“Nhà lãnh đạo mới của Campuchia sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền của đất nước như thế nào?”, “Liệu có sự thay đổi gì đáng kể trong chính sách của Campuchia?”, “Đâu sẽ là sự khác biệt giữa tân Thủ tướng với cha mình – cựu Thủ tướng Hunsen?”, là những câu hỏi được quan tâm nhất lúc này.

Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Nguyên Bảo – Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế để tìm hiểu rõ hơn về cuộc chuyển giao trên chính trường Campuchia và dự báo về chính sách của đất nước này dưới thời tân Thủ tướng Hun Manet.

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa TS. Bùi Nguyên Bảo, những ngày này chính trường Campuchia đang có những chuyển động lịch sử. Đó là một cuộc chuyển giao quyền lực hiếm có trong suốt gần 4 thập kỷ gần đây. Một cách tổng quát, ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về những biến động này của đất nước chùa tháp?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Với một số người, những diễn biến gần đây ở Campuchia có thể là một biến động. Nhưng với những người có thời gian theo dõi tình hình đất nước này và có lẽ ngay cả với nhân dân Campuchia, tôi không nghĩ có quá nhiều sự bất ngờ.

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, Thủ tướng Hun Sen đã thông báo và chuẩn bị cho cuộc chuyển giao này từ rất lâu. Có thể nhìn thấy rõ sự chuẩn bị này thông qua tiến trình mà ông Hun Manet tham gia vào chính trường Campuchia. Nhìn từ góc độ lịch sử, tôi nghĩ đây là sự thay đổi quan trọng khi một Thủ tướng đã cầm quyền lâu năm và chuyển giao cho nhà lãnh đạo khác. Sự chuyển giao này đòi hỏi phải đảm bảo không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn đáng kể nào trong nội bộ Campuchia.

Soi chiếu lại lịch sử đầy biến động của Campuchia, chúng ta thấy rằng nhu cầu ổn định luôn được ưu tiên với các chính khách và người dân đất nước này. Mặt khác, khi một nhà lãnh đạo hay một đảng cầm quyền quá lâu trong điều kiện quốc gia đa đảng thì sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không tạo ra những cú sốc hay những tổn thương đối với nền kinh tế và xã hội Campuchia là điều rất cần thiết.

Nếu ở nhiều quốc gia dân chủ khác, chuyển giao hay chuyển tiếp có thể là giữa hai chính phủ, hai ý thức hệ thì Campuchia không hiểu “chuyển giao quyền lực” theo cách như vậy. Điểm khác biệt cơ bản là chuyển giao quyền lực tại đây sẽ mất một thời gian dài và việc bầu Thủ tướng mới chỉ mới là bắt đầu cho quá trình đó. Ông Hunsen và các nhà lãnh đạo lão thành sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng của mình cho đến khi Chính phủ mới và những người kế nhiệm thật sự “đứng vững”.

Về mặt hình thức, đây là chuyển giao vai trò cầm quyền trong nội bộ CPP là chính, không phải đối với cả nền chính trị Campuchia. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, sự kiện này sẽ mở ra những cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội đối với Campuchia và những nhiệm vụ đó sẽ được dẫn dắt bởi một thế hệ lãnh đạo mới.

NĐT: Nhìn vào diễn biến cuộc chuyển giao quyền lực này, người ta có thể thấy rõ sự xuôi chiều và hầu như không có bất kỳ trở ngại đáng kể nào. Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của chính quyền Campuchia cho cuộc chuyển giao lịch sử này?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Nói là xuôi chiều thì không hẳn, nhưng nói cuộc chuyển giao này không vấp phải trở ngại nào đáng kể thì có thể sẽ đúng hơn với những tính toán của Thủ tướng Hun Sen và những đồng chí của ông trong nội bộ CPP.

Nhiều người thường nhìn vào cách CPP sắp xếp, quản trị các mối nguy từ bên ngoài như yếu tố Đảng đối lập, các luồng dư luận chỉ trích về tính dân chủ với bầu cử và quá trình chuyển giao này của Campuchia và xem đấy là thách thức lớn với ông Hunsen và CPP. Nhưng thực tế trong kỹ thuật chính trị, yếu tố bên trong nội bộ của một đảng, một nhóm lợi ích cũng rất quan trọng. Tôi để tâm đến việc ông Hun Sen đã sắp xếp rất tốt việc phân bổ nguồn lực để hạn chế tối đa sự bất đồng trong nội bộ Đảng CPP.

