Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.

Những con số siêu khủng về số tiền bà Trương Mỹ Lan “rút lõi” chiếm đoạt của SCB, số tiền SCB huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân để Trương Mỹ Lan rút ruột, số tiền hối lộ quan chức, số bị hại đầu tư mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát, số tài sản bị kê biên của bà Lan… đủ thấy đây là một “đại án” kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, xô đổ mọi kỷ lục về tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Việt Nam.

Theo kết luận điều tra, để thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng đồng bọn đã lập nên một kế hoạch vô cùng tỉ mỉ và có tiến trình thực hiện kéo dài trong nhiều năm.

Cụ thể, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần rồi thực hiện hành vi thao túng.

Từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Trương Mỹ Lan nắm giữ 80,46% cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất; 98,74% cổ phần Ngân hàng Tín Nghĩa; 81,43% cổ phần Ngân hàng SCB.

Sau khi ba ngân hàng trên hợp nhất thành Ngân hàng SCB, bà Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên hơn 85% cổ phần của nhà băng này. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tiếp tục mua và nhờ người đứng tên để tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại SCB lên hơn 91,5% vào ngày 1/1/2018.

Với việc sở hữu, nắm quyền chi phối số cổ phần của SCB, bà Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân tin tưởng, thân tín đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vào các vị trí chủ chốt của SCB. Họ đều nghe theo chỉ đạo của bà Lan và được trả mức lương cao từ 200-500 triệu đồng/tháng.

Các bộ phận giúp Trương Mỹ Lan đối phó thanh tra, kiểm tra, che giấu hoạt động phạm tội gồm: HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư, Uỷ ban Kinh doanh và Đầu tư, Các Chi nhánh/Đơn vị kinh doanh.

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua nhóm lãnh đạo chủ chốt tại SCB, bà Trương Mỹ Lan sử dụng ngân hàng này như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức. Tuy nhiên trong hoạt động cho vay, SCB lại chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng nên hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm: Nhóm định chế tài chính (SCB, Chứng khoán Tân Việt, Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú); nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông…); nhóm các công ty “ma” tại Việt Nam (thành lập để góp vốn đầu tư dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ…) và mạng lưới công ty tại nước ngoài (xây dựng công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” để quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Trương Mỹ Lan tại nước ngoài…).

Kết quả điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay tại SCB còn dư nợ hơn 677.286 tỷ đồng đều thuộc nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.042 khoản vay còn dư nợ tại SCB.

Theo kết luận, sau khi thâu tóm SCB, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại đây và các cán bộ chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát triển khai các hoạt động rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Thậm chí có nhiều khoản vay rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.

Mỗi khoản cần rút ra, trong các giai đoạn đều có cách làm khác nhau và được giao cho từng nhóm của Vạn Thịnh Phát để dựng công ty "ma", "vẽ" ra phương án đầu tư tại các dự án, giao cho các bộ phận tính toán tài sản đảm bảo cho phù hợp….

Theo kết luận, Ngân hàng SCB đã huy động tiền gửi từ 50 chi nhánh nhưng chỉ tập trung giải ngân đối với nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 3 đơn vị hội sở, 3 chi nhánh lớn, nhỏ lẻ ở 6 chi nhánh.

Các hồ sơ cho vay, giải ngân của nhóm Trương Mỹ Lan tại các đơn vị, chi nhánh trên đều có ký hiệu theo dõi riêng như "HSTT", "phương án, dự án" để các nhân viên ngân hàng nhìn vào đều hiểu là cho vay các công ty trong "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".

Thực hiện hoạt động này, Trương Mỹ Lan đã giao cho các thân tín tại SCB phối hợp cùng các thuộc cấp tại Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của cá nhân, pháp nhân "ma" để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc cho các cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Theo kết luận, thủ đoạn của nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng để vay tiền SCB gồm: Tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê hoặc nhờ người đứng tên tài sản; Tạo lập hồ sơ vay khống; Đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để "rút ruột" ngân hàng.

“Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau”, kết luận chỉ rõ.

Kết quả xác minh hồ sơ vay vốn 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan còn dư nợ tại SCB thì có 201 khoản vay, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Các khoản vay này giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng, đến nay tổng dư nợ 11.600 tỷ đồng.

Nhóm của Trương Mỹ Lan còn tạo lập, sử dụng khách hàng vay vốn khống, thuê người đứng tên tài sản đảm bảo để vay 1.200 khoản tại SCB.

