LỜI TOÀ SOẠN

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, coi trọng lợi ích nhân dân, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh, bền vững luôn là thước đo chính xác nhất tính đúng đắn, hiệu quả của mỗi chủ trương, Nghị quyết được Quốc hội bấm nút thông qua. Trong suốt chặng đường phát triển, đất nước đã chứng kiến những lần mạnh dạn “xé rào”, “cởi trói”, tiên phong, linh hoạt triển khai nhiều quyết sách táo bạo để tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời đại hiện nay, đất nước đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trong vận hội phát triển mới. Đây là kết quả của gần 4 thập kỷ chúng ta kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới. Nhưng đổi mới không dừng lại, đổi mới vẫn đang tiếp tục và trong quá trình đó Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành và cả xã hội, luôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo cải tiến về sự đột phá, “xé rào” để tìm đường phát triển. Trong số đó, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số địa phương đang là thực tiễn sinh động nhất mở đường cho các địa phương vươn mình sải cánh.

Tuyến bài viết “Quyết sách từ Nghị trường Quốc hội ra cuộc sống” nêu bật bước đột phá thể chế nhìn từ việc Quốc hội trao quyền cho các địa phương về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù.

Nhìn về khởi nguồn của cách mạng Việt Nam, chính nhờ tư duy sáng tạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã nhận ra con đường tất yếu mà cách mạng Việt Nam phải đi, đó là tiến hành cách mạng vô sản giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư duy này vượt ra khỏi tư duy chính trị của người Việt Nam đương thời và đến với ánh sáng của thời đại mới.

Cũng với tư duy mới mẻ và sáng tạo mà vào mùa xuân năm 1930, khi triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã xác định quy luật tất yếu của Đảng không gì khác chính là “kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Dù quan điểm này ngay sau đó đã bị chỉ trích dữ dội, thậm chí bị thẩm tra, quy kết nặng nề, chính thực tiễn và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam đã chứng minh cho sự đúng đắn của một tư duy độc lập, sáng tạo và nhãn quan nhạy bén, vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó khẳng định, quá trình lãnh đạo cách mạng là một quá trình đổi mới liên tục của Đảng và của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Cũng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đổi mới gắn với những việc làm ích nước lợi dân: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Tư tưởng đổi mới của Người là tinh thần của Chủ nghĩa Mác - Lênin “đổi mới không phải phủ định sạch trơn mà là sự kế thừa và phát triển cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm”.

Dọc theo chiều lịch sử, những năm 60 của thế kỷ trước, trước những bức thiết của tình hình nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mà đứng đầu là Bí thư Kim Ngọc đã có một quyết định “không tưởng” – đó là ra Nghị quyết cho phép nông dân tự cấy cày trên đất đai của hợp tác xã và đến cuối vụ được phép giữ lại sản phẩm vượt định mức. Một Nghị quyết táo bạo và từng gây xôn xao dư luận thời bấy giờ.

“Không tưởng” là bởi ở thời điểm đó lúc đó, tư duy và quyết định áp dụng khoán là điều cấm kỵ, là đi ngược với đường lối kinh tế tập thể của Đảng. Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc thậm chí còn bị phê bình, kiểm điểm. Tuy nhiên, chính điều “không tưởng” đó lại trở thành viên gạch đầu tiên để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, với những Nghị quyết về khoán 100, khoán 10, trong cả nước hơn 20 năm sau đó.

Thực tế, “đêm trước” đổi mới còn ghi nhận hàng loạt gương mặt “mở lối” với các mô hình “xé rào” để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đó là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt lập tổ buôn gạo để cứu nhân dân Tp.Hồ Chí Minh khỏi cơn đói vì chính sách "ngăn sông cấm chợ; là chuyện Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành và mô hình “khoán sản”; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính với mô hình bù giá vào lương…

Thật không quá nếu nói rằng sự trăn trở, mong muốn tìm ra những đột phá, sự mới mẻ của mô hình chính sách trong thực tiễn luôn là động lực để Việt Nam chuyển mình trong mọi giai đoạn khó khăn của lịch sử. Chúng ta không dám tổng kết rằng mọi sự “xé rào” đều mang đến thành công, nhưng những thử nghiệm nếu xuất phát từ động cơ trong sáng, từ sự bức thiết của thực tiễn đất nước thì đều ghi lại dấu ấn và bài học cho hậu thế.

Ngày nay đất nước đang trong vận hội phát triển mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là kết quả của gần 4 thập kỷ kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới.