Nhìn vào danh sách dự kiến của Chính phủ mới, rất nhiều trong số đó cũng là con của những nhà lãnh đạo đương nhiệm khác - những người sẽ cùng ông Hun Sen rời khỏi Nội các. Điều đó phần nào lý giải cho sự đồng thuận rất cao trong nội bộ Đảng CPP. Rõ ràng đây là sự sắp xếp có chủ ý của ông Hun Sen để không tạo ra những nguy cơ lớn từ bên trong nội bộ Đảng và những đồng minh của ông.

Ngoài ra, những nhân sự được giới thiệu lần này của Campuchia cũng đều có sự chuẩn bị lâu dài về trình độ học vấn, đồng tình của dư luận, sức ảnh hưởng đặc biệt là sự ủng hộ của Quốc vương Campuchia và những quốc gia có liên quan đến Campuchia. Trong hai năm gần đây, Hun Manet đã có những chuyến “ngoại giao con thoi” liên tục đến các nước có quan hệ đặc biệt với Campuchia để tranh thủ sự ủng hộ, đảm bảo sự liên tục về chính sách. Nếu không có sự ủng hộ nhất định từ các đối tác quan trọng của Campuchia và CPP, rất khó để ông Hun Manet có thể tiếp nhận quyền lực một cách thuận lợi.

Về mặt thời điểm, quyết định trao lại quyền lực của ông Hun Sen sớm hơn dự kiến là rất phù hợp. Campuchia đang phát triển tốt, ông Hun Sen rời đi trong lúc được tín nhiệm cao, đảm bảo vẫn sẽ duy trì được ảnh hưởng đến người dân Campuchia, đồng thời tạo ra sự vững vàng trong nhiều năm tới cho ông Hun Manet.

Những gì mà Thủ tướng Hun Sen để lại cho người kế nhiệm không chỉ là áp lực về cái bóng của người cha, mà còn là một nền kinh tế đang có nhiều dư địa để phát triển. Với dư địa phát triển như vậy, trong giai đoạn đầu cầm quyền, ông Hun Manet dễ gặt hái thành tựu và quản trị rủi ro để các sơ suất không tác động quá tiêu cực đến quá trình phát triển đang lên của Campuchia.

Như vậy, sự chuẩn bị này rất toàn diện, bao gồm cả bên trong và bên ngoài, cả về kỹ thuật chính trị lẫn con người cụ thể. Nhờ đó, cuộc chuyển giao này không có bất kỳ trở ngại đáng kể nào, mọi thứ đều thể hiện rõ sự xuôi chiều.

NĐT: Nhiều người nhìn vào cuộc chuyển giao quyền lực này của Campuchia hiện tại như là sự kế thừa cha truyền con nối, theo kiểu “gia đình trị”. Là người nghiên cứu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Khi nói đến chính trị thì phải xét đến văn hóa chính trị ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia. Tùy vào điều kiện văn hóa lịch sử và những trải nghiệm trong quá khứ mà các mô hình chính trị được hình thành và vận hành theo một cách riêng. Ít nhất với Campuchia, không thể đánh giá những diễn biến trên chính trường và hành vi quốc gia của họ mà không xét đến các lý thuyết như “Chủ nghĩa xã hội Phật giáo Khmer” hay tư tưởng đối ngoại trung lập trở thành nền tảng lý luận quan trọng trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại Campuchia giai đoạn 1997-2017, rồi vai trò của tôn giáo, đặc điểm tiêu khu vực địa lý (Đông Dương, Đông Nam Á)…

Không phải ngẫu nhiên mà ông Hunsen và CPP quyết định chuyển giao quyền lực theo cách mà chúng ta đang chứng kiến. Đó không chỉ hoàn toàn dựa vào ý chí của một cá nhân nào đó mà còn dựa trên sự ủng hộ nhất định của phần đông người dân Campuchia đang có nhu cầu ổn định đất nước.

