Phát xít Đức từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân Ba Lan và người Do Thái ở châu Âu trong Thế chiến II (ảnh: History)
Hôm 28/10, Bộ Ngoại giao Ba Lan chính thức công bố các yêu cầu bồi thường mà nước này gửi tới Đức hồi đầu tháng.
Ngoài khoản tài chính trị giá hơn 1.300 tỷ USD, Warsaw muốn Berlin thực hiện “các biện pháp bồi thường có hệ thống”, bao gồm, trả lại cho Ba Lan những tác phẩm nghệ thuật – văn hóa đã bị Đức Quốc xã tước đọat trong Thế chiến II, trả lại tiền, tài sản của các ngân hàng, tổ chức tín dụng Ba Lan bị Đức Quốc xã tịch thu.
Ngoài ra, Ba Lan yêu cầu Đức “phục hồi danh dự cho các nhà hoạt động dân chủ người Ba Lan bị quân Đức sát hại”. Đức phải tìm cách tôn vinh các nạn nhân người Ba Lan và giáo dục công dân Đức về “hình ảnh thực sự của cuộc chiến cũng như hậu quả nó gây ra”.
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng, công dân Ba Lan và người gốc Ba Lan ở Đức nên được coi như một dân tộc thiểu số.
Warsaw nhấn mạnh, Berlin cần cư xử có trách nhiệm đối với “những nạn nhân của sự xâm lược” vì “những mất mát và tổn thương mà họ phải gánh chịu” dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng, Đức cần nhanh chóng giải quyết các khoản bồi thường để tránh làm tổn thương quan hệ 2 bên.
Ước tính, hàng triệu người ở Ba Lan đã thiệt mạng dưới tay quân đội Đức trong Thế chiến II.
Hôm 3/10, Ba Lan đã chính thức gửi công hàm yêu cầu bồi thường tới Đức. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tin tưởng các khoản bồi thường sẽ được Đức thanh toán, dù “không nhanh chóng”.
Một ngày sau đó, trong chuyến công du Ba Lan, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Đức từ chối trả bất cứ khoản bồi thường nào cho những thiệt hại của Ba Lan trong Thế chiến II. Bà Baerbock nhấn mạnh, vấn đề bồi thường giữa Đức và Ba Lan “đã khép lại” ở cấp chính phủ.
Đức nhiều lần nhấn mạnh rằng, Ba Lan đã từ bỏ quyền được bồi thường trong 2 hiệp ước ký với Đức vào năm 1953 và 1990. Tuy nhiên, Warsaw cho rằng, họ ký các văn bản trên một cách không tự nguyện.
Hôm 5/10, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias cho biết, Athens để ngỏ ý định yêu cầu Đức bồi thường về những tổn thất trong Thế chiến II. Theo một số nguồn tin, Hy Lạp có thể yêu cầu Đức bồi thường ít nhất 269 tỷ USD.
Hôm 27/10, Thủ tướng Đức Scholz bác bỏ khả năng Đức bồi thường cho Hy Lạp. Ông Scholz cho rằng vấn đề này “đã khép lại về mặt pháp lý và chính trị”.
Vương Nam – RT