Nhưng đổi mới không dừng lại, đổi mới vẫn đang tiếp tục và trong quá trình đó, vẫn đang có những trăn trở về sự đột phá, những sự “xé rào” để tìm đường phát triển. Nhưng những “xé rào” này thay vì vấp phải muôn vàn khó khăn như trong lịch sử, ngày nay lại đang được được dẫn đường bởi Đảng, Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội. Trong số đó, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số địa phương đang là thực tiễn sinh động nhất cho những “xé rào” của ngày nay.

Nhận diện sự phát triển mang tính đặc thù của từng địa phương trong bức tranh chung của đất nước, nhất là những địa phương, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế phát triển thành mũi nhọn, mang tính dẫn dắt, Đảng ta đã sớm coi việc tạo lập chính sách đặc thù cho các địa phương là điều cần thiết.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã khẳng định: “Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường...”. Bên cạnh đó, “lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao”.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng xác định: “Xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”.

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm trên, Đảng cũng đã ban hành một số Nghị quyết riêng biệt đối với việc xây dựng phát triển một số tỉnh, thành phố như đối với Thủ đô Hà Nội là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tp.Hồ Chí Minh là Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên - Huế là Nghị quyết 54-NQ/TW; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tp.Hải Phòng là Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị…

Năm 2019, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Đại dịch đã gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất - kinh doanh và Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng…

“Khó khăn chồng khó khăn”, nhưng nhờ những quyết sách, chỉ đạo kịp thời, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đất nước ta từng bước vượt qua giai đoạn “cam go” nhất, mở cửa và phục hồi nền kinh tế.

Cùng với sự tác động không mong muốn từ dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu phát triển ở một số địa phương cần sự đột phá, cũng như thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, một loạt những quyết sách mạnh mẽ tiếp tục được Quốc hội ban hành.

Theo đó, các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và Tp.Hải Phòng được Quốc hội khóa XV thông qua ở Kỳ họp thứ hai đã cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Chính phủ có những chính sách tạo động lực phát triển cho các tỉnh có tính liên kết vùng cao, có tốc độ phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Đến Kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1/2022), chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nằm ngoài khung khổ của các khung kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội quyết định lên tới gần 350.000 tỷ đồng.

Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách này, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi chương trình. Và hiệu quả đã được thực tế chứng minh, mà tiến độ Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II chỉ là một trong nhiều ví dụ cụ thể.

Từ tháng 3/2022 đến nay, ở 4 kỳ họp định kỳ và Kỳ họp bất thường lần thứ hai, các chính sách được Quốc hội quyết định đều nhất quán tinh thần “trao quyền đi liền với giám sát”. Tiếp bước những thành công trên, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trước đó về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh.

Nghị quyết 98 gồm 44 cơ chế chính sách trên 7 lĩnh vực, trong đó, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội; 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng Tp.Hồ Chí Minh được áp dụng...

Nghị quyết được ban hành với tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản, cho phép Thành phố được áp dụng thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho Thành phố có bước phát triển đột phá, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu, dẫn dắt và đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế của Vùng kinh tế động lực và cả nước.

Tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến, bàn thảo và đề xuất nhiều nội dung quan trọng theo hướng trao quyền, phân quyền mạnh mẽ nhằm thêm những điểm tựa vững chắc cho Hà Nội phát triển.

Việc nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương nhằm góp phần tạo thuận lợi trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền. Ðây là một chủ trương đúng đắn, góp phần khắc phục tình trạng "cào bằng" một cách máy móc về cơ chế, chính sách để có thể phát huy cao nhất thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Trước một số trăn trở về việc ban hành cơ chế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh, thể chế nước ta là khuôn khổ thống nhất trong toàn quốc nhưng có thí điểm một số cơ chế, chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm, qua tổng kết, đánh giá có thể nhân rộng trong toàn quốc. Thí điểm là cơ sở để xem xét nâng chuẩn quy định của pháp luật lên mức cao hơn và sau đó lại tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thí điểm ở một số địa phương cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và trên cơ sở nền tảng chung đó, ở giai đoạn phát triển cao hơn tiếp tục sẽ có những thể chế, chính sách khác.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ trương chung, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “nâng trên và đỡ dưới”, tức là với những địa phương có điều kiện, tiềm năng, phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách đột phá, mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho địa phương phát triển, tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho vùng, cho cả nước. Đối với những địa phương còn khó khăn hơn thì sẽ có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ các địa phương vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 01/12/2023 | 16:05