Ở góc độ cá nhân, tôi không có thành kiến hay ủng hộ của việc gia đình trị nhưng xét toàn diện những chuyển động hiện là có lợi lâu dài với người dân Campuchia. Nhìn sang trường hợp Singapore – một quốc gia dù đa đảng nhưng vẫn có màu sắc “gia đình trị” xong hầu như không vấp phải những chỉ trích từ các nền dân chủ phương Tây. Cơ sở cho việc này là thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và cách thức lựa chọn chính sách đối ngoại của Singgapore.

Ông Hun Sen và các nhà lãnh đạo Campuchia chắc chắn đã có sự tính toán cả bên trong và bên ngoài. Với bên trong, họ đang đảm bảo cho người dân Campuchia một tương lai ổn định và tiếp tục phát triển đi lên. Với bên ngoài, muốn bớt đi sự chỉ trích thì phải có sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại, trong đó điều quan trọng là một sự an tâm nhất định về việc Campuchia có nhà lãnh đạo mới sẽ không tạo ra nguy cơ đáng kể cho các quốc gia có liên quan.

NĐT: Qua theo dõi những bộc lộ tính cách và hành trình sự nghiệp, ông cảm nhận về tân Thủ tướng trẻ tuổi của Campuchia như thế nào? Liệu có điểm khác biệt gì nổi bật giữa ông Hun Manet với cha của mình?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Tôi nghĩ rằng có 3 điều để nói về tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Về mặt hình ảnh, đây là con người điềm đạm, chín chắn và gần gũi. Điều này ít nhất sẽ tạo ra sự yên tâm đối với một người sắp “cầm cương”, dẫn dắt đất nước.

Thứ hai, nhìn vào quá trình đào tạo và học vấn, có thể thấy rằng ông Hun Manet có một nền tảng kiến thức khá bài bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức sẽ là cơ sở để tân Thủ tướng Campuchia điều hành đất nước với kỳ vọng có những cách tiếp cận mới, nhất là từ những trải nghiệm Tây học.

Thứ ba, Hun Manet có sức ảnh hưởng đến lực lượng vũ trang nhờ vị trí và quá trình công tác trong quân đội. Bất cứ một nhà lãnh đạo dân chủ nào sau khi cầm quyền, nếu không có sự ủng hộ của lực lượng vũ trang, sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ. Nhìn lại quá khứ của Campuchia, chúng ta thấy rằng sự ủng hộ của lực lượng vũ trang là tiên quyết cho sinh mệnh chính trị và sự ổn định cần thiết để Chính phủ Hun Manet triển khai thuận lợi những kế hoạch của mình.

NĐT: Đó là những thuận lợi rất đáng kể của tân Thủ tướng của Campuchia. Vậy ông đánh giá như thế nào về những thách thức chủ yếu mà ông Hun Manet sẽ phải đối diện?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Về thách thức bên trong, dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng Campuchia vẫn còn nhiều khó khăn và nhu cầu phát triển hiện nay vẫn rất lớn. Như đã nói ở trên, quá trình công tác và ảnh hưởng đến quân đội là điểm mạnh nhưng cũng có thể trở thành một trong những điểm yếu của nhà lãnh đạo trẻ này bởi các chính trị gia trưởng thành từ môi trường quân đội có thể sẽ phải đối mặt với những khó khan, sự ngờ vực về năng lực điều hành kinh tế - xã hội và thực tiễn. Tuy nhiên, sau lưng Hun Manet vẫn còn ông Hun Sen và các chuyên gia, cố vấn được đào tạo bài bản về kinh tế nên thử thách này có thể quản trị được.

Thách thức tiếp theo là đến từ các Đảng phái đối lập. Trước đây, họ đã gây nhiều áp lực đối với Thủ tướng Hun Sen và hiện tại trước một nhà lãnh đạo trẻ, ít kinh nghiệm hơn thì việc gây áp lực này có thể sẽ được gia tăng hơn. Mọi sai lầm của Chính phủ mới có thể sẽ bị thổi phồng, hoặc được xem như là thước đo đánh giá khả năng xử lý thách thức của Thủ tướng mới.

Thách thức bên ngoài của Campuchia lúc này cũng hết sức lớn. Sự cân bằng trong quan hệ nước lớn, việc duy trì đà phát triển trong quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, việc tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, vai trò của Campuchia trong khu vực là những vấn đề đòi hỏi nhà lãnh đạo mới của Campuchia phải bản lĩnh và linh hoạt trong xử lý.

