Trong bài phỏng vấn với Người Đưa Tin (NĐT) nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bamboo Capital đã chia sẻ về tầm nhìn phát triển dài hạn 10 năm tới, với định hướng trở thành Tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam và trong khu vực với 4 lĩnh vực hạt nhân là năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, bất động sản, dịch vụ tài chính. Ông nói rằng, khi xây dựng được một hệ sinh thái đa ngành hỗ trợ nhau, tốc độ phát triển của doanh nghiệp sẽ rất nhanh.

NĐT: Kể từ khi tái cấu trúc vào năm 2019 đến nay, Bamboo Capital đã hoạt động dưới mô hình Tập đoàn tư nhân đa ngành. Cái “được” và “mất” mà chiến lược kinh doanh này đem lại cho Tập đoàn đến thời điểm hiện tại là gì, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn: Bamboo Capital thành lập ban đầu khởi điểm trong lĩnh vực M&A. Khi làm M&A thì chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội tiềm năng và tiến hành M&A nhiều doanh nghiệp, và cuối cùng chúng tôi có 21 doanh nghiệp ở rất nhiều nhóm ngành khác nhau.

Đến năm 2019, ban lãnh đạo Tập đoàn xác định cần tập trung vào việc định hình đâu sẽ là chiến lược, là hình ảnh và là ngành cốt lõi của Tập đoàn trong dài hạn. Khi đó, chúng tôi nhận thấy năng lượng tái tạo sẽ là chiến lược dài hạn của Tập đoàn, lấy trung hạn là bất động sản và lấy hàng ngày là xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Từ đó, Tập đoàn xác định sẽ phát triển dựa trên 4 mảng kinh doanh cốt lõi gồm: năng lượng tái tạo, bất động sản, hạ tầng và dịch vụ tài chính. Điều này giúp Bamboo Capital tạo lập và định hình vững chắc mô hình Tập đoàn đa ngành nhưng có chiến lược, không đầu tư dàn trải mà chỉ hoạt động ở các ngành cốt lõi mà Tập đoàn có kinh nghiệm và lợi thế, giữa các ngành có mối quan hệ tương hỗ, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Chiến lược phát triển đa ngành dựa trên những ngành cốt lõi giúp Tập đoàn tạo được các chuỗi giá trị hỗ trợ lẫn nhau. Và dù phát triển đa ngành, nhưng chúng tôi vẫn tự tin có khả năng kiểm soát rủi ro và nhận định được cơ hội thị trường bởi đây là những lĩnh vực Tập đoàn đã và đang nắm rất rõ.

Tất nhiên, khi xây dựng được một hệ sinh thái đa ngành hỗ trợ nhau, tốc độ phát triển của doanh nghiệp sẽ rất nhanh. Thách thức lớn nhất cho lãnh đạo doanh nghiệp lúc này chính là bài toán làm sao để năng lực quản trị theo kịp tốc độ phát triển của công ty, cả về mặt quản trị các hoạt động kinh doanh lẫn quản trị và phát triển nguồn nhân lực.

NĐT: Đi cùng với sự phát triển, với mỗi doanh nghiệp thì nguồn tài chính là áp lực lớn. Bức tranh tài chính trong quý II/2023 của Tập đoàn thể hiện trên báo cáo tài chính được công bố đã có những cải thiện đáng kể, nhất là tỉ lệ nợ trên vốn đã giảm về mức dưới 1 lần; dòng tiền kinh doanh chuyển từ âm sang dương. Kết quả này cho thấy rủi ro tài chính của doanh nghiệp đã giảm về mức an toàn. Ông nhìn nhận thế nào về kết quả này?

Ông Phạm Minh Tuấn: Việc dùng đòn bẩy tài chính để phát triển mạnh giai đoạn đầu và kiểm soát, giảm dần đòn cân nợ nằm trong lộ trình phát triển mà ban lãnh đạo Bamboo Capital đã thống nhất. Từ đầu năm 2021 đến nay, Bamboo Capital đã liên tục giảm tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu từ 7,14 lần về dưới 2 lần - một con số khá an toàn như hiện tại.

