Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang chuẩn bị tái tranh cử vào tháng 3 tới, tự hào cho biết rằng nền kinh tế đang phát triển và có biên độ an toàn đủ để cho phép đất nước ông thành công “chia tay” phương Tây.

Theo kế hoạch ngân sách của mình, Điện Kremlin tính duy trì nền kinh tế thời chiến trong ít nhất 3 năm tới, đồng thời tăng cường chi tiêu cho sản xuất vũ khí.

Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, Ukraine đang thiếu hụt nguồn cung nhân lực và vật lực để chống chọi với các đợt tấn công của Quân đội Nga. Cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II hiện đã bước sang năm thứ 3 mà không có dấu hiệu kết thúc.

Hàng trăm quân nhân Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ nhân Ngày Chiến thắng, ở Moscow, tháng 5.2023. Ảnh Daily Mail

Sau khi giảm 2,1% vào năm 2022, nền kinh tế Nga vào năm 2023 đã lấy lại “phong độ” và phục hồi về mức trước xung đột. Với mức tăng trưởng GDP gần 3% vào năm 2023, nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới không chỉ chịu đựng được sự tấn công dữ dội của các lệnh trừng phạt mà còn đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào trong nhóm G7.

Động lực chính đằng sau kết quả “tốt hơn mong đợi” này là sản lượng dầu thô ổn định, giá dầu cao, chi tiêu xã hội và quốc phòng mạnh hơn, cũng như khả năng của nước này trong việc “lách” một phần các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU và bù đắp tổn thất thương mại với phương Tây bằng cách tăng cường quan hệ với châu Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang chuẩn bị tái tranh cử vào tháng 3 tới, tự hào cho biết rằng nền kinh tế đang phát triển và có biên độ an toàn đủ để cho phép đất nước ông thành công “chia tay” phương Tây.

Nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk thuộc vùng Samara, Nga. Ảnh Bloomberg

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tháng trước đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Nga lên 2,6% trong năm nay, tăng 1,5 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng 10 năm ngoái. Mức điều chỉnh tăng này là mức lớn nhất đối với bất kỳ nền kinh tế nào được IMF theo dõi trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới của tổ chức, được phát hành vào ngày 30/1.

Số liệu cập nhật đặt ra những câu hỏi mới về tính hiệu quả của nhiều đợt trừng phạt do phương Tây áp đặt nhằm “bóp nghẹt” nguồn tài chính mà Điện Kremlin thu được để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga cũng khiến nhiều nhà kinh tế sửng sốt. Nhiều người trong số họ từng tin rằng những vòng trừng phạt đầu tiên nhằm phản ứng với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin ở Ukraine 2 năm trước có thể gây ra sự suy thoái thảm khốc.

Giờ đây, họ thừa nhận rằng Chính phủ Nga đã thành công đưa đất nước thoát khỏi “bờ vực” nhờ doanh thu bùng nổ từ ngành năng lượng và việc Điện Kremlin đặt nền kinh tế vào tình trạng thời chiến. Theo kế hoạch ngân sách của mình, Moscow tính duy trì nền kinh tế thời chiến trong ít nhất 3 năm tới, đồng thời tăng cường chi tiêu cho sản xuất vũ khí.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm nhà máy Uralvagonzavod ở thành phố Nizhny Tagil, ngày 15/2/2024. Ảnh The Guardian

Quy mô nền kinh tế thời chiến của Nga được củng cố bởi 3 loại hình sản xuất phát triển nhanh nhất – bao gồm các hàng hóa như bom và vũ khí, động cơ máy bay và tên lửa, chiến hạm và các phương tiện chiến đấu. Sản lượng của các danh mục như “hàng kim loại”, “máy tính, điện tử và quang học” và “vận tải khác”, đã tăng tới 1/3 so với năm 2022.

Nga đang phân bổ 1/3 ngân sách nhà nước – 9.600 tỷ Rúp vào năm 2023 và 14.300 tỷ Rúp vào năm 2024 – cho nỗ lực chiến tranh, tăng gấp 3 lần so với năm 2021, năm cuối cùng trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát thành hành động quân sự.

