Bình khí cười vận chuyển, buôn bán trái phép
Ngày 24/7, Đồn Biên phòng Non Nước, Bộ đội Biên phòng Tp.Đà Nẵng, cho biết đơn vị vừa bắt giữ hai vụ vận chuyển, mua bán khí cười (N₂O) trái phép, thu giữ tổng cộng 163 bình khí cùng nhiều thiết bị liên quan.
Cụ thể, lúc 16h30 ngày 23/7, trong quá trình triển khai kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm, lực lượng biên phòng phát hiện hai đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán khí cười trái phép tại địa bàn quản lý.

160 bình khí cười bị thu giữ tại Đà Nẵng.
Tang vật bị thu giữ gồm 16 bình loại 75 kg, 57 bình loại 12 kg, 19 bình loại 7 kg, 71 bình loại 5 kg; ba cân điện tử; một giá san chiết khí và nhiều vật dụng khác phục vụ hoạt động chiết nạp, kinh doanh khí cười.
Đồn Biên phòng Non Nước cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh nguồn gốc số tang vật, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng làm rõ các cá nhân liên quan, ngăn chặn nguy cơ hình thành đường dây cung ứng khí N₂O trái phép trên địa bàn.
Khí cười và những hiểm họa ẩn sau "cảm giác lâng lâng"
Trong khi đó, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết, khí N₂O, hay còn gọi là khí cười, là hợp chất được sử dụng hợp pháp trong y tế và công nghiệp, nhưng chỉ trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt. Trong vài năm gần đây, chất này bị lạm dụng tại các quán bar, karaoke, tụ điểm giải trí như một chất kích thích nhẹ, tạo cảm giác hưng phấn và "phiêu".
"Việc hít khí cười dù liều thấp hay cao đều ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh. Khi hít vào, người dùng có thể cảm thấy lâng lâng, ảo giác, nhưng đây chính là dấu hiệu cho thấy não đang bị tác động bất thường", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Khí N₂O làm bất hoạt vitamin B12, dưỡng chất thiết yếu bảo vệ lớp vỏ bao quanh dây thần kinh. Sự thiếu hụt kéo dài có thể khiến tủy sống thoái hóa, gây yếu cơ, liệt chi và khó phục hồi. "Chúng tôi từng tiếp nhận những bệnh nhân trẻ không thể đi lại bình thường chỉ sau vài tháng sử dụng bóng cười", bác sĩ Thanh cho biết.
Theo bác sĩ Thanh, người sử dụng lâu ngày có thể rơi vào trạng thái loạn thần, xuất hiện hoang tưởng, mất định hướng, thậm chí tấn công người khác trong trạng thái không kiểm soát. Có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không biết mình là ai, đang ở đâu, nghĩ rằng bị theo dõi hoặc sắp bị hại.
Ngoài thần kinh và tâm thần, bóng cười còn gây ảnh hưởng đến tủy xương, máu, hệ miễn dịch và khả năng sinh sản. Việc lạm dụng liều cao trong thời gian ngắn có thể dẫn đến ngộ độc cấp, rối loạn nhịp tim, ngừng thở, thậm chí tử vong. "Đã có những trường hợp tử vong vì bóng cười được ghi nhận tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới", bác sĩ Thanh cảnh báo.
Khí N₂O thuộc nhóm chất gây ảo giác, có nguy cơ nghiện về cả tâm lý lẫn sinh học. Người dùng ban đầu có thể chỉ "thử một lần cho biết", nhưng dễ rơi vào trạng thái lệ thuộc, liên tục tìm kiếm cảm giác "phê". Nhiều bệnh nhân khi nhập viện đã dùng kèm bóng cười với ma túy tổng hợp, cần sa và các chất kích thích khác.
"Đặc biệt, phần lớn người nghiện bóng cười rơi vào độ tuổi từ 16 đến 25. Nhiều em bị lôi kéo qua bạn bè, mạng xã hội hoặc tưởng rằng bóng cười là vô hại.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng Tp.Đà Nẵng liên tục ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán, tàng trữ khí cười trái phép, đặc biệt tại các tụ điểm vui chơi về đêm.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, xử lý hành vi vi phạm mới chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt trong giới trẻ, về tác hại thực sự của bóng cười.
"Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần đẩy mạnh các chương trình truyền thông, giáo dục học đường, tư vấn tâm lý, để thanh thiếu niên hiểu rõ và biết cách nói không với bóng cười", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.