Chris Sutton, 1999/2000
Mùa hè 1999, Sutton đầu quân cho đội bóng phía tây thành London từ Blackburn với phí chuyển nhượng 10 triệu bảng, mức giá khủng vào thời điểm đó. Tên tuổi của tiền đạo này được tạo dựng ở Norwich và sau đó Blackburn. Tuy nhiên Sutton đã phải vật lộn trong màu áo The Blues khi chỉ ghi vỏn vẹn 3 bàn sau 39 trận. Anh bị đẩy sang Celtic chỉ sau 1 mùa giải với mức phí 6 triệu bảng và lập tức tìm lại phong độ.
Mateja Kezman, 2004/2005
2004/05 là mùa giải đầu tiên Chelsea vô địch Premier League song dấu ấn của tân binh người Serbia rất nhạt nhòa. Trên thực tế, Kezman được đặt rất nhiều kỳ vọng để thay thế Jimmy Floyd Hasselbaink khi đầu quân cho The Blues từ PSV với bản hợp đồng trị giá 6 triệu bảng. Tuy vậy, chân sút này không thể tái hiện hình ảnh nỗi ám ảnh của mọi hàng phòng ngự ở giải VĐQG Hà Lan. Kezman chỉ ghi 4 bàn sau 25 trận cho Chelsea và nhanh chóng bị đẩy sang Atletico Madrid.
Khalid Boulahrouz, 2006/2007
Có lẽ Chelsea nỗ lực phá giải lời nguyền hoặc giảm tải áp lực cho các chân sút, khi trao số 9 cho một hậu vệ. Đó là Boulahrouz, bản hợp đồng trị giá 9 triệu bảng từ Hamburg. Tuy nhiên, cầu thủ người Hà Lan không thể cạnh tranh vị trí với John Terry và Ricardo Carvalho. Thêm vào đó là chấn thương hành hạ khiens Bouhlarouz chỉ có 20 lần ra sân cho The Blues trước khi bị đẩy sang Sevilla theo hợp đồng cho mượn.
Steve Sidwell, 2007/2008
Cầu thủ trưởng thành từ lò Arsenal là một bản hợp đồng kỳ lạ của The Blues. Sau 4 năm ấn tượng tại Reading, tiền vệ này được Mourinho săn đón và gia nhập Chelsea theo dạng chuyển nhượng tự do. Michael Essien và Frank Lampard mới là cặp tiền vệ được Người đặc biệt tin dùng, đồng nghĩa Sidwell chỉ có 25 lần ra sân cho Chelsea trước khi bị bán cho Aston Villa.
Franco Di Santo, 2008/2009
Di Santo là tài năng trẻ triển vọng người Argentina. Việc được trao chiếc áo số 9 của Chelsea như là một giấc mơ đối với tiền đạo này. Tuy nhiên, bản hợp đồng trị giá 4 triệu bảng từ Audax Italiano không để lại chút ấn tượng nào trên sân cỏ. Anh chỉ có vỏn vẹn 16 lần ra sân, chủ yếu từ băng ghế dự bị và chưa bao giờ ghi bàn. Di Santo bị bán cho Wigan sau một mùa giải bết bát ở Blackburn theo dạng cho mượn.
Fernando Torres, 2011-2015
4 năm khoác áo Liverpool, Torres tỏa sáng rực rỡ với 81 bàn sau 142 trận. Chelsea đã chấp nhận chi ra tới 50 triệu bảng để có được tiền đạo lừng danh người Tây Ban Nha với rất nhiều kỳ vọng phá giải lời nguyền số 9. Tuy nhiên, bàn thắng kết liễu Barca tại bán kết Champions League 2011/12 chưa tương xứng với số tiền ấy. Trong 4 mùa giải khoác áo The Blues, El Nino chỉ có 45 pha lập công sau 172 trận và chưa bao giờ chắc suất trung phong số một.
Radamel Falcao, 2015/2016
Chelsea đã đánh một canh bạc khi chiêu mộ Falcao sau một mùa giải thảm họa tại Manchester United. Tiền đạo người Colombia khoác áo The Blues theo dạng cho mượn từ Monaco. Tuy nhiên, thể lực và cường độ không đảm bảo khiến El Tigre chỉ có 12 lần ra sân và ghi được vỏn vẹn 1 bàn thắng cho đội chủ sân Stamford Bridge.
Alvaro Morata, 2017/2018
Morata là một thương vụ tốn kém khác Chelsea thực hiện để phá giải lời nguyền số 9, với mức phí 60 triệu bảng vào mùa hè 2017. Song, kết quả vẫn không đổi. Tiền đạo người Tây Ban Nha chỉ ghi 15 bàn trong mùa giải đầu tiên. Morata thậm chí còn đổi số áo thành 29 để tránh lời nguyền nhưng mọi thứ còn tệ hơn. Mùa giải thứ hai anh chỉ có 5 pha lập công. Sau đó Morata bị đẩy về Atletico.
Gonzalo Higuain, 2019
Higuain là bản hợp đồng Maurizio Sarri ao ước đem về Chelsea. Ông và tiền đạo người Argentina đã thành công rực rỡ tại Napoli, trong đó El Pipita ghi 91 bàn sau 146 trận. Dù vậy, vẫn lời nguyền số 9, Higuain chỉ còn là cái bóng của chính mình tại Anh quốc. Nỗi quan ngại về thể lực và tốc độ đã thành sự trận. Trong 6 tháng, 19 trận, Higuain chỉ ghi 5 bàn và phải cuốn gói trở lại Juventus.
Romelu Lukaku, 2021-2022
97,5 triệu bảng, kỷ lục chuyển nhượng CLB, là số tiền Chelsea phải chi ra để chiêu mộ lại Lukaku. Tuy nhiên, bất chấp con số khổng lồ ấy, Lukaku vẫn thất bại thảm hại như những người tiền nhiệm khoác áo số 9 của The Blues. Trên mọi đấu trường, tiền đạo người Bỉ chỉ ghi 15 bàn sau 44 trận, hiệu suất hết sức đáng thất vọng. Chỉ sau 1 mùa, Lukaku lập tức đào tẩu khỏi Stamford Bridge để chuyển về lại Inter theo dạng cho mượn.