Khủng hoảng của ngành đăng kiểm được khởi đầu từ 26/10/2022 khi Cảnh sát giao thông Tp.HCM chặn một xe tải, phát hiện sai số trong dữ liệu đăng kiểm và thủ đoạn phi pháp của các trung tâm. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã vào cuộc, tiến hành điều tra, xác minh vụ án.

Đến ngày 9/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp.HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 18 bị can để điều tra về các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 62-03D (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và Trung tâm đăng kiểm 50-15D (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM).

Mở rộng điều tra, suốt hơn 4 tháng qua, công an tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước đã khám xét trên 70 trung tâm đăng kiểm, khởi tố hơn 500 bị can về 7 tội danh như: Môi giới hối lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi các thiết bị, phần mềm để sử dụng trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, phương tiện viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác...

Trong số các bị can bao gồm cả Giám đốc, Phó giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên tại các trung tâm đăng kiểm và các đối tượng môi giới; 3 bị can là cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.

Đặc biệt, với kết quả điều tra và tài liệu thu thập được, xác định đủ căn cứ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp.Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; ông Trần Kỳ Hình, nguyên cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội “Nhận hối lộ”.

Có lẽ, cách đây 10 năm (tháng 12/2013), khi trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho ông Trần Kỳ Hình và chức vụ Phó Cục trưởng cho ông Đặng Việt Hà, lãnh đạo Bộ GTVT không thể ngờ đến 10 năm sau, hai cán bộ “được tín nhiệm” này lại trở thành bị can trong đại án tham nhũng lớn nhất từng có của ngành đăng kiểm.

Đến ngày 12/1/2023, tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết định đưa vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Điều này đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án trên.

Theo nhận định của Công an Tp.HCM, vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm là có hệ thống, có tổ chức trên quy mô lớn để lại nhiều hệ lụy tiêu cực trong hoạt động quản lý kiểm định xe cơ giới và công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, tạo phản ứng bức xúc, tiêu cực đối với nhiều người dân có công việc liên quan.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an các đối tượng đã trục lợi chính sách để hưởng lợi cá nhân với số tiền rất lớn. Từ năm 2018-2022, các đối tượng này đã cấu kết 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở ở các tỉnh thành phố để kiểm định cho hàng trăm nghìn phương tiện và cấp giấy phép chứng nhận dù không đủ điều kiện.

Điều này dẫn đến hậu quả nhiều phương tiện không đủ điều kiện được cấp giấy kiểm định, gây ra các hệ lụy về tai nạn giao thông, thiệt hại kinh tế, môi trường và các vấn đề xã hội khác.

Cá biệt như trường hợp 2 đời Cục trưởng Cục Đăng kiểm cùng “dính chàm” đã trực tiếp nhận tiền hối lộ định kỳ hàng tháng, quý của các giám đốc trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm của các trung tâm đăng kiểm này.

Hay như trường hợp bị can Hồ Hữu Tài - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D, khi bị bắt mới vỡ lẽ ra là không biết chữ nhưng được đối tác đưa làm giám đốc trung tâm đăng kiểm, mọi việc đều do cấp dưới thực hiện, kể cả xác nhận kiểm định.

Tuy nhiên, những sai phạm trong ngành đăng kiểm không phải việc ngày một ngày hai mà đã suốt những trong nhiều năm qua và cũng có căn nguyên của nó.

Nhìn lại có thể thấy, trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở về sau, với việc quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng trung tâm đăng kiểm mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp và cá nhân đầu tư.

Chỉ tính riêng năm 2019, đã có tới 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập. Con số này tương đương với số trạm đăng kiểm của 3 – 4 năm cộng lại vào thời điểm trước năm 2019. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến nay cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm, trong đó 64 trung tâm của Sở GTVT, 197 trung tâm thuộc doanh nghiệp và 20 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Không thể phủ nhận việc xã hội hóa công tác đăng kiểm đã giúp cho lĩnh vực này có sự phát triển đột phá trong thời gian qua. Tuy nhiên, chính việc xã hội hóa đăng kiểm cũng đã bộc lộ không ít bất cập đặc biệt là sự xuất hiện của những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng với hành vi bao che, tiếp tay cho nhiều vi phạm lộng hành.

Trước những bất cập nảy sinh cùng với quá trình xã hội hóa công tác đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã buộc phải đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm. Song các giải pháp đưa ra từ 3 năm trước chưa phát huy hiệu quả.

Và cũng cần nói rằng những giải pháp ấy cũng khó có thể có hiệu quả bởi ngay chính 2 đời lãnh đạo của Cục Đăng kiểm cũng chính là người “dính chàm” và những sai phạm đã đến mức độ “có hệ thống, có tổ chức trên quy mô lớn”.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng này, Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng đã có sự buông lỏng trong quy hoạch phát triển các trung tâm đăng kiểm, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng của các trung tâm đăng kiểm và số lượng xe cơ giới. Vì có lợi nhuận cao, có động cơ trục lợi chính sách nên các trung tâm đăng kiểm "mọc lên như nấm". Có những trung tâm không có xe đến đăng kiểm nên phải hạ giá đăng kiểm, cắt bớt các công đoạn kiểm tra để thu hút xe đến đăng kiểm, cạnh tranh nhau nhằm thu lợi nhuận, nhận hối lộ, bỏ qua các lỗi,...