Điều này không chỉ bao gồm việc sản xuất phần cứng mà còn cung cấp các khoản thanh toán xã hội liên quan đến cuộc chiến cho những người chiến đấu ở Ukraine và gia đình họ, cũng như một số chi tiêu cho các vùng lãnh thổ mà Điện Kremlin mới sáp nhập.

Công nhân lắp ráp hệ thống pháo tự hành tại một nhà máy ở Ekaterinburg, Nga. Ảnh The Guardian

Sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu quân sự đánh dấu một bước đột phá đáng chú ý đối với sự phát triển thời kỳ hậu Xô Viết của Nga cho đến nay, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết trong một báo cáo gần đây.

Các quan chức kinh tế hàng đầu của ông Putin đã cảnh báo việc tăng chi tiêu công có nguy cơ khiến nền kinh tế quá “nóng” trong tương lai gần. Nhưng hiện tại, nó đang duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Tất cả những điều này sẽ không thể xảy ra nếu Nga không tiếp tục “bỏ túi” doanh thu khổng lồ từ các nguồn năng lượng của mình, bất chấp các lệnh trừng phạt. Vào năm 2023, doanh thu từ năng lượng của Nga đạt 8.800 tỷ Rúp – giảm khoảng 1/4 so với kết quả kỷ lục vào năm 2022, nhưng cao hơn mức trung bình trong 10 năm qua.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, Điện Kremlin đã sử dụng hơn 44% tài sản lưu động trong Quỹ Tài sản Quốc gia Nga (NWF) – nguồn “lương khô” với đầu vào chính đến từ doanh thu năng lượng để dành cho “những ngày mưa” – kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Các nhà kỹ trị như Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina đã giúp gã khổng lồ Á-Âu vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách tích cực kiểm soát lạm phát, củng cố hệ thống ngân hàng của đất nước, xây dựng dự trữ ngoại hối và cố gắng kiềm chế chi tiêu bổ sung.

Cách tiếp cận đó đã chứng tỏ hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động ban đầu của các lệnh trừng phạt ngay từ đầu cuộc chiến, khi các nước phương Tây đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga, và Điện Kremlin áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ để ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài và hiện tượng rút tiền hàng loạt.

“Khối kinh tế (Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương) tiếp tục là cứu tinh. Họ đã được chứng minh là hữu ích cho ông Putin hơn nhiều so với các tướng lĩnh”, bà Alexandra Prokopenko, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu có trụ sở tại Berlin, người từng là một quan chức của CBR, nhận xét.

Người đi lại trên đường phố ở thủ đô Moscow, Nga, ngày 14/8/2023. Ảnh AP-CTV News

Việc giữ vững nền tảng kinh tế cho phép Nga chuyển sang thúc đẩy tăng trưởng thông qua chi tiêu, ông Vasily Astrov, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (WIIW), cho biết. Mặc dù Nga vẫn tiếp tục gọi cuộc chiến ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng toàn bộ nền kinh tế nước này đã chuyển sang sản xuất phục vụ cuộc chiến.

Các nhà máy quốc phòng của Nga đã được đưa vào lịch trình sản xuất 24/24 và truyền thông địa phương đưa tin rất nhiều về các trung tâm mua sắm hay lò bánh đã được chuyển đổi, hiện cũng sản xuất máy bay không người lái cho mục đích quân sự.

Nhà sản xuất vũ khí chiến đấu lớn nhất của Nga là Kalashnikov Concern đã phát triển các loại vũ khí mới mà họ dự định giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng Thế giới 2024 ở Ả Rập Xê-út, theo tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Nga Rostec.

Khán giả theo dõi xe tải chở xe tăng T-34 thời Liên Xô sau cuộc duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng, ở Moscow, tháng 5/2023. Ảnh Al Jazeera

Tướng Valerii Zaluzhnyi, người gần đây bị bãi nhiệm khỏi vị trí Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, từng thừa nhận rằng Kiev và các đồng minh đã chưa làm đủ để cải thiện khả năng quân sự của Ukraine vào thời điểm mà khả năng tái đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã mang lại cho nước này lợi thế đáng kể về hỏa lực.

Bộ Tài chính Nga ước tính rằng gói kích thích tài chính liên quan đến cuộc chiến trong năm 2022-2023 tương đương khoảng 10% GDP. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Viện các nền kinh tế mới nổi thuộc Ngân hàng Phần Lan, trong cùng thời gian đó, sản lượng công nghiệp của Nga liên quan đến cuộc chiến đã tăng 35% trong khi sản xuất dân dụng vẫn không thay đổi.

