Người Đưa Tin (NĐT): Từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, ông đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp. Điều gì đã thôi thúc một cậu sinh viên chọn con đường riêng, khác với bạn bè cùng trang lứa?

Lê Thanh: Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ năm 3 đại học. Hồi đó, chuyên ngành của tôi là Máy tính và hệ thống nhúng, về cơ bản những gì tôi được dạy trong giáo trình đã hơi cũ so với thực tiễn. Nên dù tôi có rất nhiều thứ cần phải nghiên cứu nhưng cơ hội tiếp cận công nghệ mới thì chưa có.

Do hoàn cảnh khó khăn đó, chúng tôi đã khao khát được học hỏi thêm, muốn xem ở ngoài kia mọi thứ đang vận hành như thế nào. Đây cũng là ý niệm đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của tôi, mong muốn được phát triển bản thân.

Lúc đó chúng tôi quyết định lập ra một nhóm để làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài xem sao. Đây cũng là lúc tôi chính thức bén duyên với khởi nghiệp. Kết quả là điều khiến tôi khá bất ngờ, vì công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng mà kiến thức, kinh nghiệm lại được tích lũy thêm nhiều.

Ngoài ra, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình ít điều kiện. Tôi luôn được ba mẹ nhắc nhở về tầm quan trọng của việc học, học là cách duy nhất để thay đổi cuộc đời mình và cho cả gia đình. Tôi hiểu nếu như chỉ đi làm bình thường như bạn bè cùng trang lứa thì chỉ có thể lo cho bản thân thôi, chứ không thể lo cho những người xung quanh.

Và lúc đó, tôi cũng nghĩ rằng, nếu có thể thay đổi cuộc đời bằng khởi nghiệp, phải làm ngay lúc còn trẻ. Mình còn trẻ, nếu thua vẫn có thể làm lại. Chứ nếu đến 30-40 tuổi mới bắt đầu, lỡ có ngã thì gia đình mình không biết sẽ ra sao; liệu mình có đủ liều lĩnh để bước tiếp hay không.

Dù không chắc sẽ thành công, nhưng nếu thất bại thì ít nhất cũng biết được mình đã đi qua và ngã ở đâu. Giống như việc rơi xuống đáy vực, chỉ có một con đường duy nhất là vươn lên.

NĐT: Hành trình khởi nghiệp lúc đó của ông đã diễn ra như thế nào? Việc từ bỏ cơ hội làm việc với nhiều bạn hàng lớn như Thung lũng Silicon, Alibaba hay Amazon để gây dựng một lĩnh vực mới là blockchain, có khi nào khiến ông cảm thấy tiếc nuối không?

Lê Thanh: Tôi bắt đầu khởi nghiệp với những dự án thương mại điện tử. Đó là quãng thời gian tôi tích lũy kinh nghiệm, giúp mình học được cách tư duy trong kinh doanh, tư duy của một người làm chủ.

Tháng 10/2017, tôi bắt đầu bước chân vào crypto (tiền số), mục đích là đi tìm cơ hội đầu tư như bao nhiêu người khác. Thời điểm đó, tôi cũng thận trọng, không nghĩ rằng mình sẽ làm gì đó với crypto.

8 tháng đầu tiên khi tôi bắt đầu với crypto lại đúng vào khoảng thời gian thị trường đi xuống, giá Bitcoin sụt thê thảm, nhiều người đã quay lưng với tiền số. Nhưng thời điểm đó tôi lại “nghiện" đọc và nghiên cứu về công nghệ này.

Bởi có nền kiến thức từ trước và sự đam mê như vậy nên tôi có niềm tin, khi mọi người nghĩ blockchain hay crypto sẽ đi về số 0, là lừa đảo thì tôi lại nghĩ khác. Blockchain có thể chưa chạm đến những lời hứa về công nghệ nhưng tất cả công nghệ đều cần thời gian để phát triển. Đó là điều mà mình được dạy khi còn học ở trường đại học, theo định luật Moore: “Công nghệ sẽ phát triển gấp đôi qua 2 năm”.

Có nghĩa là cứ sau mỗi 2 năm thì công nghệ sẽ phát triển nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa và theo cấp số nhân. Như vậy thì sau 4-8 năm nhìn lại, công nghệ sẽ tiến rất xa so với xuất phát điểm lúc đầu.

