Đối với người trẻ ở độ tuổi mới lớn thường rất thích thể hiện cá tính, cái tôi cá nhân thậm chí có nhiều người a dua hút thuốc lá từ thuốc lá điếu truyền thống đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… với suy nghĩ để thể hiện đẳng cấp, độ chịu chơi.
Hồi tháng 8/2023, BS. Vũ Văn Hoài - Khoa sử dụng chất và y học hành vi Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, trong quá trình khám bệnh đã tiếp nhận không ít bệnh nhân gặp rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử.
Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân N.T.X. (27 tuổi, tại Hà Nội), được mẹ đưa đi khám do hút thuốc lá điện tử quá nhiều và có các hành vi bất thường.
X. cho biết, cô bắt đầu sử dụng thuốc lá khoảng 8 năm nay. Lúc đầu, sử dụng do tò mò khi đi chơi cùng các bạn. Sau này khi ra trường kinh doanh buôn bán, do áp lực công việc nên X. bắt đầu sử dụng thuốc lá thường xuyên hơn.
Ban đầu cô gái trẻ chỉ dùng thuốc lá điếu, nhưng sau đó chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử. Khoảng một năm trở lại đây, sau khi chia tay bạn trai, X. sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên hơn, dùng số lượng nhiều, mỗi ngày hết khoảng một pod chill.
Theo lời của X. khi hút thuốc lá điện tử cảm thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử giúp mình có thể thoải mái hơn, cơ thể dễ thư giãn, tăng sự tập trung và dễ đi vào giấc ngủ.
“Sau đó, bệnh nhân dùng ngày càng nhiều hơn, vài tháng trở lại đây bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá điện tử liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng 2-3 pod chill. Bệnh nhân luôn trong trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi", BS. Hoài cho biết.
Bệnh nhân có triệu chứng hay nhốt mình trong phòng, chỉ nằm hút thuốc lá điện tử. Có lúc gia đình thấy bệnh nhân nói các câu không liên quan đến nhau, vẻ mặt đờ đẫn, lướt điện thoại trong vô thức, gọi hỏi cũng không để ý hoặc trả lời rất chậm.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thông tin vài năm trở lại đây, hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận một vài ca ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử.
Có trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc rất nặng, lăn quay ra tím tái, sùi bọt mép, co giật, suýt tử vong. Có trường hợp bệnh nhân nhẹ thì đến viện trong tình trạng ngơ ngác, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác, kích thích, lờ đờ, tổn thương các cơ quan nội tạng. Đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử hầu hết là người trẻ và có nhiều trường hợp là học sinh trung học phổ thông.
Gần đây, Khoa Chống độc đã tiếp nhận một trường hợp thanh niên 23 tuổi bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sùi bọt mép, co giật, hôn mê, loạn thần. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ tìm thấy 3 loại chất ma túy có trong thuốc lá điện tử.
Thống kê từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13- 15 tuổi năm 2022: tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%. Có thể thấy chỉ sau 3 năm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.
“Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ”, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá nhận định.
Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) (nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh - 2020).
Ths.Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Phó trưởng ban Kiểm soát Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) chỉ ra 3 ngộ nhận sai lầm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bao gồm: An toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống; là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ.
Bà Trang khẳng định, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường mà thị trường đang sử dụng, đang chấp nhận được kinh doanh và sử dụng hiện nay.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường. Những bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư là ba nhóm bệnh điển hình và chi phí rất lớn, theo bà Trang người bệnh mắc các bệnh này “từ nghèo sẽ trở nên khánh kiệt”, “từ cận nghèo trở thành nghèo” chỉ trong một vài tháng.
Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, đóng gói như sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son, nhiều hương vị (1.800 hương vị) có thể gây nghiện với giá thành rẻ.
“Điều này cho thấy xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên, giảm độ tuổi bắt đầu hút, tăng tỉ lệ nữ hút thuốc lá tại Việt Nam, “nữ hóa” việc hút thuốc lá đây là một nguy cơ rất lớn”, bà Trang nói.
Trao đổi với Người Đưa Tin về các chính sách, cơ chế để quản lý chặt chẽ hơn vấn đề mua bán thuốc lá điện tử, bà Trang một lần nữa nhấn mạnh về quan điểm bảo vệ sức khỏe nên cấm thuốc lá điện tử.
“Khó khăn chính là phải quản lý nguồn cung, không cho phép sản xuất, nhập khẩu thuốc lá điện tử. Để hạn chế nguồn cung cần bắt đầu từ truyền thông để mọi người đặc biệt giới trẻ không tiếp cận, không mua bán các sản phẩm này”, bà Trang nói.