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện nay vừa làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc, vừa trực tiếp quản lý các trung tâm đăng kiểm của mình (có chữ V). Điều này dẫn đến bất cập một số đơn vị vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước như kiểm tra, giám sát công tác đăng kiểm, vừa thực hiện công việc đăng kiểm cho các phương tiện.

"Bất cập này là nguyên nhân dẫn đến vấn đề tiêu cực, buông lỏng quản lý. Các đơn vị tự kiếm tiền, tự trang trải, vừa quản lý nhà nước vừa kinh doanh nên mới dẫn đến hậu quả vừa qua. Hay nói cách khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đá bóng, vừa thổi còi", Trung tướng Tô Ân Xô đánh giá.

Chính bản thân lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng thừa nhận có tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm để thu hút chủ xe, cụ thể như làm sai quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo trong kiểm định xe cơ giới.

"Đáng lẽ các đơn vị cần cạnh tranh bằng cách nâng chất lượng dịch vụ, nhưng nhiều nơi cố tình làm sai quy chuẩn để giữ chân khách hàng", Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An từng nhận định.

Ngoài ra, ông An cũng cho biết để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường thuê đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Chưa kể, bản chất đăng kiểm viên là người làm thuê nên chịu tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định.

Theo Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, chủ trương xã hội hóa đăng kiểm là một chủ trương đúng đắn tuy nhiên quá trình thực tiễn đã không được giám sát, quản lý một cách chặt chẽ. Dẫn đến việc quá nhiều trung tâm đăng kiểm trên cùng địa bàn mà không tính toán đến tổng lượng phương tiện. Đồng thời, quá trình các trung tâm này thực hiện nhiệm vụ, chức năng cũng nảy sinh tiêu cực, cấu kết với nhau vi phạm pháp luật.

“Thực tế, tỉ lệ vi phạm của các trung tâm đăng kiểm tư nhân cao hơn hẳn so với các trung tâm đăng kiểm do các Sở GTVT quản lý cho thấy rõ hệ lụy của việc xã hội hóa tràn lan trong lĩnh vực đăng kiểm. Chúng ta trao quyền nhưng không có cơ chế quản lý chặt chẽ quyền lực được giao dẫn đến lộng quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Đây là bài học rất đau đớn và hồi chuông cảnh tỉnh về việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và nhiều trung tâm đăng kiểm trong cả nước đã khiến chấn động dư luận đồng thời cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác quản lý nhà nước.

Theo Đại biểu này, trước hết và trên hết phải xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ GTVT.

Trong một thời gian dài, công tác quản lý nhà nước đã bị buông lỏng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm được cổ phần hóa.

“Xã hội hóa đăng kiểm là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu và khắc phục được những bất cập, tồn tại phát sinh, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, ở đây là Bộ GTVT, trực tiếp là Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thật sự có trách nhiệm trong quản lý nhà nước, nghiêm minh và cương quyết trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền định kỳ, hằng tháng, hằng quý để bao che các sai phạm không khác gì với hành vi bảo kê, cho thấy những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm không chỉ dừng lại ở việc buông lỏng quản lý mà đã có sự cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật.

Về lý thuyết, mỗi trung tâm đăng kiểm hiện có ba tầng giám sát: Sở GTVT các địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam và cuối cùng là Thanh tra Bộ GTVT. Tuy nhiên thực tế, việc thanh tra, kiểm tra không đem lại kết quả thực chất và rốt ráo.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022 (ngay trước thềm vụ đại án này xảy ra), sau kiểm tra đột xuất của Thanh tra Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ có tổng số 16 đăng kiểm viên và 3 nhân viên nghiệp vụ của 13 trung tâm đăng kiểm bị kỷ luật do sai phạm trong kiểm định. Đáng chú ý, tất cả chỉ dừng ở mức bị kỷ luật và đình chỉ 1-2 tháng, không có trường hợp nào tham nhũng. Trong khi đó, 4 tháng điều tra, công an 32 tỉnh, thành đã phát hiện loạt trung tâm nhận tiền "lót tay", dẫn tới khởi tố trên 500 bị can. Con số này vẫn chưa dừng lại.

Cục Đăng kiểm từng khẳng định có thể kiểm soát 100% kết quả kiểm định, quy trình đăng kiểm qua rà soát dữ liệu và phúc tra. Nhưng thực tế, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định nhiều trung tâm đăng kiểm can thiệp vào hệ thống máy móc tinh vi; hoặc dùng thủ thuật, lấy giấy che thiết bị camera giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam để cho qua xe không đủ điều kiện.

Còn theo ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm một phần ra do công tác phân cấp phân quyền. Theo đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở GTVT trên toàn quốc trong quản lý hoạt động các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn.

"Chỉ riêng lực lượng của Cục Đăng kiểm Việt Nam làm sao có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Do đó, cần gắn trách nhiệm của địa phương cao hơn trong việc này", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 29/05/2023 | 09:00