NĐT: Thực tế, dù rời bỏ “ghế” Thủ tướng, ông Hunsen vẫn là Chủ tịch Đảng cầm quyền CPP. Bên cạnh đó, sau gần 4 thập kỷ đóng vai trò “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền của Campuchia, có một điều không thể phủ nhận, ông Hun Sen vẫn là nhân vật có sức ảnh hưởng sâu rộng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ông Hun Sen trong giai đoạn sau của cuộc chuyển giao quyền lực này?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Tôi cho rằng ảnh hưởng của ông Hun Sen vẫn rất lớn trong thời gian tới. Mặc dù không phải là nhà lãnh đạo cao nhất của Campuchia, thế nhưng ông Hunsen đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo một Nhà nước mới và hiện hành. Những bước tiến của Campuchia với vai trò của Nhà nước mới và cá nhân Thủ tướng Hunsen là điều không thể phủ nhận. Vì vậy, dù có Thủ tướng mới, sự xuất hiện của ông Hunsen vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc trấn an dư luận.

Bên cạnh đó, ông Hun Sen cũng có vai trò quan trọng về mặt pháp lý, pháp luật đối với Chính phủ mới. Từ đầu năm 2024, dự kiến với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, ông Hun Sen sẽ là người đảm bảo những ý tưởng, quyết sách của Chính phủ được bảo trợ trên bàn nghị sự của Quốc hội, thuận lợi hơn cho Chính phủ của ông Hun Manet trong quá trình điều hành đất nước.

Đặc biệt, ông Hun Sen đã xây dựng được mối quan hệ rất chặt chẽ với các nước láng giềng, các nước lớn và những đối tác quan trọng, nhờ đó Hun Manet sẽ có được những thuận lợi nhất định về mặt đối ngoại. Việc này không chỉ xuất phát từ cá nhân ông Hun Sen mà còn xuất phát từ cách mà ông đã chuẩn bị cho sự kế nhiệm của con trai mình. Những năm đầu cầm quyền của ông Hun Manet sẽ kế thừa uy tín và sức ảnh hưởng của cha ông trong nhiều mối quan hệ, kể cả phức tạp với những quốc gia khác.

NĐT: Suốt thời gian qua, từ khi Thủ tướng Hun Sen chính thức tuyên bố từ nhiệm và người kế nhiệm ông, dư luận đã không ngừng “bàn tán” về chính sách đối nội và đối ngoại của Campuchia trong thời gian tới. Qua quan sát và phân tích, ông đánh giá như thế nào về chính sách của Campuchia trong tương lai dưới sự dẫn dắt của người lãnh đạo trẻ? Liệu có sự biến động gì lớn hay không?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Cuộc chuyển giao quyền lực của Campuchia như tôi đã phân tích diễn ra trong nội bộ Đảng cầm quyền và bản thân những chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng CPP đã và đang phát huy tác dụng tích cực.

Do vậy, tôi cho rằng Chính phủ của ông Hun Manet sẽ tiếp tục duy trì những yếu tố căn bản trong việc điều hành kinh tế. Trên đà đang lên, chúng ta sẽ vẫn thấy Campuchia gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển dưới thời Thủ tướng Hun Manet, thậm chí có những bước đột phá hơn.

Về chính sách đối ngoại của Campuchia, kể từ cuối thế kỷ 20 đến nay, tập trung vào phục vụ sự phát triển kinh tế và tránh nguy cơ tổn thương do vị trí địa chiến lược - nơi mà các cường quốc và các quốc gia có liên quan đều bị tác động và chi phối. Do đó, ngay cả sự chuyển giao quyền lực giữa 2 nhóm đối lập đôi khi cũng chưa chắc dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại huống chi đây lại là sự chuyển giao trong nội bộ CPP và cụ thể hơn là trong một gia đình.

