Từ cú ngược dòng thế kỷ trên thị trường chuyển nhượng…
Một năm về trước, cũng trong buổi xế chiều của phiên chợ hè như thời điểm hiện tại, Manchester United hân hoan đón chào sự trở lại của Cristiano Ronaldo, thần tượng xưa cũ của một thời vàng son tại Old Trafford. Không chỉ là hân hoan, người hâm mộ Quỷ đỏ phấn khích tới độ bùng nổ cảm xúc như thể sống lại ký ức cú ngược dòng thần thánh trong trận chung kết Champions League 1999 tại Camp Nou. Quả thực, thương vụ Ronaldo của MU vào mùa hè năm ngoái cũng có thể ví von là cú ngược dòng ngoạn mục bậc nhất lịch sử chuyển nhượng bóng đá.
Trước thời điểm siêu sao người Bồ Đào Nha xuất hiện trong đường hầm, nét mặt rưng rưng của người con lưu lạc bao năm mới trở về, đằng xa là tấm áp phích in logo MU và dòng chữ Welcome to Old Trafford, mọi thông tin xuất hiện trên mặt báo đều khẳng định CR7 đang trên đường đến Man City, gã hàng xóm lắm mồm đáng ghét của Quỷ đỏ. Không một dòng tin tức nhợt nhạt nào hướng Ronaldo về nửa đỏ thành Manchester.
Sáng ngày 26/8, siêu cò Jorge Mendes, người đại diện của Ronaldo xuất hiện tại Turin để thông báo với Juventus rằng CR7 muốn ra đi và sắp hoàn tất thỏa thuận cùng Man City. Lão bà đành gật đầu vì chiếc ví cũ kỹ không đủ trả mức lương lên tới 31 triệu euro/năm của siêu sao người Bồ Đào Nha. Để vớt vát chút vốn, Juve đòi 28 triệu euro phí chuyển nhượng và yêu cầu phải nhận được đề nghị trong vòng 24 giờ. Chiều hôm ấy, Mendes lên chiếc chuyên cơ Cessena bay đến Paris.
Tuy nhiên, PSG thời điểm đó đã có Messi và đang bận giữ chân Mbappe trước sự chèo kéo của Real Madrid. Với kinh nghiệm làm nghề môi giới cầu thủ hơn 20 năm, Mendes hiểu rằng ông cần thực hiện một cú quay xe cấp tốc. Từ kinh đô ánh sáng, ông lại lên đường sang Manchester, nhưng điểm đến không phải Etihad mà là Old Trafford.
Cục diện dần đảo chiều. Trả lời phỏng vấn trước trận đấu với Arsenal, Pep Guardiola cho biết: “Cristiano sẽ quyết định nơi cậu ta thi đấu, không phải Man City hay bản thân tôi… Hiện tại, chuyện đó nghe có vẻ xa vời”. Theo các nguồn tin, Man City không đồng ý trả cho Juve số tiền quá 15 triệu euro. Bên cạnh đó, mức lương của Ronaldo cũng vọt xà cấu trúc lương của đội chủ sân Etihad quá xa.
Ít phút sau khi Pep trả lời phỏng vấn, Solskjaer, HLV MU bước vào cuộc họp báo và phát biểu đầy hồ hởi: “Nếu Ronaldo muốn đi, cậu ấy luôn biết chúng tôi đang chờ ở đây. Hãy chờ xem!”. Diễn biến thương vụ càng thêm cảm xúc khi hết Sir Alex Ferguson đến những đồng đội cũ của Ronaldo tại MU như Patrice Evra hay Rio Ferdinand tác động để Ronaldo “trở về”.
Kết quả, Ronaldo trở về MU. Thế giới bóng đá một phen chấn động. Dư chấn còn khủng khiếp hơn cả những giọt nước mắt chia ly Barca của Messi. Bruno Fernandes hứng chí viết: “Mừng Ronaldo trở về, người đại diện Bruno. Rashford chỉ biết thốt lên: “Wow, wow, wow, anh ấy trở về nhà”. Jadon Sancho phấn khích không kém: “1 tiếng điên cuồng!”. Gary Neville như một thói quen, đăng đàn giễu nhại Carraragher bằng cách chia sẻ bài viết của cựu cầu thủ Liverpool về việc Ronaldo sẽ giúp Man City vô địch Champions League kèm dòng bỡn cợt: “Bạn không giành được gì với lũ trẻ con đâu!”.
Old Trafford rộn tiếng hoan ca. Trận ra mắt trở lại MU, Ronaldo sút tung lưới Newcastle. Trận tiếp theo chạm trái West Ham, CR7 lại nổ súng. MU khấp khởi về một tương lai tươi sáng. Mùa trước, đội bóng thành Manchester kết thúc ở vị trí á quân Premier League, đồng thời về nhì tại Europa League. Những dấu hiệu cho sự tái sinh của Quỷ đỏ. Với sự xuất hiện của siêu sao Ronaldo, chẳng lẽ MU lại không thể trở lại đỉnh cao?!
