Những ngày tháng Tám, khi Ấn Ðộ và một số quốc gia có chính sách hạn chế xuất khẩu khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của nước ta đang đà tăng và tạo điều kiện cho giá lúa gạo trong nước nhích lên trong những tuần qua. Hoạt động thu mua lúa gạo tại nhiều địa phương vùng Ðồng bằng sông Cửu Long cũng diễn ra sôi động. Bên cạnh thu mua lúa hàng hóa vụ Hè Thu, tiểu thương và doanh nghiệp tìm đến tận ruộng của nông dân để đặt hàng mua lúa vụ Thu Đông 2023 từ khá sớm khi lúa mới bắt đầu làm đòng và trổ bông.
Vụ Hè Thu 2023, ông Tô Thành Mông, ngụ ấp Ðông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, Tp.Cần Thơ có 29 công lúa sạ giống OM 5441. Hiện, lúa đã được 50 ngày tuổi và đang bước vào giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ. Lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh và hiện đã có thương lái đặt tiền cọc mua lúa nên ông Nông an tâm về đầu ra, tập trung chăm sóc để lúa đạt năng suất cao.
Ông Mông cho biết: “Cách nay hơn 1 tuần, gia đình tôi đã nhận tiền cọc 300.000 đồng/công để chốt giá bán lúa tươi ở mức 6.800 đồng/kg. Dù dự đoán giá lúa có thể còn tăng nhưng tôi thấy mức giá này đã cao hơn 1.000 đồng/kg so với vụ Thu Đông năm trước, đảm bảo có thể kiếm lời và tôi cũng lo thị trường có những biến động khó đoán nên quyết định bán lúa”.
Hiện, nông dân đang mong đến thời điểm thu hoạch, giá lúa tiếp tục tăng và bình ổn ở mức cao để thuận lợi tiêu thụ. Bởi lẽ, “nếu thấy giá lúa bị giảm mạnh, thương lái hạ giá thu mua xuống, còn không họ sẵn sàng bỏ tiền cọc chứ không chịu mua lúa như giá đã thỏa thuận ban đầu”.
Còn anh Lê Văn Ðen ngụ khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ có 4 công lúa sạ giống OM 5451 và sắp thu hoạch.
Đầu tháng 8/2023, ruộng lúa của anh Đen đã có thương lái đến ngỏ ý đặt tiền cọc mua lúa nên anh đã nhận tiền cọc thỏa thuận tới lúc thu hoạch sẽ bán lúa tươi tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn khoảng 1.200 đồng/kg so với vụ Thu Đông 2022. Với giá bán đó và năng suất lúa đạt khoảng 800kg/công, anh Đen ước tính vụ này “có thể kiếm lời trên 2 triệu đồng/công”.
Ghi nhận chung cho thấy, các giống lúa OM 5451 và OM 18 của vụ Thu Đông 2023 trên địa bàn Tp.Cần Thơ đã được nhiều thương lái đặt cọc mua lúa tươi của nông dân với giá từ 6.800-7.200 đồng/kg.
Trong khi đó, lúa tươi OM 5451, OM 18 và Ðài thơm 8 vụ Hè Thu 2023 đang được nông dân tại nhiều tỉnh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long bán cho thương lái ở mức từ 7.100-7.600 đồng/kg, lúa Nhật ở mức 7.800-8.000 đồng/kg.
Ông Ngưu Bá Phúc, ngụ xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết lúa OM18 và Đài thơm 8 được thương lái mua với giá 7.800 đồng/kg, tăng hơn 300 đồng/kg so với trước đó nên “bà con nông dân rất phấn khởi”, “chưa bao giờ giá lúa hè thu cao ngất ngưởng như vậy”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện nay ở các địa phương giá lúa đang dao động từ 7.800 – 8.000 đồng/kg (với lúa Hè Thu). Mức giá này đã vượt xa so với cùng kỳ năm trước. Do giá lúa gạo nội địa ở mức cao nên doanh nghiệp đã tạm ngừng thu gom.
Theo ông Thành, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp không giữ hàng mà đều tập trung bán ra. Bởi doanh nghiệp lo ngại thị trường biến động quá nhanh và không dự đoán trước được những động thái từ các quốc gia khác. Do vậy, việc giữ hàng rủi ro cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing, Công ty TNHH Vrice chỉ ra, “cò” lúa và một số thương lái vẫn có tình trạng găm hàng khi mua lúa của dân sau đó sấy và trữ hàng ở kho của các cơ sở tư nhân nhỏ.
“Có tới hơn 95% diện tích lúa Hè Thu của nông dân đã nhận cọc từ thương lái 20-30 ngày trước khi thu hoạch. Do đó khi giá lúa tăng thì thương lái là người có lời nhiều nhất còn nông dân chỉ được phần nhỏ”, ông Có nói.