Tính đến cuối quý II/2023, tổng nợ phải trả của Bamboo Capital giảm hơn 1.027 tỷ đồng. Tập đoàn đã chủ động tất toán các khoản nợ vay ngân hàng và các khoản nợ đối tác, nhà cung cấp nhằm kiềm chế chi phí lãi vay và đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất vẫn còn ở mức cao.

Với các nỗ lực kiểm soát và giảm nợ, tỉ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu đã giảm xuống mức dưới 2 lần tại cuối tháng 6 năm nay. Bên cạnh đó, tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng giảm về mức dưới 1 lần.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng đã chuyển từ âm 1.980,4 tỷ đồng tại thời điểm quý II/2022 sang dương 1.382,3 tỷ đồng tại cuối quý II năm nay do Tập đoàn đã chủ động thanh lý các khoản hợp tác bên ngoài và thu hồi công nợ từ đối tác. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng chuyển từ âm sang dương 108,1 tỷ đồng do Tập đoàn đã thoái vốn một số khoản đầu tư.

Tôi đánh giá rằng những kết quả trên là tín hiệu tốt thể hiện việc tích cực quản trị tài chính trong giai đoạn kinh tế khó khăn và cho thấy các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn đang trên đà tăng trưởng bền vững.

NĐT: Nhìn xa hơn trong 5-10 năm tới, trong bối cảnh thị trường liên tục biến động, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, theo ông, Bamboo Capital sẽ duy trì, khẳng định vị thế trên thị trường như thế nào?

Ông Phạm Minh Tuấn: Thời điểm năm 2011, khi anh Nguyễn Hồ Nam (Chủ tịch HĐQT) và các cộng sự thành lập Bamboo Capital, khởi điểm đầu tiên của chúng tôi là đi từ M&A nhưng ngay khi đó, anh Hồ Nam và những cộng sự đã có định hướng xây dựng Bamboo Capital thành một tập đoàn hàng đầu Việt Nam, hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn có tài chính vững mạnh và kinh doanh tốt những lĩnh vực cơ bản ở khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã dần thực hiện được tầm nhìn đó.

Hiện tại cũng như trong tương lai 5-10 năm tới, Bamboo Capital tiếp tục giữ vững định hướng sẽ trở thành một trong những Tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam và trong khu vực với các lĩnh vực hạt nhân là năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, bất động sản, dịch vụ tài chính.

Thực tế, thị trường luôn thay đổi, với hơn 10 năm phát triển, Bamboo Capital sẽ tiếp tục hành trình, tiếp tục con đường đã chọn, mong muốn đóng góp tích cực vào định hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch, phát triển bền vững của đất nước, kiến tạo những công trình đột phá giúp thay đổi diện mạo quốc gia, mang đến các dịch vụ, sản phẩm tài chính chất lượng cho người Việt.

NĐT: Nói về chiến lược dài hạn là năng lượng tái tạo, thời điểm năm ngoái, khi Người Đưa Tin thực hiện phỏng vấn ông thì Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ của Tập đoàn khi đó chưa được công nhận vận hành thương mại theo giá điện chuyển tiếp. Và thời điểm này, tôi phải dành lời chúc mừng khi Nhà máy đã được đấu nối vào lưới điện quốc gia, trở thành dự án được công nhận vận hành thương mại sớm nhất trong các dự án chuyển tiếp. Đây cũng là mảng đóng góp lớn cho doanh thu của Tập đoàn trong quý II/2023. Vậy xin hỏi, chiến lược tiếp theo của Bamboo Capital với lĩnh vực năng lượng tái tạo là gì?

Ông Phạm Minh Tuấn: BCG Energy - công ty thành viên phụ trách mảng năng lượng tái tạo của Bamboo Capital - đang vận hành khoảng 600 MW, đang triển khai 229 MW và có kế hoạch triển khai 670 MW trong thời gian tới. Các dự án điện mặt trời đã hoàn thành đều được đấu nối vào lưới điện quốc gia và mang về dòng tiền ổn định cho Bamboo Capital.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua, Bamboo Capital sẽ tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời và điện gió đang xây dựng. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng nghiên cứu thêm các công nghệ về điện sinh khối, hệ thống tích trữ điện năng và quan sát cơ hội để phát triển mạng lưới truyền tải trong trường hợp chính sách nhà nước cho phép.