“Tính chân thực của chính sách kinh tế không còn được áp dụng khi chính phủ ưu tiên chiến tranh hơn tất cả những thứ khác. Quyết định của Nga về việc từ bỏ các chính sách kinh tế thận trọng trong 2 thập kỷ qua đã khiến nhiều người ngạc nhiên, không chỉ các nhà dự báo”, các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Phần Lan cho biết trong dự báo gần đây nhất của họ về Nga.

Quang cảnh trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở trung tâm thành phố Moscow, tháng 5/2022. Ảnh Getty Images

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và thậm chí một số nhà kỹ trị hàng đầu của Điện Kremlin đã cảnh báo rằng việc chi tiêu tràn lan đã làm lộ ra những vết nứt mới trong nền kinh tế Nga. Các nhà kinh tế cho rằng Nga đang “bơm” vào nền kinh tế những khoản đầu tư một lần, không hiệu quả và mang lại lợi ích hạn chế trong tương lai.

“Nói thẳng thì đầu tư vào sản xuất trong khu liên hợp công nghiệp-quân sự là ném tiền ra khỏi nền kinh tế”, nhà kinh tế học Alexandra Suslina tại EEG – một công ty độc lập của Nga, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về các vấn đề chính sách kinh tế và tài chính cho các quan chức chính phủ ở cấp liên bang và khu vực, cho biết.

“Xe tăng và bom thông thường là những thứ chỉ được sử dụng một lần và không gây ảnh hưởng gì đến nền kinh tế. Không thể tạo ra một cỗ máy công nghệ cao có thể góp phần tăng trưởng hơn nữa từ phần còn lại của một chiếc xe tăng”, vị chuyên gia nói.

Tàu chở dầu Arc5 SCF Baltica đi qua những mảng băng phân tán ở biển Laptev, phía Bắc Sibera, Nga. Ảnh High North News

Thay vì giảm bớt sự phụ thuộc vào doanh thu xuất khẩu dầu khí, vốn chiếm khoảng 1/3 thu nhập ngân sách, nỗ lực thời chiến của Điện Kremlin đã tạo ra một chứng nghiện mới: Sản xuất quân sự.

“Chiến tranh càng kéo dài, nền kinh tế sẽ càng nghiện chi tiêu quân sự”, các nhà kinh tế của WIIW cho biết trong một bài viết công bố hồi tháng trước. “Điều này làm dấy lên mối lo ngại về sự trì trệ hoặc thậm chí khủng hoảng hoàn toàn một khi xung đột kết thúc”.

Mức chi tiêu lớn trong thời chiến là động lực chính cho tăng trưởng và không nhất thiết phản ánh một nền kinh tế khỏe mạnh. Sự trỗi dậy mãnh liệt của ngành công nghiệp quốc phòng đã tạo ra sự mất cân bằng và có thể trở nên rõ rệt hơn theo thời gian.

Điều này đặc biệt đáng chú ý trên thị trường lao động của Nga, nơi quân đội và các nhà máy vũ khí của nước này đang thu hút ngày càng nhiều nhân lực với mức lương hấp dẫn. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Putin tiết lộ Nga đã tạo ra 520.000 việc làm mới trong ngành này.

Một bảng quảng cáo tuyển quân của Nga ở vùng Krasnoyarsk, Siberia, Nga, tháng 12/2023. Ảnh Foreign Affairs

“Việc chuyển hướng sang một nền kinh tế quân sự hóa đe dọa các nhu cầu xã hội và phát triển”, chuyên gia Prokopenko của Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu cho biết trên Tạp chí Foreign Affairs hồi tháng trước.

Như một tất yếu, nó dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong ngành công nghiệp dân sự trong bối cảnh triển vọng nhân khẩu học vốn đã ảm đạm lại càng trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh. Nga đã huy động 300.000 người vào quân đội vào năm 2022 và tuyên bố tuyển thêm 490.000 người vào năm 2023. Trong khi đó, cũng có tình trạng nam giới trốn khỏi đất nước để tránh bị đưa ra mặt trận.