Với sự tính toán như vậy, tôi tin rằng công nghệ này sẽ tiếp tục phát triển và câu hỏi tôi đặt ra cho chính mình là: “Mình sẽ ở đâu trong cơn sóng đó?”

Trùng hợp là khi đó, thị trường thương mại điện tử ở nước ngoài cũng bước vào giai đoạn cạnh tranh, biên lợi nhuận mỏng hơn, không còn bùng nổ như những năm trước đấy.

Lúc đó tôi lạc quan, xem đấy là thiên thời địa lợi của mình. Tại thị trường thương mại điện tử, tôi đã phát triển trong lúc nhiều cơ hội rộng mở nhất. Đến giai đoạn tăng trưởng chậm lại, tôi đã nghiên cứu và trang bị kiến thức cho một ngành công nghiệp mới (Blockchain-PV).

Thời điểm đó, tôi nghĩ rằng 2-3 năm nữa thị trường sẽ quay trở lại, đó là lý do tôi bắt đầu nghiêm túc xây dựng Coin98 như một công ty vào tháng 8/2018. Và đúng như dự báo, mùa hè năm 2020, thị trường bắt đầu đi lên, mọi thứ lúc đó chính xác như “diều gặp gió”.

Tuy nhiên, nghĩ lại tôi cũng không hiểu sao công ty có thể sống sót qua mùa đông năm 2018 và 2019. Tôi nghĩ là nhờ sự kiên trì. Đối với tôi, đó luôn là hành trình thú vị, đáng nhớ.

NĐT: Ai là người đồng hành, có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với ông lúc đó?

Lê Thanh: Tôi chỉ có niềm tin vào mình, không có ai dẫn đường. Tại thời điểm đó, tôi từng cảm thấy khó khăn, cô đơn và lạc lõng. Không ai nói với tôi rằng khởi nghiệp phải như thế nào, tư duy phải ra sao. Gần như là tôi tự tìm đường, vừa đi vừa lắng nghe bản thân, dùng logic để soi sáng.

Hồi đó, tôi từng suy nghĩ nhiều về việc mình có cần một người hướng dẫn hay không và sau này, tôi nghĩ rằng nếu có một người hướng dẫn vẫn hơn.

Nhưng, nếu như có người hướng dẫn thì chưa chắc mình sẽ có được như ngày hôm nay. Vì những người có kinh nghiệm ở thời điểm đó họ có suy nghĩ khác mình, mình muốn đi theo con đường làm ra sản phẩm tử tế, những thứ có giá trị, để chứng minh cho người khác thấy, đây không phải ngành công nghiệp giống như những gì mọi người nghĩ là lừa đảo hay chỉ là “bánh vẽ”.

Mình muốn mọi người nhìn vào ngành này từ khía cạnh khác, đó là công nghệ này có tính ứng dụng và thực tiễn cao.

NĐT: Chúng ta nói nhiều về Coin98, xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa của thương hiệu Coin98?

Lê Thanh: Đầu tiên về cộng sự của tôi, anh Nguyễn Thế Vinh, tôi và Vinh gặp nhau vào cuối năm 2017, thời điểm đó Vinh đang làm Founder một cộng động crypto khá lớn. Tuy nhiên đến cuối 2019, chúng tôi ngồi lại, thấy phù hợp với nhau. Vậy là anh Vinh quyết định gia nhập Coin98, chúng tôi cùng nhau tái cơ cấu lại Coin98.

Những ngày đầu tái cấu trúc công ty, tôi và Vinh nói về câu chuyện phải làm sao phát triển được thương hiệu của người Việt có chất lượng. Sau khi suy nghĩ nhiều thì chúng tôi đã đưa ra quyết định lựa chọn màu vàng kim - màu tượng trưng cho sự thịnh vượng và đem lại cho mình cảm giác có sức mạnh.

Về số 98, đây là số của văn phòng đầu tiên, nơi tôi bắt đầu của công ty. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc lóe lên suy nghĩ về Coin98 rằng, nếu một ngày công ty phát triển lớn mạnh thì mỗi lần nhắc đến cái tên, ngay lập tức sẽ nghĩ về nơi mình đã bắt đầu. Tôi tự dặn mình phải luôn luôn khiêm tốn, chân phải đặt trên mặt đất chứ không được tự cao, tự đại.

NĐT: Với Coin98, chắc chắn là một hành trình không dễ dàng từ những ngày đầu tiên. Trong quá trình dài đó, đâu là dấu ấn lớn nhất của ông trong sự nghiệp của mình?