Mục tiêu của Bamboo Capital là đến năm 2025 sở hữu khoảng 1,5 - 2GW công suất năng lượng tái tạo đang hoạt động.

NĐT: Năng lượng tái tạo vốn dĩ là ngành thâm dụng vốn, tức cần nguồn tiền dồi dào để đầu tư. Trong năm qua, thị trường trái phiếu gần như đóng băng, việc huy động vốn vay trở nên khó khăn và kèm theo các quy định ngặt nghèo. Điều này phải chăng đã khiến Tập đoàn hướng đến tìm kiếm các nguồn tài trợ từ nước ngoài, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn: Trong bối cảnh lãi suất trong nước tăng cao như thời gian vừa qua, huy động vốn qua kênh ngân hàng và trái phiếu đều có những khó khăn nhất định. Vì vậy, Bamboo Capital đã quyết định tận dụng thế mạnh là kinh nghiệm và khả năng làm việc với các tổ chức, định chế tài chính quốc tế để tìm kiếm nguồn vốn ngoại với lãi suất rẻ hơn trong nước.

Lợi thế của Bamboo Capital là đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, đây là lĩnh vực của tương lai, được các tổ chức tài chính quốc tế ưu tiên dành nguồn tín dụng xanh đễ hỗ trợ phát triển.

NĐT: Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn cho biết năm nay sẽ không mở rộng ở các mảng khác, chỉ tập trung đi sâu đầu tư cho các mảng hiện tại, bên cạnh đó sẽ tìm kiếm thêm các đối tác chiến lược. Vậy Tập đoàn đã dồn lực để thực hiện kế hoạch này trong nửa đầu năm ra sao?

Ông Phạm Minh Tuấn: Như tôi đã chia sẻ thì Bamboo Capital đã định hình khá vững chắc mô hình hoạt động đa ngành với các ngành nghề cốt lõi là năng lượng tái tạo, bất động sản, hạ tầng, dịch vụ tài chính và sản xuất.

Từ cuối năm 2022, chúng tôi đã xác định năm 2023 và 2024 thị trường còn phải đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy sau khi định hình được mô hình đa ngành, Bamboo Capital tập trung phát triển theo chiều sâu mà không mở rộng đầu tư các lĩnh vực khác.

Từ đầu năm 2023 đến nay, thay vì M&A dự án mới, chúng tôi ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án đang trong quá trình xây dựng. Với các công ty mới M&A như Bảo hiểm AAA hay Tipharco, chúng tôi tập trung tái cấu trúc, tối ưu hóa bộ máy hoạt động và mở rộng kênh bán hàng để gia tăng doanh số.

Kết quả đạt được đến thời điểm này khá tích cực, các công ty chủ chốt như BCG Energy, BCG Land, Tracodi vẫn hoạt động ổn định và đóng góp lớn vào doanh thu Tập đoàn. Đặc biệt, Bảo hiểm AAA và Tipharco đều có kết quả kinh doanh đột phá so với giai đoạn trước đó.

Những nền tảng, giá trị và chiến lược mà Bamboo Capital xây dựng được khá nhiều nhà đầu tư uy tín quan tâm. Chúng tôi đã và đang làm việc với một số đối tác để chọn ra những đơn vị phù hợp có chung tầm nhìn, có thể đồng hành lâu dài.

NĐT: Mảng hạ tầng của Tracodi đang là điểm sáng giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội. Hẳn là Bamboo Captital đã dồn lực cho mảng hạ tầng của Tracodi để có thể hưởng lợi từ chính sách này?

Ông Phạm Minh Tuấn: Tracodi là đơn vị thành viên Bamboo Capital có kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực xây dựng - hạ tầng. Tracodi là một trong số ít nhà thầu có chứng chỉ xây dựng hạng 1, doanh thu của Tracodi trong lĩnh vực hạ tầng rất tốt, hoàn toàn đủ điều kiện dự thầu các dự án hạ tầng lớn.

