Là người từng trực tiếp đề xuất với Quốc hội hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chính là người đề xuất với cố Thủ tướng Phan Văn Khải chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về ngày lực lượng doanh nhân Việt Nam chính thức được gọi tên, TS. Vũ Tiến Lộc nói dấu mốc đặc biệt đó không chỉ tạo ra khung khổ pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, phát triển, bước chân ra thế giới mà còn “trả lại tên” cho khu vực doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và TS. Vũ Tiến Lộc trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên, 13/10/2004.

NĐT: Theo ông, dấu ấn lớn nhất của đội ngũ doanh nhân kể từ ngày cố Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định thành lập Ngày doanh nhân Việt Nam là ngày 13/10 hằng năm là gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Thời điểm những năm 2004, cho dù doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu ghi những thành công nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng dường như sự thừa nhận của xã hội, đặc biệt của các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa công bằng. Hình ảnh doanh nghiệp tư nhân vẫn gắn với buôn gian, bán lận. Thậm chí, chúng tôi còn không tìm thấy từ “doanh nhân” trong từ điển tiếng Việt khi đó.

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tôi lúc đó với cương vị là Chủ tịch VCCI đã đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải về Ngày Doanh nhân Việt Nam. Lúc đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất đồng tình.

Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990 về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Dấu mốc lịch sử đó không chỉ tạo ra khung khổ pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, phát triển, bước chân ra thế giới mà còn trả lại tên cho khu vực doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Sau gần 20 năm kể từ Ngày Doanh nhân Việt Nam được thành lập, thế hệ đội ngũ doanh nhân, nhất là khối tư nhân đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ điểm xuất phát chúng ta không có doanh nghiệp tư nhân, cũng như không có doanh nhân đúng nghĩa thì cho đến hiện tại, Việt Nam đã có 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân đã đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần cùng với cả dân tộc làm nên kỳ tích khi đưa đất nước ta từ một trong những nước nghèo đói, kém phát triển, có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình, đưa được hàng chục triệu đồng bào từ khu vực nông nghiệp, nông thôn với năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ với năng suất cao hơn.

NĐT: Là người tiếp xúc, làm việc với rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, theo ông, điều gì đang là cần thiết nhất với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay?

TS. Vũ Tiến Lộc: Trong thời gian qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã có một giai đoạn “bung nở”. Đó là động lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

Nếu xét về số lượng của doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam thì chúng ta không thua kém nhiều so với thế giới, nhưng điều quan trọng nhất đó chính là chất lượng của doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay.

Nói vậy để thấy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, năng lực quản trị hay trình độ công nghệ chưa cao. Bởi xét về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt NaM trong khối ASEAN thì chúng ta mới chỉ xếp thứ 7. Đây là điều hạn chế.

Bởi vậy, giai đoạn tới, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ cần gia tăng số lượng mà còn phải nâng cấp được chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế.

NĐT: Đánh giá về tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp hiện nay, ông sẽ nói gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Trong quá trình phát triển doanh nghiệp, doanh nhân không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Năm 2008, cộng đồng doanh nghiệp đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sau đó hơn 10 năm, doanh nghiệp lại hứng chịu cuộc khủng hoảng chưa từng có là chịu cú sốc từ đại dịch Covid-19. Và hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine.

Trong bối cảnh các thị trường lớn - đầu ra của nền kinh tế Việt Nam đều đang khó khăn, thị trường suy giảm, lạm phát gia tăng, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tất cả những điều đó cho thấy, sức chống chịu của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị bào mòn .

Theo những khảo sát được các tổ chức công bố thời gian gần đây, có đến 80% các doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Trong những tháng từ đầu năm 2023 cho đến nay, số doanh nghiệp buộc rời khỏi thị trường tăng cao dù số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn tăng, nhưng chiều hướng có phần giảm sút khi vốn đăng ký cũng giảm đáng kể. Cần phải lưu ý rằng, số doanh nghiệp rời thị trường hầu hết đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Tất cả những yếu tố kể trên cho thấy, dù đang đối diện với loạt thách thức, khủng hoảng nhưng doanh nghiệp cũng đang rất kiên cường để vượt khó khăn. Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, không chỉ để lo cho mình, mà đó còn là lo cho người lao động, cho xã hội.