Hiện nay, trẻ em dễ tiếp cận thuốc lá điện tử ở trường học, đây chính là câu chuyện về mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan có liên quan trong việc hạn chế trẻ em tiếp cận.
“Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những phối hợp xây dựng các tài liệu, cẩm nang, hướng dẫn triển khai một số hoạt động trong nhà trường, đưa vào nhà trường quy chế quản lý học sinh, vai trò của người bảo vệ ngăn chặn người bán hàng có thể tiếp cận ở ngoài cổng trường học…. Cùng với đó, vai trò truyền thông để trẻ em nhận thức được cái sai; vai trò quản lý của giáo viên, cha mẹ học sinh trong giám sát con em là điều mà chúng ta hướng tới”, bà Trang nói.
Ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chiến lược cũng nhấn mạnh việc tiếp tục “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.
Còn trong quan điểm, định hướng đề xuất chính sách về kiểm soát thuốc lá mới của Bộ Y tế nhấn mạnh nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Trên thực tế, từ năm 2020 - 2022 Bộ Y tế đã nhiều lần gửi Công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, kiến nghị Bộ Công Thương không đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá mới.
Theo đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe; làm tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ;
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy, các chất gây nghiện. Đồng thời, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là các sản phẩm này đa phần nhập lậu, xách tay, không có khung nào kiểm soát.
Việc bỏ ngỏ này là vấn đề lớn, tác động đến sức khỏe người tiêu dùng, thị trường, thậm chí gây thất thu thuế. Do vậy, cần sớm có khuôn khổ pháp lý về thuốc lá thế hệ mới, nhằm quản lý, giảm hàng hóa nhập lậu.
Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế Trần Thị Trang cho rằng, việc Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện Việt Nam.
Cụ thể, WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng; việc cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự.
Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
“Không cần thiết và không nên ban hành chính sách thí điểm đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bởi đây là sản phẩm có hại, không có lợi ích cho Nhà nước, xã hội và người dân trong việc thí điểm”, bà Trang nói và cho biết ngành Y tế và các bộ, ngành khác còn nhiều vấn đề có tính cấp thiết khác ảnh hưởng đến an sinh xã hội cần phải giải quyết hơn là thí điểm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử không mang lại lợi ích cho ngân sách mà còn tăng gánh nặng chi phí giải quyết bệnh tật, hậu quả xã hội.
Bà Trang cũng kiến nghị, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường và nỗ lực hơn nữa trong phòng chống buôn lậu thuốc lá mới, kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng. Cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha). Đề xuất Quốc hội ban hành Luật, Nghị quyết về chính sách cấm thuốc lá mới.
Bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, điều đáng lo ngại là thuốc lá điện tử và các sản phẩm tương tự dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỉ lệ sử dụng đã ở mức cao. Trong khi đó, chiến lược quảng cáo thuốc lá mới đang trực tiếp nhắm tới giới trẻ với các thiết kế đa dạng kiểu dáng, màu sắc theo đúng "thị hiếu" giới của đối tượng này.
Trước thực trạng ngày càng nhiều đối tượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng nhiều dạng thuốc lá mới khác, bà An cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên.
“Cần sớm ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam”, bà An nhấn mạnh.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ, rẻ hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
“Chúng ta cần phải làm cho giá thuốc lá trở nên đắt đỏ để có thể gần như ngay lập tức tác động đến mức tiêu thụ sản phẩm này. Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm mức tiêu thụ nhanh và trong thời gian ngắn”, TS. Angela Pratt nêu quan điểm, và cho biết WHO đề xuất Chính phủ cân nhắc áp dụng mức thuế cao nhất có thể để đạt được hiệu quả giảm tiêu thụ thuốc lá trong thời gian tới.
Tại tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 12/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam.
Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Trong khi đó, thanh thiếu niên là lớp người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, ham hiểu biết tuy nhiên cũng do đặc tính của lứa tuổi, họ luôn có tính tò mò, thích khám phá thử nghiệm cái mới, muốn thể hiện bản thân nên dễ bị cuốn theo các trào lưu, tệ nạn xấu.
Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, hiện nay các loại thuốc lá mới chưa nằm trong danh mục hàng hóa cấm. Trong khi đây là một sản phẩm nguy hại, rất gần với ma túy. Do vậy, cần có những giải pháp kịp thời, trước mắt, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội nhằm điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá mới.
Đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. 5/10 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (Brunei, Cambodia, Lào, Singapore, Thái Lan).
NGUOIDUATIN.VN |