Trong khi đó, với những đơn hàng lớn từ vài chục ngàn tấn, do không có hàng để giao nên một số doanh nghiệp đành xin trì hoãn thời gian giao. Chẳng hạn như Công ty Trung An, ông Phạm Thái Bình cho biết, nếu tính theo giá lúa nội địa như hiện nay doanh nghiệp phải chào bán ở mức 670 USD/tấn mới có lợi nhuận. Tuy vậy doanh nghiệp hiện chào bán không được mức giá đó, chưa kể các hợp đồng đã ký từ vài tháng trước giá đều dưới 600 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng tăng cao và còn dư địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm nay.
“Tiếp tục bán thì lỗ. Chúng tôi buộc phải thương lượng với đối tác dời thời gian giao hàng sang vụ Đông Xuân. May mắn là đối tác cũng thông cảm và đồng ý lùi đơn hàng khoảng 20.000 tấn sang một thời điểm thích hợp hơn để tránh mua giá cao lúc này”, ông Bình chia sẻ.
Ngoài Trung An, có nhiều doanh nghiệp khác cũng buộc phải đàm phán để trì hoãn giao hàng sang tháng 9/2023 vì khó thu mua, thậm chí có doanh nghiệp còn hủy hợp đồng.
Dự báo về thị trường từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cho biết, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục có những biến động mạnh. Trong bối cảnh đó, để tránh rủi ro, doanh nghiệp sẽ không ký những hợp đồng quá lớn, mà ưu tiên các hợp đồng nhỏ, ngắn hạn, đặc biệt khi có đủ chân hàng mới ký hợp đồng mới.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông (ORICO) lo lắng vì các doanh nghiệp ngành gạo hiện đang đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng rất nghiêm trọng.
“Vấn đề hiện nay, lúa gạo sang tay quá nhiều, doanh nghiệp không lấy được hàng, giá bị đẩy lên nhiều lần trong ngày, dẫn đến đứt gãy, doanh nghiệp không có hàng để giao cho các hợp đồng”, ông Việt Anh cho biết.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty lương thực Ngọc Quang Phát cho rằng, thực tế trong kho tồn trữ của doanh nghiệp còn rất ít, trong khi mua vào gặp rất nhiều khó khăn, giá lúa gạo tăng từng ngày.
Theo bà Huyền, mưa dầm kéo dài những ngày gần đây nên khả năng chỉ thu được khoảng 50% sản lượng lúa của vụ lúa hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long nên đề xuất “phải cân nhắc lại việc cân đối làm sao có gạo trữ trong nước được an toàn, bán giá cao nhưng số lượng vừa phải và kéo giãn thời gian thực hiện”.
Ghi nhận của Người Đưa Tin tại tại Tp.HCM cho thấy giá gạo có chênh lệch giữa hệ thống siêu thị và chợ dân sinh. Các siêu thị như MM Mega Market, Co.opmart, Emart,... luôn đầy đủ và có một số loại gạo có khuyến mãi.
Ông Lê Hữu Tình, Quản lý cấp cao Marketing Thiso Retail, siêu thị Emart cho biết, nguồn gạo trong nước cũng đang hút hàng như gạo trắng.
Hiện, Việt Nam vẫn ưu tiên xuất khẩu nên các thương lái thu mua gạo trắng nhiều làm giá gạo trắng tăng 3.000 đồng /kg và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, dòng gạo thơm cũng tăng nhẹ do thị trường gạo tăng giá chung nhưng không ảnh hưởng nhiều.
“Nhà cung cấp chỉ có thể giữ bình ổn giá, hạn chế việc chạy khuyến mãi giá rẻ so với trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi đã chốt các chương trình khuyến mãi với nhà cung cấp từ trước và các chương trình khuyến mãi sẽ chạy đến cuối tháng 12/2023. Đồng thời, nhà cung cấp cũng cam kết đảm bảo được lượng hàng đầy đủ. Do có chuẩn bị nguồn hàng từ trước nên giá bán của chúng tôi không thay đổi, sức mua tại siêu thị cũng không tăng đột biến, không có tình trạng mua gom tích trữ”, ông Tình nói.
Tương tự, đại diện Saigon Co.op cho biết, gạo là một trong chín nhóm hàng thực hiện bình ổn theo chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu của Tp.HCM.
Bên cạnh gạo bình ổn Wilmart, Tấn Vương, mặt hàng gạo Co.op Happy tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng cũng có giá tốt tương đương.
“Hiện nay nguồn cung và giá các mặt hàng gạo tại hệ thống vẫn ổn định. Thời gian tới, dù thị trường có biến động, chúng tôi các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ và giảm giá để thiết thực chia sẻ cùng người tiêu dùng. Việc ổn định giá này hoàn toàn khả thi vì Saigon Co.op có nhiều năm kinh nghiệm bình ổn giá cả, có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo”, đại diện Saigon Co.op khẳng định.
Tại các chợ tại quận Tân Bình hay Tân Phú, Tp.HCM cho thấy giá gạo bán lẻ biến động có tăng nhưng hoạt động mua bán gạo diễn ra bình thường.
