn đề và cùng với tìm hướng đi thì sớm hay muộn cũng sẽ giải quyết được.
NĐT: Thời gian qua, lúa gạo là vấn đề nóng hổi của ngành nông nghiệp. Ngay trong bối cảnh đó, Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp đi đầu, đón thời cơ với nhiều đơn hàng được ký có giá trị cao với đối tác nước ngoài. Để có được những thành quả bước đầu trên, Lộc Trời đã có kế hoạch hay những chuẩn bị gì?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Người ta nói, Lộc Trời đang gặp may mắn. Nhưng với tôi, may mắn là sự gặp nhau giữa chuẩn bị và cơ hội. Ví dụ, khi trời hạn hán, mưa là cơ hội cho mọi người, nhưng ai có sự chuẩn bị người ấy sẽ tích trữ được nhiều nước. Nói vậy để thấy sự khác biệt của người có chuẩn bị với người không chuẩn bị khi cơ hội đến.
Trước đây, sản xuất nhiều nhưng chúng ta còn phải lo về đầu ra tiêu thụ, tồn kho. Có những lúc phải đi năn nỉ để đảm bảo đầu ra, do vậy mà người mua có quyền thương lượng lớn hơn. Nhưng bây giờ thì khác hơn, người mua phải đi tìm kiếm và đặt hàng.
Với Lộc Trời, để chuẩn bị cho việc chủ động của người bán, chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với nông dân - Lộc Trời với nông dân là một. Trước bối cảnh hiện nay, chúng ta bị lung lay bởi nhiều biến động. Nhưng nhìn một cái cây, khi có lực tác động làm nó lung lay, muốn đứng vững thì gốc rễ càng phải chắc. Công cuộc của chúng tôi, lấy nông dân làm gốc. Đi xuống với nông dân, ngồi xuống cùng nông dân là điều chắc chắn nhất. Triết lý kinh doanh của Lộc Trời không gì hơn là cùng nông dân phát triển bền vững. Không có bà con nông dân, Lộc Trời không thể thực hiện được sứ mệnh, chiến lược và mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
NĐT: Lại nói đến câu chuyện vươn ra biển lớn, với những lợi thế hiện nay, theo ông cần làm gì để nâng tầm gạo Việt?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Ai cũng mong điều đó. Chúng ta đã có nhiều chiến lược, làm rồi nhưng cũng chưa vừa lòng với kết quả.
Hiện nay, giá gạo của Việt Nam đã cao hơn gạo Pakistan, Ấn Độ, thậm chí còn cao hơn giá gạo ở Thái Lan - một cường quốc về xuất khẩu gạo. Giá trị tăng, thương hiệu của gạo Việt Nam đang duy trì khá tốt. Mình không thỏa mãn nhưng mình tự tin đó là kết quả đáng mừng và đáng trân trọng.
Bây giờ vấn đề là chỗ đứng của gạo Việt Nam chưa vững, lợi ích chưa nhiều, cần tiếp tục cải cách, điều chỉnh, đầu tư. Thứ nhất là tổ chức lại sản xuất, thứ hai là đầu tư khoa học và công nghệ. Thứ ba là cần phải có ý thức trong việc xây dựng cơ cấu giống, quy trình canh tác cho tới kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vườn trồng. Mục đích là để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh.
Điều mà Lộc Trời đã và đang quyết tâm làm và chắc chắn sẽ làm được là đẩy trạng thái khách hàng từ tin dùng sang yêu mến sản phẩm, yêu mến đất nước Việt Nam. Từ đó yêu mến người nông dân làm ra hạt gạo, để khách hàng biết đến câu chuyện “một nắng hai sương” khổ cực như thế nào.
Người nông dân chắt chiu từng giọt mồ hôi, tính toán đủ cách làm sao cho hạt gạo được ngon, đẹp, không độc hại để tới tay người tiêu dùng kịp thời đúng lúc, có hình thức, có mẫu mã hấp dẫn. Và chắc chắn rằng ở đó chúng tôi muốn gửi tấm lòng, muốn người ta yêu mến, biết ơn người cung cấp gạo cho mình ăn chứ không đơn thuần chỉ là nhu cầu trao đổi mua và bán.
Điều cần nói lúc này là về giao thương, nhưng thời gian gần đây, tôi thấy vấn đề này đang trong trạng thái thay đổi. Càng ngày càng có nhiều đối tác đến tìm kiếm nguồn gạo Việt Nam, chấp nhận mua với giá cao kèm theo một số điều kiện đặt ra của chúng ta. Họ tỏ ra nghiêm túc, làm ăn bài bản và chuẩn mực, xác định buôn bán lâu dài với mình.
Tôi hy vọng đây là bước mở đầu để Việt Nam có những đơn đặt hàng lớn từ đối tác nước ngoài. Và họ trở thành những nhà đầu tư hợp tác sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Biến nền kinh tế lúa gạo thành nền kinh tế đầu tư, cho cả hệ thống chế biến, chế biến sâu, phụ phẩm và phế phẩm. Coi đây là những sản phẩm thứ cấp để tạo ra giá trị gia tăng, thu nhập cho bà con nông dân. Đó chính là những bước đi, lộ trình mà chúng tôi đang hướng tới, mong mỏi và tin tưởng chắc chắn sẽ làm được.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
NGUOIDUATIN.VN |