Nhóm bà Lan đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, thuê hàng nghìn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức rút tiền của Ngân hàng SCB. Sở dĩ "kho" pháp nhân này càng ngày càng phình to ra vì phải thành lập nhiều pháp nhân, "dựng" nhiều cá nhân mới để đứng tên khoản vay thì khi kiểm tra tín dụng sẽ không có dư nợ tín dụng lớn, kết luận nêu.

Để Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện được hành vi rút tiền, chiếm đoạt tiền từ SCB thông qua thủ đoạn vay còn có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá. Lãnh đạo, nhân viên các công ty này không thực hiện công tác thẩm định nhưng đã phát hành các chứng thư thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của SCB để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.

Một câu hỏi được đặt ra ngay khi vụ án này phát lộ: Tại sao một vụ án quy mô đặc biệt lớn, diễn ra trong một thời gian dài, liên quan đến hàng nghìn pháp nhân mà lại có thể qua mắt được nhiều tầng nấc của hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng. Lần theo các dấu vết phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã “vén màn” những “cái bắt tay” trong bóng tối của một loạt cựu quan chức trong lĩnh vực thanh tra giám sát ngân hàng.

Chính những người này vì lợi ích vật chất của cá nhân đã "bẻ cong sự thật", thay đổi kết quả thanh tra, giúp bà Lan và đồng phạm tiếp tục lún sâu vào những sai phạm như cáo buộc của cơ quan điều tra.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, thời điểm tháng 6/2017, tình hình tài chính của SCB rất xấu, âm vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, có nguy cơ phá sản rất cao. Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản kiến nghị Chính phủ lập đoàn thanh tra để thanh tra giám sát ngân hàng đối với SCB. Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có nhiều văn bản truyền đạt ý kiến của Chính phủ về việc lập Đoàn Thanh tra liên ngành giám sát đối với hoạt động của SCB.

Đến ngày 1/8/2017, Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng (TTGSNH) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành gồm 18 thành viên, tiến hành thanh tra đối với SCB tập trung vào các nội dung: Hoạt động cấp tín dụng từ thời điểm 30/6/2014; các khoản lãi và phí phải thu; thực trạng xử lý nợ xấu; việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Việc thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành cũng đã dự liệu được tình huống xấu xảy ra tại SCB, bao gồm cả dự kiến phương án xử lý trong tình huống đó. Và quả thật, khi đoàn thanh tra làm việc đã phát hiện hàng loạt sai phạm của SCB ở tất cả các nội dung: Hệ số CAR của SCB bị âm (-4,24%) do Vốn của chủ sở hữu bị âm đến hơn 22.000 tỷ đồng; lỗ lũy kế bị âm hơn 35.000 tỷ đồng; số lỗ lũy kế/vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm 278,84%; nợ xấu 35,87%. Đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng, trong đó chỉ ra các khoản nợ và khách hàng chứa nhiều rủi ro dẫn đến SCB mất khả năng chi trả, nợ xấu rất cao là Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái này.

Với thực trạng tài chính như trên đã đủ điều kiện để đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt theo điều 146, Luật các Tổ chức tín dụng. Và việc cần làm lúc này của Đoàn Thanh tra là báo cáo đúng những gì đang diễn ra ở SCB và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau khi phát hiện sai phạm của SCB trong việc cho tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay tiền, thay vì kết luận sai phạm và tham mưu cho các cấp thẩm quyền xử lý theo quy định thì Đoàn Thanh tra liên ngành lại quyết định “đổi trắng thay đen”. Từ chỗ SCB có nhiều sai phạm, các bị can trong nhóm cán bộ thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Đoàn Thanh tra liên ngành đã bỏ ngoài báo cáo những thông tin xấu của SCB về phân loại nợ xấu, toàn bộ số liệu nợ xấu…

Đặc biệt, khi tham gia cuộc họp báo cáo Chính phủ về kết quả thanh tra SCB, các quan chức tham gia đoàn thanh tra không báo cáo cụ thể số liệu mà chỉ nêu chung chung và đưa ra nhận xét SCB cơ bản đã chấp hành chỉ đạo; đồng thời trong phần kiến nghị còn đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho SCB thực hiện thành công tái cơ cấu.

Đáng chú ý, dù sau đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tiếp tục thanh tra các dấu hiệu sai phạm của SCB, nhưng các quan chức này lại tiếp tục bưng bít thông tin, sửa chữa số liệu theo hướng có lợi cho SCB và Vạn Thịnh Phát.

Cũng cần nói thêm rằng, theo quy định của pháp luật và của NHNN, công tác thanh tra, giám sát đối với 1 ngân hàng có 4 biện pháp, gồm: Giám sát an toàn vi mô; Giám sát qua báo cáo; Tiếp xúc với đối tượng giám sát và Kiểm tra, thanh tra theo định kỳ/đột xuất khi cần thiết. Tuy nhiên, suốt từ năm 2016 đến tháng 9/2022, Cục II và NHNN chi nhánh Tp.HCM đã không triển khai quyết liệt biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ/đột xuất đối với SCB.