Ban lãnh đạo Tập đoàn nhận định đầu tư công sẽ là lĩnh vực dẫn dắt kinh tế phục hồi hậu đại dịch. Tracodi hiện đang thi công dự án đường lăn sân bay Phan Thiết, dự án nối Quốc lộ 13 - Võ Nguyên Giáp - Đông Anh (Hà Nội), Tracodi đang đề xuất với tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam tỉnh Sóc Trăng, tuyến đường trục động lực Đức Hòa (Long An) theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ngoài ra, chúng tôi cũng để Tracodi tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng theo trục dọc và trục ngang khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, chúng tôi cũng để Tracodi tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng theo trục dọc và trục ngang khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

NĐT: Nhìn từ kết quả nửa đầu năm, trong năm nay mảng nào sẽ đóng góp lớn cho bức tranh kinh doanh của Bamboo Capital, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn: Sau nửa đầu năm 2023, Tập đoàn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, cơ cấu doanh thu khá đồng đều giữa 3 mảng lớn là năng lượng tái tạo, bất động sản và hạ tầng.

Nếu xét riêng trong quý II/2023 thì BCG Land chiếm 31%, BCG Energy chiếm 29%, Tracodi chiếm 28% cơ cấu doanh thu. Cơ cấu doanh thu khá đều giữa 3 mảng trên giúp giảm thiểu rủi ro cho hoạt động Tập đoàn khi doanh thu không còn phụ thuộc nhiều vào một mảng như các năm trước.

Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì cơ cấu doanh thu ổn định của 3 mảng kinh doanh cốt lõi và dần dần tăng tỉ trọng của mảng sản xuất và dịch vụ tài chính vốn đang còn nhiều tiềm năng phát triển.

NĐT: Chính sách tiền tệ của Chính phủ thời gian qua đã chuyển từ “chặt chẽ” sang “chắc chắn” và đến nay tiếp tục chuyển sang “linh hoạt, nới lỏng hơn”. Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ từng giai đoạn như vậy, Tập đoàn có gặp khó hay thuận lợi gì để tiếp cận nguồn vốn trong giai đoạn đó không?

Ông Phạm Minh Tuấn: Chúng tôi cho rằng những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng của Việt Nam trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023 là phù hợp, góp phần giúp kinh tế Việt Nam phục hồi vững chắc hơn trong bối cảnh thế giới tồn tại nhiều rủi ro bất định về địa - chính trị và thương mại.

Khi mặt bằng lãi suất tăng, tất cả các doanh nghiệp trên thị trường đều phải chịu áp lực tài chính nhiều hơn. Với Bamboo Capital, trước tình hình đó, chúng tôi nỗ lực quản trị tài chính bằng cách đàm phán với trái chủ mức lãi suất mới cạnh tranh so với thị trường để giữ trái chủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm kiếm nguồn vốn thông qua các hình thức hợp tác với nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy tiếp cận các định chế tài chính quốc tế có nguồn vốn lãi suất thấp hơn trong nước. Hiện nay khi chính sách tiền tệ chuyển sang nới lỏng nhưng linh hoạt, bên cạnh các giải pháp này, chúng tôi kỳ vọng sẽ được tiếp cận các khoản vay của ngân hàng trong nước với lãi suất phù hợp.

NĐT: Các doanh nghiệp vẫn thường nói về khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn tại các văn bản pháp luật. Để thực sự thu hẹp khoảng cách này, dưới góc độ doanh nghiệp, là lãnh đạo doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì?

Ông Phạm Minh Tuấn: Là một doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá cao sự lắng nghe, hỗ trợ và nhanh chóng đưa ra các giải pháp gỡ khó cho thị trường tài chính, bất động sản cũng như ngành năng lượng của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua.

Chúng tôi tin rằng các chính sách, hành lang pháp đang và sẽ được xây dựng bằng tầm nhìn dài hạn và nhất quán để doanh nghiệp yên tâm đầu tư; các thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý để thực hiện dự án cũng sẽ ngày được hoàn thiện và cải cách theo hướng nhanh chóng, hiệu quả hơn để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chúng tôi tin rằng các chính sách, hành lang pháp đang và sẽ được xây dựng bằng tầm nhìn dài hạn và nhất quán để doanh nghiệp yên tâm đầu tư; các thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý để thực hiện dự án cũng sẽ ngày được hoàn thiện và cải cách theo hướng nhanh chóng, hiệu quả hơn để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 13/10/2023 | 10:30