Lê Thanh: Đối với Coin98 thì có quá nhiều cột mốc. Tôi nghĩ ngày mà C98 lên sàn là ngày mà tôi nhớ nhất, thậm chí còn không tin vào mắt mình. Tôi nghĩ mình là trường hợp hiếm hoi bởi một dự án được tạo ra không rõ đích đến mà dần dần đi lên. Từ đam mê nghiên cứu, thành lập 1 nhóm những người chung sở thích, rồi mở rộng quy mô, cho đến một ngày, tên tuổi của Coin98 được ở một nơi mà mình chưa từng nghĩ tới như sàn Binance.

Đối với tôi, nó như một phép nhiệm màu. Tôi không dám mơ, nhưng cứ đi thì sẽ tới, phải đi thì mới biết được rằng mình có thể đi xa đến đâu.

NĐT: Bên cạnh những dấu ấn đạt được, không thể không nói đến những khó khăn. Đâu là thời điểm được xem là khủng hoảng nhất, đã khi nào ông suy nghĩ về việc từ bỏ hay chưa?

Lê Thanh: Giai đoạn cuối 2018 là khoảng thời gian tôi loay hoay tìm cách phát triển công ty của mình. Đâu là mô hình phù hợp với một công ty blockchain, làm sao để tồn tại và phát triển khi mà thị trường chỉ có đi ngang và đi xuống?

Lúc đó, điều đáng sợ nhất không phải là khó khăn mà là có những lúc tôi không còn tin vào chính mình.

Tôi thậm chí còn tự hỏi bản thân rằng, quyết định mình làm có đúng không, mình đang đánh đổi vì điều gì? Tại sao khi đang ổn lại tự đưa mình vào những thử thách rồi khiến mọi thứ khó khăn như vậy?

Trong lúc đó, rất nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ. Nhưng, tôi lại động viên bản thân mình rằng: Thôi cố thêm chút nữa, cố thêm một chút nữa sẽ thấy ánh sáng phía trước.

NĐT: Việc phát triển trong lĩnh vực như blockchain và crypto, có khi nào ông gặp phải những định kiến không đáng có không? Ông vượt qua những định kiến đó như thế nào?

Lê Thanh: Xung quanh tôi luôn có nhiều góc nhìn, nhiều lăng kính, đó là điều bình thường, quan trọng là mình có như vậy hay không.

Tôi không vượt qua định kiến, mình chỉ sợ những lời đồn khi mình sai thôi. Từ ngày đầu tôi làm, cho đến thời điểm hiện tại và cả sau này, tôi hướng đến Coin98 như một chuỗi giá trị mình muốn đạt được và muốn kiến tạo. Mình muốn đi và xem mình đi được bao xa, rồi đem những giá trị tích luỹ đó giúp đỡ cho những người trẻ sau này.

Hành trình của mình thì mình cứ đi thôi. Việc phải chứng minh ngược lại những điều người khác nói về mình thì thà dành thời gian đó cho việc khác còn có giá trị hơn.

NĐT: Hiện tại, lĩnh vực blockchain đang nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều nhà đầu tư, cũng như các bạn trẻ, điều này thể hiện rõ qua 3 sự kiện Vietnam Tour de Web3 được tổ chức thời gian vừa qua. Dưới góc nhìn của người làm dự án, ông đánh giá blockchain sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới?

Lê Thanh: Tôi nghĩ việc blockchain sẽ đi vào ứng dụng không còn là có hay không mà chỉ là câu chuyện thời gian, sớm hay muộn. Nhanh thì khoảng 4-5 năm, chậm thì 5-10 năm nữa, chúng ta sẽ thấy công nghệ này đi vào cuộc sống.

Hiện nay, tôi thấy nhiều người đang có cái nhìn đối với blockchain như là “chén thánh", theo kiểu cái gì cũng phải blockchain, cái đó tôi nghĩ không đúng.

Với vai trò là người phát triển sản phẩm trong ngành công nghiệp về blockchain, bản thân tôi cũng rõ việc có những thứ blockchain có thể làm được và có những cái không thể. Cũng giống như các công nghệ khác thôi, AI cũng vậy, cũng có trường hợp người dùng cũng phải cân nhắc nên hay không.

Blockchain đã tìm được một số ứng dụng phù hợp, tôi nghĩ trong một thời gian nữa công nghệ này sẽ được sử dụng nhiều hơn.