Đặc biệt, quá trình thực hiện biện pháp giám sát qua báo cáo, khi xét thấy rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Tổ Giám sát đề xuất lãnh đạo Cục II hoặc NHNN chi nhánh Tp.HCM tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt. Thực tế, trong giai đoạn 2016-9/2022, Tổ Giám sát đã có trên 70 lượt kiến nghị như vậy nhưng đều không được chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau.

Đáng nói, một số lãnh đạo Cục II, NHNN chi nhánh Tp.HCM, TTGS NHNN chi nhánh Tp.HCM và Tổ trưởng Tổ Giám sát đã có các hành vi đi ngược lại chức năng, nhiệm vụ vốn có như: ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không đúng trung thực sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của SCB; không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện; không kiến nghị thanh tra pháp nhân SCB để kịp thời xử lý sai phạm; thu hẹp phạm vi thanh tra không đúng với đề xuất của Tổ Giám sát, cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của NHNN.

Hậu quả, SCB chẳng những thất bại trong việc tái cơ cấu mà còn càng ngày càng lún sâu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đến thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án, SCB đã mất hoàn toàn khả năng thanh khoản, gây thiệt hại hơn 415.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn số tiền này chảy vào túi cá nhân của nhóm Vạn Thịnh Phát. Và quả đắng chính là hơn 42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đứng trước nguy cơ mất trắng, trong đó bao gồm cả những người đã dùng tiền lương hưu trí, tiền vay mượn để mua trái phiếu.

Vậy lý do để hàng loạt cán bộ trong ngành ngân hàng dù biết mười mươi sự thật, nhưng bất chấp pháp luật, bất chấp nguy cơ về sự sụp đổ của một ngân hàng và những thiệt hại khủng khiếp kéo theo đối với nền kinh tế và hàng trăm nghìn số phận là gì? Câu trả lời quen thuộc của những cái bắt tay trong bóng tối của nhóm lợi ích, không gì khác, chính là “tiền”. Mà nếu không phải, thì đó là “Rất nhiều tiền”.

Kết quả điều tra cho thấy, bị can Đỗ Thị Nhàn – Trưởng Đoàn Thanh tra, đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD. Nếu so sánh, số tiền này đã bằng hơn 70% tổng số tiền đưa nhận hối lộ trong vụ đại án "chuyến bay giải cứu" (khoảng 165 tỷ đồng).

Nguyễn Văn Hưng – Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, từ tháng 4/2016 đến 1/1/2018, đã nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB tổng cộng 390.000 USD (tương đương 8,7 tỷ đồng). Trong đó, riêng thời gian thực hiện thanh tra, ông Hưng nhận 310.000 USD.

Bị can Nguyễn Thị Phụng - Phó Trưởng Đoàn thanh tra, thừa nhận nhiều lần nhận tiền từ SCB với tổng số tiền 20.000 USD và 210 triệu đồng, quà và lợi ích vật chất từ SCB gồm 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn trong quá trình thanh tra.

Đỗ Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ Thanh tra số 3, đã 4 lần nhận tiền của SCB, mỗi lần 10.000 USD tổng cộng 40.000 USD.

Trần Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ thanh tra số 4, cũng 4 lần được SCB đưa tiền, quà, lợi ích vật chất tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng.

Nhóm lãnh đạo ngân hàng SCB bị truy nã.

Lê Thanh Hà - Tổ trưởng Tổ Thanh tra số 5, thì 5 lần nhận tiền từ Tổng Giám đốc SCB và các Giám đốc chi nhánh Gia Lai, chi nhánh Hai Bà Trưng, tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng.

Nguyễn Duy Phương, thành viên tổ 4 đã 2 lần nhận tổng cộng 5.000 USD và 20 triệu đồng. Nguyễn Văn Thùy, thành viên tổ 1 đã 6 lần nhận tổng cộng 21.000 USD và 60 triệu đồng.

Các thành viên còn lại, trong đó có 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 cán bộ Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận tiền và quà từ SCB, với số tiền từ 10.000 USD đến 21.000 USD, kèm theo lợi ích vật chất và quà tặng.

Các bị can Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín với vai trò là lãnh đạo Cục II, NHNN chi nhánh Tp.HCM, TTGS NHNN Chi nhánh Tp.HCM, nhờ “làm mờ” đi các sai phạm trong quá trình thực hiện chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát đối với SCB, cũng đã nhận của SCB từ 470 triệu đồng – 1,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 11 người là thành viên Tổ giám sát các giai đoạn từ năm 2016 đến 2022 cũng "nhận quà" của SCB trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, họ đã chủ động khai báo, giúp tiến hành điều tra và "trả lại quà" nên không bị xử lý hình sự.