…đến đắp mộ cuộc tình
Rốt cuộc, MU tiếp tục chìm sâu thật. Bất chấp những bàn thắng của Ronaldo, MU kết thúc ở vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng Premier League 2021/22 với điểm số thấp kỷ lục, đồng nghĩa vắng bóng tại Champions League 2022/23. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính để Ronaldo đòi chia tay sớm MU. Hợp đồng giữa anh và Quỷ đỏ có hiệu lực 2 năm, đến tháng 6/2023 mới đáo hạn, nhưng ở tuổi 37, CR7 không thể chờ 1 năm để được hít thở bầu không khí của đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Hóa ra, tình yêu lớn nhất Ronaldo dành cho Champions League chứ không phải MU. Chuyện tình đẹp giữa MU và CR7 hóa ra không lãng mạn như trông đợi, kể cả dựa trên những con số tưởng chừng ấn tượng của siêu sao người Bồ Đào Nha. Mùa trước, Ronaldo tạo cảm giác một mình anh gồng gánh cả MU rệu rã với 24 bàn thắng trên mọi đấu trường, bao gồm 16 bàn tại Premier League.
Tuy nhiên, thực tế có những điểm MU lại kém đi khi có Ronaldo. Bất chấp sự yếu kém trong khâu kiểm soát bóng, Quỷ đỏ chưa bao giờ mất kiểm soát như mùa trước. Tỷ lệ cầm bóng của đội chủ sân Old Trafford giảm từ 55,6% xuống 52,1%. Đồng thời, tỷ lệ dứt điểm so với đối phương trong các trận đấu giảm từ 55,1% xuống 49,9%, tức dứt điểm ít hơn so với các đối phương.
Một chi tiết khác đã được đề cập rất nhiều, Ronaldo thiếu hiệu quả pressing trong thời đại của bóng đá tầm soát. Thống kê chỉ ra nỗ lực pressing của Ronaldo thấp hơn mọi tiền vệ và tiền đạo tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, bao gồm Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1. Ví von một cách hình ảnh, Ronaldo như liều thuốc phiện, dùng thì đê mê nhưng càng dùng càng độc hại, nhất là cơ thể Quỷ đỏ hơn 10 năm qua đã càng ngày càng tiều tụy.
Tất nhiên, không thể đổ hết lỗi cho Ronaldo, ở MU hiện tại, đừng nói đến những khái niệm thời thượng như chiến thuật, pressing hay định hướng vị trí, cũng chẳng thể mơ mộng xa vời về danh hiệu hay chiến thắng. Đó là tập thể rệu rã, mục ruỗng từ thượng tầng đến trên sân cỏ. Ngay cả sự xuất hiện đầy kỳ vọng của tân HLV Erik ten Hag cũng sớm bị kéo về thực tại bi thảm với 2 thất bại liên tiếp ở 2 vòng đấu đầu tiên tại Premier League và màn trình diễn hết sức đáng thất vọng.
Thật khó tin là đội bóng vừa thảm bại tại Brentford nay chỉ 1 năm trước, khi Ronaldo vừa đến, đã có mạch bất bại trên sân khách kéo dài tới 29 trận. Hiện tại, MU đã thua 7 trận liên tiếp trên sân đối phương với tổng tỷ số là 2-21. Đó là thành tích sân khách tệ nhất của Quỷ đỏ kể từ năm 1936. 100 năm qua họ cũng chưa hề thua liên tiếp 2 vòng mở màn giải VĐQG Anh.
Tuy nhiên, không chỉ Ronaldo, nhiều mảnh ghép khác cũng không hề phù hợp với bức tranh chung mà tân HLV Erik ten Hag muốn lắp. Maguire và tân binh Lisandro Martinez là một cặp trung vệ thảm họa khi để đối phương thực hiện tới 8 quả tạt chỉ trong 45 phút. Christian Eriksen làm sao có thể chơi ở vị trí tiền vệ kiến thiết lùi sâu như Pirlo khi bên cạnh là Fred chứ không phải Tê giác Gattuso.
Và David De Gea tạo cảm giác anh là thủ thành cuối cùng của thập kỷ này không biết chơi chân. Không phải ngẫu nhiên “Tôn Ngộ Không” với 72 phép thần thông bay lượn trong khung gỗ lại không được bắt chính cho đội tuyển Tây Ban Nha kể từ tháng 10/2020. “Một thủ môn,” HLV Luis Enrique của ĐT Tây Ban Nha nói vào tháng 6, “nên bắt đầu cho lối chơi và tạo ra ưu thế đầu tiên, họ phải thao túng không gian trên sân”.
De Gea không thể làm điều đó vì đơn giản là anh ấy không thoải mái khi cầm bóng. Mùa trước, thủ thành người Tây Ban Nha chỉ có tỷ lệ chuyền bóng chính xác 71,3%. Để dễ bề so sánh, tỷ lệ này của Ederson là 88,1% và Alisson là 87,1%. De Gea chơi bóng dài vì MU hay ngược lại, MU phải chơi bóng dài vì De Gea?!
Gary Neville rốt cuộc phải cay đắng thừa nhận: “Luôn có sự lộn xộn giữa nhà quản lý và xây dựng chiến lược. Tôi rất vào hứng với những bản hợp đồng mới, đặc biệt là vào năm ngoái khi Sancho, Raphael Varane và Ronaldo xuất hiện. Nhưng MU bây giờ đã trở thành nghĩa địa cho những người làm bóng đá. 75% các bản hợp đồng là thất bại. Chỉ 4-5% thành công. Thật kinh dị”. Đó càng là lý do để Ronaldo đắp mộ cuộc tình với MU và ngược lại.