Nếu nhìn nó như một xu thế tất yếu thì câu hỏi là làm thế nào đón đầu và làm thế nào chuẩn bị tốt cho ngành công nghiệp mới để mình không bị bỏ lại và có thể tận dụng được nó.

Việt Nam có thế mạnh của người trẻ, thích học cái mới và rất cởi mở với công nghệ, phù hợp cho việc phát triển công nghệ trở thành một những ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia.

Mặt khác, blockchain là ngành công nghiệp đang phát triển, và trong tương lai chưa ai biết khi thành hình sẽ như thế nào. Cho nên, tất cả các bên hiện nay đều đang bối rối, cách tiếp cận chung chỉ cần giữ một tâm thế mở.

Tôi không biết và cũng không ai biết tương lai sẽ thế nào nhưng chúng ta đều tin rằng công nghệ này có tiềm năng thì mình tiếp cận từ những vùng nhỏ, có thể quản lý. Đây là cách tiếp cận hợp lý, chứ không nên phủ nhận rằng “bởi vì nó mới quá nên tôi không làm".

Theo tôi, mình không từ chối mà bước từng bước, bước để hiểu thêm về công nghệ mới, và theo thời gian, càng bước nhiều thì sẽ càng biết nhiều.

NĐT: Trong thời gian tới, Coin98 có kế hoạch phát triển như thế nào?

Lê Thanh: Chúng tôi vẫn tập trung về phát triển mảng sản phẩm Wallet, mục tiêu vẫn là biến Coin98 Wallet trở thành sản phẩm top1 trên thế giới. Tôi nghĩ là còn xa để đạt được mục tiêu đó nhưng chúng tôi vẫn tập trung để làm sao càng nhanh càng tốt.

Tất nhiên là còn nhiều thứ cần cải thiện. Từ những ý kiến phản hồi đề hoàn thiện sản phẩm cũng như cách mà mình xây dựng sản phẩm, không thể tránh khỏi sai lầm. Tuy nhiên, đó là sự học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Thay vì mình không biết thì bây giờ mình biết rằng mình sai ở đâu, mà sai thì sửa thôi.

Dù vậy cũng phải nhìn lại, chúng tôi mới phát triển mảng Wallet từ năm 2020, đến nay là được 3 năm, không thể so sánh được với những người đã ở trên thị trường 8-9 năm, kinh nghiệm và tiền của họ đều có nguồn lực hơn mình rất nhiều.

NĐT: Mỗi doanh nhân gắn với doanh nghiệp của mình đều có đặc trưng về tư duy quản trị và phong cách lãnh đạo riêng biệt, thậm chí đó trở thành văn hóa của doanh nghiệp. Là một lãnh đạo trẻ lại hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, ông quản trị đội ngũ của mình như thế nào? Đâu là sự khác biệt giữa Coin98 với các doanh nghiệp khác?

Lê Thanh: Một trong những thứ tôi muốn xây dựng ở Coin98 là làm thế nào để phát triển doanh nghiệp Việt Nam đứng trên đỉnh của thế giới, ít nhất là trong ngành mình đang làm. Và làm thế nào để đem những giá trị, kiến thức, kinh nghiệm đó đặt nền móng cho thế hệ trẻ tiếp theo.

Coin98 vận hành đúng nghĩa như một công ty, nhưng cách chúng tôi làm thì giống một tổ chức hơn. Tôi vẫn khuyến khích mọi người ở đây đi tìm kiếm phiên bản tốt nhất của bản thân họ.

Bởi với blockchain, đặc biệt là với crypto sẽ phải làm việc 24/7, tiêu tốn năng lượng rất nhiều và nhanh. Thành ra những người làm việc trong ngành này phải rất thích mới có thể làm việc và gắn bó qua nhiều năm tháng.

Vậy nên không thể nào dùng cách quản trị hành chính giống các doanh nghiệp khác tại Coin98, như vậy rất khó để tồn tại. Để thích ứng và làm việc trong một thị trường luôn chảy, thì gần như mọi thành viên ở Coin98 phải thay đổi và hòa nhịp với xu hướng chung.

Khi ấy, tôi cũng phải có trách nhiệm truyền tải đến nhân sự công ty niềm đam mê, thích thú để cống hiến cho công việc. Công ty có một mục tiêu chung, làm sao trong mục tiêu chung đó, các bạn vẫn có thể phát triển. Nhờ vậy mà rất nhiều người đã phát triển bản thân sau thời gian làm việc ở Coin98.