NĐT: Việt Nam hiện đã có những doanh nghiệp lớn, “sếu đầu đàn” tự tin mang chuông đi đánh xứ người, cạnh tranh ngang hàng với các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Đối với nền kinh tế Việt Nam, chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, song doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thì rất ít. Vì vậy, những doanh nhân, doanh nghiệp lớn đang là nhân tố rất đáng trân trọng. Chúng ta đã có những doanh nghiệp mang thương hiệu Việt ra quốc tế, có sức cạnh tranh và có những doanh nhân được ghi tên trong bảng xếp hạng của thế giới. Đó là điều rất tích cực.

Nhìn từ những khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 hay gần đây nhất là xung đột Nga – Ukraine đã làm cho doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nhận thức, định vị rõ hơn được bản thân, năng lực trong thế giới cạnh tranh khốc liệt.

Bởi vậy, bản thân các doanh nghiệp này cũng cần phải có những nỗ lực vượt bậc trong việc tái cấu trúc, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng công nghệ, đi đầu trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và thực hiện trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những hỗ trợ với khối doanh nghiệp này.

Điều quan trọng không kém, tôi cho đó là việc hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc vững mạnh để hướng tới mục tiêu nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nhưng cũng cần tạo ra môi trường, thể chế và các chính sách phù hợp để khuyến khích sự cộng sinh của họ với các doanh nghiệp Việt Nam.

NĐT: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, và đâu là hướng đi đúng để doanh nghiệp lựa chọn nếu muốn ổn định và phát triển bền vững, bắt kịp xu thế?

TS. Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp cần chú ý đến những xu hướng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình, vươn tới chuẩn quốc tế. Đó là nỗ lực rất quan trọng mà doanh nghiệp, doanh nhân phải hướng tới. Và phát triển bền vững tức là doanh nghiệp phải cân đối hài hoà 3 mục tiêu là kinh tế - xã hội và môi trường.

NĐT: Nói về văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp nhìn từ những vụ án thời gian qua khi loạt lãnh đạo doanh nghiệp sa ngã, ông có suy nghĩ gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Như tôi đã trao đổi, đối với doanh nghiệp, vấn đề hiện nay không đơn thuần chỉ có kinh doanh, làm giàu hay phát triển với quy mô lớn mà hiện nay, thước đo của doanh nghiệp chính là kinh doanh có trách nhiệm. Bởi câu chuyện lợi nhuận của doanh nghiệp hiện nay còn gắn với yếu tố phụng sự xã hội.

Kinh doanh có trách nhiệm xã hội tức là doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trên 3 phương diện cơ bản là kinh tế - xã hội - môi trường. Nếu nhìn lại những vụ án thời gian qua khi loạt lãnh đạo doanh nghiệp sa ngã, tức là doanh nghiệp đã không xây dựng được văn hoá kinh doanh tốt hay tuân thủ đầy đủ trách nhiệm với xã hội.

Khi quan sát các doanh nghiệp trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhìn thấy những doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững - tức là kinh doanh có trách nhiệm, có văn hoá, thì đều có khả năng chống chịu tốt hơn.

Tất nhiên mỗi cuộc khủng hoảng sẽ tác động đến tất cả doanh nghiệp nhưng dường như những doanh nghiệp thực hiện văn hoá kinh doanh tốt, có trách nhiệm xã hội và thực hiện phát triển bền vững thì thường có khả năng dẻo dai, chống chịu tốt hơn và có khả năng phát triển trong bối cảnh khó khăn. Còn những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì” đã phải trả giá bằng những sự đổ vỡ, hay rơi vào vòng lao lý như thời gian vừa qua.

Trong bối cảnh thị trường càng khắt khe hơn thì việc doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận nhưng phải phụng sự xã hội, đảm bảo cân bằng giữa mục đích kinh tế và bảo vệ môi trường - chính là con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới.

NĐT: Gửi thông điệp đến doanh nhân, doanh nghiệp nước nhà trong ngày đặc biệt, ông muốn nhắn nhủ điều gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Thế giới của ngày hôm nay đã không còn là thế giới của ngày hôm qua. Sau những biến cố dồn dập xảy ra, cùng những thay đổi rất mạnh mẽ của khoa học - công nghệ thì thế giới chúng ta đang sống khác với thế giới của ngày hôm qua.

Chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên của những biến động không thể nào lường trước được. Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là nâng cao khả năng chống chịu, khả năng thích nghi trước sự thay đổi của thế giới.

Một lần nữa, tôi muốn nhắn nhủ đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là phải kinh doanh có trách nhiệm, cần tiết kiệm mức tối đa, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh và chờ đợi những cơ hội để bứt phá.

NĐT: Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 11/10/2023 | 15:31