Bà Thanh, tiểu thương chợ Tân Phú cho biết, một tuần trở lại đây, giá gạo sỉ tăng mạnh 1.000-4.000 đồng/kg, chủ yếu tăng ở loại gạo giá rẻ, gạo cao cấp chỉ tăng nhẹ.
Đơn cử như gạo thơm Thái trước đây nhập 13.200 đồng/kg đến nay nhập 17.000 đồng, cộng chi phí bao bì, vận chuyển phải bán lên 19.000 đồng/kg.
“Mặc dù giá gạo tăng nhưng người dân không có tâm lý lo lắng như mùa dịch vừa rồi mà đổ xô mua tích trữ. Khách hàng quán ăn bình thường mua 50 kg nay cũng chỉ mua như vậy, khách lẻ quên cũng dùng hết gạo mới điện thoại kêu mua thêm”, bà Thanh kể.
Tương tự chị Hòa, đại lý gạo quận Tân Bình cho biết, giá gạo sỉ nhập vào tăng chóng mặt. Cửa hàng chị vừa đặt 10 tấn gạo từ nhà cung cấp tại Tiền Giang, giá tăng 700 đồng/kg.
“Thời điểm này người bán không tính lời lãi nhiều. Ví như gạo Đài Loan xuất khẩu dẻo thơm nhập vào giá 16.800 đồng/kg tôi chỉ bán ra 17.000 đồng/kg. Muốn có lời phải lấy giá 19.000 đồng/kg mới đủ chi phí”, chị Hòa nói.
Nguồn cung gạo tiêu dùng trong nước vẫn dồi dào trong khi đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ nhận định, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu nên nhu cầu lương thực đang là vấn đề lớn.
Bối cảnh hiện nay cho thấy, nguồn cung về lương thực sẽ ngày càng hiếm đi, Ấn Độ không đủ để xuất khẩu nữa, Thái Lan cũng giảm lượng gạo xuất khẩu của họ, bên cạnh đó còn giảm lượng đường do mía của Thái Lan cũng bị thiệt hại rất nặng. Do đó thời gian tới, không chỉ giá gạo tăng mà giá đường cũng sẽ tăng.
“Trong khi đó Trung Quốc thì luôn thiếu gạo, tương tự như một số quốc gia khác như: Philippines, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile đều đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần. Do đó chúng ta có thể đẩy mạnh sản xuất lúa, tăng lượng gạo xuất khẩu”, GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích.
GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất ngành nông nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng cơ hội, nâng cao giá trị cho gạo Việt Nam.
Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, với lượng gạo hiện nay đang có và lúa sắp gặt, đồng thời tăng cường thêm lúa vụ 3, Việt Nam sẽ có đủ gạo cung cấp cho thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Nhất trí với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, GS.TS Võ Tòng Xuân đánh giá, ngoài quy hoạch và điều kiện thủy lợi, đặc điểm trồng lúa của bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất đặc biệt, các nước khác không có.
Ở các nước, giống lúa của họ dài ngày, phải bốn tháng mới được thu hoạch nên chỉ trồng được hai vụ lúa. Còn ở Việt Nam, nhờ kỹ thuật bố trí cơ cấu mùa vụ, quy hoạch vùng trồng một vụ, hai vụ, ba vụ, giống lúa có nhiều loại ngắn ngày, chỉ khoảng 90-100 ngày là thu hoạch được nên chúng ta có thể trồng được ba vụ, năng suất cao.
“Mấy năm nay chúng ta đưa thêm gen ngon cơm vào cây lúa, chất lượng càng tốt hơn nên hoàn toàn yên tâm. Trong khi đó, ở nhiều nước, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo. Tôi thấy rằng đây là thời cơ hiếm có cho hạt gạo Việt Nam nâng lên giá trị cao hơn”, ông Xuân nhấn mạnh.
Nói về thị trường, GS.TS Võ Tòng Xuân gợi ý, các doanh nghiệp không chỉ bán gạo, mà cần tận dụng cơ hội thuyết phục, ký hợp đồng dài hạn để những năm tới tiếp tục cung cấp gạo cho đối tác.
“Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên ký thêm các hợp đồng với đối tác trong năm tới theo kiểu các nước trên thế giới đang bán cà phê, bắp theo giá tương lai. Bán theo giá tương lai, các doanh nghiệp chắc chắn có đầu ra. Các doanh nghiệp khi có đầu ra thì ngồi lại với chính quyền địa phương thuyết phục nông dân khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng đã ký, từ đó hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nguyên liệu một cách đồng nhất, có thể truy xuất nguồn gốc để cung cấp gạo cho doanh nghiệp”, ông Xuân cho hay.
Như vậy, doanh nghiệp là người đi thương thảo hợp đồng xuất khẩu mang về giá cả hợp lý cho nông dân. Nhà nước có hai nhiệm vụ là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để đầu tư trang thiết bị và tập hợp nông dân lại để tạo ra nguồn nguyên liệu. Nông dân phải đổi mới bằng cách tham gia vào các hợp tác xã và chú trọng vào kỹ thuật canh tác góp phần nâng cao chất lượng hạt lúa.
NGUOIDUATIN.VN |