Mục tiêu tôi mong muốn sau này các bạn sẽ trở thành tầng lớp lãnh đạo mới của một thế hệ.

NĐT: Có thể thấy, xuyên suốt trong cuộc nói chuyện, ông khá nặng lòng với người trẻ. Vừa qua, Coin98 đã thành lập quỹ Vietnam Future Fund hướng đến mục tiêu hỗ trợ các startup Việt. Xin ông chia sẻ thêm về lý do thành lập quỹ.

Lê Thanh: Đơn giản thôi, việc muốn giúp đỡ cho thế hệ trẻ sau này như đang giúp lại chính tôi ở quá khứ. Ngày xưa tôi khởi nghiệp rất khổ, có quá nhiều khó khăn. Thời của tôi được nghe rất nhiều câu chuyện tuyệt vời như giấc mơ Mỹ, thung lũng Silicon, tuy nhiên, sau này học nhiều, nghiên cứu nhiều, tôi biết được ở các nền công nghiệp đó, có hẳn 1 hệ sinh thái với những người chịu rủi ro để cho thế hệ mới khởi nghiệp. Đồng thời, họ cũng có những người đi trước hướng dẫn cách để xây dựng một công ty, muốn giá trị công ty lên được một con số nhất định thì cần phải làm như thế nào.

Gần như những thứ đó, họ đều có quy trình, cẩm nang rõ ràng. Ở Việt Nam thì chưa có những người như vậy, chưa có chứ không phải không có. Bởi thời gian hội nhập của mình cũng sau các nước nên việc mình chưa làm được giống người ta là điều bình thường.

Khi mà nhận ra được những điều trên, tôi đã tự ngẫm lại: Để cho một đất nước có thể phát triển bật lên thì sóng sau phải xô sóng trước, thế hệ sau phải giỏi hơn thế hệ trước. Để làm được điều đó phải có những người chịu được rủi ro và chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ đi sau.

Và thế hệ của chúng tôi là người phải làm những điều như vậy.

NĐT: Vậy theo ông, người trẻ khi khởi nghiệp cần trang bị cho mình những kỹ năng gì?

Lê Thanh: Chắc chắn đầu tiên là ngoại ngữ. Từ góc độ của tôi, khởi nghiệp từ lĩnh vực công nghệ, phải phát triển sản phẩm hướng tới toàn cầu, không phải chỉ trong phạm vi quốc gia. Vậy nên, ngoại ngữ nói chung và tiếng anh nói riêng là điều tiên quyết.

Bởi gần như, ngôn ngữ là xuất phát điểm để mình học được những kiến thức tiệm cận. Điều đó giống như mình mong muốn doanh nghiệp ở tầm cỡ quốc tế nhưng chỉ phát triển theo kiểu duy ý chí mà không cải thiện, nâng cao khả năng thì sẽ không thể đạt được.

Nếu như muốn phát triển một sản phẩm cho 8 tỷ người dùng thì trên thế giới có nhiều tài liệu viết về tiêu chuẩn sản phẩm, marketing ở từng châu lục khác nhau hay như cách gọi vốn… tất cả đều đã có cẩm nang hết. Lúc đó, tiếng anh là chìa khóa đầu tiên để tiếp cận được nguồn tri thức.

Sau khi học được rồi, tới khi làm việc thì bản thân người trẻ chính là người phải trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin đến người dùng cũng như các nhà đầu tư. Vậy nên việc biết ngoại ngữ bây giờ không phải là tiêu chuẩn thêm mà là điều chắc chắn buộc phải có.

Nó như việc bạn có tầm nhìn, sứ mệnh, hoài bão, ước mơ nhưng nó đâu có nghĩa lý gì nếu bạn không thể chia sẻ điều đó với người khác và người khác không hiểu được. Và không ai có thể thay thế được người sáng lập ý đi truyền tải ý tưởng đến người khác.

Khi đã có ngôn ngữ, đam mê, các bạn trẻ nên học thêm những kiến thức liên quan đến khởi nghiệp, từ kiến thức đến thực tiễn, từ tư duy đến trải nghiệm. Theo tôi, đó là những bước tiến đầu tiên mà một người khởi nghiệp cần có.

NĐT: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 12/10/2023 | 11:00