Ông Tô Duy Lâm - cựu Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM bị cơ quan điều tra xác định là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, quản lý Ngân hàng SCB. Ông Lâm tuy không nhận tiền, chỉnh sửa báo cáo liên quan ngân hàng này nhưng vẫn "có trách nhiệm trong quản lý" với việc để xảy ra sai phạm của cấp dưới. Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự ông Lâm nhưng cho rằng, cần xử lý nghiêm về mặt Đảng, chính quyền.

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Chủ tịch Tập đoàn Capella Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc chiếm đoạt 40 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng) của bà Trương Mỹ Lan thông qua 3 dự án đầu tư, mua bán cổ phần và bị đề nghị truy tố với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Thông tin trong Kết luận, ông Nguyễn Cao Trí sở hữu hệ sinh thái Tập đoàn Capella với Tập đoàn Giáo dục Văn Lang và 28 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

Ông Trí quen bà Trương Mỹ Lan từ năm 2017, sau đó hợp tác đầu tư một số dự án bất động sản và mua cổ phần công ty.

Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan đã thanh toán cho ông Trí tổng số tiền 847 tỷ đồng gồm 3 lần thanh toán số tiền 21,25 triệu USD (476,8 tỷ đồng) để mua 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp; thanh toán nhiều lần với số tiền 1 triệu USD (23,214 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng để đặt cọc mua Cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh và thanh toán 2 lần số tiền 9,5 triệu USD (220,274 tỷ đồng) để tham gia đầu tư dự án Hải Hà, Quảng Ninh nhưng đều không có biên nhận.

Đến tháng 1/2021, ông Nguyễn Cao Trí gặp bà Lan tại Nhà hàng Ngân Đình (tòa nhà TimeSquare) và thống nhất tất cả các khoản tiền nhận của bà Lan để đầu tư, mua cổ phần là 1.000 tỷ đồng (ông Trí khai nhận 827 tỷ đồng và tính lãi 173 tỷ đồng trong 2 năm).

Trương Mỹ Lan (ngoài cùng bên trái) và nhóm lãnh đạo dưới quyền bị bắt giữ.

Để làm tin cho khoản 1.000 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan, ông Trí đã làm thủ tục chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang tương đương giá trị 1.000 tỷ đồng cho ông Hồ Quốc Minh (người quen, môi giới của bà Trương Mỹ Lan).

Đồng thời, ông Trí ký Giấy Chứng nhận sở hữu 4,4 triệu cổ phần (10% vốn điều lệ) ngày 22/2/2021 để giao cho bà Trương Mỹ Lan, theo ông Trí việc ký hợp đồng chuyển nhượng này là để thanh lý tất cả các hợp đồng mua cổ phần đã ký trước đó, việc chuyển nhượng này không đưa vào hệ thống sổ sách và cũng có thỏa thuận không được chuyển nhượng, thế chấp vay tại Ngân hàng.

Đến tháng 10/2022, sau khi bà Lan bị bắt giam, ông Trí đã chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đã ký trước đó. Mục đích làm việc này của ông Trí nhằm xóa bỏ quyền sở hữu tại Công ty Văn Lang của bà Lan để chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận từ bà Lan.

Khi mới bị cơ quan điều tra triệu tập để lấy lời khai, ông Trí khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào từ bà Lan, không thừa nhận chữ ký, chữ viết trên các tài liệu.

Đồng thời, ông Trí còn có cho rằng bà Lan bịa đặt, vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín của mình, chỉ thừa nhận việc hợp tác với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong việc tài trợ 2.000 máy thở phòng chống Covid-19 cho Bộ Y tế và các tỉnh, thành trong nước.

Đến ngày 15/1/2023, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, ông này mới chịu khai nhận hành vi và đã nộp 640 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Nguyễn Cao Trí khai không biết nguồn gốc số tiền 827 tỷ đồng nhận của Lan được lấy từ đâu; hạch toán, theo dõi như thế nào. Sau khi nhận tiền của Lan, Trí sử dụng mua các loại cổ phần, cổ phiếu, bất động sản nhỏ lẻ tại Tp.HCM; thanh toán cho dự án Sài Gòn Silicon, trả Hồ Quốc Minh 484 tỷ đồng, hiện nay không còn lưu giữ tài liệu chứng từ gì, còn lại một số tiền mặt tại két sắt Công ty Capella.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 27/11/2023 | 07:00