Một người lính Nga ở Melitopol, vùng Zaporizhzhia, đứng cạnh phương tiện quân sự có biểu tượng chữ Z. Ảnh Defense Post

“Tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng nhất là trong ngành chế tạo máy và hóa chất. Nhiều doanh nghiệp buộc phải làm việc theo ca để hoàn thành các đơn hàng nhận được từ nhà nước”, các nhà phân tích từ Viện Chính sách Kinh tế Gaidar ở thủ đô Moscow cho biết hồi tháng 12 năm ngoái.

Để cạnh tranh về lao động với ngành sản xuất quân sự – vốn được miễn quân dịch cùng với mức lương hậu hĩnh – khu vực dân sự cũng phải tăng lương, từ đó thúc đẩy nhu cầu trong nước nhưng lại làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt không ngăn được Nga chi tiêu, thì việc hạn chế tiếp cận thị trường quốc tế đã đẩy chi phí nhập khẩu lên cao, tạo ra một cái bẫy kinh tế tiềm tàng khác cho Điện Kremlin.

Các tuyến đường vòng mà hàng hóa hiện nay vận chuyển đến Nga đang tác động mạnh đến người tiêu dùng và làm suy yếu đồng Rúp, đồng tiền này mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD vào năm 2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga ở Moscow, ngày 19/12/2023. Ảnh Sputnik

“Chi phí ngân sách khổng lồ kết hợp với việc Nga bị cô lập khỏi phương Tây... tạo ra hiệu ứng giống như khi người ta cho bột vào một hộp nhựa đóng kín”, bà Prokopenko cho biết. “Nó sẽ nở ra mãi cho đến khi chạm tới nóc hộp và không còn lối nào để thoát ra”.

Chi tiêu công tăng vọt đã đẩy lạm phát lên tới 7%, khiến Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) phải tăng lãi suất cơ bản từ 7,5% lên 16% chỉ trong vòng 6 tháng. Sau đợt nâng lãi suất gần nhất, Thống đốc Nabiullina cảnh báo việc chi tiêu có nguy cơ khiến nền kinh tế Nga quá “nóng”.

“Cố gắng sử dụng chính sách tài khóa ôn hòa để phát triển vượt quá tiềm năng của chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá cả (tức lạm phát). Điều này sẽ ngày càng ăn mòn nhiều hơn vào các khoản tiết kiệm và tăng trưởng tiền lương. Và kết quả là sẽ không có bất kỳ sự tăng trưởng thực sự nào về tài sản hộ gia đình”, vị nữ Thống đốc – được mệnh danh là “cánh tay phải” của Tổng thống Putin – cho biết.

Màn hình hiển thị trích dẫn từ cuộc họp báo cuối năm của Tổng thống Nga Putin ở Moscow, ngày 14/12/2023. Ảnh The Guardian

Ví nền kinh tế Nga giống như một chiếc ô tô cố gắng đi quá nhanh, bà Nabiullina nói: “Nó có thể tiếp tục di chuyển, thậm chí có thể đi nhanh, nhưng không lâu đâu”. Tương tự, các nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng có thể không bền vững dù Nga duy trì mức chi tiêu quân sự hiện tại.

Ngay cả các nhà phân tích từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng cho rằng năng lực hạn chế có nghĩa là các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đã có “dấu hiệu suy thoái”. Họ cho biết trong một ghi chú rằng, những điều này bao gồm sự sụt giảm tải trọng vận tải đường sắt, một trong những dấu hiệu chính của suy thoái kinh tế.

Có ý kiến cho rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng ở mức bền vững hơn nhiều trong những năm tiếp theo nếu ông Putin không ra lệnh đưa quân vào Ukraine 2 năm trước.

“Với Nga, năm 2022 bắt đầu với một dấu hiệu rất lạc quan và mức tăng trưởng thậm chí còn vượt qua hầu hết mọi kỳ vọng. Trước xung đột, tôi đã dự đoán rằng cả vào năm 2022 và 2023, mức tăng trưởng GDP hàng năm của Nga vào khoảng 3%”, Giáo sư Ruben Enikolopov tại Đại học Pompeu Fabra (UPF) ở Barcelona, Tây Ban Nha, cho biết.

Nhà thờ St. Basil và Điện Kremlin ở thủ đô Moscow. Ảnh Moscow Times

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 24/02/2024 | 08:30