Do đó, xét về các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ mang tính toàn diện, khó có nhiều sự thay đổi về bản chất trong chính sách của Campuchia dưới thời Thủ tướng mới. Theo đó, Campuchia sẽ duy trì thực hiện chính sách đối ngoại rất linh hoạt, thực dụng và đề cao lợi ích. Điều này được chứng minh thông qua cách quốc gia này xử lý bốn nhóm vấn đề đối ngoại: Quan hệ với các nước lớn thế nào; xử lý quan hệ với các nước láng giềng (nhất là quan hệ với Việt Nam và Thái Lan); tăng cường vai trò của mình trong đối ngoại đa phương và khu vực; quan điểm và chính sách đối với những điểm nóng hoặc là sự vụ cụ thể (tranh chấp Biển Đông, xung độ Nga – Ukraine…).

Tuy nhiên, về mặt hình thức trong những năm về sau khi quyền lực dần được củng cố, tôi cho rằng có khả năng Hun Manet sẽ có một số bước đi mang tính thay đổi nhằm tạo ra khác biệt so với cách tiếp cận cũ. Theo đó, Thủ tướng Hun Manet sẽ chú trọng hơn vai trò của các tổ chức đa phương, thể hiện trách nhiệm của Campuchia rõ hơn trong khu vực.

Thủ tướng Hun Manet sẽ xây dựng hình tượng mình là một nhà lãnh đạo trẻ và có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu nhằm tạo ra sự tin cậy để đảm bảo sự ủng hộ về mặt ngân sách, vay vốn, sự ủng hộ cho Campuchia phát triển trong giai đoạn cầm quyền của mình, tạo ra những giá trị mới cho đất nước Campuchia.

NĐT: Campuchia là quốc gia có liên hệ mật thiết đến Việt Nam xét từ cả yếu tố lịch sử và đan xen lợi ích hiện nay. Những biến động lớn trên chính trường Campuchia liệu có tác động như thế nào đến quan hệ hai nước?

TS. Bùi Nguyên Bảo: Campuchia có vị trí rất quan trọng đối với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng rất quan trọng với Campuchia. Cá nhân tôi cho rằng ông Hun Sen đã tính toán đến quan điểm và góc nhìn của Việt Nam khi chuyển giao quyền lực cho Hun Manet. Bởi rõ ràng Campuchia không mong muốn Việt Nam cảm thấy có bất kỳ nguy cơ nào từ nhà lãnh đạo mới và ekip của ông ấy - những người không trực tiếp có liên hệ với Việt Nam như “thế hệ Hunsen”.

Trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam và Campuchia vẫn giữ sự ổn định, thậm chí là phát triển mạnh hơn nữa. Nếu có thêm khó khăn, thì tôi cho rằng phụ thuộc vào việc ổn định bên trong của Campuchia, khả năng kiểm soát các nhóm đảng phái có quan điểm cực đoan về Việt Nam của Chính phủ do CPP dẫn dắt. Bên cạnh đó là một số khác biệt về quan điểm trong các vấn đề quốc tế có liên quan đến lợi ích mỗi nước, đòi hỏi kiên trì đối thoại và phân tích chính sách chính xác. Dù vậy, những yếu tố này nếu có cũng không ngăn tiến trình phát triển chung của quan hệ hai nước.

Bên cạnh đó, nói đến quan hệ Việt Nam và Campuchia, không thể không nhắc đến vai trò của các nước lớn. Những thay đổi chính sách của nước lớn hoặc tương tác qua lại tranh giành ảnh hưởng giữa các cặp quan hệ này cũng có thể ảnh hưởng đến quan hệ Hà Nội - PhnomPenh. Đây sẽ là bài toán tiếp theo mà các thế hệ lãnh đạo tương lai của Campuchia lẫn Việt Nam đều phải đối mặt.

Cộng thêm với các yếu tố lịch sử, có thể không tránh được những tổn thương trong quan hệ của Campuchia với Việt Nam. Việc này ngoài phụ thuộc vào khả năng xử lý của tân Thủ tướng Hun Manet, cũng còn phụ thuộc vào tài năng xử lý của Việt Nam với các tình huống đối ngoại. Điều quan trọng là tận dụng được cơ hội, hạn chế những nguy cơ, phân tích hành vi của nhau dựa trên các nhân tố tác động chủ chốt và đặc trưng văn hoá – xã hội – môi trường chính trị mỗi nước… để có thể giữ đà ổn định và phát triển của quan hệ hai nước.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 22/08/2023 | 10:48